Tại sao Chúa Giêsu lại cưỡi trên lưng lừa vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá?

68

Tại sao Chúa Giêsu lại cưỡi trên lưng lừa vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá?


 Renata Sedmakova | Shutterstock

Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá để ứng nghiệm một lời ngôn sứ xa xưa và để chứng tỏ cho mọi người biết Người là vị vua ra sao.

Mỗi năm chúng ta bắt đầu Tuần Thánh với câu chuyện Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa vào Chúa Nhật Lễ Lá. Hành động này có thể gây băn khoăn đối với một số người, vì thật không thể hiểu nỗi tại sao Chúa Giêsu – Đấng đã đi khắp nơi trong khi thi hành sứ vụ – lại đưa ra một lựa chọn công khai kỳ lạ đến vậy.
Tại sao Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá?

Lý do chính khiến Chúa Giêsu cưỡi lừa vào Chủ nhật Lễ Lá là để gợi lại lời của ngôn sứ Dacaria về Đấng Mêsia.

Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ.
(Dcr 9,9)

Đó là một hành động rất có chủ ý để người dân Giêrusalem có thể nhận ra.

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn làm nổi bật việc Người là vị vua ra sao.

Cần nhớ rằng Thánh Gioan đã đề cập đến Sách Ngôn sứ Dacaria mà chúng ta đọc thấy rằng: “Hỡi thiếu nữ Sion, đừng sợ! Này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con.” (Ga 12,15; x. Dcr 9,9). Để hiểu được ý nghĩa của lời ngôn sứ này và từ đó, hiểu được cách thế của Chúa Giêsu, chúng ta phải lắng nghe toàn bộ bản văn của ngôn sứ Dacaria, vốn tiếp nối như sau: “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Epraim, và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.”(x. Dcr 9,10).
Cùng với đó, vị ngôn sứ cũng nói đến ba điều về vị vua tương lai. Trước hết, vị ngôn sứ nói rằng Người sẽ là một vị vua của người nghèo, một người nghèo giữa những người nghèo và vì những người nghèo. Trong trường hợp này, sự nghèo khó được hiểu theo nghĩa của dân Israel là “những người nghèo của Giavê” (anawim), của những tâm hồn tin tưởng và trông cậy mà chúng ta gặp thấy xung quanh Chúa Giêsu – theo viễn cảnh của Mối phúc đầu tiên trong Bài giảng trên Núi.
Chúa Giêsu không chỉ tuyên bố rằng Người vốn là vua của người nghèo, mà Người sẽ còn mang lại hòa bình.

Điều thứ hai mà vị ngôn sứ cho chúng ta thấy là vị vua này sẽ là một vị vua của hòa bình: Người sẽ khiến chiến xa và chiến mã biến mất, Người sẽ bẻ gãy cung nỏ và công bố hòa bình.
Điều này được thực hiện nơi Chúa Giêsu qua dấu chỉ của Thập giá. Theo một cách nào đó, Thập giá chính là cung nỏ bị bẻ gãy, là chiếc cầu vồng đích thực và mới mẻ của Thiên Chúa nhằm nối kết trời và đất và làm cầu nối cho các vực thẳm giữa các lục địa. Thứ vũ khí mới mà Chúa Giêsu đặt vào tay chúng ta chính là Thập giá – dấu chỉ của sự hòa giải, của sự tha thứ, dấu chỉ của tình yêu mạnh hơn sự chết.
Cuối cùng, Chúa Giêsu cho thấy rằng, bằng hành động này, Người sẽ là một vị vua phổ quát, dành cho tất cả mọi người.
Lời khẳng định thứ ba của vị ngôn sứ là lời báo trước về sự phổ quát. Ngôn sứ Dacaria nói rằng vương quốc của vị vua hòa bình kéo dài “từ biển này qua biển nọ… đến tận cùng cõi đất”. Lời hứa xa xưa với Abraham và các Tổ phụ về cõi đất được thay thế ở đây bằng một cái nhìn mới: lãnh thổ của vị Vua Mêsia không còn là một đất nước cụ thể mà sau này nhất thiết phải tách khỏi các đất nước khác và do đó, điều này chắc chắn sẽ đem lại một cái nhìn ngược lại với tất cả. Đất nước của Người là toàn cõi đất, là cả thế giới.
Chúa Giêsu đã chọn cưỡi trên lưng lừa vào Chúa Nhật Lễ Lá vì một lý do cụ thể và đã vén mở cho chúng ta biết Người là ai và Người là vị vua như thế nào đối với toàn thể nhân loại.
Tác giả: Philip Kosloski – Nguồn: Aleteia (08/4/2022)Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên