HÃY SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC XÉT XỬ KHOAN DUNG

93

 

Thánh kinh nói Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và sự khôn ngoan của Thiên Chúa không mặc khải cho kẻ lòng trí kiêu căng. Bởi thế càng kiêu căng người ta càng sống trong mù tối và lầm đường lạc lối. Và Đức Giêsu đã nói: “Hỡi Capharnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không người sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”

Trang Tin Mừng hôm nay, theo truyền thống các ngôn sứ Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum.

Ba thành phố mà Chúa Giêsu đã nêu tên là: Cozazin, Betsaida và Capharnaum. Những thành đã may mắn được chứng kiến những dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, nhưng họ chỉ xem như một biến cố tầm thường, trong khi các thành ngoại giáo nổi tiếng là tội lỗi như Tia và Siđon nếu được chứng kiến những dấu lạ đó, thì họ sẽ xem như một lời mời gọi sám hối của Chúa Giêsu và đã thay đổi nếp sống. Capharnaum là nơi đầu tiên mà Chúa Giêsu rao giảng và chữa bệnh, nhưng họ đã tỏ ra lòng chai dạ đá.

Vì vậy mà Chúa Giêsu đã cảnh báo cho họ về một tương lai xấu vì tội kiêu ngạo của họ: “Ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ”. Những ai chối bỏ sứ giả của Thiên Chúa, xem như đã tự ký bản án tự hình.

Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan hệ với người đồng loại.

Capharnaum có thể tự hào về sự vinh hoa và phồn thịnh của nó cũng như con người ngày nay tự hào về những thành tựu khoa học văn minh của mình. Họ tưởng mình có thể trở thành Chúa và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Họ muốn đối đầu với Thiên Chúa, nhưng thực ra kinh nghiệm cho thấy hậu quả là như “châu chấu đá xe” hoặc “trứng chọi đá”. Bởi vì đứng trước những hiện tượng thiên nhiên vốn nhỏ nhoi trong vũ trụ như lũ quét, sóng thần, động đất…, con người cũng thấy mình nhỏ nhoi lắm rồi. Chỉ có tâm hồn khiêm tốn mới biết nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa và biết quì gối trước Người với lòng sám hối ăn năn.

Hơn nữa căn bệnh dửng dưng có thể nói là căn bệnh của thời đại ngày nay; người ta dửng dưng với tất cả những gì có liên quan đến cuộc sống tâm linh, nói đúng ra họ chủ trương vô thần thực hành; nghĩa là người ta chỉ quan tâm đến lợi nhuận và vật chất, đến tiêu thụ và hưởng thụ.

Ta thấy hiện tượng chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.

Đặc biệt người Kitô hữu hôm nay cũng thế, sống đạo chỉ như một áo khoác ngoài bằng việc đến nhà thờ ngày chủ nhật, hoặc làm vài việc đạo đức nào đó và thế là họ cảm thấy đầy đủ và an tâm. Ăn ăn, sám hối là một cụm từ “xa xỉ” đối với họ, và bởi vì thiếu khiêm tốn nên họ chẳng cảm thấy mình có tội lỗi gì để mà sám hối, canh tân.

Bởi vì thiếu khiêm tốn nên ta có thể là Khoradin hoặc Betsaida, vì đã không nhận ra được những dấu chỉ, những điều kỳ diệu Chúa làm quanh chúng ta mỗi ngày.

Càng văn minh, tiến bộ, thì càng làm cho người ta được sung túc. Chuyện này là lẽ thường tình, và sống trong một xã hội thì sự phát triển của nó là điều mà ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là ở chỗ: nó dễ làm cho tâm thức của con người rơi vào tình trạng bình thường hóa, tương đối hóa mọi chuyện, nhất là vấn đề đạo đức. Vì thế, con người dễ bị sa vào những vòng vây của tội lỗi và tệ nạn… khiến nền tảng luân lý bị đe dọa và cuộc sống trác táng là điều dễ dàng xảy đến.

Hình ảnh này đã có từ trước thời Đức Giêsu như các thành: Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Sidon… Sang đến thời của Ngài, diễn biến này cũng không thiếu, cụ thể là các thành: Bethsaida, Corozain, Caphanaum… Họ đã chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chối bỏ những chứng từ đức tin và tôn thờ ngẫu tượng. Họ đạ chai lỳ trong tội và đi tìm sự thỏa mãn xác thịt để khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn. Thế nhưng tiếc thay, họ càng đi tìm thì lại càng mất. Bởi vì họ đã không gặp được Thiên Chúa ở trong chốn ăn chơi, xa đọa, mà chỉ gặp toàn những đối tượng, phương tiện làm cho mình xa Chúa và băng hoại đời sống đạo đức mà thôi.

Đây cũng là một cảnh báo cho mọi người chúng ta, không ít trong chúng ta vẫn chai cứng trong tội lỗi, mặc dù mỗi ngày trong Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ, chúng ta được nghe rao giảng, được kêu gọi cải thiện đời sống, được chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Chúa và những phương thế hữu ích nơi các bí tích và lề luật giúp ta sống đạo. Để rồi một ngày kia trước toà phán xét, chúng ta không còn lý do gì để bào chữa; chúng ta còn đáng án phạt nặng hơn những người ngoại không được nghe biết Tin Mừng…

Chúa Giêsu đã quở trách các thành Cozazin, Bethsaida và Capharnaum vì tội cứng lòng tin và lối sống xa hoa phóng túng, thì nay Người cũng đang khiển trách hết những ai ơ hờ với Lời Chúa và cứng lòng không tin vào Chúa và Hội Thánh của Người.

Xin Chúa cho ta biết yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm, và sống Lời Người, để ngày phán xét, ta được Chúa xét xử khoan dung và thâu nhận ta vào nước vĩnh cửu của Người.

 

Previous articleCHIA SẺ LỜI CHÚA, LỄ THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Next articleNHỎ BÉ VÀ ĐÁNG YÊU NHƯ TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU