- Nguồn gốc và phân loại động vật học
Chó được con người thuần hóa cách đây 15.000 năm, vào cuối Kỷ băng hà và trở thành vật nuôi đầu tiên. Con người sử dụng chó để đi săn, giữ nhà hoặc làm thú cảnh….. và trong dân gian chó còn được gọi là “Khuyển”, “Cún”, “Cẩu”, “Cầy”…
Tổ tiên của loài chó là chó sói. Còn loài chó như chúng ta thấy ngày nay được tiến hóa từ một loài chó nhỏ, màu xám. Theo phân loại động vật học, chó thuộc lớp (class) động vật có vú (Mammalia); bộ (order) ăn thịt (Carnivora), bao gồm các loài chó, mèo (sư tử, hổ, gấu, linh cẩu, chồn…) và các động vật ăn thịt khác; họ (family) Canidae, bao gồm chó, chó sói, chó rừng, tất cả các loài cáo và các loài dạng chó khác; chi (genus) Canis và loài (species) chó (Canis lupus familiaris)
Họ chó (Canidae – tiếng Latin canis có nghĩa là chó) gồm khoảng 37 loài: chó sói, chó sacan, cáo, chó rừng và các giống chó nhà. Tất cả các thành viên trong họ chó đều là loài ăn thịt và thích nghi đặc biệt để săn mồi. Răng của chúng dùng để giết mồi, nhai thịt và gặm thịt, thỉnh thoảng để cắn nhau.
- Tập tính và một số đặc điểm sinh vật học
Chó là vật nuôi có ích, có nhiều đặc tính quý như lòng trung thành tuyệt đối với chủ, sự cần mẫn trong việc giữ nhà, biết phân biệt người quen với kẻ lạ và có trí thông minh hơn các loài vật khác. Mỗi ngày chó trưởng thành ngủ 12-14 giờ. Tuổi thọ trung bình khoảng 10-13 năm.
Chó là loài vật có thính giác đặc biệt, khứu giác “siêu nhạy”. Tai của chó rất thính. Chúng có thể nhận biết được 35.000 âm rung chỉ trong một giây, nghe và phân biệt được các tiếng động có tần số âm thanh khác nhau từ khoảng cách 1.000-15.000 m ở cuối hướng gió. Mũi của chó hết sức nhạy cảm, có thể phân biệt được khoảng 15.000 mùi khác nhau (trong khi mũi người chỉ có thể phân biệt được khoảng 12.000 mùi). Mắt chó có đến 3 mí: một mí trên, một mí dưới và mí thứ ba nằm ở giữa, hơi sâu vào phía trong, giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn. Thị giác của chúng rất kém, chỉ nhìn thấy 3 màu xanh lục-xanh dương-vàng. Chó phân biệt vật thể đầu tiên là dựa vào chuyển động sau đó đến ánh sáng và cuối cùng là hình dạng.
Bộ răng chó có 42 chiếc. Lúc mới ra đời, chó con không có răng nhưng chỉ sau 4 tuần tuổi đã có thể có 28 chiếc răng. Giống như tất cả các động vật có vú khác, sau khi con non được sinh ra con mẹ cho con non bú và chăm sóc con non vài tháng.
Chó có đến 2 lớp lông: lớp bên ngoài như chúng ta thường thấy, còn lớp lót bên trong giúp cho chúng giữ ấm, khô ráo trong những ngày mưa rét, thậm chí còn có nhiệm vụ “hạ nhiệt” trong những ngày oi bức. Ta có thể thấy vào mùa đông lạnh, thỉnh thoảng chó hay lấy đuôi che cái mũi ướt át, đấy là cách chúng giữ ấm cơ thể cho mình.
Tất cả các loài chó thường có chân dài, chạy nhanh. Dưới bàn chân chó có một lớp đệm dày bằng mô liên kết cũng như mèo, giúp chó di chuyển khi săn mồi không phát ra tiếng động. Chúng là loài “đi bằng đầu ngón chân” và có các bàn chân đặc trưng, năm ngón ở chân trước và bốn ngón ở chân sau. Đôi khi có trường hợp chó nhà có năm ngón ở chân sau (móng thứ năm gọi là móng huyền). Nhờ các đặc điểm đó chúng thường được con người sử dụng trong săn bắt, truy tìm kẻ gian, bọn tội phạm… rất thành công. Những con chó săn dù thể hình nhỏ gọn nhưng khả năng đi rừng, săn mồi (thú rừng) của chúng rất tốt. Bộ cơ xương của chó săn chắc khỏe, có thể chạy với tốc độ của ngựa và báo đốm châu Mỹ (70-80 km/giờ). Giống chó chạy nhanh được ưa chuộng như Dalmatian (chó đốm) có nguồn gốc từ Đan Mạch có thể chạy vượt rào với tốc độ 60km/giờ.
Đặc điểm của những chú chó săn đầu đàn là khi phát hiện ra con thú thì chúng lập tức báo cho chủ nhân và đồng loại của chúng biết và bắt đầu hành trình đuổi bắt. Tuy nhiên, cũng có khi chó săn bị lợn rừng hoặc thú dữ tấn công, cắn trọng thương hoặc húc chết. Đó là trường hợp những con chó quá liều lĩnh khi tấn công trực tiếp vào lợn rừng và bị nó dùng nanh đánh gục.
Cũng giống như giống chó nhà, chó săn rất sợ hổ, khi thấy có mùi của hổ trong bán kính gần 1 km, không có con nào dám đến gần, không dám đánh hơi tiếp nữa mà cứ quanh quẩn bên con người. Khi đang đi rừng mà thấy đàn chó săn cụp đuôi, sợ sệt co cụm lại là dấu hiệu nhận biết con hổ đang ở gần và người thợ săn chọn giải pháp là lùa đàn chó rời đi khu vực khác. Khi hổ xuất hiện, đàn chó chạy chui vào gầm, dưới sàn nhà, các xó xỉnh mà không dám ló mặt ra, chúng im hơi và chẳng con nào dám sủa, cả đàn khép nép vì sợ hãi.
Thân nhiệt:
Thân nhiệt chó trưởng thành 37,50C – 39,00C. Mùa hè, thân nhiệt có thể tăng 0,20C, mùa đông có thể giảm 0,20C. Khi hoạt động (chạy nhảy… ) thân nhiệt có thể tăng 0,50C. Khi ngừng hoạt động thân nhiệt trở lại bình thường. Khả năng điều tiết thân nhiệt qua da ở chó rất kém và chủ yếu qua đường hô hấp. Chính vì vậy, vào những ngày nóng nực mùa hè, chúng ta thường thấy chó thè lè lưỡi thở để chống nóng.
Nhịp tim
Nhịp tim ở chó con là 110-120 lần/phút. Chó trưởng thành (các giống chó nhỏ con), nhịp tim 80-120lần/phút. Với các giống chó to con, nhịp tim 70-90lần/phút
Mùa đông nhịp tim có thể giảm 5 nhịp khi thời tiết lạnh. Mùa hè, nhịp tim tăng 5 nhịp. Khi hoạt động mạnh, nhịp tim có thể tăng 10-20 lần/phút. Khi ngừng hoạt động nhịp tim trở lại bình thường.
Nhịp thở (hô hấp)
Nhịp thở của chó con là 20-22 lần/phút, chó trưởng thành: 14-18 lần/phút
Mùa đông nhịp thở giảm 5 nhịp, mùa hè có thể tăng 10 nhịp/ phút. Khi hoạt động mạnh nhịp thở có thể tăng 10-15 lần/phút
- Đặc điểm sinh lý sinh sản
Sinh lý sinh sản của chó đực
Chức năng chính của dịch hoàn là sinh tinh trùng đồng thời tiết ra kích tố sinh dục nam là testosteron, có tác dụng duy trì đặc điểm giới tính và chức năng sinh dục của con vật. Dịch hoàn phát triển và hoạt động có liên quan mật thiết với tuyến giáp. Các chất dinh dưỡng và các chất khoáng, vitamin, nhất là vitamin A và vitamin E có vai trò rất quan trọng trong việc sản sinh tinh trùng. Nhiệt độ của dịch hoàn phải luôn gần bằng nhiệt độ của cơ thể. Nếu nhiệt độ cao sẽ cản trở sự sinh tinh trùng.
Chó đực thành thục sinh dục khi đạt độ tuổi khoảng 14-16 tháng. Như vậy, chỉ nên sử dụng chó đực để phối giống từ lứa tuổi này. Sử dụng sớm chó đực, tức quá non, sẽ ảnh hưởng đến kết quả thụ thai và làm cho chó giảm sút sức khoẻ, mất dần khả năng phối giống.
Sinh lý sinh sản chó cái
Chó cái trưởng thành về thể chất và thành thục về tính dục khi đạt 8-10 tháng tuổi. Ở tuổi này, buồng trứng của chó bắt đầu hoạt động: trứng phát triển, chín và rụng vào ống dẫn trứng, chuyển xuống tử cung. Khi giao phối, trứng gặp tinh trùng ở tử cung và thụ tinh. Thời gian mang thai ở chó là 60 ngày (biến động từ 57 đến 63 ngày).
Sự hoạt động rụng trứng ở chó cái có chu kỳ 180 ngày. Như vậy, trong một năm có 2 lần rụng trứng. Sự hoạt động của chu kỳ sinh sản chó cái diễn ra như sau: chó cái sau khi thay lông, thân thể béo khoẻ thì bắt đầu có hoạt động sinh dục. Kinh nguyệt kéo dài từ 9 – 16 ngày. Thời kỳ phối giống thích hợp là từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 13, kể từ ngày thấy kinh đầu tiên, tuỳ thuộc vào trạng thái sinh lý của từng con.
Thông thường khi đến ngày rụng trứng, chó có biểu hiện hưng phấn về tính dục đạt đỉnh cao nhất. Biểu hiện của nó là ăn ít, thích gần chó đực, khi gần chó đực thì đứng im, cong đuôi lên và chịu cho chó đực phối giống.