Năm Ðặc biệt kính thánh Cả Giuse

41

Năm Ðặc biệt kính thánh Cả Giuse

Ngày 8.12, Ðức Giáo Hoàng đã ban hành tông thư Patris corde (Với Trái tim người cha) nhân kỷ niệm 150 năm Ðức Piô IX (1846-1878) ra sắc lệnh Quemadmodum Deus (8.12.1870) tuyên bố thánh Giuse là quan thầy của Giáo hội hoàn vũ.

Ðánh dấu cột mốc quan trọng này, Ðức Thánh Cha đã lập Năm Ðặc Biệt về thánh Giuse, từ ngày 8.12.2020 đến 8.12.2021. Trong Patris corde, Ðức Phanxicô đã khắc họa về thánh nhân ở nhiều góc độ. Tông thư nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của những người bình dị, vốn ở xa những hào quang của danh vọng, nhưng họ có sự nhẫn nại, thắp lên niềm hy vọng và chấp nhận cùng gánh lấy trách nhiệm. Thánh Giuse cũng vậy, là “người không nổi bật, người vẫn hiện diện hằng ngày, một cách thầm lặng và kín đáo”, nhưng cũng là đấng “đóng vai trò không gì sánh được trong lịch sử Cứu độ”.

Người cha được yêu mến, dịu dàng và vâng phục

Ðức Phanxicô nhắc lại một ý trong bài giảng của Ðức Phaolô VI vào tháng 3.1966: “Thánh Giuse đã thể hiện lòng phụ tử qua việc dâng hiến bản thân, tấm lòng và trọn vẹn tình yêu thương để phục vụ đấng Messiah”. Chính vì “vai trò bản lề, giúp kết nối Cựu Ước và Tân Ước” mà ngài “luôn rất được cộng đoàn Dân Chúa yêu mến”.

Nơi thánh nhân, “Ðức Giêsu đã nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa”“là điều giúp chúng ta chấp nhận sự yếu đuối của bản thân”, bởi vì qua đó, “bất chấp sự yếu đuối của chúng ta”, ý Chúa đã được thực hiện. “Chỉ có sự dịu dàng mới cứu được chúng ta trước những kẻ buộc tội”, và khi gặp được Lòng Thương Xót của Chúa, nhất là trong Bí tích Hòa giải, “chúng ta mới có thể cảm nghiệm được sự thật và sự dịu dàng”. Bởi vì Chúa không kết tội, mà Người đón nhận, đỡ nâng và tha thứ cho chúng ta.

Thánh Giuse cũng là một người cha hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, nhờ vậy, đã cứu được Ðức Maria, Ðức Giêsu và ngài dạy cho Con “làm theo ý Cha”. Ðược Chúa mời gọi phục vụ cho sứ mệnh của Chúa Giêsu, ngài toàn tâm toàn ý dấn thân vào sự huyền nhiệm của ơn Cứu độ.

Người cha sẵn lòng đón nhận

Thánh Giuse còn là “người cha của sự đón nhận”, vì ngài đã tiếp đón Ðức Maria “vô điều kiện”, một hành động rất quan trọng và đầy ý nghĩa, kể cả vào thời nay, “thời mà sự bạo hành về tinh thần, ngôn từ và thể xác đối với phụ nữ vẫn còn đầy rẫy”. Thánh Cả, bằng lòng tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa, đã đón nhận vào đời mình những biến cố mà ngài không thể hiểu được, sẵn sàng gạt sang bên những suy tư của bản thân. Ðời sống tinh thần của thánh Giuse “không phải là hành trình để giải thích, mà là hành trình đón nhận”. Nhưng không phải vì thế mà ngài trở nên thụ động, ngược lại, thánh nhân “dấn thân một cách mạnh mẽ và can đảm”, với sức mạnh từ niềm hy vọng của Chúa Thánh Thần.

Lời Chúa nói với Thánh Cả, Người cũng lặp lại với chúng ta: “Ðừng sợ hãi!”. Vì “đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi điều xảy ra, dù là vui hay buồn”, và giúp chúng ta ý thức đươc rằng “Chúa làm hoa nảy nở từ sỏi đá”. Chẳng những thánh Giuse không tìm cách thoái thác, mà đã đối diện một cách kiên cường với những gì xảy ra cho mình. Như vậy, sự đón nhận của ngài mời gọi chúng ta cũng đón nhận mọi người, không loại trừ ai, và đặc biệt mở rộng vòng tay với những người yếu thế.

Người cha can đảm và sáng tạo

Patris corde nhắc đến “sự can đảm một cách sáng tạo” của thánh Giuse. “Người thợ mộc thành Nazareth” biết cách biến chuyển khó khăn thành cơ hội, và luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Ngài phải đương đầu với những vấn đề mà các gia đình có thể gặp phải, nhất là di dân. Ðức Thánh Cha viết: “Ở góc nhìn này, tôi tin rằng thánh Giuse thật sự là quan thầy cho tất cả những người phải ly hương vì chiến tranh, vì sự ghen ghét, vì bị bách hại hay do hoàn cảnh túng quẫn”. Là người bảo vệ Chúa Hài Ðồng và Ðức Maria, Thánh Cả “không thể nào không là đấng bảo trợ cho Giáo hội”. Mỗi người nghèo, người đau khổ, người đang hấp hối, người bị tù đày, người bị xem là kẻ xa lạ, hay mỗi bệnh nhân đều là những “Hài nhi” mà thánh nhân vẫn tiếp tục che chở. Và qua ngài, chúng ta học được cách “yêu mến Giáo hội của người nghèo”.

Người cha chỉ bảo niềm vui lao động

Người thợ mộc thành Nazareth cần mẫn làm việc để nuôi gia đình đã dạy chúng ta “giá trị, phẩm chất và niềm vui khi ăn bánh trái là thành quả lao động của mình”. Từ hình ảnh thánh Giuse, Ðức Phanxicô mời gọi mọi người xem trọng lao động, “một vấn đề cấp thiết của xã hội”, kể cả ở những đất nước mà dân chúng được sống trong nhiều tiện nghi: “Cần hiểu và nhận thức lại rằng, lao động mang lại phẩm giá, và tham gia vào chính sự Cứu độ”.

Những người làm việc hăng say thì “cộng tác với Thiên Chúa” và phần nào đó sẽ tác động đến những ai xung quanh mình. Vì vậy, chúng ta được khích lệ khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động để tạo thành chuẩn mực mới, trong đó, không ai bị loại trừ. Liên hệ với sự nghiêm trọng của dịch Covid-19, Ðức Thánh Cha mời gọi xã hội “xem lại những ưu tiên” để hướng về mục tiêu “không bạn trẻ nào, không người nào, không gia đình nào thất nghiệp”.

Người cha là bóng mát

Ðức Giáo Hoàng mô tả tình phụ tử của thánh Giuse với Ðức Giêsu như “bóng mát trên trần thế của Thiên Chúa”. Ðức Phanxicô giảng giải: “Chúng ta không sinh ra đã là cha, mà chúng ta sẽ trở thành cha khi chăm sóc một hài nhi, và chịu trách nhiệm về cuộc đời của con”. Ðiều đáng buồn là trong xã hội ngày nay, nhiều đứa trẻ còn cha nhưng như mồ côi vì không có một người cha có khả năng đưa con đến với những trải nghiệm của cuộc đời, không cần níu giữ hay chi phối, mà để con được chọn lựa, được tự do. Thánh Giuse hoàn toàn không chi phối hay áp đặt, ngài “biết thương yêu một cách hoàn toàn tự do” để đặt Ðức Maria và Chúa Giêsu làm trung tâm đời mình.

Niềm hạnh phúc của Thánh Cả là “cho đi chính bản thân”, không bao giờ bất mãn nhưng hằng tin tưởng. Ngài luôn thầm lặng, không oán thán và chính là gương mẫu cho một thế giới “đang cần những người cha, và chối từ các cấp trên – những người bị lẫn lộn giữa uy quyền với chuyên quyền, giữa phục vụ với lệ thuộc, giữa sức mạnh với hủy diệt…”. Một người cha chân chính sẽ tôn trọng sự tự do, bởi vì tình phụ tử trọn vẹn sẽ làm người cha trở nên “vô ích” vào thời điểm con trẻ trở nên độc lập và tự bước đi trên hành trình cuộc đời. Làm cha, Ðức Phanxicô kết luận, không bao giờ đồng nghĩa với chiếm hữu, mà là “dấu chỉ cho một tình phụ tử cao hơn”“nơi Thiên Chúa”

Ơn Toàn xáCùng ngày 8.12, Tòa Ân giải Tối cao cũng công bố sắc lệnh ban các ơn toàn xá nhân Năm Ðặc biệt về thánh Giuse. Ơn Toàn xá được ban với các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Thánh Cha) cho các tín hữu thực tâm xa lánh tội lỗi và sốt sắng tham dự Năm Ðặc Biệt này trong những dịp và với cách thức được Tòa Ân giải Tối cao quy định.
Theo tông thư, từ hơn 40 năm qua, hằng ngày Ðức Thánh Cha Phanxicô đều đọc kinh nguyện thánh Giuse, lấy trong cổ thư tiếng Pháp có từ những năm 1800 của dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ðây là lời nguyện thể hiện sự sùng kính và lòng cậy trông nơi Thánh Cả. Lan Chi