Trang Tin Mừng hôm nay tiếp nối bài Tin Mừng hôm qua là việc Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng như người đầy tớ trung tín. Tại sao Chúa mời gọi chúng ta như vậy? Bởi vì Ngài muốn chúng ta được hưởng bình an, hạnh phúc và không muốn một ai trong chúng ta bị mất hay hư hại điều gì.
Qua trang Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Qua phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.
Chúa Giêsu dạy chúng ta “Anh em hãy biết điều này”, đó là biết sự bất ngờ của giờ Chúa đến. “Vì chính giờ phút chúng ta không ngờ thì con Người sẽ đến”. Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để dạy chúng ta hiểu về sự bất ngờ ấy: dụ ngôn về kẻ trộm “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông sẽ không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Dụ ngôn thứ hai về người quản gia chân chính khôn ngoan, luôn làm tròn trách nhiệm của mình với những người tôi tớ của chủ. “Nhưng nếu anh ta nghĩ chủ còn lâu mới về mà chè chén say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái, chủ sẽ loại anh ta như những người thất tín”.
Sự chết là điểm đến chung cuộc của phận người (x.Gv 6,6). Thế nhưng, không ai biết mình sẽ chết lúc nào, bởi đó là giờ phút ta không ngờ (x.Lc 12,40). Tuy vậy, cái chết không phải là dấu chấm hết của một kiếp người (x.Mt 25,31-46), bởi lẽ, con người là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu (x.St 1,26) và được mời gọi thông phần vào sự sống thần linh của Ngài (x.Ep 1,3-7).
Đối với mỗi chúng ta có lẽ ít ai nghĩ mình sắp phải chết. Nhưng thực tế là chúng ta không biết được chính xác ngày giờ nào chúng ta chết. Vì thế, hôm nay Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Nhưng sẵn sàng như thế nào mới đúng ý Chúa? Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta qua dụ ngôn người quản lý trung tín. Phải luôn chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mỗi người. Mỗi người Chúa ban cho một khả năng, đó là những nén bạc Chúa trao để chúng ta quản lý và sinh lợi cho Chúa và cho tha nhân. Khi chúng ta biết sử dụng những khả năng đó cách thích hợp và tích cực thì đó là lúc chúng ta chuẩn bị sẵn sàng chờ đón Chúa đến.
Để chuẩn bị cho điểm đến này, thì tinh thần “tỉnh thức – sẵn sàng” là điều tối cần đối với những ai muốn cùng với Chúa đi trọn cuộc hành trình dương thế để tiến về quê trời. Hình ảnh người quản gia trung tín và khôn ngoan (Lc 12,42-44) mà Chúa Giêsu trưng dẫn, được coi như khuôn mẫu cho những ai muốn thuộc trọn về Ngài. Nhưng trên tất cả, Chúa Giêsu luôn là khuôn mẫu tuyệt hảo (x.Ep 1,14). Tinh thần tỉnh thức luôn thấm đượm trong nếp sống của Ngài. Thái độ tỉnh thức đã giúp Chúa Giêsu có thể lắng nghe và sẵn sàng thực thi Thánh ý của Thiên Chúa Cha trong mọi lúc. Nhờ thế, cái chết mà Ngài đã trải qua, đã trở thành giờ vinh thắng khải hoàn tiêu diệt sự chết, và là niềm hy vọng phục sinh cho những ai tín thác vận mệnh của mình trong tay Ngài (Cl 1,18-20; Pl 2,8-9; Ep 1,7).
Chúa Giêsu dạy chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng bằng hình ảnh thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trong tay, Chúa muốn dạy chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì cản trở sinh hoạt thiêng liêng của chúng ta, làm chúng ta mất tự do, không cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và sẳn sàng đón tiếp Ngài, đó là những đam mê xác thịt và những sự thế gian, cầm đền cháy sáng trong tay là chúng ta phải luôn sống theo đức tin, đức tin của chúng ta luôn phải sáng, luôn tỏa sáng ra chung quanh, chiếu sáng cho mọi người, chúng ta luôn biểu lộ đức tin của chúng ta bằng hành động để, chứng tỏ những điều chứng ta thâm tín, tin tưởng trong lòng, cầm đèn sáng ở tay biểu lộ chúng ta luôn sẳn sàng chờ đón Chúa, như “những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn ra đón chàng rể”, đời sống chúng ta phải luôn tốt đẹp.
Khi ta tỉnh thức trông chờ Chúa với tư thế đó, dù Chúa đến bất cứ lúc nào, ngày nào, giờ nào, Chúa cũng hài lòng mời chúng ta vào bàn tiệc, mà chính Chúa sẽ phục vụ chúng ta, đó là phần thưởng Nước Trời Chúa sẽ ban cho chúng ta trong kiếp sống vĩnh cửu.
Sau khi dạy ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ giờ Chúa đến thì hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta sống tinh thần sẵn sàng và tỉnh thức như thế nào. Mỗi người đều biết chắc chắn mình sẽ có ngày chết. Nhưng tỉnh thức và sẵn sàng mà Chúa Giêsu dạy ở đây không phải là cứ ngồi yên một chỗ mà chờ giờ chết, cũng không phải nghĩ rằng chết là hết nên cứ sống hưởng thụ buông thả thoải mái. Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây là chu toàn bổn phận của mình. Mỗi người sẽ bị xét xử về tình yêu và bổn phận quan trọng nhất của ta là yêu thương, phục vụ anh em.
Nguyên nhân ta xao lãng việc lo cho phần rỗi của mình, là quên giờ chết của mình sắp đến, nghĩ còn lâu chủ mới về, nên liều mình trong thói hư tật xấu, khiến cho giờ chết đến bất ngờ không kịp chuẩn bị. Ta còn cần tìm biết ý Chúa và thi hành, chứ đừng nói mà không làm, biết ý Chúa để truyền đạt cho những người chúng ta có trách nhiệm về phần rỗi của họ, chứ không như một con chó câm. Ta là Kitô hữu, là những người quản lý ơn Chúa, phải dùng mà làm sáng danh Chúa, lo cho phần rỗi mình và anh em đồng loại, không được phung phí, hay dùng theo sự ích kỷ của mình, không theo ý Chúa. Phải biết yêu Chúa và làm mọi sự như một người quản lý trung thành và khôn ngoan, để yêu thương mọi người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”. Ước gì ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.
Xin cho ta ý thức những khả năng và vật chất tan có được là do ơn Chúa ban. Chúng con chỉ là người quản lý cho Chúa. Xin Chúa ban cho ta ơn khôn ngoan để ta biết sử dụng những ơn Chúa ban để làm ích cho ta và tha nhân