Thiên Chúa Cất Tiếng Gọi Con Người Đáp Trả

235

Thiên Chúa Cất Tiếng Gọi Con Người Đáp Trả

( Lc 9, 51-62)

Bước vào Chúa nhật thứ XIII thường niên, với chủ để chính là : “Chúa cất tiếng gọi“. Ngỏ lời là sáng kiến của Thiên Chúa và con người đáp trả. Êlia và Êlisê là hai nhân chứng. Chúa đã dùng Êlia gọi Êlisê, Êlisê đáp trả (x.1 V 19,16b.19-21). Vì là sáng kiến của Thiên Chúa nên Chúa gọi người Chúa muốn :”Hãy theo Ta” (Lc 9, 51-62). Hôm qua cũng như hôm nay, Thiên Chúa vẫn đến gọi con người ngay giữa dòng đời. Chúa gọi Êlisê khi ông đang cày ruộng (x.1 V 19, 19). Tiếng gọi của Thiên Chúa là nhất. Chúa gọi, Êlisê không thể trốn được, đến nỗi ông không nói được gì. Tiếng gọi của Thiên Chúa là bắt buộc. Êlia làm điều tốt cho Êlisê khi ông đòi trở về nhà để hôn chào cha mẹ. Êlisê bỏ bò lại và chạy theo Êlia mà nói rằng: “Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi theo ngài” (1 V 19, 20).

Khung cảnh thật đơn sơ, nhưng đầy xúc động, không giấu được. Khi Chúa gọi con người, con người không thể cưỡng lại, Ngài không dùng sức mạnh để áp đặt. “Êlisê con ông Saphát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười hai” (1 V 19, 19) nghĩa là công việc gần xong. Thiên Chúa đến ra cho ông một chân trời mới. Qua trung gian Êlia, Thiên Chúa gọi Êlisê một cách rất kín đáo : “Khi Êlia đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông” (1 V 19, 19). Không một lời chiêu mộ, không một huấn lệnh để bắt ông vâng theo. Êlisê thấy sự công chính và hành động ngôn sứ của Êlia, ông hiểu theo lòng mình. Tiếng Chúa gọi lay động lòng người.

Để đáp lại tiếng Chúa, con người phải có tự do là lẽ đương nhiên. Tự do này do Đức Kitô mang lại cho chúng ta. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nói : “Đức Kitô giải thoát chúng ta để chúng ta thực sự tự do” (Gl 4, 31b). Chúng ta chỉ thực sự tự do khi chúng ta hoàn toàn đáp lại tiếng Chúa. Từ lúc Thiên Chúa gọi đến lúc con người đón nhận ân sủng để đáp trả cách tự do là cả một thời gian dài để đắn đo và cân nhắc. Như Êlisê, hành động trước tiên là ông thu mình vào trong dĩ vãng, và tìm kiếm sự an toàn nơi gia đình. Đây là người chắc chắn, nhưng ơn của Thiên Chúa là không đổi. Êlia từ chối sự trốn chạy của Êlisê, dù Êlisê không lượm áo choàng Êlia tặng cho. Khi Êlisê tìm gặp được sức mạnh, ông nắm bắt ngay, ông bỏ lại tất cả những gì mình đang có để dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Tương tự như bài Tin Mừng, có ba người được gọi (x. Lc 9, 51-62). Nhưng lịch sử cuộc đời của mỗi người khác nhau. Vấn đề là tiếng Chúa gọi và sự đáp trả của con người.

Câu hỏi được đặt ra cho người thứ nhất khiến chúng ta suy nghĩ. Trước hết, anh không được Đức Giêsu gọi, anh đến xin làm môn đệ Người (x. Lc 9, 57). Giống như ở trường các thầy Rabbi, học trò đến xin theo học. Đức Giêsu không ở trong trường đặc biệt này, Người không có điều kiện ổn định, Người đang trên đường. Bước vào trường Giêsu là lên đường, từ bỏ tất cả những gì ổn định, ngay cả gia tài và địa vị. Theo Đức Giêsu là gắn bó với Người, lên đường tiến về phía trước, cần phải tự mình quyết định, nhưng không thể tiến bước một mình.

Người thứ hai là một ngoại lệ. Chính Đức Giêsu gọi anh. “Hãy theo Ta” ( Lc 9, 59). Người này được kêu gọi cách đặc biệt đi vào trong giao ước tình yêu gắn kết với Thầy. Đối với anh, Đức Giêsu yêu cầu từ bỏ cách triệt để, không trở về chôn cất mẹ cha. Khi anh thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 59 – 60). Chúng ta không biết anh đáp lại ra sao. Nhưng đòi hỏi ở đây cho thấy, phục vụ Nước Trời luôn kéo theo một sự từ bỏ tận căn. Từ bỏ chính là thước đo tình yêu của ta đối với Đức Giêsu.

Người thứ ba xin theo Đức Giêsu với điều kiện (x. Lc 9, 61). Như trong bài đọc I, thái độ là điều cần phải suy nghĩ. Đối với Đức Giêsu tra tay vào cầy, nghĩa là đang phục vụ người khác chuẩn bị cấy cầy, ngoái lại sau là bỏ dở việc. Quyết định này làm sáng tỏ điều trên. Từ bỏ gia đình không phải là một từ bỏ, vì nó mở ra một gia đình khác. Theo Chúa không loại trừ gia đình đầu tiên nhưng là vượt qua. Gia đình Thiên Chúa là gia đình có Thiên Chúa hiện diện, liên kết hết mọi người lại với nhau một cách chặt chẽ sâu xa hơn gia đình tự nhiên.
Tóm lại, nhân đức đầu tiên của trang Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống chỉ đẹp khi thực sự sống tự do. Chính tự do, Đức Giêsu “dứt khoát ” lên đường đi Giêrusalem nơi Người biết rằng mình sẽ chết. Giá trị của cuộc sống lớn lao hơn khi người ta sử dụng tự do để phục vụ sự sống cho người khác. Cần bước qua những thử thách trong đời, lằng nghe tiếng Chúa gọi và đáp trả. Lịch sử nhân loại chúng ta đang sống, người này liên đới với người kia. Thánh Phaolô khuyên chúng ta : “Ước chi tự do của anh em không phải là cái cớ để làm thoải mãn tính ích kỷ của anh em, trái lại, anh em hãy phục vụ mọi người trong tình yêu” (Gl 5,13).

Công Ðồng Vaticanô II quả quyết rằng “kẻ được Thiên Chúa Cha kêu gọi… theo ý định của ân sủng Ngài” (Lumen Gentium, số 40). Đúng thế, theo Chúa là ra khỏi ý định riêng tư, để đặt mình trong bàn tay và ý định nhiệm mầu của Chúa. Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là đặt mình trên đường theo Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con thưa với cả cuộc đời : “Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thi hành thánh ý Chúa” (x. Dt 10,7).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ