ƠN CHỮA LÀNH CỦA MẸ LAVANG.
Cô Nhàn, con gái út bác Thông, là bạn tôi. Tôi tình cờ biết Nhàn khi cần may gấp cho con trai bộ đồng phục để kịp mặc ngày khai giảng, Nhàn vui vẻ nhận lời mà không lấy thêm thù lao. Từ đó, chúng tôi quen nhau. Biết Nhàn tuy bận bịu việc gia đình và kinh tế còn khó khăn, mà vẫn âm thầm san sẻ với những người bất hạnh lạc lõng, tôi càng quí mến. Có khi cô ấy đã bỏ cả mấy ngày để chữa lại một số áo quần cũ cho tươm tất; hoặc lâu lâu mua rẻ được mấy tấm vải, Nhàn lại loay hoay cắt may rồi tìm cách gởi đến các em cô nhi qua một trung gian nào đó…
Tôi thường lui tới chăm sóc sức khỏe cho hai con của Nhàn, đặc biệt là mẹ cô. Gia đình Bác vẫn xem tôi như người nhà, có củ khoai mụt măng nào cũng dành phần cho tôi.
Một ngày gần Tết, khi tôi ghé nhà thì Bác gái buồn bã tâm sự:
– Cô ơi! Con bé cháu nội tui mới 3 tuổi bị bệnh cả mấy tháng nay, đi hết bệnh viện này, đến bệnh viện kia mà vẫn không tìm ra bệnh. Tui rầu hết sức! Cháu đang được truyền máu. Bác sĩ nói chắc không qua khỏi, chỉ nay mai thôi. Nhờ cô giúp thêm lời cầu nguyện, để nếu Chúa có đem cháu về thì xin cho cháu “đi” trước hay sau Tết, chứ “đi” trong ba ngày Tết thì tội nghiệp lắm.
Nghe thế, tôi lựa lời an ủi, xin bác vui lòng vâng theo thánh ý Chúa mà thôi. Tôi biết, tuy là đạo theo chồng nhưng bác có đức tin vững vàng gần như tuyệt đối; bác lại yêu mến Mẹ Maria cách đặc biệt và có lòng sùng kính thánh cả Giuse sâu xa. Tôi đã nhiều lần được nghe bác “hùng hồn” làm chứng về tình thương của hai Đấng cách say sưa. Sống giữa thế trần mà lòng bác luôn hướng về thượng giới, nên tôi không ngạc nhiên khi trước bất cứ biến cố nào bác cũng cầu cứu đến thế lực của trời cao, như câu chuyện tôi đang nhắc đến ở đây.
Tìm hiểu thêm, tôi được biết đó là bé Bích Huyền. Theo lời gia đình thì cháu đang nằm ở bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn. Các bác sĩ đã nhiều lần hội chẩn mà chưa tìm ra bệnh. Họ cho biết đây là một trường hợp “gan lách tự miễn” rất lạ mà y học hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân, cũng không định được bệnh và không có phương pháp điều trị nào cả. Bác sĩ Hoàng là người nhà cũng bất lực bó tay. Cháu đang trong tình trạng nguy ngập ở phòng cấp cứu với tiên liệu tử vong. Gia đình hết sức đau buồn bối rối. Bố mẹ cháu túc trực bên con, ông bà nội ở nhà nơm nớp lo sợ chẳng biết xác cháu sẽ được đưa về lúc nào?!
Đứng trước tình cảnh ấy, tôi lặng lẽ ra về mà cảm thấy mình thật có lỗi vì không giúp được gì cho gia đình bạn lúc này.
Tết đó, tôi giữ ý không đến thăm Nhàn, tự nhủ lòng chừng nào cháu bé mất, sẽ đến phân ưu luôn. Vậy mà, đã qua Giêng, chẳng nghe thêm tin tức gì nữa. Tôi rất ngạc nhiên, nhưng không dám đến hỏi thăm.
Thế rồi, một hôm, tôi gặp bác gái đang ngồi nghỉ mệt bên đường lúc đi lễ ở Quảng Biên về, bác gọi tôi lại, chào thật vui vẻ. Không dấu nổi thắc mắc, tôi ngập ngừng hỏi:
– Bác ơi, cháu của bác ra sao rồi?
Bác cười thật tươi:
– Lâu ngày không gặp, quên khoe với cô. Cháu khỏi bệnh rồi, đúng là phép lạ Đức Mẹ La Vang đó.
Tôi nóng lòng hỏi tiếp:
– Vậy là cháu bé còn sống thật chứ bác? Ôi! Mừng quá! Con thật không ngờ đấy. Chuyện thế nào, xin bác kể cho con nghe với.
Bác chỉ đám cỏ xanh bên cạnh, bảo tôi:
– Cô ngồi xuống đây, tui nói cho nghe, ơn Mẹ lạ lùng lắm. Lúc đó, cô biết rồi, cháu tui chưa biết sống chết giờ nào, ông bà tui chỉ biết chạy đến Chúa Mẹ và giục con cháu tăng cầu nguyện. Biết cháu thế nào cũng phải chết, tui rầu lắm nhưng dâng hết cho Chúa, không dám phàn nàn. Khi đó, có thằng con tui là bác của cháu Huyền, vì thương cháu quá cứ đi lang thang không dám về nhà, sợ phải chứng kiến phút cuối cùng của cháu. Rồi một hôm, đang trong tình trạng tuyệt vọng như thế, thằng con tui bỗng như nghe bên tai lời dặn dò của Mẹ La Vang:
– “Từ nay, hễ ai đến nơi này cầu xin với Mẹ, Mẹ sẽ nhậm lời”.
Thế là nó vội đón xe ra La Vang (Quảng Trị) để khấn cho cháu. Gia đình không ai biết việc này, cứ tưởng nó đi đâu đó cho khuây khỏa thôi. Nhưng một điều lạ lùng đã xảy ra: cùng lúc đó, bệnh của cháu đã bị đẩy lui, da dẻ hồng hào. Các bác sĩ khám lại, cho biết cháu đã bị một căn bệnh nan y hiểm nghèo hiếm có, nhưng sự khỏi bệnh lạ lùng đó cũng hiếm thấy.
Rơm rớm nước mắt, bác xúc động nói tiếp:
– Cô ơi! Các bác sĩ không biết lý do và y học cũng không giải thích được, nhưng gia đình tui thì biết rõ lắm, đó là nhờ quyền năng và tình thương vô biên của Mẹ La Vang. Vì khi thằng con tui trở về, đã kể lại nguồn ơn. Cô biết không? Cháu vẫn khỏe và ăn chơi bình thường. Hôm nào mời cô ghé qua nhà gặp cháu cho biết.
Rồi bác cười sung sướng, vẻ hãnh diện:
– Con cuả Mẹ La Vang đó!
***
Trước khi viết đoạn kết câu chuyện này, tôi đã đến gặp bố mẹ cháu Bích Huyền là anh Nguyễn Văn Nguyên và chị Phạm Thị Ngọc, cư ngụ tại 458 ấp Trà Cổ, Bình Minh, Thống Nhất, Đồng Nai thuộc giáo họ Mẹ Hằng Cứu Giúp của giáo xứ Trà Cổ, giáo phận Xuân Lộc.
Cả hai anh chị đều hiền lành, chăm lo lao động và giàu quảng đại hy sinh, được xóm giềng quý mến và đặc biệt là giáo dục con cái theo nề nếp lễ nghĩa. Dường như cái hạt giống đạo đức thánh thiện của ông bà đã nẩy mầm nơi con cháu, và chi phối toàn cuộc sống vậy.
Khi dẫn cháu Bích Huyền đến gặp tôi, chị Ngọc nghẹn ngào nói:
– Đây là đứa con tưởng đã chết rồi mà được Mẹ La Vang cứu sống đó, chị ạ. Em nhớ ơn Mẹ mãi, và hôm nay gia đình em rất mừng vì chị đã thay chúng em mà viết lên câu chuyện kỳ diệu này để qua đó, mong sao những ai gặp khốn khó cũng biết vững tin chạy đến cùng Mẹ.
Bé Cécilia Bích Huyền nay đã được 5 tuổi. Nhìn nét hồn nhiên, đôi mắt thơ ngây đen nhánh, đôi má hồng hào, đôi môi chúm chím đỏ tươi, thật khó mà tin được rằng, cách đây hai năm, cháu đã từng là nạn nhân của căn bênh nan y, chờ chết vì đang mất dần máu. Dù liên tục truyền máu vào vẫn không cung cấp nổi lượng máu cần thiết cho cớ thể, và tình trạng mất máu vẫn gia tăng.
Nhìn cháu hôm nay, một bé gái bụ bẫm dễ thương với đôi mắt trong sáng thơ ngây, tôi cảm nhận cách mãnh liệt tình thương hải hà của hiền mẫu Maria.
Mẹ La Vang dấu yêu ơi! Tình Mẹ nhiệm mầu cao vời khôn xiết. Mẹ đã không tiếc ban những ơn trọng đại khi chúng con thành khẩn kêu cầu. Xin Mẹ thúc giục những tâm hồn héo hắt đau thương hãy vươn lên chạy đến nép mình nơi trái tim hay xót thương của Mẹ, để được che chở trong vòng tay quyền năng của Mẹ.
(Hoàng Thị Hà Tiên (Việt Nam)