Hạnh phúc là gì?

50

Hạnh phúc là gì?

“Hạnh phúc là gì?” – một câu hỏi thật dễ nhưng lời đáp cho câu hỏi ấy lại không đơn giản, bạn nhỉ!

“Hạnh phúc là gì?” là câu hỏi mà trước khi có câu trả lời, người ta đã sống và kinh nghiệm về nó rồi. Do vậy, cảm nhận hạnh phúc lại trở nên khác nhau theo từng cá nhân. Và liệu rằng mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình về hạnh phúc?

Không đâu bạn ạ, nếu yếu tố chất thể là điều làm cho mỗi người chúng ta khác nhau về thể lý, tính tình… thì tinh thần lại là yếu tố làm cho chúng ta hiệp nhất nên một và giống với nhau hơn (!). Hạnh phúc chính là điều thuộc về tinh thần chứ không thuộc về lãnh vực vật chất. Thế nên, câu trả lời về hạnh phúc của chúng ta sẽ đồng quy về một điểm, bạn ạ! Bạn có thấy thế không?

Này nhé, hạnh phúc là một điều vượt trên sự thỏa mãn giác quan hay một sự an thỏa nào đó. Vì thế, con vật chìm ngập trong giác quan và chịu sự chi phối của bản năng nên con vật không có hạnh phúc như con người. Ở bình diện hạ đẳng, chúng giống con người ở chỗ cũng có ý thức giác quan, nên cảm thấy được an thỏa, và có thể cảm nhận một sự thoải mái nào đó để nghỉ ngơi, chơi đùa, hoặc yên tâm ngủ nghỉ trong lãnh địa của chúng. Vì lệ thuộc vào đời sống cảm giác và bản năng, nên sau khi no mồi, chúng luôn nhường phần còn lại cho những con vật khác yếu hơn, nhỏ hơn, chứ không xí phần dành để ăn dần như con người…

Khác với con vật, con người có trí khôn (lý trí, trí năng). Và chỉ loài có trí năng mới có thể đạt đến hạnh phúc và thụ hưởng hạnh phúc. Chỉ có con người mới có thể biết mình đã đạt tới ước mơ, và chỉ con người mới ý thức và trân trọng sự thỏa mãn mình đang vui hưởng. Vì thế, không thể phủ nhận rằng hạnh phúc là một tình trạng chủ quan, bao gồm việc có được niềm vui nơi chính mình, ý thức được mình đang thụ hưởng niềm vui, và thỏa mãn vì biết rằng nỗi khát khao bấy lâu, nay đang hay đã được toại nguyện.

Thế nhưng, sự bằng lòng như thế vẫn chưa phải là hạnh phúc. Bởi lẽ khi chấp nhận “bằng lòng” với một điều gì đó, khi ấy, ta buộc phải giới hạn lại nỗi khao khát nơi bản thân, nghĩa là chấp nhận bỏ đi một số niềm vui nào đó để đạt tới niềm vui ta muốn chấp nhận, theo kiểu win-win, đôi bên cùng có lợi, kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, chứ không phải là chiến thắng 100% như mình mong muốn.

Dẫu rằng, trong cuộc sống, để cùng có lợi, chúng ta cần một thái độ như thế, nhưng tự sâu xa, không ai thích chấp nhận hay an tâm thỏa mãn với một sự thỏa hiệp như thế… Vì nếu có cơ hội tốt hơn để thắng cuộc và chiếm phần hơn, thường người ta sẽ không chấp nhận chôn chân ở thỏa thuận đó, cho dầu đã bằng lòng. Và ngay cả khi đã bằng lòng, chúng ta cũng không chịu dừng lại mãi ở nơi đó, nhưng sẽ lại tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tốt hơn để ra khỏi tình trạng hiện tại… Đó là lý do tại sao bạn, hoặc người khác, lại “nhảy việc” là thế đấy, bạn ạ!

Hạnh phúc không thể là điều nằm ở thế giới vật chất, bên ngoài bạn. Vì chẳng có gì có thể thỏa mãn bạn trong lâu dài, ngay cả với thân xác vật chất của người phối ngẫu… Đó là quy luật của cảm giác.

Hạnh phúc cũng không có khi bạn tồn tại cách đơn độc… Hạnh phúc chỉ có khi bạn đi vào trong tương giao với một ai đó, giữa người với người. Chỉ mình bạn, bạn sẽ không thể tạo nên hạnh phúc. Hạnh phúc thật đòi bạn phải vượt lên trên con người của bạn; bó buộc bạn cùng người khác kiến tạo nên cái gọi là thương mến, cái được vinh danh là tình yêu. Chính vì thế, hạnh phúc không là cái có sẵn, nhưng nó nằm trong thái độ mở ra để đón nhận, trong nỗ lực ra khỏi chính mình để đến với người khác.

Nếu chỉ đơn độc một mình, bạn sẽ chỉ tìm thấy cảm giác thoải mái, hay sự an thỏa trong khung cảnh của riêng bạn, như buổi sáng cuối tuần được nằm dài trên giường với bữa điểm tâm đã sẵn… mà không phải bận tâm tới bất cứ chuyện gì khác. Cái cảm giác ấy thật sung sướng, thanh thản, an bình… khiến bạn thấy yêu đời, đầy năng lượng và thật mãn nguyện để sẵn sàng nở một nụ cười trên môi… Trạng thái ấy giống như các chú chim, mỗi sáng khi bình minh lên, sương mai lấp lánh, không khí trong lành… bất giác chúng cất tiếng hót vì cảm nhận được sự tinh khôi của ngày mới, sự an toàn khi cảnh vật còn ngái ngủ… Nhưng tất cả những điều ấy vẫn không phải là hạnh phúc, bạn ạ!

Thực ra, nếu chỉ có “một mình”, bạn vẫn hạnh phúc! Nhưng điều ấy sẽ chỉ có thể xảy ra khi chính bạn nhận ra rằng bạn thật sự đang tận hưởng sự tự do và quyền làm người của bạn: quyền nói điều bạn nghĩ, quyền chiếm hữu điều bạn có được bằng công sức chính đáng của bạn, quyền thực hiện ước mơ của mình… và ngay cả quyền thụ hưởng những điều đơn giản như được chọn chích hay không chích vaccine, hoặc được chọn loại vaccine mà bạn thấy hợp với bạn…

Vâng, bạn vẫn hạnh phúc nếu chỉ có “một mình”, nhưng hạnh phúc ấy chỉ có thể có được trong điều kiện “ắt có và đủ”, đó là chính giây phút bạn cảm nhận được tình thương yêu của một ai đó dành cho bạn, vì chính bạn, bất kể bạn là ai… và khi bạn ngộ ra được ý nghĩa cuộc đời trong tình yêu bạn đang có với một ai đó… Chỉ khi ấy, hạnh phúc mới thực sự đến với bạn!

Hạnh phúc con người chỉ tìm thấy trong hạnh phúc của người khác là thế đấy bạn ạ!

Vâng, hạnh phúc không đến từ các giá trị vật chất nằm ngoài con người của bạn, nhưng đến từ trong chính bạn. Nó không đi ngang qua giá trị vật chất nhưng qua chính các giá trị tinh thần. Đó là tự do và các mối tương giao tình người, bạn ạ! Hãy tìm kiếm những giá trị của tự do, và mạnh mẽ đi ra khỏi con người của bạn để cùng người khác xây nên hạnh phúc, và cùng vui hưởng hạnh phúc, bạn nhé!

Previous articleBạn có biết ma quỷ tấn công bạn vào thời điểm nào không?
Next articleThánh lễ an táng cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP.