NGƯỜI QUẢNG KHƠI DÒNG CHO NHẠC BOLERO VIỆT NAM

27

NGƯỜI QUẢNG KHƠI DÒNG CHO NHẠC BOLERO VIỆT NAM

Nhạc Bolero du nhập Việt Nam khoảng đầu thập niên 1950, điệu nhạc này xuất phát từ Tây Ban Nha nhưng con đường đến với Việt Nam lại khá vòng vèo, từ Tây Ban Nha sang các nước Mỹ La tinh, rồi từ đây mới đến Việt Nam. Khi đến Việt Nam, điệu Bolero đã được Việt hóa hoàn toàn. Chính nhờ vào sự sáng tạo độc đáo của các nhạc sĩ tiền bối, Bolero được phát triển thành một nhánh riêng biệt đặc sắc mang đậm hồn cốt dân tộc được gọi nhạc “Bolero Việt Nam”. Trong lịch sử hơn một trăm năm nền tân nhạc Việt Nam, nhạc Bolero đã tự khẳng định giá trị của mình khi tìm được một chỗ đứng vững bền trong lòng công chúng. Bolero trở thành một dòng nhạc lớn của Việt Nam chinh phục rất nhiều đối tượng người nghe nhạc từ bình dân cho đến trí thức, Bolero có mặt trong mọi góc cạnh đời sống ở miền Nam từ thập niên 60-70.

Cũng như bất cứ trào lưu âm nhạc nào trên thế giới, Bolero có lúc thăng lúc trầm lúc thịnh lúc suy theo thời cuộc. Có một giai đoạn nhạc Bolero bị xếp vào thể loại “nhạc vàng”, “nhạc sến”, “văn hoá phẩm của chế độ cũ”. Thậm chí bị xếp vô loại “nhạc phản động uỷ mị” nên hàng ngàn bản nhạc Bolero không được phép lưu hành.

Suốt thời gian này, dù bị chê, dù bị cấm, nhưng Bolero vẫn không chết. Bằng cách này cách khác Bolero vẫn âm thầm tồn tại trong đời trong sống âm nhạc của người Việt. Người ta có thể nghe Bolero từ một anh hát rong với cây đàn ghi ta hay trong phòng kín từ chiếc máy chạy băng cassette, thậm chí bolero hát “chui” trong các tiệc đám cưới thôi nôi đầy tháng..

Mãi đến năm 1989, sau đổi mới vài năm, Cục Âm Nhạc Và Múa (nay là Cục Nghệ thuật và Biểu diễn) mới bắt đầu cấp phép cho các bài hát trước 1975 được phổ biến dần dần trở lại. Cũng từ thời điểm đó những ca khúc Bolero sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam đã được nhìn nhận lại và cấp phép phát hành một cách từ từ…Nhờ vào đó trong hai thập niên gần đây Bolero được hồi sinh và trở thành dòng nhạc có nhiều người thích nghe nhất. Bolero được hát khắp nơi từ đường phố cho đến các chương trình âm nhạc trên sóng truyền hình quốc gia.

BẢN BOLERO ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM RA ĐỜI TRÊN CẦU VĨNH ĐIỆN, ĐIỆN BÀN, QUẢNG NAM

Người ta nói rất nhiều về Bolero nhưng có một chi tiết rất hiếm khi nhắc đến đó là bản nhạc Bolero đầu tiên của Việt Nam được sáng tác bởi một người người quê ở Điện Bàn – Quảng Nam tên là Lê Trọng Nguyễn.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng, sinh tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là hội viên của Hội Tác giả, nhạc tác gia và nhà xuất bản âm nhạc Pháp (Société des Auteurs, Compositeurs et Editeurs de Musique – SACEM).

Cha mất sớm, mẹ ông nuôi hai con đến tuổi trưởng thành. Em gái lập gia đình và sớm qua đời, Lê Trọng Nguyễn và mẹ nuôi ba đứa cháu nhỏ. Ông từng học ở Hà Nội trong khoảng 1942 đến 1945 và là bạn của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Trước năm 1954, ông phụ trách âm nhạc cho toàn bộ Liên khu Năm (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), sau đó ông về Hội An sinh sống và sáng tác.

Lê Trọng Nguyễn không chỉ là nhạc sĩ mà còn là doanh nhân. Ông từng làm Giám đốc công ty Centra Co. và Giám đốc điều hành của công ty Sealand tại Đà Nẵng. Sau khi lập gia đình, ông sống tại Sài Gòn và làm Giám đốc nhà máy Dầu hỏa Cửu Long. Ông đến Mỹ vào năm 1983 và định cư tại Rosemead cùng vợ và bốn người con.

Chữ “Nguyễn” trong bút danh của ông là họ của người mẹ. Nhà ông gần Trường tư thục Hoàng Hồ nằm trên đường Nhật Bản (cũ), sau này đổi tên là đường Cường Để và nay là đường Trần Phú trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam).

“Nắng chiều” được nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn viết vào năm 1952 giữa thời điểm quê hương ly loạn và chiến tranh. Có tài liệu nói rằng “Nắng chiều” ra đời trong một lần hứng tác của Lê Trọng Nguyễn khi ông đứng trên cầu Vĩnh Điện nhìn chiều xuống bến sông Thu Bồn.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí đương thời nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cho biết: “Tâm sự tôi trong bài Nắng chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 5 năm 45, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”

AI LÀ CA SĨ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM HÁT NHẠC BOLERO

Người thâu tiếng hát đầu tiên bản Nắng Chiều vào dĩa nhựa là ca sĩ Minh Trang vào khoảng giữa năm 1955. Đó cũng là năm người em gái duy nhất của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn qua đời, ông đau buồn và đem bản Nắng Chiều ra ký giao kèo tái bản để có một món tiền tác quyền khiêm nhường đưa về quê cùng mẹ lo liệu cho em gái và chuẩn bị nuôi nấng cháu.

BOLERO VIỆT NAM ĐI RA THẾ GIỚI

Năm 1957, Lê Trọng Nguyễn vào Sài Gòn. Ðúng dịp đoàn ca nhạc Nhật Bản sang thăm, ban nhạc Toho Geino có nhờ người chọn ra 12 bản nhạc Việt Nam đang nổi tiếng thời đó để chuẩn bị tập dượt và trình diễn tại Sài Gòn lẫn Nhật Bản, trong đó có bản “Nắng Chiều” và bản này đã được cô ca sĩ nhật Midori Satsuki hát.

Năm 1960 Ki Lo Ha, một ca sĩ người Hoa, cô yêu mến bản “Nắng chiều” nên viết sang lời Hoa ngữ và phổ biến bản này sang Ðài Loan và Hồng Kông. “Nắng chiều” đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Bản nhạc “Nắng chiều” cũng là nguồn cảm hứng cho đạo diễn Lê Mộng Hoàng dựng thành bộ phim cùng tên. Phim phát hành tại miền Nam từ năm 1971 -1975.

Năm 1994, đạo diễn Việt Kiều, Trần Anh Hùng làm phim “Xích lô” có đưa bài hát “Nắng chiều” vào làm nền cho một phân cảnh không lời thoại, bài hát được hát bằng giọng Quảng Nam do hai người lính cụt chân thể hiện trong quán ăn:

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều

Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa

Khi đến cuối thôn chân bước không hồn

Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ…

Lê Trọng Nguyễn sáng Nắng chiều trong giai đoạn đất nước chiến tranh và chia cắt. “Nắng chiều” trở thành một biểu tượng của tình yêu quê hương và hy vọng hoà bình thống nhất. “Nắng chiều” không chỉ là âm nhạc mà còn mang theo nhiều ý nghĩa và câu chuyện đáng nhớ của người nhạc sĩ tài hoa. “Lê Trọng Nguyễn không chỉ là một nhạc sĩ, ông còn là một học giả uyên bác về âm nhạc”, như lời nhận xét của nhạc sĩ Phạm Đình Chương – người bạn thân thiết của ông.

T.V