Chạm vào những vết thương

45

Chạm vào những vết thương – Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa

          Đức Giêsu đã bị giết chết, các môn đệ co cụm, sợ hãi trước một tương lai tăm tối. Họ không dám đi đâu, làm gì vì “sợ người Do thái.”

          Trong sự bế tắc ấy, Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với họ nói: “Bình an cho anh em.” Dù chưa hiểu hết ý nghĩa của sự bình an, nhưng với sự hiện ra của Thầy, còn mang những dấu tích của cuộc khổ nạn trên thân thể, đã làm bùng lên trong lòng họ sự vui mừng, phấn chấn. Nỗi mừng vui trọng đại này được Giáo hội lưu lại trong kinh nguyện Mùa phục sinh, như muốn nhắn gửi cho con cái mọi thời về cái tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến: “Các môn đệ vui mừng. Halleluia. Vì được nhìn thấy Chúa. Halleluia.”

          Những thương tích trên thân thể Đức Giêsu vẫn còn đó, như dấu chỉ cho một tình yêu cao cả và lòng xót thương vô bờ Người dành cho nhân loại, mà các môn đệ có sứ mạng rao truyền: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”

          Các môn đệ thi hành sứ mạng này, không phải để trừng trị, trả thù những kẻ gian ác, nhưng là để công bố sự tha thứ và hòa giải, làm chứng cho Tin mừng Phục sinh, cho ơn Cứu Chuộc nơi Đức Giêsu chứa chan, cho lòng Thương Xót vô biên Người vẫn dành cho con người, từ đời nọ đến đời kia.

          Sứ mạng này, các môn đệ sẽ thực hiện cùng với Đấng Phục Sinh luôn ở cùng, như một thẩm quyền tối hậu để hậu thuẫn cho sứ điệp, như một thế lực để duy trì sức mạnh thừa sai, để soi sáng cho tâm trí và làm bừng lên ngọn lửa nhiệt thành.

          Sứ mạng ấy đã tồn tại theo thời gian lịch sử, trải qua những sự thử thách ghê gớm giữa sự sống và cái chết, giữa đức tin và khoa học, giữa mầu nhiệm và những vấn đề thuộc bình diện nhân loại. Đừng vội trách Tôma là kẻ cứng tin, như các tông đồ khác, Tôma cũng chỉ hướng tới thập giá, dù ông can đảm: “Chúng ta hãy tới đó để cùng chết với Ngài.” (Ga 11,16)

          Rất yêu mến thầy, nên khi thấy thầy chịu chết, ông đau đớn rút vào trong cô tịch. Vì thế, khi Đấng Phục Sinh hiên ra, Tôma đã vắng mặt. Nhưng Tôma thật lòng, dám nói lên sự nghi ngờ vướng mắc của mình và tuyên bố sẽ chẳng tin nếu không được thấy tận mắt, sờ tận tay vào những vết thương của Chúa.

          Tám ngày sau, các môn đệ tập hợp lại, lần này có Tôma. Các cửa đều đóng kín. Sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh lần trước vẫn chưa giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi. Họ cần có sức mạnh Chúa Thánh Thần thì mới dạn dĩ xuất hiện trong tư thế là chứng tá cho Đức Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh.

          Đức Giêsu biết rõ tâm hồn Tôma, nên lần hiện ra này, Người sẵn sàng để cho ông kiểm chứng “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.” Tôma sụp xuống trong sự kinh hoàng, thốt lên lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con.”

          Không ít lần, trong những thời khắc khủng hoảng tăm tối nhất, người tín hữu vẫn ao ước được Lòng thương xót Chúa chạm đến như tông đồ Tôma. Nhưng những vết thương của Giáo Hội, của các quốc gia, của từng gia đình và của mỗi người gây ra bởi dại dịch Coronavirus chính là những vết thương của Chúa Kitô, và những vết thương ấy phải được nhìn thấy để chạm vào.

          Làm sao có thể chạm vào những vết thương của Chúa, khi chúng ta nhắm mắt trước mọi vết thương rách toác của người đồng loại trong trận đại dịch này?

          Làm sao có thể hôn kính những vết thương trên Thân Thể Chúa Kitô, đang khi bỏ mặc những vết thương trên thân thể, trong tâm hồn, trong đời sống của những người khốn cùng đang kề bên?

          Làm sao có thể tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh chiến thắng sự chết, khi hằng ngày chúng ta vẫn dửng dưng với những cái xấu và ác, mặc nhiên thừa nhận sự gian dối, nạn tham nhũng và không dám nói lên, hoặc đồng tình với những người đang đấu tranh cho sự thật, đang phải trả giá cho công lý?

          Làm sứ giả cho lòng thương xót của Chúa là mạnh dạn chỉ ra các vết thương trong xã hội, cho thấy cái cơ cấu của tội lỗi là nguồn gốc của mọi vết thương. Cần lắm một tình yêu liên đới và lòng thương cảm, “xót ai cũng là xót phận mình” mới có thể cùng nhau tìm kiếm những phương thế mới để chữa lành.

          Và thuốc chữa lành chính là sống Lòng thương xót Chúa khi bắt tay làm những điều tốt đẹp; khi tìm kiếm chân lý tránh xa sự giả dối; khi biết yêu thương, tìm kiếm sự tha thứ –  hòa giải chứ không nuôi dưỡng sự trả thù.

Lạy Chúa Giêsu

Nhân loại hôm nay đang trải qua bao là sự dữ.

Con người hôm nay đang sống trong tuyệt vọng lo âu.

Chúng con đến kêu cầu Chúa giàu lòng xót thương.

Ngài mở ra con đường, đưa đến tận nguồn suối yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.

(Lời Bài hát Chúa giàu lòng xót thương của Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp)

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR

Previous articleTrong cơn đại dịch, đọc lại truyện dài ‘Dịch Hạch’ của văn hào Albert Camus
Next articleSứ mạng truyền giáo trong thời đại hôm nay