Ơn gọi lớn nhất của con người là nên thánh

34

Ơn gọi lớn nhất của con người là nên thánh

Từ cuối tháng 9.1994 cho đến cuối tháng 3.1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dành 19 bài huấn giáo nhân buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hằng tuần để giới thiệu về đời sống thánh hiến. Trong những giáo huấn này của thánh Giáo Hoàng, tôi thích nhất tông huấn Ðời sống Thánh hiến và huấn thị Xuất phát lại từ Ðức Kitô. Những lần giúp tĩnh tâm cho các tu sĩ nam nữ, tôi thường suy niệm từ 2 văn kiện nói trên về ơn gọi nên thánh của người sống đời thánh hiến.

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Ðó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Công đồng Vatican II cũng lặp lại ý tưởng đó: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH 11.3). Trong các thư của thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí tích Rửa tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: “Thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện”. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.

Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu. Ðời thánh hiến nằm trong bản chất thánh thiện của Hội Thánh.

Các tông đồ hỏi Ðức Giêsu: “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”. Chúa Giêsu hứa cho các ông cũng như cho những người theo Chúa: “Ðược gấp trăm ở đời này cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (x. Mt 19,27). Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Hãy can đảm tham gia vào những trào lưu nên thánh mà các bậc đại thánh, nam và nữ, đã khơi dậy theo chân Ðức Kitô” (tông huấn Ðời sống Thánh hiến, số 106).

Các tu sĩ bước theo Chúa Giêsu trên đường trọn lành, mỗi ngày đều phải “Xuất phát lại từ Ðức Kitô”. Có thể đúc kết đường nên thánh của tu sĩ trong huấn thị qua ba chữ S.

Say mê Ðức Kitô. Mỗi Kitô hữu tự bản chất thuộc về Ðức Kitô nhờ Phép Rửa rồi, cách riêng các tu sĩ còn thuộc về Ðức Kitô cách đặc biệt hơn nhờ lời khấn dòng. Tự bản chất ta gắn bó với Ðức Kitô, chẳng phải lý giải nhiều, mọi công việc ta làm đều là xuất phát từ Ðức Kitô. Thánh lễ, các Bí tích cũng đều từ Chúa Kitô, nhưng để cho những việc chúng ta làm và nhất là cuộc sống của chúng ta trong việc gắn bó với Ðức Kitô được bộc lộ ra cách tươi trẻ và rõ nét thì ta phải say mê Ðức Kitô. Người ta thuộc về Ðức Kitô tự bản chất, nhưng người ta vẫn còn phải hướng về Ðức Kitô nữa để được thanh tẩy, để được đi lên, bởi vì ngay trong cuộc sống này, cho dẫu nhờ đời sống Bí tích ta đã thuộc về Ðức Kitô cách khách quan rồi, nhưng cách chủ quan thì vẫn còn là cả một hành trình phải chinh phục từng ngày. Vì vậy, hướng về Ðức Kitô là hướng đi của tất cả mọi tu sĩ để làm sao cho “thuộc về Ðức Kitô” và “hướng về Ðức Kitô” hòa nhập nên một, lúc bấy giờ tự nhiên tỏa ra qua sự say mê, say mê trong ý nghĩ, say mê trong việc làm, say mê trong tình cảm để rồi uốn nắn và điều chỉnh mọi bước đi trong đời sống của người tu sĩ. Tu sĩ là người say mê Ðức Kitô.

Sống tinh thần hiệp thông. Hiệp thông trước hết là với Chúa theo chiều cao. Hiệp thông theo chiều ngang đối với bề trên, với chị em. Sống hiệp thông với Chúa cách tròn đầy thì mới mong có được hiệp thông đối với anh chị em chung quanh mình trong nhiệm vụ một cách có hiệu quả.

Sẵn sàng lên đường. Cụm từ“sẵn sàng lên đường” hợp với từ “sứ vụ”. Mình ở đây hôm nay, nhưng nhà dòng cần mình đến chỗ khác thì sẵn sàng, không phải quyến luyến nữa. Như vậy, để xuất phát lại từ Ðức Kitô, tu sĩ được mời gọi để sống tinh thần sẵn sàng.

Say mê Ðức Kitô nhằm cho đời sống tâm linh; sống hiệp thông nhằm đến tình huynh đệ; và sẵn sàng lên đường cho sứ vụ.

Nhìn vào lịch sử và nhìn vào thời sự hôm nay, chúng ta nghĩ rằng sẽ luôn luôn có những thanh niên nam nữ (và thiếu niên thiếu nữ) biết dâng hiến toàn thân mình cho Ðức Kitô và vương quốc của Người qua con đường độc thân, khó nghèo và vâng phục một bản luật sống. Những người đang theo Chúa Kitô trên đường trọn lành vẫn tiếp tục, trong tương lai cũng như trong quá khứ, đảm nhận một vai trò quan trọng trong việc thăng tiến sự thánh thiện của cộng đồng Kitô hữu và sứ mạng loan báo Tin mừng. Ngày nay, hơn lúc nào hết, con đường các lời khuyên Phúc Âm đang mở ra một niềm hy vọng lớn lao cho tương lai của Giáo hội.