Tại Sao Lại Che Phủ Thánh Giá Và Ảnh Tượng Trong Tuần Cuối Mùa Chay?

115

Tại Sao Lại Che Phủ Thánh Giá Và Ảnh Tượng Trong Tuần Cuối Mùa Chay?

Về thời gian, một số người cho là thói quen che Thánh giá và tượng ảnh thánh xuất hiện từ thế kỷ IX-X,  nhưng một số khác lại tin rằng từ thế kỷ XII. Còn quy định chính thức về việc này chỉ tìm thấy trong Sách Lễ nghi Giám mục hồi tiền bán thế kỷ XVII.

Đây là một thói quen không dễ dàng giải thích hay trình bày ý nghĩa của nó, cũng chẳng biết nó ra đời thế nào và ở đâu. Tuy nhiên, cũng có những giả thuyết sau:

Giả thiết thứ nhất: Có lẽ từ ban đầu (thế kỷ XI), người ta có một loại khăn gọi là “khăn trùm đầu hay khăn che của việc chay tịnh”, thường được trang hoàng cùng với những biểu tượng của cuộc thương khó Chúa. Khi khởi đầu mùa Chay, người ta dùng nó để phủ và che bàn thờ sao cho cộng đoàn không thể nhìn thấy. Ý định của hành động này là nhằm ngăn cản những ai đang trải qua thời kỳ thống hối công khai nhìn thấy những gì đang diễn ra trên bàn thờ. Chúng ta nhớ rằng, những hối nhân công khai đã bị trục xuất khỏi nhà thờ ngay từ đầu mùa Chay và không được phép tham dự cử hành Thánh Thể. Sau này, vì cộng đoàn diễn tả sự liên đới của mình đối với những hối nhân công khai, cũng như ý thức rằng tất cả đều là tội nhân, nên họ cũng ao ước bị tước đoạt quyền nhìn thấy bàn thờ trong thời gian mùa Chay. Từ chỗ chỉ phủ bàn thờ, thực hành đi xa hơn là phủ luôn cả Thánh giá và ảnh tượng thánh. Thực hành này đã xuất hiện ở bên Đức trong thế kỷ IX, khi người ta dùng một tấm màn lớn gọi là “Hungertuch” (màn chay) để che hoàn toàn bàn thờ. Tấm màn này được gỡ bỏ khi đọc đến câu “màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi ngay chính giữa” của bài thương khó được công bố hôm thứ Tư Tuần Thánh.

Giả thiết thứ hai: một số người tin là thực hành che phủ bắt nguồn từ nghệ thuật Roma. Theo trường phái này, khoảng thế kỷ XI-XII, tượng chịu nạn được trình bày như một vị vua trên Thánh giá: ngài không bị trần truồng nhưng mặc y phục và thay vì đầu đội mão gai thì đội vương miện của vua được trang trí thêm ngọc và đá quý. Trong thời gian cử hành cuộc thương khó, họ che phủ các Thánh giá trình bày Đức Kitô vinh quang như thế để có thể tưởng niệm tốt hơn và tập trung hơn vào Đức Giêsu khiêm hạ, bị khinh khi và chống đối.

Theo tác giả Elliott, tập tục che Thánh giá và ảnh tượng thánh liên quan nhiều đến phương diện tâm lý học tôn giáo, bởi vì thực hành này giúp chúng ta dễ dàng tập trung vào các yếu tố cao trọng của công trình cứu độ của Chúa Kitô.

Trong thực hành:

– Từ Chúa nhật thứ V mùa Chay, chúng ta có thể che Thánh giá và tượng ảnh thánh dù thực hành này không bắt buộc. Thánh giá được che phủ cho tới khi kết thúc cử hành cuộc thương khó Chúa ngày thứ Sáu Thánh. Còn tượng ảnh thánh vẫn được che phủ cho tới khi bắt đầu lễ Phục sinh. Điều này cũng tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng Giám mục.

– Thói quen này hiện nay vẫn được tiếp tục vì tác động mục vụ rất lớn của nó. Vì thế, cho dù không bắt buộc, các giáo xứ cũng nên duy trì thực hành khôn ngoan này. Khăn phủ mang màu tím. Không cần phủ đàng Thánh giá hay ảnh thánh trên cửa kính màu.

– Chắc chắn người ta không thể nào không bị ấn tượng khi Thánh giá, một dấu chỉ đẹp đẽ và quyền lực nhất của ơn cứu độ chúng ta, bị “che phủ”.  Thật là ý nghĩa khi dấu chỉ hay biểu tượng tôn giáo là Thánh giá hay các ảnh tượng thánh không được các tín hữu nhìn thấy bằng cách che phủ hay lấy đi các đối tượng này trong một thời gian. Các tín hữu như cảm thấy “đói và khát Thánh giá”. Tới ngày thứ Sáu Thánh, chúng ta sẽ lại thấy Thánh giá trong một tâm thế khác hẳn. Nghĩa là chúng ta phải bỏ khăn phủ Thánh giá sau cử hành nghi thức thứ Sáu Thánh. Điều này cũng như Giáo hội không hát kinh Vinh Danh trong mùa Vọng hay Halleluia trong mùa Chay vì muốn cho chúng được cất lên trở lại vào mùa Giáng sinh và mùa Phục sinh trong một sắc thái hoàn toàn mới mẻ. Không có nghi thức nào đi kèm, nhưng chỉ trước thánh lễ Vọng Phục sinh, chúng ta mới bỏ tất cả khăn phủ ảnh tượng thánh.

Lm. Giuse PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS

—————————————————–

1 Xc. Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, tập 1, dịch giả: Lm. Vincent Nguyễn Xuân Tuấn (NXb Tôn Giáo, 2014), 217.

2 Xc. Edward McNamara, “Color of the Veil for the Cross” in ZENIT Daily Dispatch (ROME, 26 February 2013).

3 Xc. Edward McNamara, “Covering of Crosses and Images in Lent” in ZENIT Daily Dispatch (ROME, 8 MARCH 2005).

4 Xc. Sách lễ Roma, thứ Bảy sau Chúa nhật IV mùa Chay; Congregation for Divine Worship, “Circular Letter Concerning the Preparation and Celebration of the Easter Feasts”, no. 26.