Thánh Louis IX Hoàng Đế sinh vào ngày 25 tháng 04 năm 1214 tại Poissy, Pháp quốc. Ngài là con trai của hoàng đế Louis VIII của nước Pháp, và của hoàng hậu Blanca de Castile. Vào năm 1226, khi mới 11 tuổi, Louis đã được phong vương để trở thành hoàng đế Louis IX của nước Pháp. Cuộc phong vương này diễn ra tại Reims. Ngài cai trị nước Pháp dưới sự giám hộ của Hoàng Thái Hậu Blanca. Bà đã thành công trong việc dẹp tan sự chống đối của giới quý tộc trước sự cai trị của con bà. Và chính nhờ bà mà Louis có được một tâm hồn đạo hạnh. Cho tới khi luống tuổi, bà vẫn can thiệp vào cả cuộc sống thân mật lẫn cuộc sống riêng tư của Louis. Ngài đã lập gia đình với Margarete của xứ Provence và có 11 người con.
Nhờ vào cuộc chiến thắng của mình trên người Anh (1240/1241), và cuộc chiến thắng bá tước Toulouse vào năm 1242, cũng như trận chiến thắng có tính quyết định chống lại người Albige với sự xâm lược của Montségur vào năm 1244, hoàng đế Louis đã củng cố vị thế của nước Pháp. Nhờ vào tư cách trung gian của mình trong những cuộc xung đột giữa hoàng đế và Giáo hoàng tại Công Đồng Lyon I, hoàng đế Louis đã nâng cao uy tín của mình trên toàn Âu Châu. Vào năm 1239, hoàng đế Louis nhận được Thánh Tích vô cùng quý giá, đó là Mạo Gai của Chúa Giê-su. Ngài ra lệnh xây một nguyện đường để tôn kính Thánh Tích này. Với sự kiện đó, hoàng đế Louis tự coi mình như người kế vị vua Salomon, và Paris trở thành tân Giê-ru-sa-lem, vì nó trở thành nơi bảo quản Thánh Tích vô cùng quý giá cho tới ngày cùng tận. Dưới thời trị vì của hoàng đế Louis, Nhà Thờ Notre Dame Paris được khánh thành. Mạo Gai của Chúa đã được chuyển đến nhà thờ này dưới thời hoàng đế Napoleon, và vẫn ở đó cho tới nay.
Cũng trong năm 1239, hoàng đế Louis đã lên đường thực hiện cuộc Thập Tự Chinh thứ nhất. Và để cho cuộc Thập Tự Chinh được diễn ra tốt đẹp, ông đã ra lệnh xây dựng một bến cảng tại St-Gilles. Cuộc xâm chiếm Damiette, tức Dumyat, Ai-cập ngày nay, đã diễn ra suôn sẻ. Sau đó, hoàng đế Louis đem quân tới Palestina. Tại đây, ông đã giúp đỡ những người lính Thập Tự Chinh đang bị tra tấn ở đó. Vào mùa Xuân năm 1250, khi ông tấn công Cairo, Ai-cập, ông và toàn thể quân lính đã bị bắt giam. Sau khi phải nộp một số tiền chuộc và phải trả lại Damiette, hoàng đế Louis mới được trả tự do. Vào năm 1250, sau một ơn cứu thoát nhiệm mầu khỏi một vụ đắm tàu, hoàng đế Louis đã có thể tái tổ chức lại việc điều hành tại Giê-ru-sa-lem, cũng như tái thiết lập các tân pháo đài. Từ cuộc Thập Tự Chinh này, người ta cho rằng, hoàng đế Louis đã lấy được một chiếc đanh của Thập Giá Chúa Ki-tô với tư cách là một Thánh Tích, và mang về Pháp.
Khi nghe tin hoàng thái hậu qua đời, hoàng đế Louis đã buộc phải quay về nước. Vào mùa Xuân năm 1254 ông mới về tới nơi. Sau đó ông đã thực hiện các cuộc cải tổ có tính khai phá về hiến pháp và về việc điều hành quốc gia hầu củng cố quyền lực của hoàng đế. Ông đã soạn thảo một hệ thống luật lệ mới với những quy định đồng nhất và theo cách thức của hệ thống luật lệ Rô-ma. Ông bãi bỏ quyền tư pháp nhân danh thượng đế nhưng lại thiết lập tòa án dị giáo. Chế độ tiền tệ nhà vua được khuếch trương trên toàn nước Pháp, còn những đồng tiền khác, đặc biệt là tiền Anh – đều bị cấm, việc thu thuế được tập trung lại thông qua các đại lý. Ngay cả những khoản thuế đặc biệt cũng được yêu cầu thanh toán trực tiếp cho ban quản lý triều đình nhà vua. Ông bảo vệ quyền lợi của nhà nước trước những tham vọng quyền lực của một số nhà lãnh đạo Giáo hội, và lên án những lạm dụng trong Giáo hội.
Nhờ vào những hiệp ước với vua Jacop I của Aragon vào năm 1258 và với hoàng đế Heinrich III của Anh, hoàng đế Louis đã thành công trong việc tái phân định ranh giới của Carolin. Hoàng đế Louis đã có thể củng cố sự ảnh hưởng của mình một cách rõ rệt Ngay tại vùng Champagne, Flandern, Toulouse và vùng Normandie. Vì thế, ngay khi còn sinh thời, hoàng đế Louis đã được coi như hoàng đế không ngai của cả Tây Âu.
Trên đỉnh cao uy tín và quyền lực, vào năm 1267, hoàng đế Luois lại quyết định thực hiện cuộc Thập Tự Chinh lần thứ hai. Ông định đi tới Bắc Phi và quay về vùng Sultans của Tunis. Vào năm 1270, hoàng đế Louis còn xâm chiếm được cả thành quách cổ của người Cathago – tức khu vực phía ngoài Tunis của Tunusie ngày nay. Sau đó một trận dịch hạch hay bệnh dịch tả đã hủy hoại đoàn quân của ông; và chính hoàng đế Louis cũng chết tại Carthago vào ngày 25 tháng 08 năm 1270, và trước khi chết, ông đã ra lệnh rắc tro trên mình ông theo hình Thánh Giá.
Hoàng đế Louis đã nhiều lần cân nhắc tới chuyện gia nhập Dòng Ba Thánh Phan-xi-cô. Sau cùng, ông đã quyết định gia nhập Dòng ba Chúa Ba Ngôi. Theo tương truyền, cuộc sống cá nhân của hoàng đế Louis được coi là giống với một nam Tu Sĩ hơn là một hoàng đế. Trong tiểu sử của mình, hoàng đế Louis được mô tả là một người khiêm nhượng, kiên nhẫn, một người cha đầy tình thương, một người đầy mối thiện cảm và sự cảm thông với người nghèo và các bệnh nhân. Tương truyền kể lại rằng, Ngài luôn luôn chia sẻ phần ăn từ chính chiếc bát của mình. Trong Mùa Chay, cả hoàng hậu, lẫn các hoàng tử và các công chúa đều không được phép đeo kim cương hay đồ trang sức khác. Bản thân hoàng đế Louis thì sống rất khắc khổ, và thường đích thân chăm sóc người nghèo. Thậm chí ông còn rửa chân cho họ trong Mùa Chay. Ông đã tậu được nhiều công đức cho mình trong việc chăm sóc những người nghèo và xây dựng các bệnh viện. Hoàng đế Louis trở thành mẫu gương lý tưởng cho mọi bậc đế vương Ki-tô giáo; trở thành nhà loan báo Đức Tin cũng như trở thành hoàng đế công chính.
Thi thể của hoàng đế Louis được đưa tới St-Denis và được bảo quản tại đó. Trái tim của Ngài được lưu giữ trong một chiếc bình pha-lê trong nhà thờ Chính Tòa Monreale ở Sizilian. Vào năm 1306, hộp sọ của Ngài được cung nghinh tới Paris.
Vào ngày 11 tháng 08 năm 1297, tức chỉ 27 năm sau ngày chết, hoàng đế Louis IX đã được Đức Thánh Cha Bonifatiô tôn phong lên bậc Hiển Thánh.
Từ Neapal, việc tôn kính hoàng đế Louis với tư cách là một vị Thánh đã mau chóng lan ra toàn nước Ý. Sang thế kỷ XVI, việc tôn kính này đã lan sang nước Đức và Tây-ban-nha. Các Tu sĩ Dòng Tên đã kể Ngài vào trong một loạt các vị Bổn Mạng của họ. Các nguyện đường tại các Đại Sứ Quán của Pháp ở khắp nơi đều được cung hiến để kính nhớ Ngài.
Giáo hội mừng kính Thánh Louis IX Hoàng Đế vào ngày 25 tháng 08 với bậc Lễ nhớ không buộc.