Thân phận người mục tử
Phải chăng đúng với phận người đó khi gọi là “ơn gọi”.
Khi bước vào đời sống ơn gọi, người được gọi được mời gọi đi theo một “khuôn vàng thước ngọc” của những lời khuyên Tin Mừng. Cạnh đó, được đào tạo nhân bản, trí lực, đức dục, kiến thức Thần học và Triết học để đủ khả năng ra trường.
Vừa chập chững bước chân ra trường, “đứa trẻ” dường như hầu hết bị o ép bởi các đấng bậc đàn anh được gọi là “đấng chỉ bảo đàng lành”. Đứa trẻ tiếp tục được gò ép trong những khuôn khổ nhất định nào đó từ các bậc đàng anh mà tự cho mình là đạo đức thánh thiện hơn người. Dĩ nhiên “đứa trẻ” chỉ có cách câm nhịn và ngậm đắng nuốt cay bước đi trong những đêm dài tăm tối.
Kẻ nhu mì yếu đuối kém khả năng e rằng dễ vượt qua hơn là người cứng đầu cứng cổ.
Một thực tế mà không thể chối cãi được đó là sự phân cách giữa “người lớn” và “trẻ con”. Người lớn lúc nào cũng tự cho mình cái quyền lớn để rồi lên mày lên mặt với con trẻ.
Điều đáng tiếc và tiếc không bao giờ hết đáng đó chính là nhiều trường hợp phải rơi đẫm lệ khi rời xứ và mang biết bao nhiêu điều tiếng bở đấng bậc đàn anh. Và dĩ nhiên, bao nhiêu chuyện đau khổ đàn em phải gánh chịu.
Ở một giáo phận kia, bi đát đến tột cùng là 2 linh mục phải tự vẫn vì bị đàn anh o ép. Đức Giám Mục buộc lòng “lách luật” để cử hành nghi lễ an táng cho 2 giáo sĩ tự vẫn trong khi nếu là giáo dân thì không được cử hành. Và, trong Thánh Lễ an táng, Đức Cha nghẹn ngào luyến tiếc bởi lẽ lẽ ra mình phải thuyên chuyển sớm hơn để giải thoát cho đàn em.
Cũng trong giáo phận đó, một linh mục lệch lạc về suy nghĩ đã không được uốn nắn để rồi phải rơi vào tình cảnh “treo chén”.
Nhiều và nhiều thảm cảnh đời mục tử thật éo le.
Những người trẻ không còn nơi nương tựa và không còn điểm tựa trong đời dâng hiến nữa. Thế nhưng rồi họ tiếp tục bước đi trong cay đắng phận người để rồi sau nhiều năm bị o ép đó được trở nên bề trên hay làm chánh xứ. Dĩ nhiên không thể chối cãi được đó chính là tâm lý trả thù được in sâu từ ngày bước vào ơn gọi. Thế là khi đó, đàn anh bắt đầu lấy cái quyền uy để ức hiếp những người trẻ được sai tới.
Điều các đàn anh làm, lẽ ra cũng nên giữ kín nhưng để hớ ra cho đàn em được thấy nhất là về quyền lực, tiền nong và bổng lộc. Hẳn nhiên, mồm đàn anh lúc nào cũng cao rao một đời sống nhiệm nhặt nghèo khó nhưng vẫn không giấu được sau những lần đến nhà đại gia là phong thư và rượu ngoại xách nách mang về. Có kẻ bức xúc viết thành bài giảng khi còn ngồi trên ghế giảng đường, thế là bị trù dập đến độ bề trên tìm đủ mọi cách để đuổi “kẻ xấu” ấy ra về vì dám cho mình lên bài giảng.
Cạnh đó, những kẻ dám nói lên sự thật về các bậc đàn anh thì những kẻ đó không sớm thì muộn cũng phải lãnh những búa rìu đau đớn và thậm chí không nhìn mặt nhau nữa.
Đó là phần đào tạo cũng như tạm gọi là đối nội.
Còn phần đối ngoại với giáo hữu thì sao ?
Nếu cứng rắn thì cũng bị nói và mềm quá thì cũng bị chê.
Đại loại như kiểu này đây :
– Nếu cha giảng qúa 10 phút, nói rằng cha nói thao thao bất tuyệt.
– Nếu cha nói về thần học, nói rằng cha nói trên mây trên gió.
– Nếu cha đề cập đến vấn đề xã hội, nói rằng cha khuynh tả.
– Nếu cha luôn ở lại nhà xứ, nói rằng cha cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài
– Nếu cha dễ dãi thi hành các Bí Tích, nói rằng cha bán tống bán tháo các Bí Tích
– Nếu cha đòi hỏi dự các lớp giáo lý, nói rằng cha muốn giáo hội toàn người trọn lành.
– Nếu cha đi thăm giáo dân, nói rằng cha chẳng bao giờ ở nhà xứ.
– Nếu cha thành công với thiếu nhi, nói rằng đạo của cha là ấu trĩ.
– Nếu cha đi thăm bệnh nhân, nói rằng cha phí thời giờ, không đi sát thực tế.
– Nếu cha sửa sang nhà thờ, nói rằng cha ném tiền qua cửa sổ.
– Nếu cha không sửa sang nhà thờ, nói rằng cha bỏ bê tất cả.
– Nếu cha cộng tác với Hội Đồng Giáo Xứ, nói rằng cha để người ta xỏ mũi.
– Nếu cha không lập Hội Đồng Giáo Xứ, nói rằng cha độc tài.
– Nếu cha hay mỉm cười, nói rằng cha qúa dễ dãi
– Nếu cha bận bịu không nhìn người nào, nói rằng cha qúa xa cách
– Nếu cha còn trẻ, nói rằng cha thiếu kinh nghiệm
– Nếu cha có tuổi, nói rằng cha nên về hưu là vừa.
Và rồi, chìm ngập trong đối nội và đối ngoại cuối cùng mục tử bỗng nhiên đổi thay thành một trái tim chai đá thay vì đó là một trái tim biết yêu thương với người đồng loại.
Chính vì lẽ đó, ta lại nhìn thấy thân phận mỏng dòn và yếu đuối hơn bao giờ hết của người mục tử. Đặc biệt nhất là khi về già và không còn khả năng “quản xứ”. Khi về già và bất lực thì kèm theo đó là những tủi phận khổ đau.
Một giáo phận lớn không còn đủ khả năng để chăm lo cho các đấng khi về hưu thì thử hỏi tâm tình thu vén phải có hay không ? Dĩ nhiên rằng vì thấy cuộc sống bấp bênh nên khi còn chức còn quyền thì các vị trở thành người thu vén dẫu rằng trước đó rất thanh cao.
Nếu như không thu vén thì khi về già sẽ bị bỏ rơi. Chính vì rơi vào thái cực thu vén nên rồi đời tu dần dần mất chất. Chính vì bị áp lực nhiều thứ để rồi người tu tìm đến chỗ nào đó để nương tựa khi về già hay có tuổi.
Một thực trạng mà giáo dân có thể nói là chấp nhận hay tha thứ khi về già linh mục thường hay có một “bóng hồng” ở kế bên. Nhiều và nhiều trường hợp bề trên thấy nhưng không thể nào nói được vì sự lỏng lẽo trong chăm sóc và lo cho các đấng khi về già. Về già, họ rơi vào tình trạng cô đơn khổ cực và bơ vơ nên rồi lại cần ai đó chở che. Xét theo phần con người thì những người cực đoan sẽ lên án nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì sẽ cảm thông bởi sự cô đơn đến tột cùng sau một chuỗi dài phục vụ.
Gọi là mục tử cũng chẳng sai bởi lẽ đời mục tử chính là đời linh mục phục vụ xong rồi tử. Tử trong vinh quang hay tử trong đơn hèn âu cũng là phần số của con người.
Nếu thời trai trẻ năng động và xây cất thì khi về già có chút chút gì đó cất sau khi xây. Và như thế, khi về hưu có chút của cất nên cuộc đời nó nhẹ nhàng và thanh thoát hơn so với những kẻ không biết thời cơ lợi dụng. Có những linh mục khi về già không chỉ là đơn độc mà còn là thiếu thốn. Khi vào thăm ta mới thấy được thân phận kẻ cô đơn.
Xét cho bằng cùng, linh mục cũng là con người và là một con người thật mỏng dòn và phận mỏng dòn đó lại chứa những ân huệ của Thiên Chúa. Con người của linh mục và như của bần tăng đây cũng chẳng phải là thánh thiện đạo đức hay vẹn toàn. Bần tăng đây thấy mình bất lực, yếu đuối, mong manh, mỏng dòn và dễ vỡ hơn bao nhiêu người khác. Chính vì thế, bần tăng chỉ biết đấm ngực xin lỗi Chúa, xin lỗi anh em, xin lỗi bà con giáo dân vì sự yếu đuối của mình.
Trong thân phận làm người mỏng dòn và yếu đuối này, nhân ngày Chúa nhật Chúa Chiên Lành và cầu nguyện cho ơn thiên triệu, bần tăng lại xin ai nào đó thân quen thêm lời cầu nguyện cho con người tội lỗi và yếu đuối này. Xin thương cầu cho bần tăng để bần tăng đi tròn vẹn con đường mà bần tăng đã chọn và Chúa thương đã gọi.
Xin mọi người tiếp tục nâng đỡ, cầu nguyện và đồng hành với bần tăng trên mọi nẻo đường đời, nhất là khi đau bệnh, thiếu thốn. Xin thương cầu nguyện cho nhau bởi lẽ lời cầu nguyện là điều mà bần tăng cần hơn tất cả những điều khác. Giàu có, vật chất, danh vọng … tất cả đều là phù phiếm và chóng qua.
Xin thương cầu nguyện cho vị mục tử nhỏ bé này ngày mỗi ngày đang mục và sẽ tử trong bàn tay Thiên Chúa.