Hội An qua nét vẽ của khách Tây

55

Hội An qua nét vẽ của khách Tây

QUẢNG NAM“Có điều gì đó đặc biệt thu hút ở Việt Nam, khiến tôi yêu mến và muốn tìm hiểu thêm về nơi đây”, Anna chia sẻ.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 1

Anna Barnes là du khách người Australia. Năm 2012, cô đến Việt Nam và đem lòng yêu mến Hội An. Kể từ đó, cô quyết định quay lại nơi này nhiều lần để vẽ, tìm hiểu thêm về văn hóa và tổ chức các lớp vẽ. Mỗi năm cô đến đây khoảng 1-3 lần.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 2

Cảnh chợ cá tại một làng chài ở ngoại ô. Khám phá chợ, cô có thêm cái nhìn mới về ngành ngư nghiệp của khu vực. Đây là nơi các nhà hàng ở phố cổ mua nguyên liệu về chế biến. “Để trở thành người bán cá ở Việt Nam, cần sở hữu những đôi ủng cao su màu trắng, có một giọng nói hời hợt nhưng vui vẻ, miễn nhiễm với rác, mùi tanh và có sức khỏe tốt”, họa sĩ hóm hỉnh nói.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 3

Chia sẻ về nguồn gốc của những bức vẽ, cô nhớ lại kỷ niệm lần đầu đến Hội An. Lúc đó cô đi cùng con trai 3 tuổi, vì chưa biết nhiều về vùng đất này nên cô muốn làm gì đó mới mẻ để giải trí. Đang ngồi trong chợ, Anna bỗng muốn lấy sổ ra vẽ. Những người bán hàng thích thú khi xem thành phẩm. Cô nhận ra đây là cách thú vị để tìm hiểu và kết nối với người dân địa phương, nên đã tiếp tục triển khai dự án này.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 4

Anna có một niềm đam mê lớn với ẩm thực, nên những bức vẽ của cô thường về món ăn hay người bán hàng. Cô có bằng thạc sĩ về Thiết kế, Đại học Sydney và bằng cử nhân chuyên ngành Nghiên cứu Đông Nam Á. Ngoài ra, Anna cũng có kinh nghiệm làm việc hơn 25 năm tại các nhà hàng ở Sydney, chuyên chế biến các món ăn đặc sản truyền thống.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 5

Trong hình, Anna vẽ quán chè phố Hội. “Món tráng miệng này là sự kết hợp độc đáo từ các loại đậu, trái cây, khoai, dừa… được nấu chín với nước đường. Nấu xong, mỗi loại được cho vào nồi riêng, chở đến nơi bán, và người bán hàng sẽ ngồi đó phục vụ đến khi nồi hết sạch”, cô chia sẻ.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 6

Bức yêu thích nhất của Anna là tranh vẽ cô Tuất bán bánh căn ở chợ vải, phố cổ. Sau này, cô Tuất đã chuyển gian hàng của mình ra khỏi trung tâm phố cổ, vì du lịch bùng nổ và cô chỉ muốn phục vụ người dân địa phương. “Mỗi lần có dịp đến quán cô Tuất ở chỗ mới, tôi rất kín đáo, không bao giờ dẫn ai đi cùng. Tôi luôn phác họa chân dung cô nhưng cô chẳng bao giờ cười với tôi. Có lẽ vì tôi là khách nước ngoài, và tiếng Việt của tôi rất tệ. Song tôi vẫn rất thích hương vị bánh căn ở đây”, họa sĩ cho hay.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 7

Tranh vẽ những nghệ nhân làm đèn lồng. Theo Anna, những chiếc đèn lồng làm cho Hội An trở nên đẹp hơn vào ban đêm. Ánh sáng đèn lồng phản chiếu xuống mặt nước khiến bờ sông phố Hội lấp lánh.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 8

Anna thường phác họa trong cuốn sổ nhỏ cô mang đi khắp nơi. Sau đó, cô chụp lại và chia sẻ trên website cá nhân, mạng xã hội và với bạn bè.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 9

Bức vẽ những người bán hoa tươi vào buổi sáng trên đường phố. “Đồ nghề nhỏ gọn chỉ có xô, ghế nhựa nhỏ, mấy bó hoa. Họ soạn đồ cũng nhanh mà bán cũng rất nhanh, đơn giản, tươi mát, không hề cầu kỳ”, Anna mô tả.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 10

“Vẽ tranh và kết nối với người dân địa phương là điều tôi trân quý nhất”. Niềm đam mê của Anna là giúp mọi người kết nối, thay đổi và phát triển thông qua nghệ thuật, ẩm thực và văn hóa.

Hội An qua nét vẽ của khách Tây - 11

Anna (áo xanh, giữa) cho các phụ nữ bán hàng ở chợ xem tranh cô vẽ. Hiện tại, vì ảnh hưởng của Covid-19, cô đã trở về Australia vào ngày 11/3. Cô mong muốn có thể trở lại Hội An vào thời gian sớm nhất, khi tình hình tốt hơn và có kế hoạch chuyển đến sống hẳn ở đây. “Có điều gì đó đặc biệt và thu hút ở Việt Nam, khiến tôi yêu mến và muốn tìm hiểu thêm về nơi đây”, Anna hào hứng nói.

Previous articleChiêm ngưỡng vẻ đẹp của vườn chà là lớn nhất miền Tây
Next articleMùa sen xứ Huế