Đó là Lời Chúa có nghĩa là gì?

64

Đó là Lời Chúa có nghĩa là gì?

Lời Chúa là gì? Tại sao trong Thánh Lễ, sau khi đọc bài Sách Thánh, người đọc tung hô “Đó là Lời Chúa”? Có phải Lời Chúa là Kinh thánh không?

Chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa cụm từ “Lời Chúa” từ nhiều góc độ. Trong những thập niên vừa rồi, đã có nhiều nghiên cứu về Lời Chúa, và được Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục đúc kết trong “Tài liệu làm việc” dành cho Khóa họp khai diễn hôm nay. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận một ngành mới trong các khoa nhân văn, đó là ngôn ngữ học, giúp chúng ta hiểu thêm về chức năng của lời nói trong cách giao tiếp. Thực vậy, ngôn ngữ học không chỉ tìm hiểu về cách sử dụng ngôn ngữ, cách phát âm, phương pháp học ngọai ngữ, nhưng nhất là ý nghĩa của ngôn ngữ trong cuộc giao dịch giữa con người với nhau. Nhận xét đầu tiên là vai trò của lời nói. Chắc là chị không ưa những ai “lắm lời”, vì họ làm cho mình bị nhức tai đau đầu; tuy nhiên, đôi khi chị cũng cảm thấy cần có ai đó đến nói đôi lời an ủi khích lệ, và lúc ấy thực sự ta cảm thấy sự quan trọng của lời nói. Cổ nhân có câu: “Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đi sâu vào vấn đề hơn nữa, cần ghi nhận rằng “lời nói” thì khác với “tiếng nói”. Không phải bất cứ tiếng nói nào cũng là lời nói: con vẹt biết nói nhưng chỉ là ‘tiếng nói’, chứ chưa phải là ‘lời nói’, bởi vì ta không thể nói chuyện với nó được. Lời nói là một phương thế để chuyển đạt ý tưởng, tâm tình (tuy rằng đôi khi sự chuyển thông có thể diễn ra qua ánh mắt, cử điệu, và đôi khi kể cả qua sự thinh lặng nữa). Một cách cụ thể hơn nữa, khi nói đến sự chuyển thông, khoa ngôn ngữ học phân biệt ít là ba cấp độ chuyển thông: thông tin, phát biểu và tâm sự. Cấp một là “Thông tin”. Người ta chỉ dừng lại ở việc thuật lại một sự kiện, chứ không bày tỏ ý kiến. Đây là ngôn ngữ của nhà báo (cũng như của đài phát thanh), phản ánh dư luận nói chung (tuy dù lắm lần các tin tức đã được chọn lọc, bóp méo theo một chiều hướng nào đó). Cấp hai là “Phát biểu”. Người nói bày tỏ lập trường của mình, và chờ đợi phản ứng của người nghe (đồng tình, phản đối, hoặc trao đổi góp ý). Như vậy lời nói bộc lộ quan điểm, cảm nghĩa của đương sự (tuy cũng không thiếu những lời tâng bốc, lừa bịp). Cấp thứ ba là “Tâm sự”. Người nói không chỉ nói lên “ý kiến” của mình, nhưng còn bộc lộ “tâm can” của mình nữa. Điều này chỉ diễn ra giữa những thân hữu, và cách riêng ngôn ngữ của tình yêu.

Đó là chuyện của con người, chứ đâu có liên quan gì đến Thiên Chúa đâu?

Có chứ, khoa ngôn ngữ học giúp chúng ta hiểu biết sâu xa hơn ý nghĩa của cụm từ “Lời Chúa”. Nhiều lần chúng ta hiểu “Lời Chúa” như là “Chúa phán, Chúa truyền”, giống như một nhà lập pháp hay cơ quan an ninh. Tuy điều này có phần đúng, nhưng mới chỉ ở cấp một. Thiên Chúa không nhũng dạy bảo chúng ta đường ngay nẻo chính, nhưng còn muốn đối thọai với chúng ta, muốn bộc lộ ý định yêu thương dành cho chúng ta, và muốn tâm sự với chúng ta nữa. Khoa ngôn ngữ học cho thấy những chức năng phong phú của ngôn ngữ trong việc chuyển thông giao dịch giữa người với người, và ta có thể áp dụng vào mối giao dịch giữa Thiên Chúa với con người. Tuy nhiên, chắc chắn là Thiên Chúa có cái khác với con người nữa.

Khác ở chỗ nào?

Khác ở chỗ là trong xã hội loài người, lời nói có vai trò trao đổi, nhưng chưa nói được là ‘sáng tạo’. Thực ra, đôi khi một lời nói có thể gây tác dụng tốt hoặc xấu cho tha nhân (thí dụ như lời khuyến khích, cổ võ, thì mang lại niềm vui, hứng thú cho người nghe; hoặc lời dèm pha, chửi rủa, gây ra buồn phiền, tức giận), nhưng sánh với lời của Thiên Chúa thì chẳng thấm thía gì. Lời nói của con người mang tính cách hữu hạn, đôi khi chỉ là lời hứa hão, hoặc lời mơ ước. Còn Lời Thiên Chúa thì khác: lời Chúa là lời sáng tạo, như chúng ta đọc thấy từ những trang đầu của Kinh Thánh. Lúc khởi nguyên, chẳng có gì hết, nhưng một lời Chúa nói thì muôn loài được dựng nên. Tư tưởng này đã xuất hiện từ những trang đầu tiên của Kinh thánh, và được ca ngợi trong nhiều thánh vịnh, cũng như trong Tân ước.

Trong Tân ước, Lời Chúa là Đức Kitô phải không?

Đúng một phần thôi, theo nghĩa là Tự ngôn của Tin mừng theo thánh Gioan gọi Đức Kitô là Lời Thiên Chúa, Lời hằng hữu, Lời tạo dựng, Lời Nhập thể. Như vậy, Lời Chúa là một ngôi vị. Tuy nhiên, trong Tân ước, Lời Chúa không chỉ được hiểu về Chúa Kitô như là ngôi vị, nhưng cũng được hiểu là lời giảng của các thánh tông đồ về Tin mừng cứu độ. Dù sao, trong Tân ước và trong thần học, cụm từ “Lời Chúa” có thể được hiểu về 5 thực thể, hoặc 5 cấp độ khác nhau, như Tài Liệu làm việc của THĐGM đã giải thích ở chương thứ nhất, số 9, tóm lại như sau:

– Cấp thứ nhất, Lời Chúa tiên vàn ám chỉ việc Thiên Chúa tỏ mình ra bằng lời nói và hành động suốt dòng lịch sử cứu độ. Thiên Chúa không an hưởng hạnh phúc trên trời cao thẳm, nhưng Ngài muốn chia sẻ hạnh phúc với nhân lọai, bằng việc tạo dựng nên lòai người, đàm đạo với con người, cứu chữa con người khi nó lầm lỡ.

– Cấp thứ hai, Lời Chúa ám chỉ Đức Giêsu Kitô, “Lời của Thiên Chúa” (Ga 1,1), vốn hiện hữu từ muôn thuở và đã làm người ở giữa chúng ta. Đức Kitô là hiện thân của Thiên Chúa, đến để mặc khải tình thương của Thiên Chúa là Cha.

– Ở hai cấp vừa rồi, chủ thể của Lời Chúa là chính Thiên Chúa. Sang cấp thứ ba, bắt đầu có sự chuyển nghĩa. Lời Chúa không còn là Lời củaChúa phát ra, nhưng là lời của con người phát biểu thay cho Chúa. Nói cách khác, đó là lời giảng của các ngôn sứ và các tông đồ được phái đến để bày tỏ ý Chúa cho nhân loại. Trong các sách Cựu ước, chúng ta thấy các ngôn sứ hay dùng thuật ngữ “đây lời Chúa phán”, hoặc “sấm ngôn của Giavê”. Thánh Phaolô cũng nhiều lần nói đến sứ mạng của mình là đi giảng Lời Chúa.

– Ở cấp thứ bốn, Lời Chúa mang một ý nghĩa độc đáo, vì ám chỉ Sách Thánh. Đây không còn là lời nói hay lời giảng, nhưng đã trở thành chữ viết. Tuy nhiên, Sách Thánh được gọi là Lời Chúa bởi vì được viết lên do Thánh Linh linh ứng (Hiến chế về Mặc khải số 9 và số 12; Sách GLHTCG số 105-108). Ta cũng có thể nói như thế này: Sách Thánh là “Lời của Chúa Thánh Linh”. Chúa Thánh Linh là tác giả duy trì tính cách thống nhất cho tòan bộ Sách, cho dù được hình thành qua nhiều thời đại, và được biên soạn bởi nhiều người.

– Sau cùng, cấp thứ năm, Lời Chúa cũng ám chỉ lời giảng của Hội thánh (qua các giám mục và linh mục) công bố ý định của Thiên Chúa.

Đừng kể hai cấp độ đầu tiên (Lời Chúa là chính Thiên Chúa), trong ba cấp độ còn lại, ta thấy “Lời Chúa” pha lẫn với lời của con người. Vì thế cần phân biệt đâu là lời của Thiên Chúa và đâu chỉ là yếu tố con người (với hình thức diễn tả lệ thuộc vào văn hoá thời đại, xc MV 58; MK 12).

Trong Thánh lễ, sau mỗi bài đọc, người đọc xướng lên: “Đó là Lời Chúa”. Phải hiểu về cấp độ nào?

Cấp độ thứ ba. Phụng vụ công bố đọan Sách Thánh và nhìn nhận như do Thánh Linh linh ứng. Nên lưu ý là các bài đọc Sách Thánh không chỉ gồm những lời giáo huấn nhưng đôi khi cũng tường thuật một sự kiện nữa. Hơn thế nữa, chúng ta nên nhớ đến lời nhắn nhủ của công đồng Vaticanô II trong số 11của hiến chế về Mặc khải, đó là Sách Thánh được viết ra không nhằm cung cấp cho chúng ta những kiến thức về khoa học, nhưng nhằm chỉ dẫn chúng ta con đường cứu độ. Ngòai ra, mặc dù Hội thánh nhìn nhận tòan thể Sách Thánh như là tác phẩm của Thánh Linh, nhưng một vị trí trổi vượt được dành cho bốn sách Tin mừng. Điều này cũng được bộc lộ trong Thánh lễ, khi các tín hữu đứng để nghe bài đọc Tin mừng Chúa Kitô.

Ở cấp thứ năm, Lời Chúa cũng được hiểu về lời giảng của các giám mục và linh mục. Như vậy, tất cả các lời giảng trong nhà thờ đều là Lời Chúa hay sao?

Cần phải thận trọng. Lời Chúa được hiểu là Lời do Chúa nói, cách riêng là Lời của Chúa Kitô, và được ghi lại trong Sách Thánh. Vai trò của Hội thánh không chỉ là công bố Sách Thánh nhưng còn là giải thích Sách Thánh và đem áp dụng vào thời buổi hiện tại. Đây là vai trò của các mục tử trong Giáo hội, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng Sách Thánh cũng như như hòan cảnh xã hội hiện đại. Khi lên tòa giảng hoặc khi soạn thảo các văn kiện, các mục tử hãy ý thức rằng mình đang cố gắng diễn đạt Lời Chúa nhằm củng cố đức tin của cộng đòan; vì thế họ không được phép nói chuyện tào lao, hay phát biểu ý kiến riêng tư, nhưng hãy gắng trở nên người phát ngôn của Chúa. Mặt khác, Tài liệu làm việc của THĐGM cũng nhắc nhở rằng việc diễn đạt Lời Chúa cho thời buổi hôm nay không chỉ dành riêng cho các vị mục tử mà thôi; các Kitô hữu cũng chia sẻ trọng trách đó nữa, cách riêng là các giáo lý viên. Đây là một vinh dự và một trách nhiệm nặng nề. Nói cho cùng, Lời Chúa được trở nên hiện thực khi được mang ra thực hành: đây là lời giải thích hùng hồn nhất, và việc giải thích này mang danh là “chứng tá”.

Previous articleThứ Tư Lễ Tro: Những câu hỏi đáp
Next articleMùa Chay qua khung kính ân sủng