Nguồn gốc tên gọi 12 con giáp – Tuất

201

Bài này viết về năm Tuất, năm có biểu tượng là loài chó trong 12 con giáp. Các dữ kiện ngôn ngữ, đặc biệt khi xem lại các từ Hán cổ liên hệ, đều cho thấy nguồn gốc phi-Hán (không phải của Trung Quốc) như nhiều người đã lầm tưởng từ Đông sang Tây và qua bao ngàn năm nay.

Bài này là một phần trong loạt bài “Nguồn gốc Việt Nam của tên gọi 12 con giáp”. Tuất dùng để chỉ thời gian như năm, tháng, ngày, giờ (từ 7 đến 9 giờ tối); chỉ không gian như hướng tây tây bắc (WNW, West NorthWest) và tuổi có thể liên hệ đến vận mệnh con người (bói toán); có người lại coi tuổi con (thú) nào quan trọng hơn cả ngày tháng năm sinh của mình … Đây là một kết quả từ tư duy tổng hợp, thường gặp trong xã hội có truyền thống nông nghiệp, một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong loạt bài viết này. Các truyền thuyết và huyền thoại như chuyện Ngọc Hoàng Thượng Đế và cuộc đua của 12 loài thú, hay chuyện đức Phật Tổ và các loài thú được mời đên dự tiệc chào mừng năm mới … Đều không nằm trong chủ đề của loạt bài viết này. Dấu hoa thị * dùng để chỉ âm cổ phục nguyên (reconstructed sound). Các tài liệu viết tắt là TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes, 1651), HV (Hán Việt), TQ (Trung Quốc), NCT (Nguyễn Cung Thông).

  1. Các cách đọc và lịch sử hình thành chữ Tuất

    Chữ tuất 戌 (thanh mẫu tâm 心 vận mẫu thuật 術 nhập thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

    辛聿切 tân duật thiết (TVGT, ĐV, QV)
    辛聿翻 tân duật phiên (BH 佩觿)
    思律切 tư luật thiết (NT, TTTH)
    則骨切 tắc cốt thiết (QV)
    雪律切,音恤 tuyết luật thiết, âm tuất (TV, LT, VH, TG 字鑑, CV, TVi)

    CV ghi cùng vần/nhập thanh恤卹 訹 怵 戌 珬 (tuất truật)

    辛律切,音恤 tân luật thiết, âm tuất (CTT) …v.v…

    Giọng BK bây giờ là xū xù so với giọng Quảng Đông seot1 và các giọng Mân Nam 客家话: [台湾四县腔] sut7 [客英字典] sut7 [陆丰腔] sut7 [客语拼音字汇] sud5 [海陆丰腔] sut7 [梅县腔] sut7 [东莞腔] sut8 su5 [宝安腔] sut7, giọng Mân Nam/Đài Loan sut1, tiếng Nhật jutsu và tiếng Hàn swul. Dựa vào các cách đọc phiên thiết, âm HV và phương ngữ TQ, một dạng âm cổ phục nguyên của Tuất là *swot. So sánh với chữ tuất[1] bộ tâm 恤, cũng có các cách đọc phiên thiết y như chữ Tuất bộ qua 戌, tiếng Việt còn duy trì dạng xót (thương xót) phù hợp với dạng phục nguyên *swot.

    Xem lại quá trình hình thành chữ Tuất[2] – trích từ trang http://www.zdic.net/z/1a/zy/620C.htm

    Giáp cốt văn      Kim văn     Tiểu triện      Khải thư -> phồn thể/cận đại – chữ Tuất.

    Các hình khắc/vẽ của chữ Tuất cho thấy hình cây kích (bộ qua 戈 là cái mác). Các dữ kiện ngữ âm trên cho ta một kết luận là Tuất không có liên hệ gì đến loài chó trong tiếng Hán, phản ánh qua các cách gọi khuyển 犬, cẩu 狗, hiêu/kiêu 獢, hiểm 獫 … So sánh các quá trình hình thành các chữ khuyển (tượng hình, hình loài thú như chó) và cẩu (cũng thuộc bộ khuyển) – xem hình bên dưới. Nếu chữ Tuất có nguồn gốc tượng hình (loài chó như chữ khuyển) thì khó mà đặt vấn đề về nguồn gốc phi-Hán của tên 12 con giáp.

    Giáp cốt văn       Kim văn          Tiểu triện         Khải thư à phồn thể/cận đại – chữ khuyển.

Tiểu triện   Khải thư -> phồn thể/cận đại – chữ cẩu.

Để ý sự xuất hiện muộn màng của chữ cẩu hài thanh (không có mặt trong Giáp cốt văn, Kim văn) phản ánh một từ nhập vào tiếng Hán về sau so với chữ khuyển [3] tượng hình, đã từng hiện diện từ thời cổ đại. Đây cũng là ý của Khổng Tử khi viết rằng “視犬之字如畫狗也” (thị khuyển chi tự như họa cẩu dã – nhìn chữ khuyển thì giống như vẽ hình con chó vậy/NCT). Theo GS Jerry Norman thì cẩu có gốc là tiếng Miao-Yao (Mèo/Dao) ở miền nam TQ (“Chinese” 1988). Đi ngược dòng thời gian để tra cứu trong văn bản về các chữ liên hê, chúng ta hãy xem lại TVGT hay là cuốn tự điển đầu tiên đã xuất hiện khoảng hai ngàn năm trước.

  1. Thuyết Văn Giải Tự và bộ khuyển

    TVGT thời Đông Hán từng có 540 bộ thủ, trong đó có bộ khuyển gồm khoảng 100 mục liệt kê từ chữ khuyển 犬 cho đến chữ quặc 玃. Tuy có những vấn đề như tác giả Hứa Thận (khoảng 58-147 SCN) lại xếp hầu 猴 (con khỉ), quặc 玃 (con khỉ cái), thát 獺 (con rái cá) trong bộ khuyển, nhưng TVGT cũng cho nhiều dữ kiện thú vị. Đây cũng là một công trình lớn cho thấy sự cần mẫn đáng trân trọng của các học giả TH thời xưa, chịu bỏ nhiều công lao và thời giờ ghi chép các dữ kiện ngôn ngữ từ khắp nơi. Tuy vậy, không phải chữ nào ghi lại trong các tự điển[4] như trên cũng là gốc Hán cả. Đương nhiên, trong cả mấy chục từ chỉ loài chó (khuyển, cẩu, sử/sứ[5], mang, lang, ngao, ngan …) thì có một số phương ngữ của các tộc vùng Nam TQ, trong đó có khả năng lẫn lộn với tiếng Việt cổ của chúng ta. Bô tượng 象 trong TVGT chỉ có hai chữ là tượng và dự 豫, dự[6] là con voi lớn với một dạng âm cổ là *jwi > *woi > voi – vui đã nhập vào tiếng Hán từ tiếng Việt cổ mà rất ít người nhận ra được! TVGT cũng ghi chữmang/môngHV 尨狵, chỉ loài chó nhiều lông, là loại chữ hiếm[7] với tần số dùng là 14 trên 171894734 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu giang 江 bình thanh, khai khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

    莫江切, 音茫 mạc giang thiết, âm mang (TVGT, ĐV, QV, TV, NT, LT, VH, TTTH, TG
    字鑑)莫江乀 mạc giang phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)謨蓬切,
    音蒙 mô bồng thiết, âm mông (TV, LT)T
    NAV ghi vận bộ 江陽 giang dương (dương bình)

    CV ghi cùng vần/bình thanh 茫 汒 鋩 芒 恾 㡛 忙 蘉 明 尨 蒙 庬 龍 哤 邙 (mang mông minh long), 謨郎切 mô lang thiết (CV)
    謨郎切, 音茫 mô lang thiết, âm mang (TVi, CTT)
    音蒙 âm mông (CTT) …v.v…

    Giọng BK bây giờ là lóng máng méng páng so với giọng Quảng Đông mong4 mung4 pong4 và các giọng Mân Nam 客家话: [台湾四县腔] mong2 mang2 [梅县腔] mang2 [海陆丰腔] mong2 mang2 [客英字典] mong2 mang2 [宝安腔] mong2 mang2, tiếng Nhật bou và tiếng Hàn pang pong. Một dạng âm cổ phục nguyên của mang là *mɯɔŋ, tiếng Việt thời VBL còn duy trì dạng cổ hơn của mang là muông (canis/L là con chó), và mở rộng nghĩa chỉ loài thú như muông chim, muông sư tử (VBL); thành ngữ VN có câu ‘lòng muông dạ thú” (hay lòng lang dạ thú so với cẩu phế lang tâm/lang tâm cẩu phế HV). Tuy nhiên, có một cách đọc cổ khác[8] đáng chú ý của mang 狵 là 竹角切,音琢 trúc giác thiết, âm trác (TV, LT), hay một dạng âm cổ phục nguyên khác của mang có thể là *swot và gần như âm cổ phục nguyên của Tuất, tiếng Việt không phân biệt *Tuấc/Tuất hay xước/xướt. Theo người viết, đây là một khả năng có thể giải thích tại sao chi Tuất lại liên hệ đến loài chó, tuy cách đọc cổ *sjuoc của mang không còn tồn tại nữa. Trong ngữ hệ Mon-Khme, nhánh Pearic[9] có từ chhâk nghĩa là con chó.

    TVGT còn liệt kê lang 狼 ?, sài[10] 豺 犲???? và sau đó có chữ bái 狽 䟺狈 đều chỉ loài chó sói: các từ này phản ánh phần nào một số phương ngữ đã nhập vào tiếng Hán và làm phong phú số lượng từ vựng, cũng như tên gọi 12 con giáp vậy. Có lẽ nên nhắc lại tương quan giữa phụ âm tắc đầu tr- và phụ âm xát đầu lưỡi s- (td. tuất – trác so với xót – *swot) qua các cách đọc của chữ trác. Chữ trác /xước 踔 (thanh mẫu triệt 徹 vận mẫu hào 肴 hay giác 覺 khứ/nhập thanh, khai khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

    丑敎切 sửu giáo thiết (ĐV, QV, NT)
    知敎切 tri giáo thiết (TVGT)
    知敎反 tri giáo phản (LKTG)
    敕敎敕角二反 sắc giáo sắc giác nhị phản (LKTG)
    敕敎切 sắc giáo thiết (QV, TV, VH)
    陟敎切,音罩 trắc giáo thiết, âm tráo (TV, LT)
    他弔切,音糶 tha điếu thiết, âm thiếu (TV)
    敕卓切 sắc trác thiết (NT, TTTH)
    敕角切,音逴 sắc giác thiết, âm trác (QV, TV, LT, VH, TVGTC)
    徒了切,音窕 đồ liễu thiết, âm điệu (TV, LT) – TV ghi thượng thanh
    徒弔切 đồ điếu thiết (LI)
    敕略切,音鄀 sắc lược thiết, âm nhược (TV, LT)
    竹角切,音琢 trúc giác thiết, âm trác (TV, LT, CV, TVi)
    CV ghi cùng vần/khứ thanh 趠 踔 (*trác)
    CV ghi cùng vần/nhập thanh 綽 婥 繛 逴 婼 躇 ? 趠 踔 簎 (xước sước trác)
    CV ghi cùng vần/nhập thanh 捉 斮 穛 穱 斲 琢 椓 諑 卓 踔 倬 啄 涿 斸 瘃 㧻 (tróc trác trọc trúc), 勅教切 sắc giáo thiết (CV, TVi)
    尺約切 xích ước thiết (CV, TVi) – TVi ghi 音綽 âm xước
    昌約切, 音綽 xương ước thiết, âm xước (CTT) …v.v…

    Giọng BK bây giờ là chuō zhuó diào tiào chào zhuō chuò tiǎo zhào so với giọng Quảng Đông coek3 diu6 và các giọng Mân Nam 客家话: [台湾四县腔] zok7 tsiok7 zau5 tiau5 [客英字典] zok7 [海陆丰腔] zok7 chiok7 zau5 tiau5 [梅县腔] zok7 话:doh4, tiếng Nhật tou chou và tiếng Hàn thak.

    Một điểm đáng nêu lên ở đây là trong 100 chữ thuộc bộ khuyển (TVGT), số chữ hàm ý tiêu cực (xấu) là 13 so với 3 chữ hàm ý tích cực, hay khoảng 81% hàm ý tiêu cực[11]. Trong các chữ mang ý xấu trên có những chữ như xú 臭 (mùi hôi thối, tiếng xấu, mùi), cuồng 狂 (điên, dại), phạm 犯 (làm điều sai trái, xâm lấn) … Hay những tên chỉ bộ tộc như Địch 狄 (giống dân ở bắc TQ), Lão 獠 (giống dân ở tây nam TQ) đều dùng bộ khuyển.

  1. Văn hóa phương Nam/nông nghiệp coi trọng chó – “cẩu vương”

 

Khác hẳn với phương Bắc TQ, các dân tộc phía Nam[12][12] TQ coi trọng loài chó, như người Dao xem chó là thủy tổ của mình[13][13] (td. Bàn Hồ 盤瓠). Ngoài ra, các dân tộc Bố Y, Di, Thủy (Thủy tộc 水族), Choang đều có câu chuyện kể về loài chó đem hạt thóc đầu tiên để mở đầu những mùa gặt lúa của nền nông nghiệp phương Nam. Thời LM Alexandre de Rhodes sang An Nam truyền đạo, ông đã ghi nhận phong tục thờ chó qua các từ như Cẩu Vương (VBL). Tục thờ chó, phản ánh qua tượng Thần Chó/Cẩu Vương đã có từ thời xa xưa[14]. Trong tinh thần tôn trọng loài vật rất gần gũi trong đời sống nông nghiệp, không khó giải thích sự hiện diện của loài thú này trong 12 con giáp. Hình sau trích từ trang “TỤC THỜ CHÓ ĐÁ CỦA NGƯỜI VIỆT” http://quehuongonline.vn/tu-dien-van-hoa/tuc-tho-cho-da-cua-nguoi-viet-43433.htm

Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội)

Các nghiên cứu khảo cổ học (td. Guo-Dong Wang et al. 2016) cũng đưa ra kết luận là loài cho được thuần chủng sớm nhất ở vùng nam TQ: kết quả dựa vào phân tích và so sánh các chuỗi genome (genome sequences) của 19 loài chó trên thế giới. Dựa vào ADN để tái lập nguồn gốc loài chó, các khoa học gia (7/2017) cũng đặt loài chó ở vùng Đông Nam Á nằm ở gốc (nguồn) của cây ADN (DNA tree). Kết luân từ các nghiên cứu và báo cáo khoa học trên hoàn toàn phù hợp với khả năng chó là loài thú đồng hành với các dân tộc bản địa thuộc vùng nam TQ và Đông Nam Á từ thời cổ đại, và dĩ nhiên ta không ngạc nhiên khi loài chó lại được vinh danh trong hệ thống 12 con giáp truyền tụng cho đến ngày hôm nay.

Tóm lại, Tuất trong cách gọi năm Tuất (12 con giáp) không có liên hệ nào tới loài chó hay cách gọi chó trong tiếng Hán như khuyển, cẩu, sử/sứ, li, lang, ngao, ngan … Tên gọi Tuất (qua một dạng âm cổ phục nguyên *swot đề nghị trong bài này) liên hệ đến chó có khả năng đến từ phương Nam, như từ ngữ hệ Mon-Khme mà tiếng Việt cổ là một thành viên quan trọng. Vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn khi so sánh các tên gọi 12 con giáp Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi với tên gọi các loài thú trong tiếng Việt như Chuột Trâu (tru) Hùm (khái) Mèo Rồng Rắn Ngựa Dê Khọn (khỉ) Gà Chó Hợi (cúi). Đã đến lúc cần phải đặt lại vấn đề về công lao thâm trầm của tổ tiên chúng ta, kí ức tập thể của tiền nhân hãy còn vang vọng qua câu ca dao:

Trăm năm bia đá thì mòn, 

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

4. Tài liệu tham khảo chính và ghi chú them

1) K. Kris Hirst (12/2017) “Dog History: How and Why Dogs were Domesticated – Recent Scientific Findings about our First Domesticate Partner” (tạm dịch/NCT: “Lịch sử loài chó: Tại sao và làm thế nào loài chó được thuần hóa – các khám phá khoa học mới nhất về người bạn đồng hành được thuần hóa đầu tiên của con người”. Tác giả Hirst bàn về các kết quả nghiên cứu đưa ra nguồn gốc Đông Á và khả năng thuần hóa độc lập loài chó ở Âu Châu.

2) Quách Mạt Nhược 郭沫若 (1930) “甲骨文字研究” (Giáp cốt văn tự nghiên cứu) đề nghị xuất xứ của 12 con giáp từ Ấn Độ. GS Quách Mạt Nhược (1892-1978) là một học giả đa dạng và rất nổi tiếng trong lịch sử cận đại TQ, xem trang mạng này chẳng hạn https://baike.baidu.com/tashuo/browse/content?id=d00ea92e54dbc813cf980184&lemmaId=&fromLemmaModule=pcBottom. Tuy nhiên, nếu du nhập từ Ấn Độ, như theo đề nghị của học giả Quách Mạt Nhược, thường phải qua vài nước ở giữa trước khi lan tràn đến TQ, cũng như quá trình truyền bá Phật giáo, có khả năng phải qua trung gian là Giao Chỉ (trung tâm Phật giáo Luy Lâu).

3) Jerry Norman (1988) “Chinese” Cambridge Language Surveys – Cambridge University Press (Cambridge, Anh quốc).

4) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

5) Nguyễn Cung Thông “Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp” có thể tham khảo loạt bài này trên các trang mạng như (2008)  http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&id=81  hay https://khoahocnet.com/category/nguy%E1%BB%85n-cung-thong/page/2/http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=2198  …v.v… Các buổi nói chuyện (cùng đề tài) trên đài phát thanh SBS Radio (Úc) – tham khảo các trang https://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/audiotrack/horse-lunar-zodiac-part-2?language=vihttps://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/audiotrack/talks-about-year-goat?language=vi, hay buổi nói chuyện về năm Dậu (2/2017) trên đài phát thanh RFA trang này chẳng hạn http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/OverseasVietnamese/year-of-the-rooster-2017-tt-01262017124217.html …v.v… Báo Tiền Phong (8/2/2009) trang này chẳng hạn https://www.tienphong.vn/cong-nghe-khoa-hoc/nguoi-tim-nguon-ten-12-con-giap-151678.tpo …v.v

6) Guo-Dong Wang, Weiwei Zhai, He-Chuan Yang, Lu Wang, Li Zhong, Yan-Hu Liu, Ruo-Xi Fan, Ting-Ting Yin, Chun-Ling Zhu, Andrei D Poyarkov, David M Irwin, Marjo K Hytönen, Hannes Lohi, Chung-I Wu, Peter Savolainen & Ya-Ping Zhang (2016) “Out of southern East Asia: the natural history of domestic dogs across the world” (tạm dịch/NCT: “Nguồn gốc từ Đông Á – lịch sử tự nhiên của loài chó thuần hóa trên thế giới” – Đông Á là vùng nam Trung Quốc hiện nay). Có thể xem bản báo cáo đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng “Nature” trên các trang mạng như https://www.nature.com/articles/cr2015147 …v.v

Nguyễn Cung Thông[15]

[1] Chữ tuất 恤 (thanh mẫu tâm 心 vận mẫu thuật 術 nhập thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết: 辛聿切 tân duật thiết (TVGT, ĐV, QV), 須律反 tu luật phản (LKTG), 思律切 tư luật thiết (NT, TTTH), 思律乀 tư luật phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音), 雪律切,音戌 tuyết luật thiết, âm tuất (TV, LT, VH, CV, TVi), CV ghi cùng vần/nhập thanh 恤 卹 訹 怵 戌 珬 (tuất truật), 辛律切,音戌 tân luật thiết, âm tuất (CTT) …v.v… Giọng BK bây giờ là xù so với giọng Quảng Đông seot1 và các giọng Mân Nam  客家话:[梅县腔] sit7 [陆丰腔] sut7 [客英字典] sut7 sit7 [海陆丰腔] sit7 sut7 [客语拼音字汇] sud6 xid5 [台湾四县腔] sit7 sut7 [宝安腔] sut8 sot8 [东莞腔] sut8 潮州话:思温4(戌), giọng Mân Nam/Đài Loan sut1, tiếng Nhật jutsu shutsu và tiếng Hàn hyul. Một dạng âm cổ phục nguyên của tuất là *swot đọc gần như xót (xiót) hay sót tiếng Việt hiện đại.

[2] Tham khảo thêm nhiều chi tiết về quá trình hình thành chữ khuyển, cẩu từ trang mạng như http://www.chineseetymology.org/CharacterEtymology.aspx?submitButton1=Etymology&characterInput=%E7%8A%AC

[3] Thời Chu (1066-771 TCN) có chức quan gọi là Khuyển Nhân 犬人 (chứ chưa thấy ai dùng Cẩu Nhân). Bì Nhã 埤雅 (năm 1080) thời Tống phân loại chó thành ba nhóm: điền khuyển 田犬 (loại chó săn), phệ khuyển 吠犬 (chó sủa báo hiệu) và thực khuyển 食犬 (chó dùng làm thực phẩm) …v.v…

[4] Nhận xét này cũng không xa sự thật cho các tự điển Anh-Nga, Anh-Việt (English-Russian, English-Vietnamese dictionary) … Không phải gồm toàn là các từ thuần gốc Anh cả. Tính ra thì khoảng 29% tiếng Anh có gốc La Tinh, 29% gốc Pháp, 26% gốc Germanic (tiếng Anh cổ, Đức, tiếng Norse cổ), 6% tiếng Hi Lạp …v.v..

[5] Chữ sử/sứ là chữ hiếm: bộ khuyển hợp với chữ sử hài thanh 犭史. Ngọc Thiên giải thích là tên gọi loài chó (cẩu danh), Tập Vận ghi là tên loài thú giống như loài chó …

[6] TVGT biên hiệu 6102 là chữ tượng, TVGT biên hiệu 6103 là 豫: 象之大者  Dự : tượng chi đại giả, 豫 còn viết là ?. Giọng BK là yù shū xù xiè so với các giọng Quảng Đông jyu6, Hẹ ji5 zi6 ji3 j5, Mân Nam u7 … Để ý dự – vui – voi, so với các tiếng Mường Bi là way, Pọong voj, Mường Mĩ Sơn woy, Nguồn Cổ Liêm/Yên Thọ voj1  … Trong An Nam Dịch Ngữ, voi kí âm là uy HV 威 hay oai – so với giọng Quảng Đông là wai1, Hẹ wui1, vui1 phù hợp với cách dùng âm vi chữ Nôm chỉ voi (xem các các cách đọc vi bên dưới) – dự là âm Hán trung cổ, theo Quảng Vận 羊洳切 dương như thiết. Các dữ kiện trong thư tịch cổ khác ghi nghĩa dự là voi như 豫焉若鼕涉川。——《 老子》。 範應元註: “豫, 象屬。” Dự yên nhược đông thiệp xuyên。—— 《Lão Tử》 。Phạm Ứng Nguyên chú: “dự, tượng thuộc”.  《 疏》 猶, 玃屬。 與, 象屬。 二獸皆進退多疑, 人多疑惑者似之 《Sơ》 do,quặc thuộc。Dữ,tượng thuộc。Nhị thú giai tiến thối đa nghi,nhân đa nghi hoặc giả tự chi. Đa số các tự điển HV cũng như TQ lại bỏ sót nghĩa nguyên thuỷ của dự là ‘Tượng chi đại dã’ (TVGT). Từ các dữ kiện ngôn ngữ thuộc nhóm Việt Mường, ta có thể phục nguyên một dạng cổ của (con) voi là *jwi/*uoi/woi – môi hoá thành voi giọng Bắc VN hiện nay, giọng Nam vẫn còn gần dạng âm cổ hơn như doi, mjoi …). Qua dạng *uoi ta có thể giải thích được các dạng yù BK, dự HV (ngạc cứng hóa), voi (môi hoá) và vui (yên vui, vui vẻ … tiếng Mường Bi là pui). Một dạng chữ Nôm vui thường dùng bôi 盃 làm thành phần hài thanh/HT, cũng như vòi (mũi voi) cũng cùng thanh phù bôi 月盃; tương quan pui-vui (dui/jui giọng Nam) tương ứng với cặp bui-duy 惟 (‘duy’ giọng Nam), bởi-vì vi-vị 爲 (vậy, ‘dậy’ giọng Nam). Bởi (vì) tương ứng với pới (Mường Bi), pơi/bơi (Môn), vơi (Nùng, Yày). Chữ Nôm voi dùng vi HV 爲 để kí âm, một âm gần giống voi (cận âm). Nguồn gốc của chữ vi 爲 từng chỉ một loài vật có móng vuốt (trảo), và chỉ con khỉ mẹ (mẫu hầu) chứ không chỉ con voi.

[7] So với từ khuyển có tần số dùng (tần suất) 9110 trên 434055645, từ cẩu có tần số dùng 64966 trên 434717750 (gấp 7 lần khuyển).

[8] Tập Vận/Loại Thiên ghi cách đọc này còn là tên gọi sao phương đông, có lẽ liên hệ đến nhận xét của học giả đời Thanh Triệu Dực 趙翼 trong Cai Dư Tùng Cảo 陔余叢考 về cách dùng tên động vật trước, rồi sau đó hợp với cách tính năm tháng để trở thành hệ thống 12 con giáp hiện đại.

[9] Xem chi tiết trong bài viết “Proto-Pearic and the classification of Pearic” tác giả Robert K. Headley Jr. trong cuốn “Southeast Asian Linguistic Studies presented to André-G. Haudricourt” Chủ biên Surya Ratanakul, David Thomas, & Suwilai Premsrirat – Bangkok, Mahidol University: trang 428-478.

[10] sài: lang thuộc 狼屬 (TVGT), bái: lang thuộc 狼屬 (QV).

[11] Tuy không ghi trong TVGT, Dao (dân tộc Dao) cũng viết bằng bộ khuyển 猺 (sau đổi ra 傜 hay 瑤 cho bớt tiêu cực). Choang (dân tộc Choang, Tráng) cũng viết bằng bộ khuyển 獞, sau đổi ra 僮 và 壮 … Xem thêm về tương quan giữa tư duy và ngôn ngữ qua chữ viết, như bài “Những thành kiến hóa thạch về phái nữ qua chữ viết (bộ nữ 女)” cùng tác giả/NCT trên các trang mạng như https://khoahocnet.com/2012/06/21/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-phan-5-nhung-thanh-kien-hoa-thach-ve-phai-nu-qua-chu-viet-bo-nu/ hay https://dotchuoinon.com/2016/05/25/nhung-thanh-kien-hoa-thach-ve-phai-nu-qua-chu-viet-bo-nu/ …v.v…

[12] Không phải ngẫu nhiên mà tên sông ở phía Nam TQ thường là giang 江 như Trường Giang (Dương Tử Giang), Châu Giang, Nguyên Giang so với cách gọi hà 河 ở phía bắc TQ như Hoàng Hà, Vị Hà, Lạc Hà, Chương hà … Giang 江 có nguồn gốc là *krong/krung thuộc ngữ hệ Mon-Khme:*krong > sông tiếng Việt.

[13] Học giả Wolfram Eberhard (1909-1989) viết nhiều về văn hóa dân gian của các dân tộc ở nam TQ, đặc biệt liên hệ đến loài chó trong cuốn “Dictionary of Chinese Symbols: Hidden Symbols in Chinese Life and Thought” NXB Routledge (1986/2003 – London/New York).

[14] Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, tục thờ chó đá đã có từ lâu và vẫn còn tồi tại cho đến nay. Thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội) – xem thêm chi tiết trang này (24/11/2014)  http://quehuongonline.vn/tu-dien-van-hoa/tuc-tho-cho-da-cua-nguoi-viet-43433.htm

[15] Nghiên cứu tiếng Việt độc lập tại Melbourne (Úc) – địa chỉ nguyencungthong@yahoo.com