Những địa điểm trong Thánh Kinh

62

Những địa điểm trong Thánh Kinh

Nhiều phát hiện về khía cạnh khảo cổ học vô cùng ấn tượng được cho là mang đến chứng cứ xác thực về các địa điểm, nhân vật và câu chuyện cổ xưa, được Thánh Kinh ghi lại.

1. TEL MEGIDDO

Ðịa điểm hiện tại: Israel

Ðối với nhiều người, Megiddo được biết đến với cái tên Hy Lạp nổi tiếng Armageddon. Nơi đây được cho rằng sẽ là điểm diễn ra trận chiến cuối cùng được tiên tri trong Sách Khải Huyền. Các nhà khảo cổ học vô cùng bất ngờ khi tìm được tổng cộng 26 lớp vật liệu khảo cổ, cho thấy con người đã từng ấy lần định cư tại địa điểm cách thành phố Haifa của Israel khoảng 30 km về hướng đông nam này. Là thành phố hàng đầu của người Canaan trong thời đại đồ đồng, Megiddo sau đó trở thành một đô thị quan trọng của Vương triều Israel, theo Cựu Ước. 

2. QUMRAN

Ðịa điểm hiện tại: Bờ Tây

Tọa lạc ở bờ tây bắc của Biển Chết, nơi định cư cổ xưa này đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới vào cuối những năm 1940, khi đàn cừu của người du mục Bedouin đi lạc vào các hang động gần đó, giúp tìm được những văn bản đầu tiên được ghi chép bằng chữ Hebrew và Aramaic cổ, gọi chung là Các cuộn giấy Biển Chết, trong đó chứa các đoạn trong Thánh Kinh và những tài liệu cổ đại khác. Các cuộc khai quật sau đó đã hé lộ tàn tích của những cấu trúc xây dựng và hệ thống cống thải lớn ở khu vực. Một số học giả cho rằng Qumran là nhà của những người Essenes, một nhóm Do Thái sống biệt lập thường được cho là tác giả đằng sau Các cuộn giấy Biển Chết.

3. TEL HAZOR 

Ðịa điểm hiện tại: Israel (Galilee)

Với diện tích khoảng 81 hécta, Tel Hazor nằm ở vùng Thượng Galilee (giờ đây là công viên quốc gia) và là nơi có “tel” với số lượng đông đảo nhất của Israel, trong đó “tel” nghĩa là gò nhân tạo được hình thành qua nhiều thế kỷ định cư của con người, khi những cấu trúc xây dựng cũ hơn sụp đổ và cái mới được xây lên. Theo Cựu Ước, Tel Hazor từng là nơi chứng kiến một trong những chiến thắng then chốt của Joshua, thủ lĩnh các bộ tộc Israel, trên đường chinh phục Canaan sau cái chết của nhà tiên tri Moses. Có vẻ như Joshua đã ra lệnh đốt trụi đô thị này, mở đường cho quá trình định cư mới của các bộ tộc Israel. Nỗ lực khai quật vẫn đang diễn ra tại đây, và các chuyên gia đã tìm được một số chứng cứ về sự đốt phá các cấu trúc xây dựng và vật liệu.

4. MACHAERUS

Ðịa điểm hiện tại: Jordan

Pháo đài cổ trong sa mạc, cách TP Madaba của Jordan khoảng 30 km về hướng tây nam, nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống Biển Chết. Sau khi bị tàn phá dưới gót vó ngựa của quân đội La Mã, Machaerus đã được xây dựng lại dưới thời vua Herod đại đế và biến thành căn cứ quân sự. Thánh Kinh (và sử gia Do Thái, Flavius Josephus) xác định nơi này là địa điểm cầm tù thánh Gioan Tẩy Giả theo mệnh lệnh của Herod Antipas, con trai của Herod đại đế.

5. CỔ THÀNH JERUSALEM

Ðịa điểm hiện tại: Israel (Palestine đồng tuyên bố chủ quyền)

Theo truyền thống Do Thái, Núi Ðền (hiện nằm bên trong Cổ Thành) là nơi Thiên Chúa tạo nên con người đầu tiên là Adam từ bụi của trời đất, và vua Solomon đã xây dựng đền thờ đầu tiên vào khoảng năm 1.000 trước CN (sau đó bị người Babylon phá hủy). Người theo đạo Hồi cũng tôn kính nơi này, và đặt các đền thờ quan trọng như Núi Ðền và al-Aqsa tại đây. Cổ Thành đặc biệt còn có những địa điểm thiêng liêng, như nơi Chúa Giêsu bị hành hình; nhà thờ Mộ Thánh và Bức tường Than khóc…

6. Tel Beersheba

Ðịa điểm hiện tại: Israel (sa mạc Negev) 

Nằm ở sa mạc Negev, phía nam Israel, đây là địa điểm được xem là tàn tích của thành phố trong Thánh Kinh Beersheba; và nó chỉ cách thành phố thời hiện đại cùng tên khoảng vài cây số về hướng đông. Theo Cựu Ước, tổ phụ của người Do Thái Abraham đã đạt được đàm phán với vua Abimelech của người Philistine để giành quyền sở hữu một miệng giếng ở đây, và ngài đã cho trồng một cây liễu đánh dấu nơi này. Kể từ đó, hệ thống nước ngầm trong khu vực được duy trì kéo dài đến thời đại Ðồ Sắt, tức hơn một thiên niên kỷ sau đó.

7. Núi Nebo

Ðịa điểm hiện tại: Jordan

Theo Cựu Ước, nhà tiên tri Moses trải qua những ngày cuối đời tại đây, và từng leo lên đỉnh núi để nhìn xuống và thu lấy toàn cảnh miền Ðất Hứa trước khi qua đời. Trở thành địa điểm hành hương từ thế kỷ 4, núi Nebo có một nhà thờ xây cùng thời kỳ, và tàn tích của nó đã được khai quật vào thập niên 1930. Những bức phù điêu do các tu sĩ vào thời Byzantine tỉ mỉ vẽ từ thế kỷ 6 vẫn còn đến ngày nay, cũng như quang cảnh hớp hồn của Ðất Thánh và thung lũng sông Jordan nếu nhìn từ đỉnh núi.

8. Petra

Ðịa điểm hiện tại: Jordan

Thành phố cổ được tạc vào vách đá màu đỏ của núi Jebel al-Madhbah, gần Biển Chết ở miền nam Jordan, được biết đến với cái tên “Sela” trong Thánh Kinh. Giới học giả cho rằng Petra nhiều khả năng được một tộc người Ả Rập cổ đại và bí ẩn gọi là Nabateans xây vào khoảng năm 312 trước CN. Giới khảo cổ vẫn thường xuyên công bố những phát hiện mới trong quá trình khai quật và nghiên cứu tàn tích nổi tiếng thế giới, chẳng hạn như một cấu trúc khổng lồ và bí ẩn được tìm thấy gần trung tâm cổ thành vào năm 2016. Các nhà khoa học đã dùng Google Earth, hình ảnh vệ tinh và thiết bị bay không người lái để tìm ra cấu trúc mới.

9. El-Araj

Ðịa điểm hiện tại: Israel (Galilee)

Các cuộc khảo cổ gần đây của tàn tích từ thời La Mã cổ đại cho thấy nó có thể là ngôi làng đánh cá Bethsaida, sau này là Julias. Thường xuyên được đề cập trong Tin Mừng, là nơi sinh ra các thánh tông đồ Phêrô, Anđrê và Philipphê, ngôi làng cũng chứng kiến Chúa Giêsu thực hiện một số phép lạ. Dù một nhóm học giả khác cho rằng et-Tell trên bờ đông của sông Jordan mới là Bethsaida, các nhà khảo cổ sau thời gian khai quật vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng el-Araj là ứng viên mạnh nhất cho làng chài nổi tiếng của Thánh Kinh.

10. Sidon (Saida)

Ðịa điểm hiện tại: Li Băng

Cùng với Tyre ở gần đó, thành phố cảng cổ đại (mà người địa phương gọi là Saida) đóng vai trò quan trọng trong Cựu Ước lẫn Tân Ước vì mối quan hệ với người Canaan, tộc người cổ đại sống ở phía tây sông Jordan tại những vùng đất giờ đây thuộc Israel, Palestine, Li Băng, Syria và Jordan. Khi Chúa Giêsu đến nơi này, nhiều người đã vây quanh nghe người giảng dạy, theo Tân Ước. Thành phố cũng là nhà của Ðền Eshmun, rất được giới khảo cổ học quan tâm. Dù bị tổn thất nặng nề trong cuộc nội chiến Li Băng, ngôi đền đã được khôi phục một phần. LL

Previous articleTầm quan trọng của niềm tin được gieo trồng từ gia đình
Next articleNăm Ðặc biệt kính thánh Cả Giuse