LỰA CHỌN

68

 

Trong cuộc sống thường nhật ta thường có những sự lựa chọn với nhiều phương diện khác nhau như: thái độ đối với bản thân-tha nhân, tình cảm, mục tiêu, tương lai, nghề nghiệp, ước mơ, ý nghĩa cuộc đời… Nhưng những lựa chọn, quyết định đó có giúp ta thăng tiến bản thân hay những người xung quanh không? Có thể hiện sự tôn trọng hoặc bảo vệ tư cách, đạo đức của bản thân ta và người khác không? Đó là những vấn đề cần đặt ra cho sự lựa chọn.

Lựa chọn giữa điều tốt-điều xấu đã khó, giữa điều tốt và tốt hơn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy ông bà thường dạy con cháu: “làm người phải đắn phải đo/ phải toan phải tính phải dò nông sâu” (Ca dao Việt nam).

 

 

1.Bản chất của sự lựa chọn

Ngay từ “lựa chọn” cũng đã thể hiện bản chất của nó, “lựa” rồi sau đó mới “chọn”. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Có những lựa chọn làm ta đắn đo, giằng co, cân phân kỹ càng để tránh những lầm lẫn đáng tiếc. Vì sau những sự lựa chọn sẽ tạo ra những khúc quanh mới cho cuộc đời, và “kết quả cuối cùng của ta khi sống trên đời này, sẽ luôn là tổng số của những chọn lựa do ta đặt ra trong khi sống” (Shad Helmstetten).

Bản chất của sự lựa chọn đã là vấn đề, và không lựa chọn cũng là một chọn lựa. Tùy từng vấn đề, sự việc mà ta có từng tiêu chuẩn lựa chọn riêng, khi so sánh trên cùng một hay nhiều bình diện, để có cùng một giá trị hay không? Và giá trị đó là gì? Như sống trong thời hậu Khai Minh người ta cho rằng: “Tư duy khoa học là chìa khóa cho mọi vấn đề quan trọng trong thế giới này”. Nhưng thế giới giá trị hoàn toàn khác so với thế giới khoa học. Độ dài, cân nặng, khối lượng không thể so sánh với những giá trị đạo đức, tình yêu, công bình, bác ái…Do đó, dùng phương án tương đương khi so sánh trên nhiều phương diện, đó mới là chọn lựa khả dĩ.

Ngoài ra, khi đối diện với những lựa chọn khó, nó thường khai thác sức mạnh tiềm ẩn trong ta. Chính khi hội tụ đủ các yếu tố ngoại tại và nội tại, đến lúc thuận lợi nó sẽ tạo nên hiệu ứng mà ngay chính bản thân ta cũng không ngờ. Với lựa chọn khó ta có thể phản chiếu những yếu tố của nó vào bản thân, vào lý tưởng sống, mục đích sống của ta, và thông qua lựa chọn đó ta trở thành con người đó với chính căn tính của mình. Bởi vì những chọn lựa khó là:“nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn ngoan và là vực thẳm cho kẻ yếu đuối ”.

Và rồi, việc lựa chọn đúng hay sai không quan trọng cho bằng qua lựa chọn đó ta hiểu rõ hơn về: sự vật, hiện tượng, vấn đề quanh ta, và càng quý giá hơn là đào luyện bản thân, và hiểu rõ về bản ngã của mình. Vì “Tự biết mình” là điều quan trọng nhất, cấp thiết nhất, và cũng là triết lý mà triết gia Socrate cả đời đã rao giảng.

2.Thái độ khi lựa chọn

-Tham khảo ý kiến từ người khác. Chính ta cần chủ động trong những lựa chọn lớn nhỏ hằng ngày. Cuộc sống sẽ thành hay bại, ý nghĩa hay vô nghĩa, tầm thường hay cao quý đều do ta lựa chọn. Nhưng có nhiều thái độ khi đối diện với sự lựa chọn. Để tránh bớt những sai lầm, ta có thể đi bàn hỏi từ những bậc thầy thông thái, nhất là những người có kinh nghiệm chuyên môn về vấn đề ta đang cần suy tính. Qua đó ta có thêm kiến thức, kinh nghiệm, sự khôn ngoan để rồi quyết định lựa chọn của ta được thành công tốt đẹp.

Tự mình phân định. Ta có thể tự mình suy xét, lọc lựa, phân tích những lựa chọn. Nhiều người thường chia tờ giấy làm hai và liệt kê những phương án với thông tin, dữ liệu gồm ưu điểm, khuyết điểm; tích cực, tiêu cực…xét trên cùng một, hay nhiều phương diện, để rồi đưa hết lên bàn cân giá trị, và chọn ra một phương án khả thi nhất. Phương cách này khả quan, nhưng đòi ta xem xét sự lựa chọn này trong thái độ cụ thể, rõ ràng, khách quan.

Tin vào vận may. Cũng có người lo sợ lựa chọn của mình sẽ làm cuộc sống bế tắc nên đành phó mặc cho vận may rủi của nhân duyên. Họ có thể tung đồng xu lên và quan niệm rằng: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, hay theo kiểu: “ai nói sao tôi làm vậy” để rồi “vâng lời tối mặt”. Với quan niệm chủ quan này họ là người trôi giạt, vì cho phép sự hên xui, hay người khác viết lên kịch bản cuộc đời mình. Lối sống này dần thui chột óc sáng tạo, khả năng tư duy phán đoán. Tệ hơn nữa là đánh mất chính mình. Bởi vì lựa chọn khó có những cơ hội quý giá của nó. Vì vậy: “Người bản lĩnh thì tin vào bản thân mình, người tầm thường thì tin vào vận may” (Benjamin Disraeli).

Do dự vì muốn “bắt cá hai tay”. Có người muốn “bắt cá hai tay”, muốn chọn cả hai phương án. Nhưng khi tình thế đòi buộc chọn một trong hai thì họ lại đắn đo do dự. Có khi họ biết rõ những giá trị đích thực con đường phải đi nhưng lại không đủ can đảm để lựa chọn. Để rồi hậu quả tổn thất là lẽ đương nhiên. Trong bài hát Gieo bước hành trình có câu: “đừng phân vân, bi quan sẽ làm tất cả muộn màng, cuộc sống quanh ta luôn vội vã”. Vì vậy, khi tình trạng do dự kéo dài một nguồn năng lượng lớn trong ta nhanh chóng bị tiêu hủy. Để rồi chẳng được gì mà lại tổn thất hư hao, tệ hơn nữa có thể là mất trắng.

Sợ thất bại. Có nhiều người sợ thất bài đến nỗi không dám chọn lựa. Người xưa thường nói: “Tiên cũng có khi đọa, thánh cũng có khi lầm”. Abraham Lincoln đã kinh qua hết thất bại này đến thất bại khác trong suốt 28 năm. Năm 1833, ông mắc chứng suy nhược thần kinh và bị thua cuộc khi ra ứng cử chức vụ phát ngôn viên. Năm 1848, ông bị thua cuộc tái nhiệm chức vào Quốc Hội và bị gạt bỏ chức nhân viên đất đai (land officer) vào năm 1849. Năm 1854, ông bị thua trong cuộc bầu cử vào Thượng Nghị Viện. Hai năm sau ông lại bị thua trong cuộc bổ nhiệm vào chức phó tổng thống và một lần nữa thất bại trong cuộc bầu cử cho Thượng Nghị Viện năm 1858. Tuy nhiên, lòng ông vẫn kiên định, bất chấp những thất bại. Năm 1860, ông đắc cử tổng thống và đi vào lịch sử là một trong những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ. Vì vậy, hãy cứ mạnh dạn, can đảm bước đi trên con đường ta đã lựa chọn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng thổn thức: “Ai nên khôn không khốn một lần…dậy mà đi…” vì vậy “cứ đi ắt sẽ đến” (Ts. Alan).

3.Tình yêu là nền tảng của sự lựa chọn

Tình yêu là giá trị cao cả nhất. Bởi vì điều quan trọng làm nên cuộc sống cao đẹp không phải là: những tài sản lớn lao, học vị tiến sĩ, kỹ sư, chồng giỏi, vợ đẹp, con khôn hay được mọi người vỗ tay ca tụng…Nhưng, “vì Thiên Chúa là tình yêu nên giá trị lựa chọn chính yếu cũng là tình yêu. Tôi sẽ đưa giá trị đó vào trong những công việc rất bình thường của đời sống hằng ngày, để rồi lựa chọn hay làm việc tất cả đều phát xuất từ tình yêu mến Chúa và tình yêu thương anh chị em ” (x. HTXHCG, số 580).

4. Cầu nguyện trước những lựa chọn.

“ Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm tốt hơn ta” (x. Số 117 Đường Hi Vọng). Thật vậy, sống là hoạt động, mà sự hoạt động được hòa điệu trong tâm tình cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là phương cách giúp ta thoát ly nỗi lo lắng, sợ hãi,  nhưng cầu nguyện là thái độ sống tin yêu, phó thác. Khi cầu nguyện ta không mong Chúa đổi ý, cứu ta thoát khỏi những khổ ải, phiền não hay sự chết, nhưng cầu nguyện chính là gặp gỡ Chúa với nỗi lo lắng, giằng co của thân phận con người, mỏng giòn yếu đuối, để từ đó ta bình tâm và xác tín rằng : “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14,8)

Đi vào cầu nguyện, Ta sẽ đặt ý Chúa lên trên hết, nhất là trong những sự lựa chọn. Để rồi, nội tâm ta chan hòa sức sống, can đảm, mạnh mẽ, dễ chỗi dậy trong mọi tình trạng, vì tâm hồn luôn có Chúa ở cùng, chính Ngài sẽ nâng đỡ và làm cho ta những điều kỳ diệu (1V 19,1-8). Chúa muốn nói với ta như đã từng nói với Giôsuê rằng, “Ta há không có dặn ngươi sao? Hãy mạnh dạn và can đảm lên. Đừng sợ sệt, đừng chán nản, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi sẽ ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Gs 1,9).

5. Lựa chọn trong đức tin .

“Không phải lúc nào ta cũng hiểu hết con đường mình đã chọn, vì vậy chỉ cần tiên đoán hơn một nửa là may mắn lắm rồi. Phần còn lại ta tiếp tục trải nghiệm, khám phá với tất cả bản lĩnh tài năng của mình” (Thiền sư Minh Niệm). Lựa chọn, đây là quyết định để đi vào một cuộc hành trình và càng tuyệt vời hơn khi ta biết tin tưởng, phó thác đời mình trong tay Chúa. Để chính Ngài hoạch định nên cuộc đời ta “như ta là”. Vì mỗi người là một công trình riêng biệt của Thiên Chúa, mà Chúa Thánh Thần đang âm thầm xây dựng.

“Đức tin giúp chúng ta tiến bước và hiện hữu” (x. Is 7,9), và châm ngôn: “Crede ut intellias” nghĩa là “Tin để hiểu”. Tin thác vào Chúa để hiểu Chúa hơn và thấy được Chúa đang đồng hành với ta trong những chọn lựa, quyết định để rồi ta càng có thêm những kinh nghiệm mới về chính mình và về Thiên Chúa, bởi vì “những kinh nghiệm mới về Thiên Chúa được định hình nhờ đức tin có sẵn” (Nhà thần học Ormond Rush).

Nhìn lại lịch sử Cựu ước và Tân ước, có nhiều mẫu gương đáng để ta học hỏi trong vấn đề chọn lựa. Nổi bật là tổ phụ Apraham. Khi đã 75 tuổi, Ngài ra đi về vùng đất mà Thiên Chúa chỉ định với sự vâng phục trong đức tin. Khi phải đem người con duy nhất lên núi hiến tế, Ngài cũng một lòng ký thác nới Thiên Chúa…Ngài có tự do để lựa chọn theo ý riêng mình. Nhưng đức tin dẫn dắt sự chọn lựa, để rồi Apraham được đẹp lòng Thiên Chúa và được lưu danh hậu thế như là cha của vô số dân tộc, là cha của kẻ tin. Mẹ Maria cũng vậy, đối diện với những sự lựa chọn: cưu mang Đấng Cứu Thế, làm Mẹ Thiên Chúa, đồng công chuộc tội nhân loại…Có thể xem những chọn lựa của Mẹ là đi vào cuộc phiêu lưu, mà có thể nguy hai đến cả tính mạng. Nhưng từ tiếng “xin vâng” trong đức tin, Mẹ đã vâng phục Thiên Chúa cách triệt để (x. Lc 1,45). Để rồi Mẹ được Thiên Chúa vinh thưởng với biết bao danh hiệu cao vời, và đời đời ca tụng.

Tóm lại, “ta đừng quá lo lắng cho con đường mình đã chọn hay phải chọn, vì thái độ bước đi trên con đường đó mới thực sự quan trọng” (x. Hiểu về trái tim). Thái độ đó là: “can đảm bước đi trên những lựa chọn của mình với tất cả trí tuệ, sức mạnh của con tim và niềm tin tưởng lạc quan nơi quyền năng của Thiên Chúa, Đấng tác tạo và hướng dẫn muôn vật theo kế hoạch yêu thương nhiệm màu của Ngài”  (x. Đường vào thần học về tôn giáo- Nguyễn Thái Hợp, O.P).