Vì sao gọi “Christmas”, mà không gọi là “Jesus’ Birthday”?

261

Vì sao gọi “Christmas”, mà không gọi là “Jesus’ Birthday”?

Hằng năm, mỗi độ Giáng Sinh về, những hàng chữ Merry Christmas xuất hiện trên những hang đá Giáng Sinh, cây thông Noel, những tấm thiệp chúc mừng… Thói quen trong ngôn ngữ thông dụng là mừng ngày sinh của Ðức Giêsu. Nếu vậy, sao không gọi là “Jesus’ birthday”, cho sát nghĩa mà lại luôn luôn gọi là “Christmas”?

Trong Phúc Âm, thiên thần báo mộng cho thánh Giuse việc Ðức Maria đang mang thai sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu. Trong tiếng Do Thái, Giêsu là “Joshua”  được đặt làm tên khai sinh cho đứa trẻ mà Ðức Maria hạ sinh. Danh xưng “Christ” (Kitô) không phải tên khai sanh, mà đây là danh hiệu tôn vinh – mang nghĩa “Chúa Cứu thế”, “Ðấng được xức dầu”. Thành thử, xét chặt chẽ về mặt chữ nghĩa, không thể gọi “Mừng ngày sanh ra Chúa Cứu thế” (vì Chúa tự hữu từ trước muôn đời), mà chỉ có thể nói đến “Ngày sanh ra hài nhi Giêsu”…

Nhưng, vì sao không có ngày gọi là “Jesus’ birthday”?

Ðã từ lâu, giới Thần học gia trong Kitô giáo nhận ra, từ những trình thuật Phúc Âm, hài nhi Giêsu ra đời không trong mùa Ðông mà trước đó nữa. Vào ngày nào, thì không thể biết đích xác. Hội Thánh không mừng ngày “Jesus’ birthday” (sinh nhật của Ðức Giêsu) mà là mừng lễ “Christmas” (mừng Ðấng Cứu Thế hiện diện nơi trần thế).

Chúa Giáng Sinh người Hàn

Ðiều hệ trọng cần nhấn mạnh: sự kiện hài nhi Giêsu ra đời, và sau này khi rao giảng Tin Mừng, Ðức Giêsu được biết đến, được tôn vinh là Ðấng Giêsu Kitô, là sự kiện có thật, đã – xảy – ra trong lịch sử nhân loại.

Việc chọn ngày 25 tháng 12 để mừng sự kiện Ðấng Kitô hiện diện nơi trần thế, có ý nghĩa sâu xa. Ðây là thời điểm của ngày Ðông chí, các tia sáng mặt trời ở điểm thấp nhất trong quỹ đạo, dần dần mặt trời lấn chỗ của đêm tối, và ánh sáng tỏa rạng vào thượng tuần tháng 1 năm sau (năm mới).

Theo Tin Mừng thánh Gioan 8,12 ghi lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đồ: “Thầy là sự sáng thế gian. Ai theo Thầy sẽ không bao giờ đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống”.  Như thế “Christmas” được chọn vào ngày đông chí tháng 12 là thuộc về suy niệm Thần học. Từ ngữ Christmas bao gồm “Christ” nghĩa là Kitô, là Chúa Cứu thế; “Mas” viết tắt cho “mass”, nghĩa là thánh lễ. Christmas là thánh lễ mừng Ðấng Cứu Thế hiện diện nơi trần thế. Việc mừng “Christmas day”  không chỉ là một ngày, mà kéo dài một mùa gọi là “Christmas season”, từ cuối tháng 11 đến hết tháng 12, qua đầu tháng 1 của năm sau.

Chúa Giáng Sinh Trung Hoa

Vì Christmas mang ý niệm Thần học sâu xa về Ðấng Cứu độ cho toàn nhân loại, nên hình dáng Ðức Mẹ Maria, Thánh Giuse, Hài nhi Giêsu không buộc phải được tạc cho hao hao người Do Thái. Bất luận người da trắng, da đen, da vàng, người Nhật, người Trung Hoa, người Việt Nam, thổ dân châu Mỹ…  đều được quyền tạc tượng Hài nhi Giêsu theo tâm thức và văn hóa của từng dân tộc.

Sẵn nói thêm, có những bậc vĩ nhân xa xưa cũng khó xác định niên đại, chẳng hạn việc xác định thời điểm ra đời của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Không chỉ ngày sanh, mà năm sanh thực sự của Ðức Phật cũng nhiều tồn nghi.

Trong “Việt Nam Phật giáo sử lược” của Hòa thượng Thích Mật Thể nêu ra hàng loạt phỏng đoán năm sanh của Ðức Thích Ca: năm 1027 BC, 1023 BC, 685 BC, 624 BC, 566 BC, 561 BC, 557 BC, 487 BC, 466 BC – ở đây sự chênh lệch về năm ra đời của Ðức Thích Ca Mâu Ni lên tới 400 năm, vâng, chênh lệch những 4 thế kỷ !

Giáng Sinh Nhựt Bổn

Nguyễn Chương

Previous articleGiáng sinh này nếu bạn còn buồn hãy đọc 5 câu Kinh thánh đầy an ủi sau
Next articleMiệng đời