Nghề trang điểm

43

Có một bà làm nghề sửa sang sắc đẹp cho phụ nữ đã lâu năm. Bà rất tài nghệ trong nghề trang điểm cho nên trở thành người nổi tiếng.

Một nhà văn nổi tiếng thì nghĩ rằng, làm nghề trang điểm tuy rất cần có kiến thức, nhưng chẳng qua đó cũng chỉ là chuyện tô điểm làn da mặt bên ngoài mà thôi, không cần dùng đến nhiều trí tuệ.

Và nghề trang điểm bên ngoài hoàn toàn khác hẳn với lĩnh vực văn học của một nhà văn. Tuy nghĩ vậy, song nhà văn nổi tính tò mò rất muốn tìm hiểu nghề trang điểm. Ông đi gặp bà ta và nêu câu hỏi:

– Thưa bà, bà là người có nhiều năm nghiên cứu công việc trang điểm sắc đẹp. Theo bà thì người thế nào mới được gọi là người biết trang điểm? Và mức độ cao nhất của sự trang điểm là gì ?

Trước câu hỏi này, bà kỹ thuật trang điểm liền mỉm một nụ cười sâu sắc. Bà nói :

– Thưa ông, tôi có thể dùng hai chữ để nói lên mức độ cao nhất của sự trang điểm, đó là “tự nhiên”.

Phải trang điểm thế nào để người ngoài nhìn vào không nhận ra được người đó đã qua trang điểm.

Vì thế việc trang điểm phải là sự phối hợp khéo léo với người được trang điểm, sao cho có thể biểu lộ được tính cách và khí chất của người được trang điểm một cách tự nhiên. Đó chính là mức độ trang điểm cao nhất.

Mức độ thứ hai là trang điểm để tạo ra những nét nổi bật khiến cho mọi người phải để ý tới người được trang điểm.

Mức độ thứ ba là sau khi trang điểm xong, vừa đứng dậy khỏi ghế, người ta đã nhận ra ngay là người này đã được trang điểm rất kỹ. Mức độ này dành cho những người muốn che giấu một khuyết điểm nào đó hoặc che giấu tuổi tác.

Mức độ kém nhất là sau khi hoá trang sẽ làm thay đổi cá tính của người được trang điểm, đồng thời còn làm mất đi sự hài hoà của ngũ quan.

Chẳng hạn, người có cặp mắt bé tẹo, lại đi tô thật đậm đôi hàng lông mày. Người có khuôn mặt to được bôi phấn thật trắng. Người có cái miệng rộng lại đi tô môi làm môi đỏ chót…

Nhà kỹ thuật trang điểm thấy nhà văn chăm chú lắng nghe liền nói tiếp:

– Cách trang điểm như vậy thử hỏi rằng có khác gì với chuyện viết văn ?

Nhà viết văn trả lời:

– Bài văn tồi nhất là bài văn chỉ biết chồng chất những câu, những từ, không hề phản ảnh được cá tính của tác giả.

– Bài văn khá hơn là bài văn có nhiều câu hấp dẫn, nhưng người đọc cũng có thể nhận ra được sự đẹp đẽ chẳng qua chỉ là sự tô điểm của văn chương.

– Bài văn hay nhất phải là sự biểu lộ tự nhiên của tác giả, không phải là sự chồng chất các câu, các từ. Khi đọc nó, người đọc không hề biết mình đang đọc văn chương mà tưởng như mình đang đọc cuộc sống.

Ô! Đây quả thực là một kiến thức rất uyên thâm? Nhưng thưa bà, việc trang điểm chẳng qua cũng chỉ là một sự tô vẽ bên ngoài !

– Không đúng!

– Bà kỹ thuật trang điểm bác ngay cách nghĩ của nhà văn. Việc tô vẽ chẳng qua chỉ là chi tiết cuối cùng, vì nó không làm thay đổi được sự thật.

Sự trang điểm ở mức độ sâu, phải là sự thay đổi thể chất, khiến cho một người thay đổi hẳn cách sống, phải được ngủ nghỉ đầy đủ, phải chú ý tăng cường vận động và dinh dưỡng.

Khi đó, làn da của người được trang điểm sẽ được cải thiện sáng bóng. Thêm vào đó, tinh thần khoan khoái sẽ tạo được hiệu quả nhiều hơn là trang điểm.

Ở mức sâu hơn nữa là làm thay đổi khí chất, chăm đọc sách, hay đi nghe ca nhạc, thưởng thức nghệ thuật, năng suy nghĩ, sống lạc quan, tin tưởng ở cuộc đời, lòng dạ lương thiện, hay quan tâm săn sóc giúp đỡ người khác, luôn giữ được sự đoan chính trang nghiêm.

Người như vậy không cần trang điểm.

Sự trang điểm trên bộ mặt chỉ là một chuyện nhỏ. Tôi xin dùng ba câu đơn giản để nói rõ việc này:

– Trang điểm trên bộ mặt là loại trang điểm hạng ba.- Trang điểm tinh thần là loại trang điểm hạng hai

– Trang điểm cuộc đời mới là trang điểm hạng nhất.

Nhà văn gật đầu lia lịa.
Bà kỹ thuật trang điểm liền kết luận:
Nhà văn các ông cũng chẳng phải là những nhà trang điểm đó sao ?

– Văn hạng ba là loại văn tô điểm trau chuốt các từ.

– Văn hạng hai là loại văn tô điểm tinh thần.

– Văn hạng nhất là loại văn biết tô điểm cuộc đời.