Một thoáng Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn

203

Cả một lịch sử “bí ẩn” trên nóc nhà thờ Đức Bà… và dự án làm mới nhà thờ.

Các chuyên gia về xây dựng khi tham gia sửa chữa nhà thờ Đức Bà đã bất ngờ phát hiện cả một kho báu chứng tích nghề làm gạch ngói thủ công của nước nhà trên nóc nhà thờ Đức Bà.

Trước việc công ty Eurohaus của bà Phương Thanh – công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng tổng thầu vật liệu xây dựng cho công trình sửa chữa nhà thờ Đức Bà cho rằng, ngói lợp mái nhà thờ là ngói Marseillaise-Acier của Pháp nên đã tư vấn cho các cha có trách nhiệm việc sửa chữa nhà thờ là phải thay toàn bộ ngói bằng ngói Marseillaise này, với giá được đội lên rất đắt, các chuyên gia xây dựng VN đã dày công tìm hiểu thế giới trên nóc nhà thờ.

Điều bất ngờ là họ phát hiện ra trên nóc nhà thờ tồn tại 24 loại ngói khác nhau. Trong đó đa số là các loại ngói sản xuất ở VN như ngói Biên Hoà, Trị An, Nam Kỳ, Đông Dương, Phú Hữu (Cần Thơ), Đáp Cầu (Bắc Ninh)…

Đặc biệt ngói cổ nhất lại là ngói Wang-Tai Sài Sòn.

Điều đó chứng tỏ nhà thờ đã nhiều lần sửa chữa mái và thay nhiều loại ngói khác nhau. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, loại ngói nào chính là loại ngói đầu tiên lợp mái nhà thờ? Phải chăng là ngói Marseillaise mang từ Pháp qua?

Tìm hiểu về lịch sử ra đời các lò ngói của Pháp thì rõ ràng Marseillaise là nơi ra đời những loại ngói từ trước khi xây dựng nhà thờ Đức Bà. Nhưng lúc đó sản lượng cung cho Pháp không đủ nên không dễ cung cấp nhiều cho việc xây dựng ở VN. Đồng thời kiểm tra lượng ngói Marseillaise còn trên nóc nhà thờ thì thấy không có nhiều mà đa phần là ngói bản địa.

Khi khảo cổ tại nền nhà thờ người ta phát hiện nhiều mảnh vỡ của ngói WT gắn với thời kỳ bắt đầu xây nhà thờ 140 năm trước.

Tìm hiểu về WT thì được biết, loại ngói WT được sản xuất tại chính các lò gốm Sài Gòn từ năm 1860 đến 1900 bởi doanh nhân Trương Bá Lâm (1827-1900). Trong cuộc triển lãm công nghiệp 1880 gạch ngói của ông Lâm được huy chương bạc. Sản phẩm này cũng từng dự Triển lãm 1878 tại Paris được đánh giá cao.

Qua các khảo sát và khảo cổ, có thể kết luận rằng ngói Wang-Tai Sài Gòn chính là loại ngói đầu tiên được lợp nóc nhà thờ Đức Bà. Theo thời gian sửa chữa, loại ngói đầu tiên này phần nhiều được thay thế bởi các loại ngói sản xuất ở VN khác cùng một số ngói nước ngoài.

Nhà thờ Đức Bà gắn với lịch sử tôn giáo, văn hoá kiến trúc SG, việc xác định chân thực giá trị các vật liệu xây dựng của người Việt làm nên nhà thờ có ý nghĩa không nhỏ liên quan đến lịch sử ngành nghề vật liệu xây dựng ở SG và VN.

Nếu thay toàn bộ ngói mà đa số là ngói có câu chuyện lịch sử này hiện đa số còn tốt, bằng toàn bộ ngói nước ngoài là một việc làm thiếu tinh tế với lịch sử và niềm tự hào dân tộc Việt và cũng quá lãng phí.

Gã rất mong các chuyên gia di sản và quản lý ngành văn hoá, kiến trúc nước nhà cùng các cha có trách nhiệm việc bảo vệ nhà thờ xem xét lại việc này.

Đó là chưa kể gã hóng hớt được tin vỉa hè chưa rõ đúng hay sai thì các nhà phân phối vật tư xây dựng Eurohaus đã quá tích cực với việc làm mới nhà thờ này bằng cách tư vấn cho các cha là cần thay toàn bộ gạch nhà thờ bằng gạch tây.

Ồ, nếu đó là sự thật thì gã đã hiểu vì sao việc sửa chữa nhà thờ lại cần kéo dài thêm 5 năm nữa rồi.

Tiền của giáo dân kính Chúa đâu phải tiền chùa?

Gã không quan niệm vấn đề tôn giáo là nhậy cảm vì dù bất cứ tôn giáo nào Phật, Công giáo, Hồi giáo, Cao đài, Hoà hảo hay học thuyết cộng sản được ai đó nâng lên hàng tôn giáo thì cũng là một phần của lịch sử dân tộc và cũng là một phần cơ thể đồng bào Việt.

Gã không thể làm ngơ khi biết việc trùng tu nhà thờ Đức Bà SG hiện nay đang dẫn đến việc bảo tồn các giá trị bị đảo lộn.

Một nhà sử học tên tuổi nói với gã rằng, phương án trùng tu đã được Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc TP duyệt, không có chuyện thay toàn bộ gạch ngói cũ bằng gạch ngói mới của nước ngoài mà chỉ thay những viên nào hư hỏng và nguyên tắc thay là dùng vật liệu trong nước để nâng cao giá trị dân tộc.

Thực tế thì sao?

Những người phụ trách trùng tu đã đưa thống kê sai khi cho rằng đa số ngói lợp nhà thờ là ngói của Pháp và đã bị hư hỏng gần hết nên phải thay bằng ngói của Pháp và của Đức mới.(Hôm qua gã đã nói rõ ngói cũ của nhà thờ đa số là ngói VN và ngói đầu tiên lợp nhà thờ là ngói Quảng đạib- Wang Tai SG làm từ các lò gốm SG).

Báo Công giáo và Dân tộc đã đưa số liệu công khai từ ban trùng tu mà công ty Ẻuohaus- công ty chuyên bán vật tư xây dựng đề xuất và được chấp nhận, như sau:

– Mái cao nhất dt 1800 m2 lợp ngói Marseillaise, do cty Monie SA Pháp cung cấp.

– Mái trung gian dt 1200 m2 lợp ngói vảy cá, do cty Meyer – Holsen Đức cung cấp.

– Mái thấp dt 300 m2 lợp ngói âm dương do cty Meyer – Holsen cung cấp.

Và báo Đồng Hành số 4.2018 có bài viết: “Những khúc mắc trong việc trùng tu nhà thờ Đức Bà” dựa theo báo cáo tổng quát của ban trùng tu thì nhà thờ đã mua về VN 110.000 viên ngói của các cty trên.

Với số lượng ngói đã mua khổng lồ vậy không thể chỉ để thay những viên nào đã hư hỏng.

Vậy HĐQHKT TP có biết sự thật này không khi các nhà trùng tu đưa ra phương án để phê duyệt một đàng còn thực tế một nẻo?

Chưa hết, vòi bạch tuộc lộ ra ở đây:

Cũng theo báo Đồng Hành thì theo báo cáo của ban trùng tu số tiền bỏ ra để mua số ngói kia là 19 tỉ đồng. Bình quân giá mua một viên ngói này cao gấp 5 lần giá bán lẻ các loại ngói này tại Pháp và Đức. Giá trung bình ban trùng tu mua là 172.000 đ/viên, trong khi giá bán lẻ là 0,99 euro/viên – tương đương 24.000 đ.

Vấn đề gã quan tâm là tiền để trùng tu không phải tiền của TGM SG hay tiền của nhà thờ Đức Bà hay tiền của Vatican mà là tiền đóng góp của giáo dân.

Giáo dân là người dân thưa các quý ngài!

Tiền mồ hôi nước mắt của người dân kính Chúa đâu phải tiền chùa?

Còn nữa…

Gã sẽ kể tiếp.

P/s: Hình ảnh dưới là rao bán trên mạng, giá bán lẻ ngói Marseillaise 0,99 euro/viên mà Eurohaus cung cấp cho nhà thờ Đức Bà với giá trời ơi…

Viết tiếp “bí ẩn ” ở nhà thờ Đức Bà

Gã muốn dừng lại chuyện “bí ẩn ” không vui vẻ gì ở nhà thờ Đức Bà để cùng nhà báo Vũ Kim Hạnh nguyên tbt báo Tuổi trẻ quan tâm sự kiện rất quan trọng với kinh tế xã hội nước nhà đó là Hiệp định CPTPP chính thức được thực hiện ở VN.

Nhưng do đã chót hứa cho bà con giáo dân và những ai quan tâm công trình công giáo đẹp nhất SG này hiểu rõ hơn những gì đã và đang diễn ra ở đây, gã đành hầu chuyện tiếp.

Hiện người trực tiếp điều hành ban trùng tu không phải cha Xuân mà là cha K. Gã được biết cha K đã từng ra lệnh cho các công nhân sửa chữa nhà thờ tiêu diệt hết tất cả các loại chim bao năm sống chung trên mái nhà thờ quen thuộc từng tiếng chuông ngân.

Một giáo dân tham gia sửa chữa nhà thờ phản ứng vì cho rằng các loại chim dơi, én, bồ câu, sẻ … gắn bó với nhà thờ và là một phần sinh động cuộc sống kính Chúa sao lại bị diệt?

Gã phải kể chuyện này vì nó dắt dây đến những điều khó hiểu về các giá trị mà cha K chính là người khó thoái thác trách nhiệm khi để cty Eurohaus tự do thao túng việc trùng tu nhà thờ.

Các khó hiểu đó là:
– Không tuân thủ quy trình trùng tu một kiến trúc cổ đó là các bước đánh giá thực trạng, lịch sử di tích, phương pháp trùng tu , chọn chuyên gia, chọn nhà thầu, đấu giá nhà cung cấp vật tư. Mà lại chon nhà cung cấp vật tư tức cty Eurohaus trước rồi để cty này thao túng mọi hoạt động của việc trùng tu.
– Không nghe các tư vấn, phản biện có trách nhiệm
của ban giám sát thi công gồm các kĩ sư đa số là giáo dân có kinh nghiệm xây dựng và sửa chữa nhà thờ do chính cha Xuân tuyển chọn.
-Không có biện pháp kiểm soát ngăn chặn việc mua vật tư với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường gây tổn thất lớn hàng chục tỷ đồng tiền đóng góp của giáo dân.

Cụ thể: giá ngói tây Marseillaise chỉ 26.000 đồng bị đẩy lên thành 80.000 đồng. Giá này nhà cung cấp có thể lý giải chi phí vận chuyển, lưu kho, thuế nên đội cao. Thực chất vật tư không hề lưu kho mà để tại các cơ sở tôn giáo và thuế không bị đánh vì đây là vật tư phục vụ tôn giáo được ưu tiên miễn thuế.

Ngói vảy cá của Đức giá 10.000 đ/ viên đẩy lên 150.570 đ/ viên.

Ngói âm dương của Đức được đẩy lên 323.465 đ/ viên cao gấp đôi giá ngói tây.
VV…

Các vật tư khác như sắt, thép, tôn kẽm làm máng xối cũng được đội giá khủng.

Chưa hết ban trùng tu không hiểu vì lý do quá sùng ngoại mà quên câu nói tâm huyết của các cha bề trên là “công giáo luôn đồng hành cùng dân tộc ” đã chấp nhận cho nhập cả vữa ngoại, cát ngoại .

Cty cung cấp vật tư đã thuyết phục ai đó rằng giá ngói cao ngất vì là ngói đặc biệt được đặt để làm riêng cho nhà thờ Đức Bà.

Thực tế không hề vậy vì bất cứ ai cũng có thể đặt mua số lượng lớn các vật tư trên tại các đại lý và tại chính hãng sản xuất với nhiều ưu đãi nếu mua số lượng lớn.

Cty cung cấp vật tư Eurohaus còn đưa ra một đội ngũ chuyên gia nước ngoài tham gia việc trùng tu, nhưng nếu tìm hiểu kĩ các nhân vật nước ngoài này thì không có ai là chuyên gia việc trùng tu di tích cả. Họ đa số là người của các hãng sản xuất vật tư có vai trò hướng dẫn lắp đặt vật tư theo kĩ thuật của hãng mà thôi.

Điều đáng lo ngại hơn cả mà các giáo dân tham gia việc trùng tu muốn lên tiếng đó là chất lượng thi công rất kém. Có rất nhiều chứng cứ, hình ảnh về sự thật đáng lo ngại này nếu TGM và ai đó có trách nhiệm với nhà thờ quan tâm, gã sẽ cung cấp.

Gã rất đau lòng trước những sự thật trên. Tuy không theo đạo công giáo nhưng gã luôn kính mến phẩm chất của đa số giáo dân và gã luôn kính trọng các đức cha bề trên để cả cuộc đời hy sinh cho cái đẹp của đạo, nhưng vì mong muốn nhà thờ Đức Bà luôn xứng đáng là biểu tượng đức tin của người công giáo SG, nơi hàng ngày vang lên và bay xa tiếng chuông nguyện cầu sự thánh thiện, gã buộc viết loạt bài trên để mong mọi người cùng cứu lấy các giá trị của nhà thờ.

Tác giả : Lưu Trọng Văn

mọi người xem để tham khảo và rộng đường dư luận

49274321_2249618948696663_1588491837654433792_n 49653950_2250288208629737_5939611188189986816_n 49698557_2249619035363321_7551859769858850816_n 49721776_2249618992029992_1943177027301408768_n 50095631_2249618975363327_6789678919369883648_n 50128991_2249618968696661_3258661643902517248_n

 

Previous articleTHÁI AN VÀ VÒNG TAY YÊU THƯƠNG : “MỖI NGƯỜI PHẢI MANG TRONG MÌNH CỤC THAN HỒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA”
Next article8 lý do nên yêu quý những người ghét bạn.