Ý nghĩa của việc đặt tên thánh
Bạn thân mến! Hôm trước, dạy giáo lý tại nhà thờ Ba Chuông, có một em thiếu nhi hỏi mình: “Thưa thầy, tại sao khi Rửa tội, phải đặt tên thánh cho trẻ sơ sinh và việc đặt tên thánh có ý nghĩa như thế nào?”. Hôm nay, xin trả lời câu hỏi của em cách chi tiết hơn, để nhờ đó em hiểu ý nghĩa của việc làm này và biết noi gương vị thánh bổn mạng mà sống nên thánh mỗi ngày.
◪ Đôi nét về việc đặt tên mới trong Kinh thánh
Kinh thánh cho chúng ta các ví dụ sinh động về những hoàn cảnh quan trọng dẫn đến việc thay đổi về danh xưng, đặc biệt là những khoảnh khắc hoán cải tâm linh:
▪ Khi Thiên Chúa chọn Ápram làm cha của Dân tộc được tuyển chọn, và yêu cầu ông phải được cắt bì như một phần của giao ước mới. Đức Chúa ban cho Abram một tên gợi mới: Áp-ra-ham
▪ Sau khi vật lộn và nhận được lời chúc phúc từ thiên sứ, tên Giacóp được đổi thành Ítraen.
▪ Sự đổi tên của Simon thành Phêrô và Saul thành Phaolô trong Tân ước có ý nghĩa sâu sắc. Kể từ đây hai ông trở thành những cột trụ xây dựng tòa nhà Giáo hội.
Trong mỗi trường hợp vừa kể trên, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa dẫn đến việc được đặt tên mới. Điều này phản ánh tính chất trang trọng của sự kiện đó. Khi một hài nhi được rửa tội, em trở thành con cái Thiên Chúa Cha, là đồng thừa kế Nước Trời qua Chúa Kitô và là người được thông phần trong ân sủng của Chúa Thánh Thần.
◪ Việc đặt tên thánh qua dòng lịch sử Kitô giáo
Trong Kitô giáo, truyền thống đặt tên thánh cho trẻ sơ sinh không phải là mới. Đó là một truyền thống cổ xưa mang nhiều ý nghĩa, và thật sự là như vậy!
Tục lệ lấy tên thánh bắt nguồn từ tục lệ đặt tên trong Do thái giáo. Sau khi sinh con được một tuần, cha mẹ người Do thái bế con tới giáo đường để cử hành nghi lễ đặt tên. Với con trai, nghi lễ đặt tên diễn ra trong nghi lễ cắt bì. Tên được đặt gọi là tên thánh (sacred name) lấy từ các tên trong kinh thánh của Do thái giáo.
Với Kitô giáo, chúng ta thấy có một sự tiến triển theo dòng lịch sử. Trước hết, ngay từ thế kỷ thứ III, Ông Dionysius thành Alexandria (khoảng năm 260) đã nhận thấy, có rất nhiều người cùng tên với tông đồ Gioan. Ông yêu mến vị tông đồ này và ước mong được yêu Chúa như thánh Gioan. Ngoài ra ông cũng nhận thấy nhiều trẻ em được đặt tên như là Phêrô hoăc Phaolô để tôn vinh và bắt chước hai vị tông đồ vĩ đại này. Bên cạnh đó, vào thời Giáo hội Sơ khai người Kitô hữu có tục lệ lấy tên thánh làm tên riêng. Do vậy Công đồng Nicaea họp năm 325 cấm người Công giáo dùng tên các thần thánh không phải của Kitô giáo để đặt tên.
Vào thế kỷ thứ IV, thánh Gioan Kim Khẩu khuyến khích các bậc cha mẹ nên chọn cho con cái mình tên của những vị thánh, vì quyền năng và sự thánh thiện của các ngài. Nhờ đó, những đứa trẻ có thể xem các ngài như là hình mẫu để noi gương và bắt chước đời sống của các ngài.
Đến thời Công đồng Tridentino họp năm 1563, Giáo hội Công giáo buộc giáo dân khi đặt tên phải chọn tên thánh. Công đồng lưu ý các linh mục khi làm phép rửa tội, gặp trường hợp cha mẹ cố tình đặt tên không hợp tinh thần Kitô giáo, thì vị linh mục đó tự động thêm vào một tên thánh, coi đó là tên thứ hai và ghi vào sổ rửa tội giáo xứ.
Đến bộ Giáo luật năm 1917, qua điều khoản số 761, Giáo hội nhắc lại khoản luật cũ từ thời Công đồng Tridentino buộc người Công giáo phải lấy tên thánh.
Nhưng vào năm 1972, vì thấy việc đặt tên thánh không thích hợp cho tiến trình hội nhập văn hóa, nên thánh bộ Phụng tự đã bãi bỏ luật buộc người Công giáo phải lấy tên thánh.
Do vậy, đến bộ Giáo luật năm 1983, người ta không thấy có điều khoản nào buộc người Công giáo phải lấy tên thánh, mà chỉ quy định tên riêng của người ấy phải phù hợp với ý nghĩa Kitô giáo. Điều 855 của bộ Giáo luật 1983 quy định: Cha mẹ, người đỡ đầu và cha sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô giáo.
◪ Việc đặt tên thánh với người Kitô hữu Việt Nam
Sở dĩ người Công giáo Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa và các nước truyền giáo khác trên thế giới có thêm tên thánh mà người Tây phương không có, là vì các giáo sĩ Tây phương đến Việt Nam cũng như các nơi khác truyền đạo, đã áp dụng tinh thần giáo luật cũ, đặt tên thánh cho giáo dân như đã làm cho giáo dân ở Tây phương.
Trái lại, đọc tiểu sử hàng giáo phẩm Công giáo Tây phương, ta không thấy vị nào có hẳn một tên thánh riêng như kiểu tên người Công giáo Việt Nam. Nếu đức giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng có hẳn một tên thánh là Giuse, thì đức giáo hoàng Bênêđictô XVI không có tên thánh riêng. Tên ngài là Joseph Ratzinger. Joseph là tên riêng vừa là tên thánh.
Do đó người Công giáo Tây phương không có tục lệ mừng lễ thánh quan thầy.
Mặc dù Giáo luật hiện nay không bắt buộc tín hữu phải có tên thánh, nhưng việc đặt tên thánh có mục đích rất đáng trân trọng vì 2 lý do: thứ nhất, để người đó bắt chước gương sáng thánh bổn mạng mà sống cuộc đời đạo đức; thứ hai, để tín hữu đó được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh bổn mạng. Hai mục đích trên được nói trong bộ Giáo luật năm 1983, khoản 1186:
Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo hội khuyến khích mọi tín hữu, lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Đức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Kitô đặt làm Mẹ của loài người, cũng vậy, Giáo hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các ngài.
Hiện nay, người Công giáo Việt Nam thường chọn tên các thánh nam giới cho phái nam và thánh nữ giới cho phái nữ. Thông thường, giáo dân hay chọn cho con cái mình các thánh thời Chúa Giêsu như Phêrô, Phaolô, Gioan, Maria, Anna làm tên thánh. Ngày nay, Giáo hội Việt Nam có cả trăm vị thánh tử đạo. Tại sao không dùng danh xưng của các vị thánh Việt Nam để đặt tên cho con trẻ của chúng ta?
Lm. Trịnh Thiên Phú