Có một phương ngôn bất hủ rằng: “Tình yêu là phần thưởng của tình yêu”. Còn gì chắc chắn hơn thế. Như một thi sĩ đã viết:
Tình yêu là cửa thiên đường nơi ánh mắt
Là chớp giật sau làn da chạm khẽ
Chỉ cần ánh mắt loé lên, tình yêu đã chỉ lối cho người ta cả cõi thiên đường… Còn vô vàn những “lợi tức” khác nữa, nào bàn tay nắm lấy bàn tay có thể hoá cả miền hoang mạc cô đơn thành miền đất ướt đẫm tình yêu, nào mắt chìm trong mắt khiến tâm hồn trôi dạt như thể hai con thuyền si mê ánh sáng bị ngập lụt trong đại dương đã đánh tuột các bờ mi trở thành niềm đắm đuối vô bến vô bờ, rồi đôi môi chạm phải đôi môi chẳng khác gì thế gian đang ừng ực nuốt trôi mọi nhịp cầu…
Phần thưởng của tình yêu là thế. Chính xác, không một chút khoa trương tán dóc, người Ấn Độ gọi tình yêu là: Cực Lạc. Nghĩa là một lạc thú tột cùng, cao ngất ngây… chẳng có lạc thú nào có thể sánh cùng với nó. Vậy thì hẳn nhiên rằng: tình yêu chẳng có phần thưởng nào lớn hơn nó – là chính tình yêu. Nhưng mà oái oăm đến thế, có lẽ ở đời không gì ngang trái hơn chính tình yêu. Ngang trái đến mức đôi tình nhân có thể dắt tay nhau ra thành cầu nhảy xuống dòng sông hoá kiếp, nhẹ nhàng như một cặp nhảy học một điệu van-xơ mà không có nhạc đệm. Ngang trái như lời bài hát ca:
Nếu biết rằng yêu là đau khổ
Thà dương gian đừng có chúng mình
Tại sao tình yêu phải cõng trên mình nó một nghịch lý ngang trái chẳng khác gì trái tim nhỏ bé run rẩy phải cõng trên lưng mình những con đường vạn dặm đầy non nước khúc khuỷu cheo leo? Trời ạ, chúng ta nhìn một cái là thấy liền: trong khi tưởng rằng tình yêu là phần thưởng của tình yêu, thì tình yêu phải cõng trên mình nó vô vàn những lợi ích gán ghép khác. Một công chúa xinh đẹp, đài các, xa hoa ư? Trái tim nàng vừa khơi lên một điệu vũ xao xuyến của mối tình đầu, nàng liền bị vua cha ép gả cho một phò mã của nước kia. Một phò mã béo núc ních, đần độn, nhưng lại thừa kế quyền nhiếp chính của vua cha. Nàng được lấy người mình yêu ư? Phần thưởng tình yêu của nàng là tình yêu ư? Không trái tim nàng chẳng có nổi một chút phần thưởng nào, mà chỉ có triều đình của vua cha gặt hái những lợi ích về đất đai hay phân ngôi quyền lực.
Một thiếu nữ phới phới vừa độ xuân thì đã bị cha mẹ ép gả, vừa hẩy đi “bom nổ chậm” trong nhà, vừa kiếm được một khoản tiền. Mới đây rộ lên các vụ mua bán gái trẻ móc nối lấy chồng Hàn Quốc càng thấy rõ tình yêu đã phải chui qua mép ví thế nào?
Dù vậy, tình yêu vẫn luôn bất tử và kỳ diệu lắm. Bởi chính tình yêu là một đế quốc cực lạc vậy thì thế lực tiền bạc nào đây có thể đổi chác, đo ván tình yêu. Chúng ta thử hình dung, có nhiều vua, vua có trong tay cả ngàn cung tần mỹ nữ, thậm chí thích ai, vua có thể triệu đến để thoả thuê ham muốn của mình. Các cung tần mỹ nữ ở trong cung ư? Đó là những người đẹp nhất ở các nơi được tuyển về, ở trong lầu vàng cung ngọc, ăn vận toàn tơ lụa đắt tiền, nước hoa, nước gội đầu toàn những linh dược quý được chắt lọc từ khắp mọi miền… Vậy mà vua phát chán, vua nhìn cung tần mỹ nữ chẳng khác gì thứ cơm hộp dán nhãn loè loẹt, những người đó làm cho vua vô cảm. Thể xác ngài có thể được xoa xuýt ve vãn suốt ngày, nhưng tâm hồn ngày thì không gợn lên được dù một làn nước nhỏ tinh khôi – phơi phới… Và rồi chán quá, một đêm ngài chui tường ra khỏi cung, ngài tìm đến một thanh lâu. Trời ơi, ngài nhìn thấy một cô gái có khuôn mặt không xoa phết bất kỳ thứ mỹ phẩm nào, người nàng toả ra ngào ngạt một mùi bình dị – một mùi không có mùi gì cả – và đó là một mùi hương vĩ đại, bởi lẽ đơn giản đó là hương vị đồng hóa với thiên nhiên – cũng là thứ hương của vũ trụ bao la, bình dị, man mác, toả dịu dàng, tự tin và bay bổng… Nhà vua bỗng thấy những mùi vị trong cung mới nghèo nàn làm sao. Đó là mùi vị làm người ta luôn liên tưởng đến miệng những chiếc nồi trưng cất, bé xíu và bé tí, nếu càng được tinh chất thì miệng nồi càng bé lại… Trong khi đó làn da của thôn nữ này lại mang mùi hương nếu được trưng cất thì miệng nồi phải rộng như vũ trụ, có ai thấy những vì sao toả hương bao la bao giờ đâu, nhà vua nghĩ. Rồi nàng cất tiếng hát, một âm thanh nơi những cánh đồng lúa non đang dào dạt nói mình tạo ra những con sóng như đại dương đang phô diễn một điệu đàn uốn lượn… Trời, tâm hồn nhà vua không chỉ gợi lên những làn sóng phấn khích, mà nó dâng lên bời bời, tơi tả, muốn quất tan cả chân trời bấy lâu vẫn bị đóng gói chìm trong vô cảm. Rồi vua bật hát theo cô gái. Vua đàn cho cô hát. Ngẫu hứng lên vua còn làm những vần thơ lai láng không phải chỉ ca ngợi mái tóc nàng đang suôi chảy như những con sông kỳ diệu (vua chợt so sánh với những lọn tóc được chăm tỉa của các cung phi, nó có vẻ giống sự tỉ mỉ của đám đồng nát), mà vua làm thơ chỉ để tán dương hai gót chân nàng đang vãi những bông sen trên con đường đầy bụi của cuộc đời, trời ơi, trong cung thì làm sao có được thứ bụi trường chinh đó?
Từ đó tất cả các cánh cửa sơn son thiếp vàng của cung điện trở thành vô nghĩa, nhà vua chỉ còn yêu thích nơi kẽ nứt của bức tường, nơi mà đêm đêm khi bóng tối che phủ, ngài được lách mình qua đó để tìm đến cô thôn nữ của tình yêu.
Tình yêu thật là kỳ diệu? Không phải chỉ có những lạc thú cực lạc của nó, mà nó còn kỳ diệu đến huyền bí vô tận trong nguyên lý của mình. Thông thường chúng ta vẫn tưởng tình yêu lựa chọn: trai tài – gái sắc, tiền nhiều của lắm, nhà cao cửa rộng, quyền lực khuynh loát… Không, triết gia Schopenhauer đã phát hiện cái sức mạnh lớn nhất của tình yêu lại nằm ở chỗ: người ta đi tìm sự “khuyết tật” của mình. Chẳng hạn, bạn nhìn thấy một người thợ xây đang loay hoay tìm một mẩu gạch. Để làm gì? Để chét vào bức tường, nơi lỗ hổng đòi một mẩu gạch thích hợp chứ không cách gì đặt cả viên gạch nguyên si vào đó.
Tình yêu là vậy. Luật bù trừ, tức là luật bổ túc các khuyết tật – bổ túc cái gì mình thiếu còn mạnh hơn cả sức cám dỗ của trai tài gái sắc. Một cô gái chân dài đến nách chẳng hạn, cái sức hút cuốn cô ta đến chàng trai cao to để xứng đôi vừa lứa lại không mạnh bằng cô ta sẽ tìm kiếm một anh chàng “chéc-lơ-mo” để bổ khuyết. Đó là luật tình yêu của vũ trụ, mà cô ta khó lòng cưỡng được.
Vậy thì, bất chấp những toan tính, tham lam, vụ lợi mà con người muốn móc vào trái tim của tình yêu, trái tim vẫn sẽ đòi đập, đòi rơi đúng quỹ đạo của nó, để nó có thể đợi vành nguyệt quế xứng giá nhất trên đời: tình yêu là phần thưởng của tình yêu.
Ngoài ra không cần gì hết. Và nếu như không có phần thưởng tình yêu thì mọi thứ toan tính kiếm chác được cũng là nghèo nàn nếu không nói là vô nghĩa.