Người Việt đang giàu lên hay nghèo đi?

90

Theo thống kê GDP Việt Nam trong suốt những năm từ sau 1975 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng liên tục.

Theo thống kê GDP Việt Nam trong suốt những năm từ sau 1975 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng liên tục.

Trên mạng xã hội mọi người đang chia sẻ với nhau rất nhiều về một bài viết của một blogger với nhan đề “người Việt giàu lên để làm gì?”, trong đó tác giả có nhắc đến những mặt trái của xã hội đang làm con người ta trở nên đau đáu, nhức nhối.

Tôi thì nhìn nhận cuộc sống này có chút khác hơn, bởi xung quanh ta xã hội vẫn đang có những bước chuyển động đáng ghi nhận. Nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi tất cả những nguy cơ to lớn không kém so với những cơ hội mà người Việt đang có. Vậy người Việt đang giàu lên, hay nghèo đi?

Theo thống kê GDP Việt Nam trong suốt những năm từ sau 1975 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng liên tục. Người dân từ chỗ nghèo khổ, khó khăn, cơ chế bao cấp cũ kỹ, lạc hậu đã chuyển sang nền kinh tế thị trường (dù chưa toàn diện và còn nhiều chuyện phải bàn). Việc tiếp cận với giáo dục, y tế, an sinh xã hội cũng tốt hơn và có xu hướng cải thiện thứ hạng chỉ số phát triển con người (HDI) đáng kể. Đó là chưa kể việc nâng cao hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất cũng có nhiều cải tiến đáng ghi nhận. Nhìn nhận một chút, xu hướng tiêu dùng những mặt hàng cao cấp; nhà hàng, khách sạn, du lịch… đều phát triển. Sự cải thiện đáng kể của khu vực dịch vụ trong cơ cấu GDP cho thấy mức sống của người dân cũng có tăng, và đó là những dấu hiệu tích cực, không thể phủ nhận.

Tuy nhiên sự cải thiện đó có thật sự vượt trội so với những cái tụt hậu mà người dân phải chịu trận? Trước hết là người Việt dường như ngày càng trở nên nghèo niềm tin với nhau. Mỗi ngày, tình trạng lừa lọc, tham nhũng vẫn cứ xuất hiện đều đều trên mặt báo, đến mức từ tin tức nóng, trở thành đề tài thường xuyên đến nhàm chán. Người dân, hay đúng hơn là rất nhiều người dân nghi ngờ về mọi thứ: chính sách, con người, lãnh đạo… Biểu hiện của việc khủng hoảng niềm tin chính là các dự luật, chính sách cải cách… thường xuyên bị dư luận công kích nhiều hơn là tán thưởng. Các vấn đề lớn của xã hội thường được dân chúng đặt ra hàng loạt câu hỏi “tại sao?”, “mục đích gì?”, “động cơ gì?”, nhưng rồi mọi chuyện đâu cũng vào đấy, rất khó giải quyết triệt để. Khủng hoảng niềm tin là khi một bộ phận trí thức, như một vị đại biểu Quốc hội từng lên tiếng báo động trước đây, đang kéo ra nước ngoài làm việc mặc dù ở Việt Nam, họ cũng sẽ có được mức lương tương đương. Họ sợ môi trường giáo dục không có lợi cho thế hệ con cháu của họ; sợ môi trường pháp lý không an toan – ví dụ, khi ngay cả bộ Luật hình sự đến ngày sắp có hiệu lực thì bị phát hiện ra hàng loạt sai sót nghiêm trọng không thể chấp nhận. Họ còn sợ họ không thể tiến thân vì ‘con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa’.

Cái tụt hậu thứ hai đối với người dân chính là cái nghèo về sức khỏe. Các trường hợp tử vong tăng cao vì mọi lý do hiển hiện xung quanh con người: vì lý do cơ sở hạ tầng yếu kém, dẫn đến những tai nạn ngoài ý muốn; thực phẩm bẩn tràn lan đe dọa bữa cơm cho dù đó là bữa cơm của nhà giàu hay nhà nghèo; những ống nước thải đen ngòm tại các nhà máy (như Formosa chẳng hạn) đang hủy hoại môi trường một cách nghiêm trọng, đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân; những công trình thủy điện đang âm thầm dìm chết con người ở hạ nguồn vào mùa mưa và hút cạn nguồn nước của người dân vào mùa nắng; hay những hàng cây xanh tăm tắp che mát cho những con đường nay bị tàn phá ghê gớm mà người ta vẫn không biết lý do vì sao.

Cái tụt hậu thứ ba chính là nghèo trí thức. Sau Thế chiến thứ Hai lực lượng trí thức ở Nhật Bản ra đi nhưng rồi quay về phụng sự đất nước, nâng nền kinh tế nước này lên vị trí thứ hai thế giới. Singapore sau năm 1963, từ một làng chài heo hút đã biết thu hút lực lượng trí thức xây dựng thành đảo quốc sư tử, trung tâm kinh tế – tài chính của cả châu Á. Hãy nhìn rất nhiều quốc gia khác nữa, trí thức ra đi rồi quay về phụng sự quốc gia. Còn ở Việt Nam thì sao? Sự tỷ lệ thuận của số lượng bằng cấp và số lượng người thất nghiệp và tỷ lệ nghịch của số lượng tiến sĩ, thạc sĩ đối với sự đóng góp thiết thực của họ vào việc quản lý nhà nước, xây dựng quê hương. Có quá bi quan không?

Cái cuối cùng mà người Việt Nam đang nghèo đi chính là đạo đức. Tôi không dám nói tất cả mọi người đang dần mất đạo đức, nhưng phần đông người ta vẫn đang bị suy giảm đạo đức. Đây cũng chính là căn nguyên cho những cái nghèo niềm tin, nghèo sức khỏe và nghèo tri thức. Sự xuất hiện dày đặc của tội phạm, từ những xó xỉnh chợ búa đến những tòa cao ốc chọc trời; từ những tên lưu manh xăm trổ đầy người đến những anh chàng ăn vận complet lịch sự… Một bức tranh xã hội kì quặc và đáng sợ. Hay như những kẻ vì lợi lộc sẵn sàng biến bữa cơm thành bữa ăn đầu độc dân tộc mình; những kiện thực phẩm bẩn đi thẳng vào nhà hàng, siêu thị, rồi nhẹ nhàng được đặt lên bàn ăn. Quả thật là có quá nhiều thứ làm cho người ta sợ hãi. Còn nữa, những quan chức sử dụng ô dù thiếu đạo đức, nâng đỡ con cháu, chiếm những vị trí lẽ ra dành cho những người có năng lực cũng khiến lực lượng trí thức (đáng lẽ ra) của xã hội này ngày càng vơi dần, đổ về Âu châu, thung lũng Silicon, hay những quốc gia khác – những nơi họ được trân trọng và trả công xứng đáng về vật chất lẫn tinh thần theo đúng năng lực của mình.

Mọi thứ đang dần dần tồi tệ hơn, chẳng phải vì có người bảo rằng người Việt sẽ chết sớm trước khi họ giàu có. Vì đơn giản với tôi, nó tệ hơn vì người Việt đang nghèo nàn, tụt hậu cho đến ngày tạ thế.

Previous article11 nguyên tắc để được yêu thích
Next articleẤn Độ: “Người giúp trừ quỷ” cho Mẹ Têrêxa qua đời năm 90 tuổi