Người Điên Có Thể Làm Thánh Không?

56

Người Điên Có Thể Làm Thánh Không?

————

Kính thưa quý vị,

Theo công đồng Vaticanô II, tất cả mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Những người điên có thể làm thánh được không? Có bao giờ Giáo hội phong thánh cho người điên không? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

Để trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng nên phân biệt ba ý nghĩa khác nhau của từ “điên”: thứ nhất theo nghĩa y học; thứ hai theo nghĩa thần học; thứ ba theo nghĩa lịch sử. Theo nghĩa thứ hai và thứ ba thì có các thánh điên, còn theo nghĩa thứ nhất thì không.

Tại sao vậy?

Chúng ta sẽ thấy lý do khi phân tích các ý nghĩa khác nhau của từ ngữ. Nghĩa thứ nhất, thông thường hơn cả, tạm gọi là nghĩa y học. Người điên là người mất trí khôn, không còn sáng suốt để hiểu biết ý nghĩa các hành vi của mình. Theo nghĩa này, người điên không có công mà cũng chẳng có tội gì, bởi vì không thể quy trách nhiệm cho họ được. Như vậy, không thể có ông thánh điên. Tuy nhiên, chúng ta có thể mở rộng hơn ý nghĩa của từ “điên” sang các bệnh tâm thần. Các bệnh này có nhiều loại, nhiều cấp độ. Các nạn nhân cũng có lúc tỉnh táo và có lúc không làm chủ được mình nữa. Vấn đề trách nhiệm cũng mang tính cách linh động, tùy theo mức độ mà đương sự làm chủ được hành vi của mình. Dựa vào đó, hình luật có thể kết án hay tha bổng một bị cáo khi họ phạm một tội, tùy theo hành vi được thực hiện lúc họ tỉnh táo hoặc lúc thác loạn. Đó là nói đến tội phạm, nghĩa là hành vi xấu; thế còn hành vi tốt thì sao? Chắc chắn là họ cũng có khả năng làm điều tốt, đáng khen, nhân đức, khi họ hành động có ý thức. Nhưng có thể phong thánh cho họ không? Các nhà thần học đưa ra hai ý kiến tương phản nhau. Một bên cho rằng họ có thể được phong thánh, bởi vì nếu có những bệnh nhân về thể xác đã nên thánh vì chấp nhận sự đau khổ của mình trong tinh thần kết hợp với Chúa Giêsu, thì tại sao lại loại trừ khả năng của những bệnh nhân về tâm thần; họ cũng khổ sở vì nghịch cảnh của mình lắm chứ! Đối lại, ý kiến phủ nhận thì nói rằng việc so sánh hai tình trạng bệnh lý không cân xứng: người bệnh về thể xác vẫn sáng suốt về tinh thần, và có thể hiểu biết ý nghĩa của bệnh của mình, và đây là công phúc của họ; tiếc rằng điều này bị hạn chế nơi người mắc bệnh tâm thần. Dĩ nhiên, trước mặt Chúa, cả hai loại đều có thể làm thánh, nhưng có lẽ Giáo hội không nên đề cao một người mắc bệnh tâm thần như mẫu gương để bắt chước.

Cha đã chuyển sang nghĩa thứ hai rồi phải không?

Chưa, tôi vẫn còn ở nghĩa thứ nhất, nghĩa là hiểu theo nghĩa y khoa. Bây giờ, tôi bước sang nghĩa thứ hai, tức là nghĩa Kinh thánh và thần học. Trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Corintô, ở chương Một (các câu 18-25), thánh Phaolô nói đến sự điên rồ của thập giá, đối lại với sự khôn ngoan của thế gian. Rồi từ đó, ngài rút ra kết luận ở chương 3, câu 18: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên điên rồ, để được khôn ngoan thật”. Sang đến chương 4, thánh nhân tự xếp mình vào hạng người như thế, khi viết rằng: “Tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm tông đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người! Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất cả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (1Cr 4,9-13). Giọng văn xem ra có vẻ mỉa mai, nhưng đàng sau đó, thánh Phaolô ra như muốn nói rằng tất cả các ai muốn theo Chúa Kitô đều phải trở thành điên dại hết, bởi vì họ chấp nhận một hệ trật các giá trị khác hẳn với thói đời. Người đời chạy theo tiền tài, danh vọng, địa vị, khoái lạc. Vì vậy, những ai đề cao đức hiền từ, khiêm tốn, nhẫn nhục, khó nghèo, hy sinh, phục vụ, đều bị coi là điên rồ, (hay ít là dại dột)! Khỏi nói ai cũng biết, các thánh đều là những người điên theo nghĩa đó.

Nói như vậy thì đâu còn nghĩa thứ ba của từ “điên” nữa?

Như vừa nói, tất cả các thánh đều là những điên dại dưới cái nhìn của thế gian, bởi vì các ngài đã chọn lựa một bậc thang giá trị khác với thói đời. Dù vậy, đời sống của các ngài rất bình dị, thân thiện với mọi người, không có chi lập dị, khác thường. Tuy nhiên, trong lịch sử Giáo hội, có một hạng người gọi là các “thánh điên”, đặc biệt bên các Giáo Hội Đông Phương. Đó là lý do vì sao tôi xếp vào ý nghĩa thứ ba của từ “điên”, theo nghĩa lịch sử: bên cạnh các thánh tử đạo, giám mục, đan sĩ, trinh nữ, còn có thêm các “thánh điên” nữa. Trong lịch phụng vụ của Giáo Hội Latinh, không có hàng ngũ này; nhưng họ được nhắc đến bên các Giáo hội Đông phương. Những dạng thức đầu tiên đã thấy ở bên Ai-cập từ khi bắt đầu đời sống đan tu, vào thế kỷ IV. Người ta thấy có những ẩn sĩ sống ở trên cột suốt đời, hoặc chỉ có một tấm vải che thân vào mùa hè cũng như mùa đông. Tuy nhiên, hình thức các “thánh điên” trở nên quen thuộc ở bên Nga kể từ thế kỷ XI, và lên tới cao điểm vào thế kỷ XIV, dưới dạng thức phong trào “những người điên của Chúa Kitô” (juródivyje), ra như phản ứng lại các lề lối phụng tự hình thức trong Giáo hội và chế độ độc tài của nhà nước. Họ giả điên giả khùng, và bằng lời nói hoặc cử chỉ, họ chế diễu các lối sống bôi bác trong xã hội cũng như đả kích các bạo vương. Họ chấp nhận bị khinh dể, nhằm bày tỏ sự điên rồ của Thập giá mà thánh Phaolô đã rao giảng. Trên thực tế, nếp sống của họ thật đáng khâm phục và họ được tôn kính ngang hàng với các ngôn sứ. Nhà thờ chính tòa nằm ở ngay đầu quảng trường Đỏ tại thủ đô Moscova được dâng kính thánh Basiliô (+ k.1555), một “người điên” được an táng tại đây. Nói chung, người ta phân biệt hai khung cảnh của phong trào này: thành thị và nông thôn. Phong trào bắt đầu xuất hiện ở các thành phố, và cụ thể là tại hai địa điểm: thánh đường và quảng trường. Trong thánh đường, “người điên của Chúa Kitô” thường rút lui vào đây một mình để cầu nguyện trong thinh lặng. Ở quảng trường, họ giả điên để chế diễu những thói tục ngang trái trong xã hội và trong giáo hội. Họ thật là can đảm, nhất là khi đương đầu với các bạo vương. Một tấm gương là thánh Basiliô: ông này dám chỉ trích vua Ivan tục gọi là “Kinh hoàng”, không chỉ vì những hành vi bất công của nhà vua, mà còn dám bêu xấu đời tư của vua nữa. Một lần ông đối diện với nhà vua, và đưa cho vua một miếng thịt tươi. Vua khước từ, viện lẽ là không ăn thịt trong mùa chay. Ông đáp lại: “Phải rồi, vua không ăn thịt trong mùa chay, nhưng vua đã uống máu bao nhiêu dân lành, kể cả khi bắt họ ra mặt trận để giao chiến”. Thế nhưng, vua này không dám thủ tiêu ông, mà lại tôn trọng ông, đến nỗi nhà vua tình nguyện vác hòm trong lễ an táng ông. Như vừa nói trên đây, ngôi thánh đường tại quảng trường Đỏ được dâng kính cho thánh Basiliô. Chúng ta có thể đoán được rằng tuy lời giảng và cách sinh sống của các thánh điên có thể làm cho nhiều người khó chịu, nhưng nhân dân vẫn kính nể họ vì nếp sống khắc khổ của họ, và đôi khi họ cũng làm phép lạ nữa. Ngoài ra cũng không nên bỏ qua các việc từ thiện của họ đối với người nghèo. Thế nhưng, sang thế kỷ XVIII, hoàng đế Phêrô Đệ Nhất ra sắc lệnh bắt bỏ tù tất cả mấy anh giả điên này, bị kết tội là hạng giả hình. Vì bị đàn áp ở thành phố, phong trào di chuyển về nông thôn. Sự di chuyển cũng làm cho phong trào biến thái không nhỏ, theo nghĩa là trước đây, ở thành thị, phần lớn những người điên thuộc nam giới, còn khi về nông thôn thì đa số thuộc phái nữ.

Có bao nhiêu thánh điên trong Giáo hội?

Thật khó đưa ra một con số chính xác. Bên Giáo Hội Chính thống, thủ tục phong thánh không giống như bên Giáo hội Công giáo. Việc phong thánh ở Đông phương được gọi là “tôn vinh”, theo nghĩa là không phải Giáo hội tôn phong một người lên làm thánh, nhưng là tôn vinh Thiên Chúa đã tỏ lộ vinh quang của Ngài nơi cuộc đời của các thánh. Việc tôn vinh này mang tính địa phương chứ không có tính cách phổ quát. Và một dấu hiệu mà Thiên Chúa biểu lộ vinh quang là phép lạ xảy ra chung quanh ngôi mộ của vị thánh. Những người muốn thiết lập danh sách của các vị “thánh điên” thì đếm được hơn kém ba mươi vị. Trong số những vị thánh nổi tiếng, thiết tưởng nên nhắc đến một phụ nữ, thánh Ksenija (1720-1790). Bà là vợ của một sĩ quan trong quân đội hoàng gia. Ông ta đột ngột qua đời, chưa kịp lãnh các bí tích, khi bà mới 26 tuổi. Bà cảm thấy lo lắng cho số phận của ông, cho nên quyết định sẽ thay thế ông. Bà mặc quân phục của ông, bán hết gia tài, sống với người nghèo. Ban ngày bà giúp đỡ họ, ban đêm bà vào nhà thờ một mình để cầu nguyện. Bà được ơn nói tiên tri, và các lời tiên báo của bà đều đúng. Khác một điều là bà toàn báo trước điều lành (may mắn) chứ không báo trước tai họa. Không lạ gì mà ai cũng muốn gặp bà, và mong được chào bà là hạnh phúc rồi. Sau khi bà qua đời, mộ của bà trở thành nơi hành hương vì đã xảy ra nhiều phép lạ. Bà được tôn làm bổn mạng của thành phố Saint Petersburg.