Nước là nhu cầu căn bản của con người nhưng sự khan hiếm nước trên thế giới đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng và đau khổ cho con người mà dường như trong tương lai vấn đề này càng tồi tệ hơn, Caritas Quốc tế cảnh báo.
Sự khác biệt giữa nước uống từ một dòng sông gần đó hoặc từ một nguồn nước đáng tin cậy và sạch sẽ có thể tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Cung cấp nước sạch là điều thiết yếu cho sự sống còn của người tị nạn Nam Sudan ở miền bắc Uganda. Cordaid
Caritas đang tham gia Diễn đàn Nước Thế giới diễn ra tại Brazil từ ngày 18 đến 23/3/2018 nhằm bảo đảm an toàn nước, chia sẻ công bằng và sử dụng có trách nhiệm các nguồn nước và các biện pháp phòng chống hạn hán và các thảm hoạ khác.
Ước tính hiện nay có khoảng 1/3 dân số thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước và cứ theo đà này thì đến năm 2025, sẽ có 2/3 dân số phải chịu sự khan hiếm nước vì nhu cầu về nước tăng lên.
Con người gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên không hiệu quả, các hoạt động nuôi trồng không bền vững và ô nhiễm từ việc khai thác mỏ quặng đều góp phần làm khan hiếm nước.
Trong công việc của mình trên khắp thế giới, Caritas chứng kiến những ảnh hưởng bất lợi của sự khan hiếm nước đối với gia đình và cộng đồng, đặc biệt là người nghèo.
“Việc thiếu tiếp cận nguồn nước dẫn đến sự bất công, khủng hoảng, nghèo đói và không thể thực hiện đầy đủ các quyền con người để sống với phẩm giá.”Đức ông F. Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh phát biểu với FAO, IFAD và WFP.
Những thảm hoạ trầm trọng tại một số quốc gia cụ thể đã tạo ra nhu cầu rất lớn cho viện trợ nhân đạo, và các tổ chức Caritas đã được kêu gọi hỗ trợ những người đang cần được giúp đỡ.
- Mưa lớn gây sạt lở ở Peru và Colombia, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
- Ở Đông Phi, hạn hán giết chết gia súc và phá hủy mùa màng làm cho hàng triệu người bị đói.
- Ở Nam Á, mưa gió mùa khốc liệt khiến lũ lụt tàn phá ảnh hưởng tới 45 triệu người.
- Tại Ethiopia năm 2016, hơn 10 triệu dân sống nhờ lương thực và nước viện trợ. Khi mưa trở lại quá lớn, khiến 300.000 người buộc phải di tản và tiếp theo đó là một đợt hạn hán khác vào năm 2017.
Ngoài các thảm hoạ mang tính nhân đạo, Caritas còn chứng kiến sự khan hiếm nước có thể kết hợp với các hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng xã hội, chính trị, sắc tộc và tôn giáo. Ở Trung Đông, người dân Palestine phải đối mặt với sự cung cấp nghèo nàn và thiếu các cơ sở hạ tầng.
Sự đầu tư hạn chế cho việc phát triển nông thôn ở châu Á khiến cho 2,3 triệu người ở Nepal không có nước uống an toàn và 700 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi năm do nước uống không an toàn và vệ sinh kém. Thuỷ lợi chưa được phát triển đầy đủ và các cộng đồng không chuẩn bị dự trữ nước trong mùa mưa để dùng cho các hộ gia đình và nông nghiệp trong mùa khô.
“Nước cần phải được đặt vào vị trí trung tâm mà nó xứng đáng trong khuôn khổ chính sách công… Quyền sử dụng nước của chúng ta tạo ra một nghĩa vụ không thể tách rời. Chúng ta phải tuyên bố quyền con người thiết yếu này và để bảo vệ nó – như chúng ta đã làm – nhưng chúng ta cũng cần phải hành động một cách cụ thể để mang lại các cam kết chính trị và pháp lý trong vấn đề này.”– Đức Giáo hoàng Phanxicô
Caritas Quốc tế kêu gọi những người tham gia Diễn Đàn Nước Thế Giới đảm bảo rằng:
- Mỗi quốc gia đều có trách nhiệm bảo đảm nguồn nước an toàn cho mọi người, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất.
- Nước được coi là một nguồn lực tập thể đòi hỏi sự quản lý tốt. Điều quan trọng là tất cả các bên liên quan – chính quyền quốc gia/ địa phương, các tổ chức dân sự, các công ty tư nhân – cùng hợp tác để tăng cường sự minh bạch, hợp tác và chia sẻ tài nguyên nước một cách công bằng.
- Các biện pháp được thông qua về việc sử dụng nước hợp lý và có trách nhiệm – ở cấp cá nhân cũng như ở cấp nhà nước dựa trên tình liên đới với các nhóm dân số và quốc gia bị thiệt thòi hơn.
Cách cụ thể hơn:
- An toàn nước có tính quyết định cho việc phục hồi và làm dịu khí hậu. Việc thiết yếu là phối hợp nông nghiệp và nước để tăng khả năng phục hồi và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Bất cứ nơi nào việc hiểu biết về các biện pháp bảo tồn nước còn hạn chế, thì cần phải thúc đẩy các biện pháp này ở cấp địa phương để thay đổi hành vi của cộng đồng.
- Giảm thiểu rủi ro thiên tai và phòng chống thiên tai sẽ trở nên quan trọng hơn trong hoạt động cứu trợ nhân đạo trên toàn thế giới, như các chiến lược quan trọng để thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu. Những chiến lược này cần được đẩy mạnh ngay và và cần phải giải quyết vấn đề căng thẳng về nước như phương thế để ngăn ngừa và giảm bớt xung đột.
- Cần phải đầu tư vào việc quản lý nguồn nước để cung cấp nước uống sạch cho các cộng đồng nông thôn. Chính phủ và các bên liên quan khác phải hành động để đảm bảo trách nhiệm và tính bền vững trong việc quản lý nguồn nước, giúp các cộng đồng nông thôn nâng cao năng lực.
- Sự tham gia của nông dân trong việc bảo vệ đất và nước là rất quan trọng. Quản lý nguồn nước bền vững là điều thiết yếu cho nền nông nghiệp bền vững. Cần tăng cường nhận thức của cộng đồng trong các ứng dụng thuỷ lợi tốt để tránh thất thoát nước và tăng năng xuất lao động và đất đai.
Cần phải có sự hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau để cải thiện sự chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với hạn hán và nên áp dụng chiến lược cảnh báo sớm giúp các cộng đồng tiết kiệm và trữ nước trong các mùa mưa để sử dụng trong mùa khô cho mục đích sinh hoạt và trồng trọt của gia đình.