“Người Công giáo và người Chính thống cần phải khám phá cách thức quyền bính được hiểu và thực hành ra sao để điều đó không phải là một trở ngại cho hiệp nhất”, đó là nội dung chính của bản Tuyên bố chung mang tên “Tính công nghị và Quyền tối thượng trong thiên niên kỷ đầu tiên: Hướng tới một hiểu biết chung trong Sứvụ Hiệp nhất của Giáo Hội”, được các thành viên của Uỷ ban hỗn hợp Quốc tế Đối thoại thần học giữa Giáo hội Cônggiáo và Giáo hội Chính thống thông qua, khi kết thúc Khoá họp toàn thể diễn ra tại Chieti, Italia, từ ngày 15 đến 22 tháng Chín 2016.
“Quyền tối thượng” nói đến thẩm quyền của vị giám mục lãnh đạo hay giáo hoàng, và “Tính công nghị” nói đến quyền bính được Hội đồng Giám mục ở phương Tây hoặc một Thượng hội đồng giám mục trong các Giáo hội Đông Phươngthi hành với tính cách tập đoàn. Đang khi các Thượng phụ Chính thống được công nhận là những nhà lãnh đạo tinh thần và thực thi quyền bính trên một số lĩnh vực của đời sống Hội Thánh, các ngài lại không có loại thẩm quyền như của giáo hoàng trên Giáo hội Công giáo và đặc biệt là trên các giáo phận theo nghi lễ Latinh.
Đức ông Andrea Palmieri, đồng thư ký của Uỷ ban Đối thoại Công giáo–Chính thống và là một viên chức trong Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo, cho biết Tuyên bố trên đã được dịch và sẽ được công bố “sớm hết sức”.
26 giám mục-thần học gia Chính thống giáo (có 13 trong số 14 Giáo hội Chính thống tham gia, mỗi Giáo hội 2 đại biểu) cùng với 26 giám mục-thần học gia Công giáo đã tham gia Khoá họp. Giáo hội Chính thống Bulgaria không cử đại diện.
Bản đúc kết Khoá họp của Uỷ ban cho biết: đại diện của Giáo hội Chính thống Gruzia không đồng ý về “một số đoạn”của Tuyên bố chung. Những điểm không đồng ý này sẽ được đưa vào phần chú thích của bản Tuyên bố, theo một bản tin về Khoá họp đăng trên trang web của Giáo hội Chính thống Nga.
Mặc dù thừa tác vụ quyền bính phát triển khác nhau nơi Giáo hội Đông phương và Tây phương, nhưng sự hiệp nhất trọn vẹn đã tồn tại trong hơn 1.000 năm. Bản Tuyên bố chung viết: “Trong khi nhìn nhận tính đa dạng vẫn có trong Giáo hội, Ủy ban công nhận tính liên tục của những nguyên lý thần học, giáo luật và phụng vụ, vốn cấu thành mối dây hiệp thông giữa Đông và Tây”.
Bản Tuyên bố xác định: “Hiểu biết chung này là điểm tham chiếu và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho người Công giáo và người Chính thống để họ tìm cách phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn ngày nay. Trên cơ sở này, cả hai đều phải xét xem tính công nghị, quyền tối thượng và các mối tương tác giữa chúng có thể được hiểu và thực hành như thế nào vào thờinay và trong tương lai”.
Sau khi thông qua Bản Tuyên bố chung, vốn đã trải qua một số sửa đổi kể từ khi được soạn thảo lần đầu tiên vào năm 2012, các thành viên Uỷ ban bàn về chủ đề của Khoá họp tiếp theo. Bản đúc kết Khoá họp nói rằng nhóm điều phối của Ủy ban sẽ quyết định chủ đề khi gặp nhau vào năm tới.
Trong bản tường trình về Khoá họp này, Giáo hội Chính thống Nga cho biết các đại diện của họ đã kêu gọi một cuộc thảo luận về “uniatism” – thuật ngữ dùng để chỉ sự hiện diện và phát triển không ngừng của các giáo hội Công giáo Đông phương, là các giáo hội hiệp thông trọn vẹn với Roma nhưng vẫn chia sẻ một di sản thiêng liêng và phụng vụ với các giáo hội Chính thống.
Tổng giám mục Hilarion Alfeyev, Trưởng ban đối ngoại của Toà Thượng phụ Moskva, nói với các thành viên Uỷ banĐối thoại rằng sự tồn tại của các Giáo hội Công giáo Đông phương “vẫn là một chướng ngại trong mối quan hệ Chính thống-Công giáo”.
Trong quá khứ, Ủy ban Đối thoại Công giáo–Chính thống đã xem xét vấn đề này nhiều lần. Vào năm 1993 Uỷ ban đã thông qua một tuyên bố nói rằng các Giáo hội Công giáo Đông phương có quyền tồn tại và các cá nhân Kitô hữu có quyền chọn gia nhập một Giáo hội theo lương tâm mình. Tuy nhiên, Uỷ ban cũng nói rằng mô hình được áp dụng trong các thế kỷ 16 và 17 – một hình thức “hiệp thông một phần”, trong đó các nhóm đông đảo Kitô hữu Đông phương tuyênxưng hiệp nhất với Giáo hội Công giáo còn những người khác vẫn duy trì căn tính Chính thống giáo của mình – không phải là một mô hình để theo đuổi trong tương lai.