Người Công Giáo và việc cúng Tổ nghề.

213


Người Công Giáo và việc cúng Tổ nghề.

Hỏi: Con hiện đang theo đuổi nghề liên quan đến nghệ thuật và sân khấu cụ thể là MC. Và như mọi người cũng biết là ngành sân khấu cũng có cúng tổ nghề. Liệu con cúng tổ như vậy có bị vi phạm tôn giáo của mình không? Vì theo con nghĩ cũng như thờ cha mẹ, ông bà. Cha cho con lời giải đáp thoả đáng, con xin cám ơn

Con thân mến,

Trước tiên chúng ta cần làm sáng tỏ khái niệm  “cúng tổ nghề” theo phong tục tập quán của ngừoi Việt Nam.

Tổ nghề (hay Tổ sư) là một hoặc nhiều người có công lớn đối với việc sáng lập và truyền bá một nghề nào đó. Do đó được các thế hệ sau tôn trọng và suy tôn là người sáng lập vì đã có công tạo ra nghề, gọi là tổ nghề. Tổ nghề thường là những người có thật, nhưng lại được người đời sau tôn thờ vì đã có công sáng tạo ra nghề, truyền lại cho các thế hệ sau.

Các nghề đều có tổ nghề, có khi nhiều người là tổ cùng một nghề, nhưng cũng có khi một người là vị tổ của nhiều nghề khác nhau

Thờ tổ nghề được coi là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho nhân dân, di dưỡng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Trong một năm, lễ cúng tổ nghề quan trọng nhất là nhằm vào ngày kỵ nhật của vị tổ nghề, đối với những vị mọi người đều biết hoặc là một ngày nhất định mà mọi người trong phường, trong làng cùng theo một nghề kể là ngày kỵ nhật của tổ nghề mình.

 )

Ở Việt Nam chúng ta, giới nghệ sĩ cũng tin rằng họ có một ông Tổ. 

Chính ông Tổ chọn họ bước vào con đường của giới nghệ sĩ, và họ phải gắn bó với nghiệp này suốt đời dù con đường có lắm chông gai. Vì có ông Tổ, nên cũng có ngày giỗ Tổ. Việc giỗ Tổ thường được tổ chức theo truyền thống văn hoá Việt Nam, tức là cách thức bài trí có mâm hoa quả, có nhang đèn. Việc cử hành lễ giỗ Tổ Tổ nghề sân khấu cũng chỉ là nghĩa cử tỏ bày lòng biết ơn uống nước nhớ nguồn, và để tôn vinh người có công,ngày các nghệ sĩ gặp gỡ  trao đổi giao lưu với nhau, và hướng đến phục vụ khán giả, tri ân khán giả vì thế mọi việc cử hành liên quan đến mê tín dị đoan đều bị loại trừ, và pháp luật Việt Nam cũng không cho phép điều đó.

Đức tin công giáo của chúng ta có chống lại việc cử hành giỗ ông Tổ của các ngành nghề không? 

Dĩ nhiên, đức tin của chúng ta loại trừ tất cả các việc cử hành liên quan đến tôn thờ ngẫu tượng và mê tín dị đoan. Tuy nhiên, ở người Việt Nam chúng ta có một tâm tình rất sâu đậm rất đặc biệt đối với chữ hiếu và những gì liên quan đến lòng hiếu thảo, chính là sự biết ơn. Cha ông Việt Nam đã dạy: uống nước phải nhớ nguồn.

Vì thế, để giúp người tín hữu Việt Nam một đàng không thực thi những gì ngược với đức tin, đàng khác, trong khi vẫn bày tỏ đời sống đức tin vẫn giữ được vẻ đẹp của văn hoá truyền thống Dân tộc,   Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo nhân cuộc Hội nghị tại Đà Lạt vào các ngày 13 và 14-6-1965: “Giáo Hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo toàn vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa , gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này.

Từ chỗ nhận thức này, các Giám Mục chủ tọa  Khoá Hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang từ ngày 12 – 14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến và thi hành trong toàn quốc 4 đề mục ( số 1, 2,3 và 6 ) trích lại như sau: 

1.            “Nhiều hành vi, cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho chúng được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy  theo trường hợp.

Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo hình, ảnh, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.

Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như Hồn-bạch…

2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

3. Ngày giỗ cũng là ngày ‘Kỵ nhật’, được ‘cúng giỗ’ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã…, và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.

4.         …….

5.         ……..

6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là “Phúc Thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các ‘yêu thần, tà thần’.

Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền ‘Phải thảo kính cha mẹ’, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa”.

Như thế việc con tham gia vào nghi thức cúng tổ nghề sân khấu của con là được phép, và không đi ngược lại với đức tin công giáo. Tuy nhiên con cũng phải tránh mọi hành vi mang tính tín ngưỡng và mê tín dị đoan, như đốt vàng mã, sụp lạy, bói toán…