ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG

100

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI – ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG

LỜI CHÚA: Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38

****************************

Mở đầu kinh Kính Mừng, chúng ta gặp thấy lời chào: “Kính mừng Maria Đầy ân phúc.” Và hôm nay, trong bài Tin mừng theo thánh Luca, một lần nữa, chúng ta cũng được nghe: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.” Sau lời chào “Mừng vui lên,” sứ thần Gabriel đã gọi Đức Maria là “Đấng Đầy ân sủng.” Với cách gọi như thế này, Đức Maria được xem là đấng được Thiên Chúa tuyển chọn, đấng được Thiên Chúa ở cùng, được làm Mẹ Chúa Giêsu, làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

Thật vậy, trong lời chào, sứ thần đã không nói: “Mừng vui lên, hỡi Maria” nhưng sứ thần lại nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng Đầy ân sủng.” Thay vì gọi tên Maria, Sứ thần lại gọi là “Đầy ân sủng.” Do đó, Mẹ Maria đã có một tên mới là “Đầy ân sủng.” Đó là tên mà chính sứ thần – vị đại diện của Thiên Chúa đã đặt cho Mẹ. Tên mới “Đầy ân sủng” này là nhằm diễn tả một ơn gọi, một nhiệm vụ mà Mẹ Maria sắp lãnh nhận.

Trong Kinh Thánh, việc một người được đổi tên là có ý muốn nói rằng, người đó sắp được Thiên Chúa trao cho một nhiệm vụ quan trọng. Như trường hợp của ông Abraham, trước khi được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ là làm tổ phụ của một dân tộc, thì ông có tên là Abram. Cũng thế, ông Ghit-ôn được sứ thần của Thiên Chúa đổi tên thành “Chiến sĩ can trường” để ông có nhiệm vụ là lên đường cứu dân tộc Israel khỏi tay người Mađian. Và ông Simon cũng đã được Chúa đổi tên là Phêrô, để ông mang nhiệm vụ là cai quản Hội Thánh của Ngài ở trần gian. Rồi đến ông Saolê được đổi tên thành Phaolô để trở thành Tông đồ của dân ngoại. Và điều này cũng đã xảy ra với Maria, qua biến cố Truyền Tin, Thiên Chúa đã đổi tên Maria thành “Đầy ân sủng” để muốn nói rằng, từ giây phút này, Mẹ sẽ nhận một nhiệm vụ mới, đó là làm Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của Đấng cứu độ nhân loại. Vậy thử hỏi, từ trước đến giờ và có lẽ mãi về sau này, có người phụ nữ nào đã được Chúa “ở cùng” đến mức không chỉ bằng quyền năng, sự quan phòng mà còn là chính sự hiện diện của Chúa Con nơi cung lòng của Mẹ?

Thế nên, thật có lý khi thánh Bênađô đã nói rằng: “Đức Maria được gọi là ‘Đấng đầy Ân Sủng’ chỉ vì ngài đã lãnh nhận một hồng ân mà bất cứ phụ nữ nào cũng không xứng đáng để lãnh nhận. Đó là được Thiên Chúa tuyển chọn để thụ thai và sinh hạ chính Chúa Giêsu, tác giả của mọi nguồn ân sủng.” Cho nên, ơn mà Thiên Chúa đã đổ tràn trên cuộc đời của Đức Maria chính là “Ân Sủng Đức Giêsu Kitô” (1Cr 1,4).

Vì vậy, Đức Maria – “Đấng Đầy Ân Sủng” nghĩa là được Thiên Chúa ở cùng, được Thiên Chúa chọn riêng để làm Mẹ Thiên Chúa. Đặc ân này, trước tiên không phải là vì chính Mẹ nhưng vì ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại này nên Thiên Chúa ban cho Mẹ. Như thế, tên gọi “Đầy Ân Sủng” của Mẹ chất chứa cả một chương trình tình yêu của Thiên Chúa, mà chương trình đó không thể bị bất cứ sự dữ hay sự ác nào ngăn cản hay xâm phạm.

Hôm nay, Giáo Hội Mừng kính Đức Mẹ Mân Côi. Với sứ điệp Fatima, Mẹ Maria đã nhắc nhở mỗi người chúng ta là hãy sám hối, tôn kính Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi. Kinh Kính Mừng là một lời kinh dễ nhớ, dễ đọc, dễ suy gẫm mà bất cứ ai, dù là trí thức hay thất học cũng đều đọc được. Và khi đọc Kinh Mân Côi, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy nguồn nghị lực và hy vọng cho tâm hồn. Do đó, Thánh Gioan Phaolô II đã chia sẻ như sau: “Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi (…) Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng cũng như trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy, tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ (…) Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu. Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó (…). Con tim của chúng ta có thể gán vào chục kinh Kính Mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và toàn thể nhân loại.”

Là con cái của Mẹ Maria, mỗi người chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria qua lời kinh Mân Côi để cùng với Mẹ, chúng ta được bước theo Đức Kitô và được kết hiệp với Ngài trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, chúng con Kính Mừng Mẹ, Đấng “Đầy Ơn Phúc.” Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con được luôn sống trong niềm vui như Mẹ, đó là luôn có Chúa hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Amen.

Previous articleLời kinh Mân Côi diễn tả Lòng Thương Xót
Next articleHÃY TRỞ NÊN NHÂN HẬU NHƯ NGƯỜI SAMARIA