Alexandre Jollien, văn sĩ, triết gia sinh năm 1945 ở Savièse, Thụy Sĩ. Quyển sách mới nhất của ông: Sống không biết tại sao: Hành trình thiêng liêng của một triết gia ở Nam Hàn. (Vivre sans pourquoi: Itinéraire spirituel d’un philosophe en Corée, au Seuil.)
Triết gia Nietzsche đã dứt khoát khi viết: “Giá trị đạo đức, đó là bản năng tập quần nơi cá thể” (La moralité, c’est l’instinct grégaire chez l’individu, Le Gai Savoir ). Vậy là trong sáng, rõ nét, chính xác, không úp mở, tất cả các xi-măng xã hội khác nhau nhằm nối kết cá thể lại với nhau đáng để xem lại. Trước hết tôi thấy nơi lời của cha đẻ ra nhân vật Zarathoustra một lời mời gọi thống thiết, một hèo như các thiền sư ngày xưa dùng để nện môn sinh đang còn mơ ngủ. Chúng ta không làm gì vì sợ cô đơn? Chúng ta có sẵn sàng thỏa hiệp, thậm chí có thể mất thanh danh vì sợ mình là những người cô độc trên thế giới? Đâu là động lực cho các hành động của chúng ta, đâu là nguồn gốc các tình bạn của chúng ta, đâu là các mối liên kết, các tình yêu của chúng ta? Triết gia Heidegger, một độc giả xuất chúng của triết gia Nietzsche, sẽ nhớ lại bài học khi nêu ra sự độc tài của “người ta”. Một loại áp lực xã hội, sợ bị ra rìa có thể lập trình bản thể của chúng ta ở thế giới này. Hiểm nguy lúc đó là, bắt chước, sao chép, phẫn nộ như “người ta” phẫn nộ, yêu như “người ta”yêu, đọc sách này sách kia như “người ta”, như xã hội, như chuẩn mực kêu đọc sách này sách kia cho hợp thời.
Còn lâu mới kéo được tôi để tôi có được một khẳng định ngu xuẫn về bản thân, về ý nghĩ điên cuồng tôi là người đặc biệt, riêng biệt, triết gia của sự mãi mãi trở về (Nietzsche) mãnh liệt mời gọi tôi đến gần với tha nhân, yêu họ không tính toán, và nhất là không biến họ thành dụng cụ trong nhà, thành công cụ, thậm chí thành đôi nạng, một loại thuốc an thần, thuốc gây mê cho sự ‘khó ở’ của tôi. Xét cho cùng, đây chỉ có thể là sáng tạo ra mỗi ngày một đức ái quảng đại, có nghĩa là không thu vào chính mình và trốn tất cả mọi hình thức kiêu căng. Vì, như một câu ngạn ngữ Phi Châu đưa ra, bàn tay cho luôn ở trên bàn tay nhận. Đúng, thêm một lần nữa, nâng đỡ ai là, theo một cách nào đó, gần như ngoài ý muốn của mình, ít nhiều là hạ thấp họ. Và nếu, không muốn tham dự vào “bầy đàn” (thuật ngữ của Nietzsche), cũng không muốn xóa mình (một hình thức theo lề lối chung nhưng làm ngược lại), thì chúng ta có bỏ thì giờ ra để nhìn người ngồi bên vệ đường không? Chúng ta nhớ lại người Samaritanô. Cho lần này, chúng ta bắt chước người Samaritanô, chính là rời đường lối quen thuộc, dám đưa tay ra, dám phơi cái tôi, dám lấy tiền riêng của mình để tặng người khác một cách nhưng không.
Vì vậy, chắc chắn đây không phải là một loại mã đạo đức nội tại, cũng không phải là một đường lối thiết thân nhằm thúc đẩy chúng ta hành động, nhưng đúng hơn là một quả tim trần được tràn ngập, một quả tim không có gì che chở, một quả tim tràn ngập vui tươi để đi ra, để cho không dè dặt. Không có ngân hàng của tình yêu, và đó là hạnh phúc. Vì trong lãnh vực này, sẽ là tâm hồn ti tiện khi trở thành người buôn bán, đổi chác, siêu-tính toán, hám lợi, chỉ ngấp nghé dòm tiền cho ra quay về. Tôi thích một tư tưởng gia vô thần, không hợp thời (Nietzsche), đến lay tỉnh để chúng ta lao mình không chút dè dặt trên con đường của Tin Mừng. Xét cho cùng, chúng ta được mời gọi để không dính vào bất cứ đâu, nhất là không ở trong một đức ái dấu yêu, tự hào xem như của riêng của mình. Và kệ, nếu tôi sợ cô đơn, nếu từ sáng đến chiều tôi trốn cô đơn, nếu sự cô lập làm tôi hãi sợ, làm tôi run rẩy. Miễn là tôi không lừa chính tôi, tôi biến sự bất lực này thành cơ hội để tôi thức tỉnh. Một cơ hội quá lớn để được mở ra không ngừng với người khác, để giải phóng mình khỏi cả ý tưởng có ngày mình được hưởng những gì mình đã đối xử.