Trong thánh lễ đồng tế, các linh mục đeo dây stola buông thõng xuống, còn các phó tế thì đeo dây stola bắt chéo từ vai bên trái sang hông bên phải. Tại sao vậy? Dây stola có ý nghĩa gì?
Thiết tưởng nên phân biệt hai vấn đề. Thứ nhất là ý nghĩa của dây stola. Thứ hai cách thức đeo dây stola.Trong thánh lễ đồng tế, chúng ta thấy có các linh mục và các phó tế, mỗi đẳng cấp đeo dây stola một cách. Tuy nhiên, không chỉ có các linh mục và phó tế mới đeo dây stola mà thôi: các giám mục cũng đeo dây stola, và các giáo hoàng cũng thường chụp hình với dây stola màu đỏ. Đó là chưa kể một trường hợp mà rất ít người có dịp chứng kiến, đó là các nữ tu dòng Chartreux cũng đeo dây stola nữa.
Chúng ta bắt đầu với vấn đề thứ nhất: dây stola có ý nghĩa gì?
Ý nghĩa của dây stola đã thay đổi rất nhiều trải qua dòng lịch sử. Ý nghĩa của nó trong nguồn gốc văn hoá Hy- lạp và Rôma thì khác. Ý nghĩa của dây stola khi được du nhập vào phụng vụ Kitô giáo thì khác. Từ thời Trung cổ, người ta lại thêm ý nghĩa ám dụ nữa. Xét về nguồn gốc, các nhà sử học không đồng ý với nhau. Danh từ stola mới xuất hiện từ cuối thế kỷ VI, và dần dần thay thế danh từ orarium. Mỗi danh từ mang một nguồn gốc khác nhau. Danh từ stola có lẽ lúc đầu ám chỉ áo thụng của các bà quý tộc (tương đương với toga của các ông). Vì thế stola không phải là một sợi dây đeo ở cổ nhưng là một cái áo; có lẽ đó cũng là ý nghĩa của stola được nói trong sách Khải huyền (stolae albae 6,11; 7,9.14). Bên các Giáo hội Đông phương dây stola được gọi là Orarion, cũng tựa như bên Tây phương được gọi là Orarium cho đến thế kỷ IX. Thực ra Orarium cũng không phải là một cái dây, nhưng là một cái khăn đai, hay nói đúng hơn, một khăn quàng cổ. Xét về nguồn gốc trong xã hội Hy- lạp và Rôma, khăn orarium không phải là chiếc khăn quàng để che cổ cho khỏi cảm lạnh, nhưng là chiếc khăn để lau mặt hay để lau miệng (orarium bởi os, oris).
Như vậy, nguồn gốc dây stola là khăn chùi miệng khi ăn hay sao?
Không phải thế. Khi nói đến lau miệng, ta đừng vội nghĩ đến thực khách ngồi bàn ăn nhưng hãy nghĩ đến các nhà hùng biện. Họ phải diễn thuyết đến sùi bọt mép, vì thế thỉnh thoảng phải lau miệng. Dù sao, đó chỉ là một giả thuyết về nguồn gốc lịch sử mà thôi. Xét về việc sử dụng trong phụng vụ, thì bên Đông phương đã thấy nói tới trong một bản văn của công đồng Laodicea (năm 372), dành riêng orarium cho các phó tế, chứ các tác viên thấp hơn không được đeo. Thánh Gioan Kim khẩu cũng cho biết là các phó tế đeo orarium trên vai trái. Bên Tây phương thì ta thấy quy định về orarium của các phó tế trong một bản văn của công đồng Braga ở Tây ban nha (năm 563); và một bản văn công đồng Toledo IV (năm 633) nói đến cách thức đeo orarium khác nhau giữa các phó tế và các linh mục. Các phó tế thì đeo orarium màu trắng trên vai trái, bắt chéo, và ở trên áo dalmatica. Các linh mục và giám mục thì đeo orarium quanh cổ, buông thõng xuống, nhưng mà ở dưới áo lễ.
Đàng sau những quy định phức tạp như vậy, người ta có giải thích ý nghĩa của việc đeo dây stola như thế nào không?
Tiếc rằng các bản văn pháp lý không nói. Chính vì vậy mà các sử gia mới đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Có lẽ lúc đầu, dây orarium chỉ có ý nghĩa thực dụng, đó là lau mặt, lau mồ hôi, hoặc che cổ cho ấm. Nhưng cách riêng, vào thời Trung cổ, người ta gán cho nó nhiều ý nghĩa ám dụ cho dây stola, được hiểu không chỉ như một dây mà còn là một tấm áo nữa.
1/ Hiểu như sợi dây, người ta ví dây stola như sợi dây mà quân dữ đã trói buộc Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, hoặc dây trói vào cột đá khi chịu đánh đòn. Vì thế khi đeo dây stola, linh mục hãy nhớ đến sợi dây của đức vâng lời, ràng buộc mình với Chúa Kitô, hy sinh bản thân để cứu chuộc thế giới. Dây stola đeo lên vai cũng nhắc nhở rằng linh mục hãy mang lấy ách êm ái của Chúa Giêsu, học hỏi nơi Người sự hiền lành và khiêm tốn (Mt 11,29). Những điều này được đọc thấy nơi giám mục Sicardo của giáo phận Cremona. Dần dần theo hướng đó, các nhà thần học vạch ra đủ hết các thứ nhân đức cần thiết cho linh mục và phó tế; chẳng hạn như: đức khiêm nhường (Amalariô), đức vâng lời (Rupert de Deutz), khiết tịnh (Honorius), nhẫn nại (Innocente III), can đảm (Yves de Chartres). Rabanus Maurus thì hiểu stola như là biểu hiệu của lời giảng (có lẽ ý nghĩa này lấy từ khăn orarium lau miệng): trước khi giảng thì phải chuẩn bị chu đáo. Các nhà luân lý không quên lưu ý rằng dây stola được buộc vào dây thắt lưng (tượng trưng cho sự khổ hạnh), bởi vì đừng mong tập luyện nhân đức nếu thiếu sự khổ chế. Cách riêng, khi giải thích stola cho các phó tế (nguyên ngữ diaconos trong tiếng Hy-lạp là kẻ phục vụ) thánh Isidorus de Pelusio (+440) nhắc đến tấm khăn mà Chúa Giêsu dùng để lau chân cho các môn đệ sau khi đã khiêm tốn rửa chân cho họ.
2/ Nếu hiểu như tấm áo dựa theo sách Khải huyền, thì stola là biểu hiệu cho sự thanh sạch mà các tín hữu phải khoác vào để dự tiệc cưới trên trời. Con người được dựng nên trong tình trạng nguyên tuyền; nhưng do tội nguyên tổ, chiếc áo đã trở thành nhơ bẩn. Vì thế con người cần phải tìm cách rửa sạch nó, bằng nước mắt thống hối và nhất là nhờ quyền năng Thập giá Chúa Kitô, trong máu thánh của ngài. Ý nghĩa biểu tượng này còn được nhắc đến trong Sách lễ Rôma trước công đồng Vaticanô II. Khi đeo dây stola, linh mục thầm thĩ cầu xin: “Lạy Chúa, xin hoàn lại cho con stola của bất tử mà nguyên tổ đã làm mất; và tuy con không xứng đáng đến gần nhiệm tích thánh, xin Chúa cũng ban cho con sự hoan lạc đời đời”.
Trong Sách lễ Rôma hiện nay không còn kinh đó nữa hay sao?
Vào thời Trung cổ, người ta thích chú giải Kinh thánh và các bản văn phụng vụ theo nghĩa ám dụ. Cách riêng, khi bàn về Thánh lễ, người ta giải thích như cuộc diễn tuồng Thương khó, gồm các chặng giống như đi đàng Thánh giá vậy. Việc giải thích ý nghĩa ám dụ cũng áp dụng cho phẩm phục linh mục, chẳng hạn như áo alba ám chỉ linh hồn trong trắng; dây lưng ám chỉ đức khiết tịnh, áo lễ tượng trưng cho việc vác thánh giá. Từ công đồng Vaticanô II, thần học muốn tìm hiểu ý nghĩa văn bản của Kinh thánh cũng như biểu tượng tự nhiên của các bí tích, chứ không ưa lối giải thích ám dụ, nhiều khi dựa theo óc tưởng tượng hơn là theo bản chất của sự vật. Theo tôi nghĩ, đó là lý do vì sao Sách lễ sau công đồng Vaticanô II bỏ các kinh mà linh mục đọc khi mặc phẩm phục.
Sách lễ hiện nay quy định thế nào về việc đeo dây stola?
Quy tắc Sách Lễ Rôma ấn bản năm 2000 số 340 (tương đương với số 302 ấn bản cũ) quy định như sau: “Các tư tế đeo dây stola quanh cổ và buông thõng xuống đàng trước. Các phó tế đeo dây stola trên vai trái, bắt chéo ngang ngực, và thắt lại ở hông bên phải”. So với quy tắc trước công đồng, ta thấy có sự thay đổi không nhỏ đối với các linh mục. Trước đây (nghĩa từ sách lễ năm 1570), các linh mục đeo stola trên cổ và bắt chéo ra trước ngực như hình thánh giá; chỉ có giám mục mới buông thõng xuống, bởi vì ngài còn đeo thêm thánh giá nữa. Chúng ta cũng cần quy chiếu với các điều khoản khác có liên quan đến phẩm phục các tác viên. Đối với các phó tế, thì số 338 nói rằng phẩm phục gồm có áo alba, stola và dalmatica; nhưng vì nhu cầu hoặc lễ thường thì có thể miễn mặc dalmatica. Còn trong thánh lễ đồng tế, thì các linh mục có thể chỉ mặc áo alba và đeo stola.
Các linh mục không chỉ đeo dây stola lúc dâng thánh lễ mà thôi, nhưng còn lúc cử hành các lễ nghi phụng vụ khác nữa, phải không?
Đúng thế. Có lẽ vì vậy mà ở Việt Nam trước đây, người ta dịch stola là “dây các phép”, nghĩa là dây đeo lúc cử hành các phép bí tích. Tuy nhiên trong trường hợp này, ta thấy stola thường là màu trắng, trừ khi giải tội và nghi thức an táng thì đổi thành màu tím. Nên biết là vào thời cổ, dây stola (cũng như orarium và pallium) luôn luôn là màu trắng; mãi đến thế kỷ XVI, mới có tục thay đổi màu dây stola cho hợp với màu áo lễ trong ngày. Ngoài ra, cũng nên ghi nhận là trong những trường hợp linh mục đeo stola mà không có áo lễ thì kích thước của nó cũng rộng hơn.
[Trong giáo luật, từ stola còn mang một ý nghĩa chuyên môn, hiểu về vài công tác dành riêng cho các cha sở (ius stolae), mà vết tích còn thấy ở số 530 của bộ giáo luật. Cần phải có sự thỏa thuận của cha sở thì các linh mục khác mới được thi hành các nghi thức đó, thí dụ rửa tội, chứng hôn. Trong khung cảnh này, Stola tượng trưng cho quyền hành của cha sở].
Các giáo dân có được phép đeo stola không?
Tuỳ chúng ta hiểu stola theo nghĩa nào. Nếu hiểu theo nghĩa chuyên môn của phụng vụ thì duy chỉ có các giám mục, linh mục, phó tế mới đeo dây stola lúc cử hành phụng vụ. Còn nếu hiểu theo nghĩa rộng, là bất cứ đai nào cũng gọi là stola, thì chúng ta có thể nhận thấy tại vài nơi, các chức sắc trong giáo xứ cũng đeo đai trắng bắt chéo trước ngực, có lẽ bắt chước các phó tế. Dù sao, giữa hai hình thức (nghĩa rộng và nghĩa hẹp), ta nên thêm nghĩa thứ ba nữa, đó là các nữ tu dòng Chartreux. Vào ngày thánh hiến các chị nhận lãnh một dây stola, và chiếc stola này sẽ được đặt trong hòm lúc an táng. Do một đặc ân của Toà thánh, trong phụng vụ Giờ kinh Sách, chị nào đọc Phúc âm thì cũng đeo stola.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.