Ngôi sao hạnh phúc
Aug. Trần Cao Khải
– Khi nghe hoặc đọc câu truyện của các nhà chiêm tinh – ta thường gọi là ba Vua hay các nhà Đạo sĩ – tìm đường đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi, nhiều người thường nghĩ ngay đến Vua Hê-rô-đê mưu trí, độc ác, đến các vị chiêm tinh ngoại đạo từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem để tìm gặp Đức Vua dân Do-thái mới sinh ra tại Bê-lem, đến những lễ vật quý giá, vàng, nhũ hương, mộc dược. (x. Mt 2, 10-11)
Nhưng có một cái gì đó rất quan trọng mà đôi khi ta lại không để ý đến. Đó là ngôi sao xuất hiện bên phương Đông. Ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho các nhà chiêm tinh đến Bê-lem gặp Hài Nhi Giê-su. Trong cuộc hành trình dài ngày, với nhiều cam go thử thách, các nhà chiêm tinh đã chỉ biết trông chờ vào sự xuất hiện của ngôi sao vô danh nào đó để có thể tiếp cận được với một Hài Nhi nhỏ bé mà họ ra sức tìm gặp. Và một khi trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.
Nhân ngày lễ Chúa Hiển Linh, câu chuyện về các nhà chiêm tinh có thể là một gợi ý rất thích hợp giúp ta suy nghĩ về cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc trong đời sống hôn nhân gia đình của mỗi người, mỗi gia đình chúng ta. Những suy nghĩ này hi vọng sẽ chia sẻ một vài suy tư trong việc nhìn lại cuộc hành trình hôn nhân của mình, nhờ đó ta có định hướng mới, quyết tâm mới, hành động mới…
Hạnh phúc trong hôn nhân, sự thật hay chỉ là ảo tưởng?
Nhiều người cho rằng hạnh phúc trong hôn nhân là điều không có thực. Nó như cái bóng của mình, càng tìm kiếm nó càng chạy xa. Hạnh phúc hôn nhân chẳng qua chỉ là ảo tưởng, ảo mộng mà thôi. Có người đã nói chua chát thế này, “Tình yêu như giọt sương mai, trông xa thì lấp lánh như hạt kim cương, nhưng lại gần chỉ là một giọt lệ”.
Quả vậy, thực tế đã cho thấy có khá nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh và đổ vỡ. Không ít các cặp vợ chồng chỉ có thể sống với nhau một thời gian ngắn ngủi rồi tan đàn xẻ nghé, đường ai nấy đi. Theo các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình thì con số ly hôn hiện nay ngày càng gia tăng, ngay cả đối với những cặp vợ chồng Ki-tô hữu đã lãnh nhận bí tích hôn phối.
Một linh mục phụ trách về Mục vụ Hôn nhân Gia đình đã chia sẻ: “Hạnh phúc gia đình lẽ ra ngày càng ổn định với thời gian hôn nhân, thì nay lại có thể bị đánh mất vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Hạnh phúc ở trần gian đã thế nói chi đến hạnh phúc Nước Trời mà mọi cuộc sống hôn nhân Kitô giáo đều phải nhắm tới. Thiết tưởng, một nhận định như thế là bi quan nhưng rất tiếc là nó đã trở thành sự thật…”. Nói như thế có nghĩa là hạnh phúc đời này mà ta không nắm giữ được thì làm sao chiếm hữu được hạnh phúc đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta.[1]
Trước sự thật như thế, các đôi bạn chúng ta dừng chân để cùng suy nghĩ.
Trước hết, chúng ta xác tín rằng hạnh phúc trong tình yêu hôn nhân của người Ki-tô hữu không nhận định theo nhãn giới trần gian, mà theo đức tin Ki-tô giáo, trong viễn ảnh của mầu nhiệm Nước Trời. Hạnh phúc ấy trước hết đến từ Thiên Chúa là Tình Yêu. Người yêu thương mọi người và mong muốn con người được hưởng hạnh phúc với Người, như Người. Chính Người đã thực hiện kế hoạch để con người có thể tham gia vào đời sống của Người, nhờ đó con người được chia sẻ hạnh phúc trong tình yêu bất diệt. Tình yêu và hạnh phúc ấy chính là ơn huệ thiên giới, là món quà đặc biệt mà Thiên Chúa ban tặng cho những ai “biết kính sợ Chúa và đi theo đường lối Người” (Tv 127).
Trong âm vang của ngày lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta có thể so sánh hạnh phúc như ngôi sao đến từ phương Đông.
Ngôi sao ấy xa tít ở trên trời cao, nhưng vẫn sáng lung linh và vẫn chiếu soi dẫn đường cho các nhà chiêm tinh trong hành trình đến với Đấng Cứu Thế.
Ngôi sao ấy là có thực mặc dù đôi khi ta không thấy nó bởi vì hoặc là ta lạc lối, hoặc là ta bị che khuất bởi những chướng ngại vật hữu hình cũng như vô hình.
Ngôi sao ấy không phải là đích điểm nhắm tới mà là phương tiện cần thiết đưa ta tới nơi và người ta tìm gặp.
Vậy ta sẽ làm gì để có được hạnh phúc trong hôn nhân như ý Thiên Chúa?
* Hạnh phúc đích thực là hạnh phúc xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, lấy Thiên Chúa là nguồn gốc và khuôn mẫu cho tất cả đời mình. Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2002 về chủ đề Thánh hóa Gia đình đã viết như sau:
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8). Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương và Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh của chính Ngài (St 1,26), thì bản chất của con người cũng giống bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Chỉ khi nào yêu thương và được yêu thương, con người mới hạnh phúc và đạt được mục tiêu của cuộc sống.
Và Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Cả nam và nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27) do đó tự bản chất con người có xã hội tính, và là hình ảnh của Tình Yêu Hiệp Thông Ba Ngôi Thiên Chúa.
Từ nền tảng trên, mọi tình yêu chân thật giữa con người với con người đều hướng tới sự hiệp thông khuôn mẫu này. Do đó, tình yêu trong hôn nhân và gia đình là tình yêu mang lại hạnh phúc vì làm cho con người được thông phần Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa một cách cụ thể tại trần gian.[2]
* Hạnh phúc sẽ bền vững lâu dài một khi ta biết vượt qua những khó khăn trở ngại trước mắt, để sống và chu toàn một cách trung tín sứ mệnh, ơn gọi hôn nhân Ki-tô hữu mà mình đã tự nguyện dấn thân vào. Thử nhìn vào thực trạng hôn nhân và gia đình hiện nay, ta sẽ thấy được những ảnh hưởng tiêu cực tác động đến cuộc sống của chúng ta mạnh mẽ và lớn lao như thế nào, và chúng ta đang phải đối mặt với biết bao khó khăn, trở ngại và thách đố.
Thực vậy, hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ nhận thấy nhất là tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.
Cùng với tiến trình này là hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm. Hậu quả là một số cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lại, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực.[3]
* Hạnh phúc là chất liệu giúp ta xây dựng hoàn chỉnh một mái ấm gia đình để từ đó ta lôi kéo mọi người tiến vào Nước Trời. Trong hôn nhân, hạnh phúc chưa phải là điểm dừng của đôi bạn. Đó là sức mạnh nội lực cần thiết để chúng ta kiến tạo một mái ấm, một Hội thánh tại gia trong lòng xã hội. Gia đình là nơi tình yêu được gieo trồng, lớn lên, và hạnh phúc chính là những “hoa thơm cỏ lạ” của khu vườn hôn nhân của chúng ta. Gia đình chính là môi trường đào tạo nhân bản và đức tin đầu tiên của Ki-tô hữu.
Thư Chung năm 1998 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề cập đến vai trò của gia đình, như sau:
Gia đình là Hội Thánh tại gia giữa lòng cộng đồng Kitô. Gia đình là trường học đầu tiên. Cha mẹ là những người giáo dục đầu tiên. Sách giáo khoa đầu tiên là những quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa gia đình này với gia đình khác”. (SĐTHĐGM/CA. Số 5).
Gia đình là Hội Thánh tại gia, là đơn vị căn bản của Hội Thánh. Gia đình là cộng đoàn thờ phượng và sống đạo, là nơi thể hiện và phát triển lòng tin, cậy, mến. Những bài học đầu tiên về cầu nguyện, về mến Chúa yêu người, đều được học và dạy ở dưới mái gia đình.
Việc cầu nguyện trong gia đình và việc kiểm điểm đời sống hằng ngày giúp cho gia đình yêu thương và sống hiệp nhất. Chính bầu khí yêu thương đầm ấm trong gia đình: vợ chồng chung thủy, con cái hiếu thảo, anh chị em hòa thuận, là trường dạy yêu mến. Người ta học biết yêu thương nhờ được yêu thương. (số 7)[4]
Khi gia đình kiến tạo được bầu khí đầy yêu thương, đạo đức, lành mạnh, thánh thiện thì các thành viên của nó sẽ cảm thấy yên tâm, hạnh phúc và tràn đầy sức sống. Khi ấy, gia đình sẽ có đủ sức mạnh phát huy tiềm năng, nội lực nhằm phục vụ cách tốt nhất ơn gọi và sứ mệnh gia đình Ki-tô giáo của mình trong thế giới và xã hội hôm nay.
Không còn là một ngôi sao nhỏ…
Khi nhìn thấy ngôi sao lạ từ phương Đông xuất hiện tại Bê-lem thì các nhà chiêm tinh đã mừng rỡ reo lên vì mơ ước của họ đã thành sự thật. Ngôi sao bé nhỏ vô danh kia đã hoàn thành nghĩa vụ soi đường chỉ lối của mình một cách cao đẹp. Trong không gian bao la ngút ngàn, một vì sao không là gì cả. Nhưng trong tình cảnh này, ngôi sao đã trở nên một dấu chỉ xác thực, đầy ý nghĩa về sự loan báo Đấng Cứu Thế đang ở đâu.
Trong một thế giới rộng lớn, vô cùng phức tạp, đầy thách thức và nhiều nguy hiểm đe dọa, gia đình Ki-tô hữu chúng ta đã và đang nắm giữ vai trò trách nhiệm như ngôi sao phương Đông dẫn đường cho các vị chiêm tinh khi xưa. Mỗi gia đình chúng ta đã lãnh nhận ánh sáng đức tin và Tin Mừng cứu rỗi từ Thiên Chúa. Chúng ta cũng được sai đi để loan báo và làm chứng về Tin Mừng ấy.
Công đồng Vat. II đã nhắc nhở các tín hữu, như sau: “Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau, và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian đảm nhận tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý ”[5]
Mỗi gia đình Ki-tô hữu chúng ta phấn đấu trở thành những vì sao sáng, những vì sao truyền lan sức nóng ấm áp của Tình Yêu Thiên Chúa, những vì sao chiếu rọi ánh sáng hy vọng của Tin Mừng cứu rỗi, những vì sao dẫn đường chỉ lối cho chư dân đến với Đấng Cứu Tinh mà nhân loại mong đợi. “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.” (Lc 2, 11) ./.
[1] Bài trả lời phỏng vấn của LM Nguyễn Văn Đình, trưởng ban MVGĐ TGP Saigon, báo CGvDT số 1380 trang 21-23
[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-2002-cua-hoi-ong-giam-muc-viet-nam-thanh-hoa-gia-dinh-17881
[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-2002-cua-hoi-ong-giam-muc-viet-nam-thanh-hoa-gia-dinh-17881
[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-1998-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-17700
[5] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Ch. IV Giáo dân, số 35