Satan có phải là “hoàng tử của thế gian này”?

43

Satan có phải là “hoàng tử của thế gian này”?

Quyền lực sự dữ và tình yêu của Thiên Chúa đánh bại sự dữ. Hai chủ đề, được liên kết nhau, xung quanh điều mà rất nhiều người và thậm chí là các phương tiện truyền thông đại chúng thường đối đầu với nhau, nhất là trong thời đại của chúng ta. Ý kiến của các nhà thần học như thế nào?

Tổng lãnh Thiên thần Micae đánh bại Satan

Vợ tôi nói rằng thế giới nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Satan. Ma quỷ là hoàng tử của thế gian này và là nguyên nhân của tội lỗi trên thế gian. Tóm lại, đối với cô ta, toàn thể nhân loại nằm dưới sự cai trị của kẻ ác. Tôi không nghĩ như vậy. Chúa Giêsu chết trên thập giá để cứu cuộc toàn thể nhân loại và bằng việc sống lại Ngài cho thấy mình đã chiến thắng sự dữ tận gốc rễ. Tôi tin chắc rằng Ngài là Đấng cai trị dòng lịch sử và là Đấng Phục sinh. Ma quỷ bị đánh bại trong mọi trường hợp. Nhà thần học nghĩ gì về nó? (Angelo Giroldo)

– Câu trả lời của cha Francesco Vermigli, giáo sư thần học tín lý.

Vấn đề trong gia đình cãi nhau rất nghiêm túc. Và câu trả lời chỉ có thể bắt đầu từ sự kiện đức tin : Chúa Kitô đã chiến thắng sự dữ, tội lỗi, sự chết; và cùng với tất cả những điều này, Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ và những mưu mô thiên hình vạn trạng của nó. Do đó không thể nói rằng ma quỷ chiếm giữ thế gian, nhằm chinh phục thế gian theo ước muốn của nó; trái lại, hay nói đúng hơn, thế gian phải tuân theo ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, Đấng muốn các tội nhân ăn năn hoán cải và được sống (x. Ez 33,11). Thế gian đang ở dưới bóng vinh quang của thập giá Chúa Kitô, nơi mà quyền năng cứu độ không thể nào bị phá đổ bởi bất kỳ thụ tạo nào, ngay cả thụ tạo thiêng liêng nhất. Con người được cứu rỗi, vũ trụ được cứu chuộc, một lần và vĩnh viễn, và cả Thiên đàng vui mừng vì công cuộc chiến thắng của Chúa Kitô. Không có gì có thể tách con người ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 8,38-39); tình yêu đó hiện diện nơi thể xác và viên mãn nơi thần tính Chúa Kitô Giêsu (x. Col 2,9). Do đó ơn cứu rỗi mà Con Thiên Chúa nhập thể mang đến cho thế gian là một điểm không thể quay lại, là một khẳng định về điều thiện và tình yêu mà vì niềm tin chúng ta phải dứt khoát tin tưởng.

Khi Chúa Giêsu gọi Satan là hoàng tử của thế gian này, Chúa không muốn nói rằng Satan nằm ngoài khả năng cứu rỗi của Chúa, như thể nó là một thực thể ngang bằng và đối nghịch với Ngài. Như chúng ta đã biết, trong lịch sử của Kitô giáo hình ảnh của hai thực thể ngang bằng và tương phản nhau được truyền lại dưới cái tên là “manichaeism[1]” [lưỡng nguyên thuyết] : là ý tưởng, theo đó, nền tảng của thực tại có hai nguyên tắc, cái này đối mặt với cái kia; một cái tiêu cực, một cái tích cực. Khi chúng ta định nghĩa Satan “là hoàng tử của thế gian này”, điều đó muốn nói rằng, bằng những khuyến dụ của mình, ma quỷ luôn cố gắng lôi kéo thế giới và con người ra khỏi ơn cứu rỗi của Chúa. Nó là hoàng tử của thế giới tội lỗi và sự chết mà từ đó Chúa Giêsu thi hành chính sứ mạng cứu rỗi và giải phóng của mình.

Bởi thế, ý nghĩa đầy đủ trong đoạn Tin mừng của Gioan là khi Chúa Giêsu xác định hoàng tử thế gian này, ngay lúc đó Chúa khẳng định hai điều: sứ mạng của Ngài mạnh hơn của Satan và mục tiêu của sứ mạng này là tiêu diệt Satan, “tống cổ Satan ra ngoài”, và tước đoạt chủ quyền của nó khỏi thế gian này. “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12,31). Nói cách khác, theo quan điểm của Gioan thì từ “thế gian” được xác định qua hai ý nghĩa. Khi được liên kết với Satan thì nó có ý nghĩa liên quan đến một vương quốc tội lỗi và đầy dẫy sự cám dỗ. Khi không liên kết với Satan, như trong câu Chúa Giêsu đã nói “vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (Ga 12,47), qua đó nó cho thấy quyền năng cứu rỗi của Chúa Kitô được thể hiện qua sự chiến thắng.

Khi câu hỏi đề cập đến ý tưởng cho rằng ma quỷ là nguyên nhân của mọi tội lỗi, thực ra, cần phải nói rõ hơn, chỉ khi nào con người ưng thuận điều đó với ý chí của riêng mình. Chúa Kitô đã chiến thắng trong cuộc chiến một cách dứt khoát. Tuy vậy, mỗi một cá nhân con người có thể chọn theo kẻ thua cuộc và chọn rút khỏi vương quốc tình yêu và bình an, hy vọng và chân thật, đó là vương quốc của Chúa Kitô.

——-

[1] Thuyết lưỡng nguyên, thuyết Manichaeus. Là lạc giáo lưỡng nguyên được khởi xướng trong thế kỷ thứ ba bởi một người Ba Tư tên là Mani, Manes, hay Manichaeus (năm 215-75). Ông được xem là được Chúa linh ứng, và nhiều người tin theo ông. Trong thuyết này, có hai nguồn sáng tạo, là nguồn lành và nguồn dữ. Chúa là Đấng sáng tạo những gì là tốt lành, còn Satan nhưng gì là xấu dữ. Tinh thần con người là từ Chúa, còn thể xác là từ quỷ. Do đó có sự đấu tranh liên lỉ giữa các lực lượng tốt và lực lượng xấu. Sự lành chiến thắng sự dữ khi tinh thần trỗi cao hơn thể xác. Trong thực tế, thuyết Manichaeus phủ nhận trách nhiệm của con người cho điều dữ mình làm, trong tiền đề rằng do con người không có ý chí tự do nhưng do sự thống trị của quyền lực Satan trên đời sống con người.

Lm.Francesco Vermigli

Previous articleNgày hẹn gặp Đức Mẹ
Next articleDÒNG ĐỨC BÀ : THÁNH LỄ KHÁNH THÀNH VÀ CUNG HIẾN NGUYỆN ĐƯỜNG REGINA MUNDI