Học nơi Thánh Giuse

72

HỌC NƠI THÁNH GIUSE

 Lm. Giuse Phan Văn Quyền

WGPH (21.1.2021) – Ngày 8.12. 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde”– Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021, để mời gọi chúng ta học nơi Thánh Giuse.

1. Học sự quảng đại: Thánh Giuse là người cha có trái tim quảng đại. Quảng đại là không quảng ngại. Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về” (Mt 1,20). Quảng đại để dễ chấp nhận tha nhân và khác biệt của người khác, biết tha thứ những khuyết điểm của anh chị em mình. Quảng đại là sẵn sàng hy sinh. Cho đi thời giờ, sức lực, tài năng và cả tiền bạc, phục vụ không tính toán so đo. Lòng quảng đại có sức thuyết phục và cảm hóa hơn là quyền lực. Có những lúc chúng ta sợ khổ và ngại hy sinh, không dám chấp nhận và đón tiếp người khác. Thánh Giuse cũng là “người cha của sự đón tiếp” bởi vì ngài “đón nhận Mẹ Maria vô điều kiện”. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh cử chỉ này ngày nay vẫn quan trọng. Qua thánh Giuse, Thiên Chúa lập lại với chúng ta “Đừng sợ!” bởi vì “đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố. Sự đón nhận của thánh Giuse mời gọi chúng ta đón tiếp người khác như chính họ là, không loại trừ, và đặc biệt ưu tiên cho những người yếu đuối”.

Học nơi thánh Giuse, chúng ta sống quảng đại đón tiếp người khác, mở cửa, mở rộng vòng tay và con tim đón tiếp anh chị em.

2. Học sự Tự Tin: Thánh Giuse là người cha tự tin. Là điểm tựa vững chắc và an tâm cho Đức Mẹ và Hài Nhi GiêsuTự tin phải có cơ sở khách quan: lượng giá đúng về mình, về người và về công việc. Tin vào mục đích tốt mình đang nhắm tới; con đường mình đang đi; phương pháp đang áp dụng. Tin rằng mình có khả năng thực hiện công việc sau khi đã cầu nguyện, suy nghĩ và chọn lựa. Người tự tin luôn lạc quan, vui vẻ, khiêm tốn. Tự tin là bình tĩnh, quyết đoán, sáng suốt trong mọi hoàn cảnh. Điều này được thấy rõ nơi Thánh Giuse khi bị vua Hêrôđê truy sát Hài Nhi. “Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Cai Cập” (Mt 2, 14). Học nơi thánh Giuse, chúng ta tự tin, bật dậy ra khỏi đêm tối của cuộc đời đang ru ngủ trong vỏ sò tự ti của mình.

3. Học tinh thần kỷ luật: Thánh Giuse là cha người kỷ luật. Người gia trưởng không có kỷ luật bản thân, không tôn trọng kỷ luật chung thì làm sao điều hành. Ở Đại Chủng Viện Huế nơi cửa phòng ngủ có ghi câu La tinh: “Qui regulae vivit, Deo, vivit”, để nhắc quý thầy, ai giữ luật Chúa là sống cho ChúaKỷ luật là đòi hỏi của bất cứ tổ chức nào. Kỷ luật là sức mạnh. Đoàn thể nào thiếu kỷ luật chắc chắn sẽ tan rã.

Ngày 5.1.1964, thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trong một bài huấn từ, ngài mời gọi gia đình nhân loại học nơi gia đình Nazaret: “Na-da-rét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giê-su; đó là trường học của Tin Mừng. Tại đây, trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của việc Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Có lẽ chúng ta còn phải học để âm thầm noi theo. Tại đây, chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Ki-tô là ai. Tại đây, chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo, và tất cả những gì Đức Giê-su đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa. Tại Nazaret, trong trường học này, chúng ta hiểu được cần phải có một kỷ luật thiêng liêng, nếu chúng ta muốn tuân theo giáo huấn của Tin Mừng và trở nên môn đệ Đức Kitô.”

Dụng cụ nói lên tính kỷ luật nơi tay Thánh Giuse là cây thước. Cây thước là sự chuẩn mực, độ chính xác cao. Đó chính là ý thức tinh thần kỷ luật, chấp nhận và tuân thủ các quy ước một cách tự nguyện.

Học nơi Thánh Giuse, chúng ta tuân giữ kỷ luật của Chúa và của Hội Thánh. Giữ luật Chúa là sống cho Chúa.

4. Học tinh thần trách nhiệm: ĐTC Phanxicô miêu tả thánh Giuse đó là người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse là gương mẫu, trong một thế giới “cần những người cha và từ chối những ông chủ”, từ chối những người nhầm lẫn “quyền hành với sự độc tài, phục vụ với nô lệ, đối mặt với áp bức, bác ái với phúc lợi, sức mạnh với sự phá hủy”.

Thiên Chúa đã trao cho Thánh Giuse một trách nhiệm thật lớn lao là bảo vệ Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Thánh nhân đã hoàn thành trách nhiệm một cách xuất sắc. Khi đã ý thức được trách nhiệm của mình, thì giúp chúng ta cẩn trọng hơn lời nói và việc làm. Người có tinh thần trách nhiệm để hết tâm lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu nếu có, không né tránh, không đổ lỗi cho người khác. Tinh thần trách nhiệm là biểu hiện con người có giáo dục và văn minh.

Học nơi Thánh Giuse, chúng ta cũng thưa rằng: tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi chỉ làm việc theo bổn phận và trách nhiệm đã được giao.

5. Học đức công bằng“Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm từ bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1,19). Người công bằng là người không nhận cái gì không phải của mình. Thánh Giuse là người công chính vì ngài biết, việc tố giác Đức Maria sẽ nguy hại cho Đức Maria và con trẻ thế nào. Giuse thận trọng, không thể để mình là duyên cớ đưa đến sự nguy hại cho người khác, khi mình còn chưa biết rõ sự việc. Do đó, cách tốt nhất ông nên làm là rút lui, từ bỏ cách kín đáo. Như vậy, sự công chính của thánh Giuse không phải là sự công chính cứ nhắm mắt làm theo lề luật. Trái lại, đó là sự chính trực của tâm hồn, quyết không hồ đồ, chưa rõ ràng nhưng sẽ sẵn sàng, tích cực với tất cả con người khi biết rõ ý Chúa. Cuộc sống mà thiếu công bằng là nguyên nhân của sự chia rẽ và nổi loạn. Học nơi Thánh Giuse, chúng ta sống công bằng, bác ái và yêu thương.

6. Học sự hiền lành và khiêm nhường: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt, 11, 28). Chúa Giuse đã học được bài học này nơi Thánh Giuse. Đây là nhân đức nền tảng của đời sống đạo đức. Nhờ khiêm nhường, người môn đệ có thể dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa và gặp được Ngài trong cuộc đời của mình. Nhờ khiêm nhường mà chúng ta làm cho cuộc đời của mình thêm đẹp. Sự hiền lành là một điều rất cần thiết để cho mọi người có thể dễ dàng sống với nhau như những người anh em con của cùng một Cha trên trời nhất là làm cho con người dễ đón nhận ý Chúa. Chính Chúa đã làm gương cho chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Thánh Giuse là người cha hiền hậu dịu dàng, và bóng mát che chở”. Ngài như một nền móng kiên cố thầm lặng chôn dưới lòng đất, để cho tòa nhà vĩ đại là Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đứng vững giữa phong ba sóng gió cuộc đời. Thánh cả Giuse trở nên mẫu người khiêm tốn như Đức Mẹ Maria, để trở thành cha mẹ tuyệt vời giáo dục Chúa Giê-su trở thành “Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.” (Mt 11,18-23).

Học nơi Thánh Giuse, chúng ta luôn sống hiền hậu và khiêm tốn.

7. Học sự vâng lời: Sau khi được sứ thần truyền tin, thánh Giuse “tỉnh giấc, đón vợ về nhà” (Mt 1,24); Sau khi Maria sinh con, Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu, như ý Thiên Chúa muốn (Mt 1,21.25); Được báo mộng, “Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập” (Mt 2,14)… Sau đó được báo mộng Giuse liền chỗi dậy đưa Hài nhi và mẹ Người trở về đất Israel… Lùi về miền Galilê và đến ở tại một thành kia gọi là Nadaret ( Mt 2,21.23); Đến ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cùng với Maria, Giuse đem Con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa, như Luật dạy: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,22-23).

– Vâng lời là bài học đầu tiên mà cha mẹ dạy cho con cái. Chúa Giêsu, nhờ được thánh Giuse giáo dục và sống trong một môi trường vâng lời. Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha trong mọi sự: “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39); vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (pl 2,8). “Dẫu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

 – Vâng lời trọng hơn của lễ (1V 15,22). “Bởi vì của lễ là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc tượng trưng cho ta, nhưng chưa động đến ta. Khi vâng lời, ta lấy chính mình làm của lễ, giết chết ý riêng ta, để làm của lễ” (ĐHV số 406). Phần thưởng cao quý dành cho ai biết vâng lời: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em, là mẹ tôi” (Mt 12,50).Thánh Giuse ngoan ngoãn vâng theo để Chúa dẫn đi, nên Chúa đã đưa ngài qua những nẻo đường mà mình không ngờ tới.

Nẻo đường có nhiều bóng tối nhưng cuối cùng dẫn đến ánh sáng.

Nẻo đường có nhiều gian khổ nhưng cuối cùng dẫn đến hạnh phúc.

Nẻo đường tưởng chừng thất bại nhưng dẫn đến thành công. Nhìn vào cuộc đời thánh Giuse ta thấy bàn tay Chúa thật kỳ diệu. Chúa dùng những con người tầm thường bé nhỏ khiêm tốn để làm nên những việc lạ lùng.

Trong năm đặc biệt về Thánh Giuse, Giáo Hội khuyến khích lòng sùng kính Thánh Giuse vì ngài là mẫu gương anh dũng trong việc thực hành các nhân đức. Đọc Phúc âm người ta thấy rõ đức tin, đức cậy và đức ái của Thánh Giuse trong những hoàn cảnh khó khăn: Ngài cẩn trọng chăm sóc mọi người thân; ngài khôn ngoan lãnh đạo và giúp đỡ gia đình vượt qua cơn nguy khốn; Ngài đạo đức, tinh tế và chân thật; Ngài công chính trước mặt Thiên Chúa và con người.

Thánh Giuse luôn tận tụy, hy sinh và quên mình phục vụ, là một mẫu gương tuyệt vời trong việc chu toàn nghĩa vụ của người lãnh đạo, người cha, người chồng trong gia đình. Trong thinh lặng, lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chúng ta được mời gọi: cầu nguyện, suy tư, học hỏi, và noi gương vị thánh sống âm thầm, khiêm tốn mà rất vĩ đại này.

Previous articleNHỮNG BÀI SUY NIỆM NĂM THÁNH GIUSE
Next articleBị chứng đau thần kinh tọa tái phát, Đức Phanxicô giảm bớt chương trình