Thiên sứ báo trước Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

189

Thiên sứ báo trước Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Cách đây hơn 100 năm, khi ba mục đồng, Lucia, Francisco và Jacinta đang nô đùa, một thiên sứ đã hiện ra với các em…

Mùa Xuân năm 1916, tại Loca do Cabeco, ba mục đồng, Lucia, Francisco và Jacinta đã trông thấy “một thiếu niên chừng 14 hay 15 tuổi, rất xinh đẹp, trắng hơn tuyết và ánh mặt trời khiến trong suốt như pha lê” tiến về phía mình. Vị thiên sứ còn xuất hiện thêm ba lần trước khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu vào ngày 13.5.1917 tại Fatima.

Tại Ý, linh mục Don Marcello Stanzione, nhà nghiên cứu về thiên sứ vừa cho ra mắt tập sách Gli Angeli custodi delle Nazioni. Cent’anni fa a Fattima l’angelo del Portogallo parlava ai tre pastorelli – Thiên thần bổn mạng các quốc gia. Cách đây trăm năm Thiên thần Bồ Đào Nha đã đàm đạo với ba mục đồng. Mục tiêu là làm cho chúng ta hiểu, đặc biệt sống sâu sắc hơn thông điệp của Đức Trinh Nữ Maria.

CÁC THIÊN SỨ TRỞ LẠI

Trang tin Aleteia đã tuyển tập các bài bình luận của ông Carmine Alvino, cũng người Ý, chuyên nghiên cứu về việc tôn kính các thiên thần. Ông trình bày tập sách này và đặt nó vào bối cảnh suy tư rộng rãi hơn về dung mạo các thiên sứ trong lịch sử Giáo hội, trước khi tập chú vào Thiên thần bổn mạng Bồ Đào Nha và các lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima:

“Dư luận cho rằng các thiên sứ đang trở lại. Hàng chục cuốn sách gần đây giải thích hơn bao giờ hết các ngài đang hiện diện quanh ta. Và sở dĩ các ngài đông đảo như thế, bởi vì nhân loại đã tiến bộ, vì tính chất linh thiêng và việc tìm hiểu về nội tâm lại kích thích tính hiếu kỳ của con người, đồng thời họ quan tâm nhiều hơn đến những gì đang diễn ra trong lòng mình. Các sách nêu trên đều đồng thuận rằng thiên sứ là một hữu thể vô cùng đặc biệt, rất quyền năng, là “năng lượng” thuần túy, tinh khiết. Thiên thần hiện diện dưới nhiều hình dạng khác nhau. Tuy vậy, các vị trước hết là hữu thể của ánh sáng, là những hướng dẫn viên nội tâm. Mỗi chúng ta đều có thể được các ngài giúp đỡ trong cuộc sống”.

THIÊN SỨ Ở FATIMA

Các cuộc “gặp gỡ” giữa ba mục đồng và thiên thần rất tương đồng với những lần gặp gỡ được mô tả trong Tin Mừng. Đặc biệt, thánh sử Máccô thuật lại rằng, sau cái chết của Đức Giêsu, các phụ nữ “khi vào trong mồ, đã thấy một thanh niên, mặc y phục trắng, ngồi bên phải. Các bà khiếp hãi”. Thật vậy, Thiên sứ ở Fatima cũng hiện hình dưới vẻ một thiếu niên mang y phục trắng lạ lùng, hầu như trong suốt như pha lê, do ánh mặt trời chiếu sáng.

Thiên sứ hiện ra cho Lucia, Francisco và Jacinta, đã khiến họ an tâm khi nói đừng sợ. Lần đầu xuất hiện, ngài bảo các em: “Đừng sợ, ta là Thiên sứ mang lại bình an”; lần thứ hai, ngài nói ngài là Thiên sứ bổn mạng của Bồ Đào Nha.

Như linh mục Don Marcello Stanzione nêu rõ trong tác phẩm của mình, “ý tưởng thiên thần bổn mạng các quốc gia đã xuất hiện trong Thánh Kinh và cả trong thần học Công giáo. Theo Thánh Thomas d’Aquin, không ai và không điều gì có thể hoàn toàn ở ngoài sự quan phòng của Chúa, Đấng cai quản mọi sự”.

Từ cuối năm 1514, Bồ Đào Nha đã mừng lễ Thiên thần bổn mạng vào mỗi Chúa nhật thứ 3 của tháng 7. Sau đó, truyền thống này bị xem là lỗi thời. Đức Piô X bỏ việc mừng lễ Thiên thần bổn mạng chỉ một thời gian trước khi Mẹ hiện ra tại Fatima. Người Bồ Đào Nha đã xin Đức Piô XII chính thức phục hồi truyền thống này. Nhờ đó, ngày nay, lễ kính Thiên thần bổn mạng Bồ Đào Nha được cử hành ngày 10.6, và được đặt làm ngày quốc khánh.

Sau khi dạy các em kinh thờ lạy Chúa Ba Ngôi, “Thiên sứ báo trước cho ba mục đồng về một biến cố ban ân thánh sủng, và khẳng định rằng Trái tim của Chúa Giêsu và Mẹ Maria chứa chan các ý định nhân lành đối với các em. (…). Thiên sứ mời gọi Francisco, Jacinta và Lucia dâng lời cầu nguyện, hy sinh hãm mình để đền tội nhân loại, nhằm tôn vinh và yêu mến Thánh tâm Chúa và Mẹ”.

Ba mục đồng không còn thấy thiên thần nữa, nhưng những lần ngài đến thăm vẫn còn khắc ghi trong lòng các em, như báo trước việc Mẹ hiện ra, từ ngày 13.5.1917. Các mục đồng không tiết lộ các cuộc gặp gỡ với thiên sứ, ngoài trừ Lucia về sau này. Các em đã sống và thể hiện những lần tao ngộ ấy như khoảnh khắc độc đáo, riêng tư cho đời mình.

Nguồn Internet