Thánh Tôma Aquinô bàn về cầu nguyện và Thánh Thần

7

Herwi Rikhof_

LỜI GIỚI THIỆU
Thảo luận của Thánh Tôma về cầu nguyện trong Tổng luận Thần học bao gồm 17 khoản/điều (Article): một trong những Câu hỏi (quaestiones) dài nhất trong Tổng luận. Mặc dù ngài đề cập đến nhiều vấn đề trong 17 khoản đó, nhưng tôi lại muốn đọc một số bản văn khác. Tôi muốn làm điều đó vì sự quan tâm của tôi đối với Thánh Tôma luôn được tô điểm và xác định bởi một số cuộc thảo luận, phần nào là bởi các cuộc thảo luận về cách đọc Thánh Tôma và phần nào là bởi một số cuộc thảo luận đương đại về cách nói và suy nghĩ về Thiên Chúa. Loại thảo luận đầu tiên đề cập đến các câu hỏi như: Thánh Tôma là một nhà thần học hay là một nhà triết học và nếu là nhà thần học thì là loại thần học nào? Thánh Tôma là một nhà thần học phủ địch như thế nào? Và ngài là nhà thần học kinh thánh như thế nào trong thần học hệ thống của mình? Phải chăng Kinh Thánh là một vật trang trí tôn giáo hơn kém trong thần học của Thánh Tôma, hay liệu Kinh Thánh có quyết định suy nghĩ của Thánh Tôma? Những cuộc thảo luận này đã đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu của Học viện Thánh Tôma tại Utrecht.[1]
Loại thảo luận thứ hai đề cập đến các câu hỏi như: chúng ta có thể nói về Thiên Chúa ít hay nhiều theo cách tổng quát và sau đó thêm một số suy tư về Đức Kitô và Thánh Thần không? Hoặc chúng ta nên, ngay từ đầu, nói về Chúa Cha Con và Thánh Thần? Liệu có đúng rằng Thánh Thần thường bị quên lãng trong thần học của phương Tây không? Những câu hỏi này thuộc về những cuộc phục hưng của thần học Ba Ngôi, một sự phát triển trong bốn hay năm thập kỷ vừa qua và theo ý kiến của tôi, đó là một trong những phát triển chính trong thần học hệ thống đương đại. Những cuộc thảo luận về tầm quan trọng của Ba Ngôi xác định sự quan tâm của tôi không chỉ vì tôi là một nhà thần học hệ thống và đọc văn bản tương ứng, mà còn vì Thánh Tôma xuất hiện khá tiêu cực trong cuộc phục hưng Ba Ngôi đó. Cùng với Augustinô, ngài bị đổ lỗi về sự suy tàn của thần học Ba Ngôi ở phương Tây. Tôi nghĩ rằng phán quyết này là không chính xác và tôi đã cố gắng chỉ ra điều này trong một số ấn bản.[2]

Tôi sẽ bắt đầu với một số chương từ cuốn sách thứ tư của Tổng Luận Chống Lạc Giáo (Summa contra Gentiles) về vai trò của Thánh Thần trong lịch sử. Những chương này cung cấp một nền tảng cho bản văn sẽ được tập trung trong đóng góp của tôi: những bài giảng của Thánh Tôma về Kinh Lạy Cha. Bằng cách chọn những bài giảng này, tôi đã chọn những bản văn thuộc về phụng vụ, nhưng khác một chút so với những văn bản phụng vụ khác của Thánh Tôma như những lời cầu nguyện của ngài hoặc các bản văn khác của ngài cho lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Và tôi đã chọn những bản văn về cầu nguyện mà Thánh Tôma đánh giá là “siêu hoàn hảo” – một sự hoàn hảo kép, khá hiếm trong các tác phẩm của Thánh Tôma – ngài thậm chí không sử dụng sự hoàn hảo kép này cách thường xuyên.[3]

1. SUMMA CONTRA GENTILES (TỔNG LUẬN CHỐNG LẠC GIÁO)

Trong cuốn sách thứ tư của Summa Contra Gentiles Thánh Tôma bắt đầu với một loạt các chương về Ba Ngôi (II-XXVI). Những cuộc thảo luận của ngài không quá chú trọng vào Chúa Cha, mà là về thần tính của Chúa Con và của Thánh Linh. Trong mười chương dành riêng cho Thánh Thần, ba chương đề cập đến công việc của Thánh Thần: một chương về công việc của Thánh Thần đối với toàn bộ sự sáng tạo và hai chương về thụ tạo có lý trí. Chương đầu tiên thuộc về thần học sáng tạo, hai chương khác đều liên quan đến lịch sử cứu rỗi và thuộc về thần học về ân sủng. Trong cả ba chương, Thánh Tôma luôn dựa vào Kinh Thánh. Trọng tâm của ngài là những hiệu quả, những công việc nào được quy gán cho Thánh Thần. Một lần nữa, ngài thường trích dẫn một đoạn từ Kinh Thánh. Trong khi ngài có một chương về vai trò của Thánh Thần trong sự sáng tạo, ngài có hai chương về vai trò của Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi vì ngài phân biệt hai tác động trong lịch sử đó: một từ Thiên Chúa đến chúng ta và một từ chúng ta đến Thiên Chúa.[4]

Có hai đặc điểm thú vị trong hai chương về lịch sử cứu rỗi. Đầu tiên, Thánh Tôma dựa vào Kinh Thánh để chỉ ra sự phù hợp của những câu nói về Thánh Thần. Thánh Tôma không chỉ đưa ra một loạt các trích dẫn, mà muốn chỉ ra một trật tự đằng sau những trích dẫn này. Convenienter là một thuật ngữ mà Thánh Tôma lặp đi lặp lại. Thứ hai, ngài giới thiệu hoặc chính xác hơn là sử dụng mô hình của tình bạn để nói về công việc của Thánh Thần, nhằm giải thích cho trật tự đó. Cụm từ amicitiae proprium, ‘đặc điểm riêng’ hoặc ‘đặc điểm đặc trưng’ của tình bạn là một cụm từ được lặp lại trong cả hai chương. Trong các chương bàn về những ơn của Thiên Chúa cho chúng ta, ngài chỉ ra ba đặc điểm riêng: việc kể bí mật, muốn và làm điều tốt cho một người bạn và loại bỏ lỗi lầm. Và trong chương về hoạt động của chúng ta hướng về Thiên Chúa lại có ba đặc điểm: trò chuyện với một người bạn, thích thú trong sự hiện diện của một người bạn và đồng ý với một người bạn trong điều Ngài muốn.

Vì những chương này không phải là bản văn chính cho đóng góp của tôi, nên tôi sẽ không phân tích sâu hơn về sáu đặc điểm riêng này. Nhưng nhìn vào bản văn mà tôi sẽ đọc cẩn thận hơn, tôi chỉ muốn chú ý đến một hoặc hai khía cạnh mà Thánh Tôma đề cập là phần nói về việc “muốn và làm điều tốt cho một người bạn”. Thánh Tôma đề cập đến những ơn của Thánh Thần nhờ đóchúng ta tạo hình theo Thiên Chúa, trích dẫn từ 2 Cr 1,21 “Thiên Chúa đã xức dầu chúng ta” và Eph 1:13, “chúng ta được đóng ấn Thánh Thần được hứa ban”. Và ngài tham chiếu đến những gì đã nói ở đầu cuộc thảo luận của mình về sự hoạt động của Thánh Thần trong lịch sử của nhân loại và bình luận về một đoạn văn mà ngài gần như luôn trích dẫn khi thảo luận về công việc của Thánh Thần:

“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúng ta được tạo ra, biến đổi, hòa nhập, định hình thành những người yêu Thiên Chúa, bởi Thánh Thần. Và trích dẫn từ Rm 8,15 ngài cũng đề cập đến việc được nhận làm con của chúng ta. “Anh em đã nhận Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi”. Việc được nhận làm con diễn ra vì một người nào đó đã cảm thấy yêu thương hoặc tốt bụng với người kia.[5]

2. CÁC BÀI GIẢNG VỀ KINH LẠY CHA[6]

Trong quaestio bàn về cầu nguyện trích từ Summa Theologiae, Thánh Tôma dành một khoản mục cho Kinh Lạy Cha: “Liệu bảy lời nguyện xin của Kinh Lạy Cha có được chỉ định cách thích đáng không?”[7] Cách thức đặt vấn đề cho thấy, Thánh Tôma hỏi về sự thích đáng hoặc sự phù hợp của ‘Kinh Lạy Cha’. Một lần nữa, Thánh Tôma điều tra về sự trật tự nội tại. Như đã nói trước đó, Thánh Tôma đánh giá lời cầu nguyện này là ‘siêu hoàn hảo’. Sự hoàn hảo của nó không chỉ vì chúng ta nguyện xin về tất cả những điều mà chúng ta có thể xin đúng cách, mà còn là sự hoàn hảo của thứ tự mà chúng ta nguyện xin. “Vậy, lời cầu nguyện này không chỉ dạy cho chúng ta cách xin, mà còn điều hướng, thông suốt tất cả những đặc tính của chúng ta”.[8] Và sau đó, ngài tiếp tục chỉ ra hai điểm này bằng cách đi qua lời cầu nguyện. Tuy nhiên, dù thông suốt – đặc biệt là chỉ dẫn về thứ tự của những đặc tính của chúng ta – tôi nghĩ những bài giảng của ngài về lời cầu nguyện của Kinh Lạy Cha là sâu sắc và phong phú hơn, không chỉ vì chúng dài hơn, mà còn vì sự khác biệt trong trọng tâm. Hơn nữa, hai điểm mà Thánh Tôma đề cập trong Summa – những điều mà chúng ta có thể xin và điều hướng những đặc tính của chúng ta – lại xuất hiện trong lời giới thiệu của ngài đối với những bài giảng này.

Có thể Thánh Tôma đã thuyết giảng những bài giảng này vào mùa chay, tại Napoli, vào năm 1273. Thư ký của ngài, Reginald thành Piperno, đã ghi chép lại. Bài giảng về lời cầu xin đầu tiên, “xin cho Danh Ngài được cả sáng”, đã bị mất và đôi khi được thay thế bằng một sự kết hợp của một số văn bản lấy từ các tác phẩm khác nhau, ví dụ như chú giải của thánh Tôma trong Tin mừng Matthêu hoặc từ Compendium Theologiae (chương II, 8) hoặc từ một bản văn của một tác giả đương thời như Dominica Aldobrandinus thành Toscanella.

Một trong những đặc điểm nổi bật từ các bài giảng của Thánh Tôma về Kinh Lạy Cha là ngài đã liên kết bảy lời nguyện xin trong Kinh Lạy Cha với bảy ơn của Thánh Thần. Tuy nhiên, ngài không phải là người đầu tiên làm như vậy. Thánh Augustinô trong chú giải của mình về Các Giảng Trên Núi cũng làm như vậy và ngài dường như là người đầu tiên liên kết các lời nguyện xin với những món quà. Ít nhất, với cụm từ “tôi nghĩ rằng” (mihi videtur) ngài sẽ giới thiệu một cái gì đó mới. Thật thú vị khi xem xét những gì Thánh Augustinô nói, vì nó cho thấy Thánh Tôma đứng trong một truyền thống, tiếp tục truyền thống này một cách sáng tạo, độc đáo, cũng nên làm với các truyền thống, nhất là những truyền thống quan trọng. Tiếp theo, tôi sẽ xem xét cấu trúc của lời cầu xin:

Thánh Tôma gọi Kinh Lạy Cha là “lời cầu siêu hoàn hảo” vì cấu trúc của nó. Đối với cấu trúc, có thể được đưa ra hai loạt ghi chú, đầu tiên, một số ghi chú tổng quát hơn (a); thứ hai, các ghi chú liên quan đến những ơn của Thánh Thần (b). Sau đó, tôi sẽ thảo luận về hai chủ đề mà Thomas đề cập trong một số bài giảng. Trong những bài giảng về ba lời nguyện cuối cùng, Thomas chú ý đặc biệt đến sự xấu xa và tội lỗi, nhưng lại làm điều đó một cách đáng chú ý. Sự đối lập giữa thịt – tinh thần, đòi hỏi một số lời giải thích và bình luận. Cuối cùng, tôi sẽ kết luận bằng một số quan sát về cách mà Thomas liên kết các ơn của Thánh Linh với các lời nguyện khác nhau của Kinh Lạy Cha.

2.1. Chú giải của Thánh Augustinô về Kinh Lạy Cha[9]

Thánh Augustinô nhận ra rằng không phải chỉ có bảy nhưng tám mối phúc trong Bài giảng Trên Núi, nhưng ngài chỉ ra rằng mối phúc thứ tám khác biệt so với bảy mối phúc trước đó. Trong bảy mối phúc đầu tiên, Đức Giêsu không trực tiếp đối thoại với những người hiện diện mà là với mọi người nói chung: ‘Phúc cho ai’. Tuy nhiên, trong mối phúc thứ tám, Đức Giêsu đối thoại với khán giả hiện tại: ‘Phúc cho anh em’. Thánh Augustinô giải thích bảy mối phúc đầu tiên như là bảy bước để tiến tới sự hoàn hảo. Trong mối phúc thứ tám, ngài thấy một sự quay trở lại điểm xuất phát và một sự khuyên bảo để đi qua bảy bước đó.[10] Sau khi xác định số bảy, ngài liên kết bảy bước đó với bảy ơn của Thánh Thần được đề cập trong sách ngôn sứ Isaiah (11,2-3, Vulgate). Nhưng thứ tự trong sách Isaiah khác với thứ tự trong tin mừng Matthêu: Isaiah bắt đầu với cấp độ cao nhất là khôn ngoan – sapientia, Tin mừng Matthêu bắt đầu với cấp độ thấp nhất là sự kính sợ – timor.[11]

Khi ngài chú giải về Kinh Lạy Cha, Thánh Augustinô cũng quay trở lại với số bảy và theo ngài, bảy lời nguyện xin tương ứng với bảy mối phúc trong Bài giảng trên núi. Sau đó ngài giải thích sự tương ứng đó. Ví dụ: “nếu bằng sự kính sợ Thiên Chúa, những người nghèo tinh thần được hạnh phúc, vì gia nghiệp của họ là vương quốc của Thiên Chúa, thì hãy cầu xin rằng danh Thiên Chúa được thánh khi mọi người sống trong một kính sợ thánh thiện kéo dài mãi mãi”.[12]

Thánh Augustinô chỉ ra rằng mặc dù ngài xây dựng những sự tương ứng này (mihi videtur), nhưng đó không phải là một sáng tạo cá nhân. Ở cuối chú giải của ngài về Bài giảng trên núi ngài đã tham khảo Thánh vịnh 11,7 (12,7): “Lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.” Trong chú giải của mình về đoạn thánh vịnh này, ngài không chỉ tham khảo Is 11,2 mà còn tham khảo Mt 5,3-9. Ngài giải thích bảy ơn như là các bậc thang tiến tới sự trọn hảo và quan sát rằng toàn bộ Bài giảng trên núi đã đề cập ngay từ đầu.[13] Vì vậy, có thể nói rằng Thánh Augustinô chỉ ra một trật tự có mặt trong một đoạn văn Kinh Thánh với sự trợ giúp của một văn bản khác, giống như Thánh Tôma trong Summa contra Gentiles có nối kết với công việc của Thánh Thần.

Khi chúng ta nay chuyển sang các bài giảng của Thánh Tôma về Kinh Lạy Cha, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng ngài đứng trong truyền thống của Thánh Augustinô. Giống như Thánh Augustinô, ngài liên kết bảy lời nguyện của Kinh Lạy Cha với bảy ơn của Thánh Thần và bảy mối phúc. Giống như Thánh Augustinô, ngài tuân theo thứ tự của Tin mừng Matthêu thay vì thứ tự của Isaiah. Nhưng Thánh Tôma không chỉ đơn giản là lặp lại những hiểu biết của Thánh Augustinô, mà còn phát triển và sâu sắc hơn. Điều đó sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta nghiên cứu các bản văn bài giảng của ngài.

2.2. Cấu Trúc

a) Ghi Chú Tổng Quát

Trong phần giới thiệu, Thánh Tôma nhận xét rằng Kinh Lạy Cha có cấu trúc tuyệt vời. Lời cầu nguyện này tuân theo mẫu mực mà Chúa Giêsu đã chỉ ra khi Ngài nói rằng chúng ta nên tìm kiếm trước hết Vương quốc của Thiên Chúa và tất cả những thứ khác sẽ được ban cho chúng ta (Mt 6,33).[14] Kinh Lạy Cha bắt đầu bằng việc xin những điều từ trời và sau đó cầu xin những điều từ trần thế. Sau đó, ngài trở lại phân chia bảy lời nguyện xin này thành hai nhóm và thêm vào rằng ba lời nguyện xin đầu tiên liên quan đến “vấn đề tinh thần bắt đầu từ thế giới này, nhưng chỉ hoàn thiện trong cuộc sống vĩnh hằng”.[15] Ba lời nguyện xin cuối cùng liên quan đến tình trạng con người của chúng ta bị nhiễm bẩn bởi tội lỗi và sự ác. Lời nguyện xin thứ tư không phù hợp với phân chia này. Từ nhận xét của Thánh Tôma, dường như đây là một chiếc cầu giữa ba lời nguyện của ‘trời cao’ và ba lời nguyện của ‘trần thế’. Vì Thánh Tôma nhìn thấy trong lời nguyện này về bánh hàng ngày là một lời cầu đến Thiên Chúa để cung cấp cho chúng ta những gì cần thiết và đồng thời bánh hàng ngày chúng ta cầu xin giúp chúng ta tránh năm tội liên quan đến ước muốn về các vấn đề tạm thời.

b) Cấu Trúc và Ơn của Thánh Thần

Như đã đề cập ở trên, bài giảng của Thánh Tôma về lời nguyện xin đầu tiên đã bị mất, nhưng ngài bắt đầu bài giảng của mình về lời nguyện thứ hai bằng việc nhắc lại những gì ngài nói về lời nguyện đầu tiên. “Như đã nói, Thánh Thần khiến chúng ta yêu thương, ước muốn và cầu xin (cầu nguyện) đúng cách. Và Thánh Thần, trước hết, khiến cho chúng ta có một sự sợ hãi, khiến chúng ta xin rằng danh của Thiên Chúa được cả sáng”.[16] Do đó, trong kết luận của Thánh Tôma về bài giảng về lời nguyện xin đầu tiên, ngài nhắc đến Thánh Thần hai lần: lần đầu tiên theo một cách tổng quát hơn với tư cách của thái độ khi cầu nguyện và thứ hai cụ thể hơn với tư cách của ơn sợ hãi. Ba động từ chỉ ra sự tác động của Thánh Thần có thể được thực hiện một cách riêng lẻ, với động từ thứ ba chỉ đến việc cầu nguyện (petere) nhưng dường như với tôi – nhất là khi xem xét phân tích của Thánh Tôma trong Summa contra Gentiles – chúng ta nên giữ amare, desiderare và petere cùng nhau chỉ về thái độ cầu nguyện đúng đắn. Đối với ơn của timor (sợ hãi), Thánh Tôma có vẻ đã nói về điều đó trong bài giảng bị mất. Có thể hữu ích khi tham khảo chú giải của Thánh Tôma về thư Rm 8,15 để tránh một số hiểu lầm.

Trong chú giải của mình về Rm 8,15 – “anh em không nhận được một thần khí sợ hãi mà là thần khí nghĩa tử” – Thánh Tôma chỉ ra hai hiệu ứng của Thánh Thần trong chúng ta: sợ hãi và tình yêu. Đối với hiệu ứng đầu tiên, ngài tham chiếu đến Is 11,3; đối với hiệu ứng thứ hai ngài tham chiếu đến Rm 5,5 “Tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào trong trái tim chúng ta qua Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta”. Thánh Tôma ngay lập tức thêm vào rằng hai hiệu ứng này dường như dẫn đến hai hiệu ứng trái ngược và điều này dẫn đến một cuộc thảo luận về các loại sợ hãi khác nhau. Thánh Tôma phân biệt bốn loại sợ hãi, một loại bình thường không được ban bởi Thánh Thần (ví dụ, sợ bị giết), ba loại kia liên quan đến Thánh Thần vì chúng quy hướng đến Thiên Chúa. Mặc quy hướng về Thiên Chúa, loại đầu tiên trong ba loại này có vẻ hơi không hoàn hảo, vì đó là sợ hãi bị trừng phạt và điều đó thuộc về người nô lệ hoặc người hầu; họ làm điều tốt vì lý do sai lầm: sợ hãi trừng phạt. Lý do chính xác phải là sợ bị chia cách với Thiên Chúa, tức là sợ hãi do tình yêu gây ra (timor charitatis). Thánh Tôma tiếp tục phân biệt giữa một timor initialis gây ra bởi tình yêu chưa hoàn thiện, vẫn kết hợp với các yếu tố của sự trừng phạt và một (castus) timor thánh thiện hoặc tinh tuyền. Đối với timor initialis, ngài trích dẫn Ps 110,10: initium sapientiae timor Domini (Khởi đầu cho sự khôn ngoan là kính sợ); đối với cái thứ hai ngài trích dẫn 1 Ga 4,18: perfecta charitas foras mittit timorem (Đức ái hoàn hảo loại bỏ nỗi sợ hãi).[17]

Trong cuộc thảo luận phức tạp hơn về ơn sợ hãi trong IIa-IIae của Summa Theologiae, Thánh Tôma cung cấp một phân tích tương tự, nhưng sử dụng cho loại sợ hãi cuối cùng này thuật ngữ ‘sợ hãi con cái’ và một cách rõ ràng liên kết với ơn của Thánh Thần.[18]

Với phân tích này trong tâm trí, Thánh Tôma rõ ràng đề cập đến loại sợ hãi cuối cùng khi bình luận về lời nguyện xin đầu tiên. Đó là sợ hãi phạm tội, làm tổn thương người Cha, bị chia cách với Cha. Ơn sợ hãi con cái hoặc sự tôn trọng con cái này liên kết với những gì Thánh Tôma đề cập trong Summa contra Gentiles về những người bạn muốn ở bên nhau và mừng vui với sự hiện diện của người kia. Vì vậy, Thánh Tôma bắt đầu bài giảng của mình về lời nguyện thứ hai bằng những ghi chú về Thánh Thần và ơn của Thánh Thần. Ngài lặp lại điều đó khi giảng về lời nguyện xin thứ ba, thứ tư và thứ năm. Trong trường hợp của hai lời nguyện xin sau cùng, ngài kết thúc bài giảng của mình với một tham khảo đến một ơn cụ thể. Mô hình này gợi ý rằng các ơn của Thánh Thần không chỉ là những yếu tố trang trí, mà còn là những yếu tố cấu trúc trong giải thích của ngài. Không có những ơn này, sự liên kết và thứ tự của Kinh Lạy Cha trở nên không thể hiểu được. Trong hai nhóm ba lời nguyện xin này, Thánh Tôma nhận ra một quá trình, và quá trình đó chặt chẽ liên kết với các ơn của Thánh Thần. Trong nhóm đầu tiên, nó bắt đầu với sự kính sợ (timor), sau đó chuyển sang đạo đức (pietas) và kết thúc với việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa. Người ta có thể nhận ra trong ba bước này sự quen thuộc ngày càng tăng và cũng sâu sắc hơn về cảm xúc: trong việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, trái tim chúng ta trở nên đúng đắn. Một mô hình hơi khác có thể thấy trong ba lời nguyện xin cuối cùng. Ở đó, quá trình bắt đầu với sự thực tế của tội lỗi và nhu cầu được tha thứ, sau đó di chuyển đến cám dỗ, khả năng làm phạm tội, và mở rộng ra đến sự dữ và nhu cầu được giải thoát khỏi sự dữ.

2.3. Hai Chủ Đề

a) Ưu Thế của Tội Lỗi và Sự ÁcTại điểm này, có thể hữu ích khi tôi đưa ra một vài nhận xét về sự ưu thế của tội lỗi và sự ác trong ba lời nguyện xin cuối cùng và sự chú ý đến tội lỗi trong lời nguyện thứ tư. Tất nhiên, ‘tội lỗi’, ‘cám dỗ’ và ‘sự ác’ là những thuật ngữ mà Đức Giêsu sử dụng trong lời nguyện xin. Nhưng quan trọng không chỉ là cách những thuật ngữ này được giải thích, mà còn là cách chúng được thảo luận. Khi Thánh Tôma giảng về tội lỗi, cám dỗ, sự ác, ngài không sử dụng loại ngôn từ mà trong quá khứ thường được kết nối với những chủ đề này: ngôn từ đe dọa của địa ngục và lời nguyền rủa. Ngài sử dụng một ngôn từ ‘cụ thể’. Trong bài giảng về lời nguyện xin thứ năm, ngài trích dẫn từ lá thư thứ nhất của Thánh Gioan: “Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8). Trong bài giảng về lời nguyện xin thứ sáu, ngài trích dẫn lời trung thực và dễ nhận biết của thánh Phaolô rằng: mặc dù thánh nhân muốn làm theo luật của Thiên Chúa, nhưng phát hiện ra một luật khác trong bản thân mình (Rm 7,22). Nhưng Thánh Tôma không chỉ là những người theo Kinh Thánh khi chỉ ra sự thực về tội lỗi, ngài cũng là những người theo Kinh Thánh khi đặt sự thực này vào ngữ cảnh của sự tha thứ, lòng trắc ẩn và hy vọng. Trong lời nguyện xin thứ năm, ví dụ, ngài nhận ra trong việc ‘tha thứ nợ nần của chúng ta’ không chỉ có sự khiêm tốn, khi có sự thực về tội lỗi, mà còn có hy vọng: “Do đó, việc chúng ta hy vọng luôn luôn hữu ích; vì trong mức độ mà con người là một kẻ phạm tội, người đó nên hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ cho người đó nếu người đó thực sự hối hận về tội lỗi và được biến đổi. Hy vọng này được củng cố trong chúng ta khi chúng ta nói: ‘Xin tha nợ cho chúng con’”.[19]

Một dấu hiệu khác về cách Thánh Tôma thảo luận về tội lỗi, cám dỗ và sự ác là việc sử dụng thuật ngữ y học. Trong hai bài giảng, ngài sử dụng hình ảnh của bác sĩ, nhà thầy thuốc trong một so sánh. Trong lần đầu tiên, người ta có thể giải thích so sánh đó một cách khá phổ biến, như là một tham chiếu đến một loại chuyên gia nào đó. Trong lời nguyện xin ‘ý Cha được thể hiện’, chúng ta kêu xin ơn thông minh (scientia) của Thánh Thần. “Do đó, một người nói với Thiên Chúa ‘hãy để ý muốn của Ngài được thực hiện’ giống như một người bệnh mong muốn điều gì đó từ bác sĩ; và ý muốn của người đó không phải là ý muốn của chính mình, vì đó là ý muốn của bác sĩ. Bằng không, mong muốn của người đó hoàn toàn từ ý muốn của mình, thì người đó sẽ thật ngu ngốc”.[20] Một lát sau, khi nói về các điều răn như là cách để đạt được mục tiêu, cuộc sống vĩnh hằng, ngài nói:

Khi một người mong muốn điều gì đó, người đó không chỉ muốn điều mà mình mong muốn, mà còn mọi thứ sẽ đưa đến điều đó. Do đó, để đạt được một trạng thái sức khỏe mà người đó mong muốn, một bác sĩ cũng muốn thực hiện chế độ ăn uống, thuốc men và những nhu cầu khác. Chúng ta đạt được cuộc sống vĩnh hằng thông qua việc tuân thủ các Điều răn, và, tương ứng, Thiên Chúa muốn chúng ta tuân thủ chúng.[21]

Tuy nhiên, khi so sánh với cách mà Thánh Tôma đề cập đến bác sĩ trong bài giảng khác, có thể có nhiều điều quan trọng hơn. Trong bài giảng về lời nguyện xin thứ năm, ngài chú ý rằng chúng ta yêu cầu trong lời nguyện này cho ơn biết lo liệu của Thánh Thần, vì “biết lo liệu là cần thiết cho con người khi gặp khó khăn, giống như là sự lo liệu của bác sĩ khi một người ốm. Khi con người rơi vào tình trạng bệnh tâm thần thông qua tội lỗi, người đó phải tìm kiếm sự lo liệu để được chữa lành”.[22] Thánh Tôma đã sử dụng ngôn ngữ y học để nói về tội lỗi và sự tha thứ. Điều này không lạ lẫm. Ngược lại, đây chính là cách ngài thường nói về tội lỗi và sự tha thứ. Ví dụ, khi ngài chú giải về Miserere, Thánh vịnh thống hối xuất sắc nhất, ngài sử dụng lời văn y học một cách liên tục, mặc dù trong Thánh vịnh không có loại ngôn từ đó. Nói cách khác, Thánh Tôma giới thiệu ngôn ngữ y học nhưng không có dấu hiệu của sự nhận thức rằng ngài làm như vậy: nó tự nhiên với ngài.[23]
Thánh Tôma không phải là một ngoại lệ. Có một truyền thống rộng lớn bắt nguồn từ các Giáo phụ xem tội lỗi như một căn bệnh, sự tha thứ như một quá trình chữa lành và linh mục giải tội như một bác sĩ. Công đồng Lateran IV (1215), một trong những Công đồng lớn nhất được tổ chức trong thời Trung Cổ, quy định như sau về Cha giải tội:

Linh mục phải là người có khả năng phân biệt và khôn ngoan, để như một bác sĩ lành nghề, anh ta có thể rót rượu và dầu lên vết thương của người bị thương. Hãy thăm dò cẩn thận về hoàn cảnh của cả tội lỗi và chính tội lỗi, để anh ta có thể phân biệt khôn ngoan loại khuyên bảo mà anh ta nên cho và biện pháp nào nên áp dụng, sử dụng các phương tiện khác nhau để chữa trị người bệnh.[24]

Tham chiếu đến Người Samaritanô nhân hậu sẽ thấy rõ ngôn ngữ y học chiếm ưu thế. Khi so sánh sắc lệnh này với một sắc lệnh khác của một Công đồng sau này, đó là Công đồng Trentô, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi trong ngôn từ. Sự tha thứ là một hành động pháp lý, linh mục giống như một thẩm phán tuyên án một phán quyết.[25] Và sự thỏa mãn được yêu cầu không chỉ được coi là một loại thuốc cho sự yếu đuối, mà còn là một hình phạt.[26]

Nhưng truyền thống rộng lớn của ngôn ngữ y học không chỉ giới hạn trong bí tích giải tội: nó được sử dụng cho tất cả các bí tích. Bí tích là phương dược, vì chúng có sức mạnh kép để loại bỏ căn bệnh và phục hồi sức khỏe. Khi Thánh Tôma trong bài giảng về lời nguyện xin thứ năm nói về bí tích thống hối, ngài không đề cập đến khía cạnh này của bí tích, mà tập trung vào một câu hỏi còn quan trọng hơn nữa; tại sao phải xưng thú tội lỗi với một linh mục? Ngài trả lời bằng cách đề cập đến sức mạnh của các chìa khóa, quyền tha cho kẻ tội lỗi những hình phạt tạm thời. Thánh Tôma đề cập đến một đoạn trong sách Tin mừng Gioan khi Đấng Phục sinh đã ban Thánh Thần cho các môn đệ và ra lệnh cho họ tha tội. Trong Summa contra Gentiles, Thánh Tôma trích dẫn cùng một đoạn để chỉ ra một trong những dấu hiệu của tình bạn: vì chúng ta được trở thành bạn với Thiên Chúa do Thánh Thần, nên Chúa nói với các môn đệ của Người rằng họ nên tha tội lỗi.[27]

Có thể vẫn còn một yếu tố khác trong những tham chiếu đến y học. Trong Kinh Thánh, không có tội lỗi nào không thể được tha thứ. Khi David phạm tội lừa dối với Bathsheba và ra lệnh giết chồng bà trong trận chiến để che giấu, vua được tha thứ vì ngài đã ăn năn. Trong Tin mừng, Đức Giêsu đề cập đến một tội lỗi không thể được tha thứ: tội phạm chống lại Thánh Thần (Mt 12,31-32; Mc 3,28-30; Lc 12,10). Trong một số trường hợp, Thánh Tôma thảo luận về tội phạm chống lại Thánh Thần, ví dụ trong Summa contra Gentiles, ngài tập trung vào Thánh Thần, nhưng ở nơi khác ngài cũng chú ý đến phần còn lại: ‘không thể được tha thứ’, ví dụ trong Scriptum super libros sententiarum của ngài. Sự không thể tha thứ là một điều từ phía tội lỗi, không phải từ phía Thiên Chúa, và ngài đưa ra một sự so sánh với một bệnh nhân từ chối dùng thuốc. Căn bệnh đó được gọi là không thể chữa trị, vì vậy tội lỗi là không thể tha thứ khi một người từ chối thuốc trị bệnh tâm hồn.[28] Và Thánh Tôma thêm rằng, như một căn bệnh thể chất có thể được chữa bằng sức mạnh của Thiên Chúa, thì một tội lỗi cũng có thể được tha thứ nhờ vào lòng từ bi của Thiên Chúa.

b) Tương phản xác thịt và Thần KhíTrước khi tôi xem xét cận cảnh về những ơn cụ thể, tôi muốn nêu vài nhận xét về một chủ đề khác mà Thánh Tôma đề cập trong lời cầu xin thứ sáu như một phần của giải thích về sự cám dỗ, nhưng cũng trong lời cầu xin thứ hai về ý muốn của Thiên Chúa: sự tương phản hoặc sự đối lập giữa xác thịt và thần khí. Chúng ta nên hiểu sự tương phản đó như thế nào? Đó có phải là một sự tương phản giữa cơ thể và tâm trí? Đó có phải là sự tương phản được tô vẽ bởi một đánh giá tiêu cực về cơ thể?

Các nhận xét của Thánh Tôma nhất định theo hướng của cái sau. Do sự sa ngã của nguyên tổ, sự hòa hợp ban đầu của công trình sáng tạo giữa linh hồn và tinh thần một mặt và sự dục vọng và xác mặt kia đã biến mất. Kể từ đó, cơ thể chịu đựng những yếu điểm và sự chết chóc và có một “cuộc nổi loạn liên tục của giác quan chống lại thần khí” … “một cuộc chiến không ngừng giữa xác thịt và thần khí”. Ý muốn của Thiên Chúa là khôi phục lại sự hòa hợp ban đầu.[29] Khi Tôma thảo luận về sự cám dỗ, điều đầu tiên ngài nhắc đến là xác thịt tìm kiếm những niềm vui riêng của nó thường được liên kết với tội lỗi. Hơn nữa, xác thịt cản trở thần khí và, cuối cùng, xác thịt có ảnh hưởng lớn vì nó gần gũi như vậy.[30]

Đây là một cách giải thích mà chúng ta cảm thấy không thoải mái. Tôi muốn trình bày hai hướng suy nghĩ có thể đặt nó vào một ngữ cảnh. Tôi có thể đi xa hơn so với những gì Thánh Tôma nói, nhưng hy vọng rằng tôi không đi xa hơn những gì ngài có ý định.

Trước hết, Thánh Tôma đề cập đến hai nguồn cám dỗ khác – xác thịt không phải là nguồn duy nhất – ma quỷ và thế giới. Vì vậy, cũng có hai yếu tố bên ngoài. Khi ngài thảo luận về những yếu tố bên ngoài này, ngài chú ý đến những quá trình tâm lý, những tệ nạn tinh thần như sự giận dữ (ira) và kiêu căng (superbia), và ngài chú ý đến việc điều sai trái có thể dường như đúng ở lúc đầu.[31] Đối với thế giới, cám dỗ bao gồm hai mặt: sự mong muốn quá mức với của cải trần thế và nỗi sợ hãi về bạo lực trong xã hội.[32]

Thứ hai, ngài đề cập đến một số bản văn trong Kinh Thánh, bao gồm hai bản văn từ Thánh Phaolô khi sử dụng sự đối lập giữa xác thịt và thần khí. Đối với Thánh Phaolô, sự đối lập giữa xác thịt và thần khí là một trong những yếu tố then chốt trong cách suy nghĩ của ngài về cuộc sống của một Kitô hữu. Nhưng khi Thánh Phaolô thảo luận về sự đối lập đó, ngài không quy chiếu chủ yếu về sự hiểu biết Hy Lạp và sau này là Latin về xác thịt, tức là cơ thể, mong muốn xác thịt v.v., mà thay vào đó là Cựu Ước, về cách hiểu của người Do Thái về xác thịt, tức là bản chất dễ vỡ, hữu hạn và tình cờ của sự tồn tại con người. Xác thịt như vậy không mang những nghĩa tiêu cực, nhưng con người nhận được xác thịt qua những động từ được sử dụng như: nếu ai đó tin vào xác thịt, nếu ai đó xây dựng dựa trên thịt, nếu ai đó tôn vinh xác thịt, thì Thánh Phaolô đưa ra một phán quyết tiêu cực, giống như trong các Thánh vịnh. Chúng ta có xác thịt, nhưng chúng ta không là xác thịt, chúng ta phải sống trong xác thịt, nhưng chúng ta không phải sống theo xác thịt: chúng ta có thể sống theo Thần Khí, hoặc cụ thể hơn, như một Kitô hữu chúng ta phải sống theo Thánh Thần.[33] Điều này phù hợp với cách giải thích của Thánh Thánh Tôma vào cuối bài giảng ngài về sự cám dỗ đã đề cập đến ơn hiểu biết từ Thánh Thần. Ơn này dễ hiểu, rất nhiều ý nghĩa, nếu chúng ta đề cập đến những yếu tố này trong thảo luận của Thomas một cách nghiêm túc.

Do đó, Thánh Tôma đề cập đến ơn hiểu biết trong bối cảnh của sự cám dỗ và đưa ra một giải thích. Điều này là một kiểu mẫu trong các bài giảng của ngài. Trong mỗi bài giảng, ngài không chỉ đề cập đến một ơn cụ thể, mà còn chỉ ra cách hiểu ơn đó và tại sao lại hợp lý khi cầu xin nó. Bây giờ, tôi sẽ nói về một số ơn mà tôi chưa đề cập.

2.4. Các lời nguyện xin khác

Ơn thứ hai là ơn đạo đức. Thánh Tôma định nghĩa đạo đức là “một tình cảm ngọt ngào và sùng kính đối với người cha”. Trong Summa Theologiae, ngài đưa ra một định nghĩa rộng hơn một chút: không chỉ là cha mẹ, mà còn là tất cả người thân (consanguinei) và thậm chí là quê hương.[34] Thật thú vị khi thấy Thánh Tôma, khi ngài thảo luận về lòng đạo đức và giới thiệu chủ đề này. Ngài bắt đầu với quan sát rằng mọi người đều mang một món nợ vì mọi người đã nhận sự sống từ Thiên Chúa, cha mẹ, quê hương. Nhưng như ngài đã nói trước đó, loại nợ này không thể được trả lại theo nghĩa nhận được một điều tương đương, và vì vậy trong trường hợp của Thiên Chúa, của cha mẹ và quê hương tôn giáo yêu cầu lòng thành kính. Dường như Thánh Tôma hạn chế việc sử dụng lòng đạo đức cho cha mẹ và quê hương, trong câu trả lời của ngài cho phần phản đề (objection), ngài trích dẫn tiên tri Malachi “Nếu ta là cha, thì sự kính trọng ở đâu?”. Vì Thiên Chúa nói điều này, nên Thánh Tôma kết luận rằng thuật ngữ lòng đạo đức cũng có thể được sử dụng cho sự tôn thờ thần linh. Nếu ơn đầu tiên liên quan đến nỗi sợ của một đứa trẻ khi bị chia cắt khỏi cha mẹ, ơn thứ hai đưa nỗi sợ này ra một bước xa hơn, chỉ ra một không khí trong mối quan hệ của sự quen thuộc và có lẽ quan trọng nhất, một không khí không bị quyết định bởi tính kinh tế của việc bình đẳng – Tôi nhận điều gì đó, tôi phải trả lại nó – nhưng bởi tính kinh tế của ơn thật sự, ân sủng.[35]

Ơn thứ ba là ơn của tri thức, thông minh, scientia. Thánh Tôma giải thích ơn này với việc tham chiếu đến Tv 119,66: “Xin dạy con về điều thiện hảo, tính kỷ luật và sự thông minh”.[36] Không chỉ là thông minh, nhưng thông minh nhờ đó một con người sống tốt. Ngài giải thích điều này sau khi nói về lời cầu nguyện ‘ý Cha được thể hiện’. “Thánh Thần dạy chúng ta qua ơn thông minh không phải tuân theo ý muốn của chúng ta, mà là ý của Thiên Chúa”.[37]

Trong Summa contra Gentiles, yếu tố ý chí xuất hiện hai lần, một lần trong sự chuyển động của Thiên Chúa đến chúng ta và một lần trong sự chuyển động của chúng ta đến Thiên Chúa. Một người bạn muốn làm điều tốt cho người bạn của mình và một người bạn muốn làm những điều mà người kia muốn. Sự xuất hiện kép này không chỉ cho thấy ý chí quan trọng như thế nào, mà còn cho thấy một hoạt động từ cả hai phía. Thánh Tôma nhấn mạnh điều này trong bài giảng của mình khi ngài chú giải về ‘được thể hiện’, trong ‘ý Cha được thể hiện’. Cụm từ không phải là: ‘ý cha thể hiện’ (làm) (fac), như thế Thiên Chúa làm nó một mình và nỗ lực của chúng ta không quan trọng; cụm từ này cũng không nói ‘hãy để chúng con thể hiện’ (chúng con làm) (faciamus), như thể sự giúp đỡ của Thiên Chúa không cần thiết. Cụm từ là ‘ý cha được thể hiện’ (được làm) (fiat), “qua ân sủng của Thiên Chúa đồng thời sử dụng mong muốn của chúng ta và nỗ lực của chúng ta”.[38]

Ơn thứ tư là ơn sức mạnh, sự can đảm. Thánh Tôma bắt đầu với một quan sát đáng chú ý: những người có kiến thức sâu rộng và trí tuệ thường cảm thấy nhỏ bé và trở nên rụt rè.[39] Người ta không mong đợi sự kết hợp giữa kiến thức sâu rộng và trí tuệ với sự rụt rè. Trích dẫn từ Isai dường như không ủng hộ sự kết hợp này, vì nó chỉ đề cập đến những người mệt mỏi và yếu đuối. Việc tham chiếu đến tiên tri Êzêkien, đến ơn gọi của tiên tri, đến gần hơn một chút, vì đó là tiên tri nói về bản thân mình: “và khi Người nói với tôi, Thánh Thần đã nhập vào tôi và làm cho tôi đứng trên đôi chân của mình”. Nhưng tham chiếu này không thực sự ủng hộ nhận xét mở đầu. Các nhận xét tiếp theo của Thánh Tôma cũng đi theo một hướng khác, hướng thông thường hơn.

Ơn can đảm được trao cho một người, để anh ấy không từ bỏ vì sợ không nhận được những gì anh ấy cần, mà để anh ấy mạnh mẽ tin rằng tất cả những gì anh ấy cần sẽ được Thiên Chúa ban cho. Đó là lý do tại sao Thánh Thần, người trao sức mạnh này, dạy chúng ta cầu xin Thiên Chúa: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày.”[40]

Mở đầu của bài giảng tiếp theo có thể giải thích tại sao ngài bắt đầu bài giảng này như vậy: trong các bài giảng khác, ngài cũng bắt đầu bằng một nhận định về những người khôn ngoan, nhưng lần này là những người kết hợp sự khôn ngoan với sức mạnh (fortitudo). “Có một số người rất khôn ngoan và can đảm, vì họ tin quá nhiều vào sức mạnh của mình, họ không khôn ngoan thực hiện những gì họ đã cố gắng, và họ không hoàn thành được những gì họ đã định trong tâm trí. “Kế hoạch được củng cố bởi sự biết lo liệu”.[41] Trích dẫn từ Sách Châm Ngôn cung cấp thuật ngữ Biết lo liệu (Council), là một trong năm ơn của Thánh Thần. Nếu chúng ta đọc các cụm từ mở đầu của các bài giảng về lời cầu nguyện thứ ba, thứ tư và thứ năm cùng nhau và theo thứ tự của các bài giảng, chúng ta sẽ nhận được hình ảnh của một quá trình. Trong lời cầu nguyện thứ ba, chúng ta cầu xin sự khôn ngoan, nhưng đó không đủ, chúng ta cần cả can đảm để tiếp tục, điều đó được cầu xin trong lời cầu nguyện thứ tư, nhưng ngay cả điều đó cũng không đủ, chúng ta cũng cần ơn biết lo liệu. Điều đó được cầu xin trong lời cầu nguyện thứ năm.

Hơn nữa, còn nhiều điều hơn nữa có thể nói về những bài giảng này. Tôi có cảm giác chỉ mới chạm vào bề mặt. Những bài giảng mà Thánh Tôma đã viết vào cuối cuộc đời thật sự là những kho báu, giàu tri thức cả về mặt thần học và tinh thần, và là những ví dụ tuyệt vời về sự kết nối chặt chẽ và mối quan hệ màu mỡ giữa lời cầu nguyện và thần học.


[1] For the Thomas Instituut, see: www.thomasinstituut.org. In addition, see H. Rikkhof, Thomas at Utrecht, in F. Kerr (ed.), Contemplating Aquinas: On the Varieties of Interpretation, London, SCM, 2003, 105-236/

[2] H. Rikhof, The Current Renaissance of the Theology of the Trinity: A Reconstruc­ tion, in Bijdragen 70 (2009) 423-457, esp. pp. 430-434; id., Aquinas’ Authority in the Contemporary Theology of the Trinity, in P. van Geest – h. GoRis – c. LeGet (eds.), Aquinas as Authority: A Collection of Studies Presented at the Second Conference of the Thomas Instituut te Utrecht, December 14­16, 2000 (Publications of the Thomas Instituut Utrecht, NS 7), Leuven, Peeters, 2002, 213-234.

[3] Oratio Dominica perfectissima est. ST II-II, q. 83, a. 9, co.

[4] Sau đó, khi xem xét những gì được cho là do Chúa thực hiện với chúng ta thông qua Chúa Thánh Thần trong Kinh thánh, chúng ta phải xem xét cách chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn tới Chúa. (ScG) IV, 22. One discerns here the exitus-reditus scheme.

[5] Và bởi vì lòng nhân từ của một người dành cho người khác, nên người đó nhận anh ta làm con, do đó quyền thừa kế của người nhận thuộc về anh ta; việc trở thành con cái Thiên Chúa được nhận làm con một cách thích đáng là nhờ Chúa Thánh Thần; theo Rom. 8:15: Anh em đã nhận Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên, Abba. ScG IV, 21.

[6] Sancti Thomae de Aquino Expositio in orationem dominicam, Torino, Marietti, 1954; see also www.corpusthomisticum.org, opera omnia. In the text of the corpus thomisticus, the sermons are referred to as articles; I will refer to the sermons by number: ExpDom 1. I have also used the texts of the corpus thomisticum for other works by Thomas.

[7] Liệu bảy lời cầu nguyện có chỉ định đúng đắn hay không. ST IIa-IIae, q. 88, a. 9.

[8] Và trong lời cầu nguyện Chúa nhật, chúng ta không chỉ yêu cầu tất cả những gì chúng ta có thể mong muốn một cách chính đáng, mà còn theo thứ tự mong muốn, để lời cầu nguyện này không chỉ hướng dẫn chúng ta cầu xin mà còn cung cấp thông tin về toàn bộ tình cảm của chúng ta. ST IIa-IIae, q. 88, a. 9, co.

[9] A. mutzenbecheR (ed.), Santi Aureli Augustini De Sermone Domini in Monte Libri Duo (CCSL, 35), Turnhout, Brepols, 1967.

[10] Như vậy có bảy điều trọn vẹn; vì bước tám làm rõ và thể hiện điều gì là hoàn hảo, để qua các này và các bước khác được hoàn thành, như thể bắt đầu lại từ đầu (I, 10).

[11] Vì vậy, đối với tôi, dường như bảy ơn của Chúa Thánh Thần, mà Isaia nói đến, tương ứng với những bước đi và những tình cảm này. Nhưng có một sự khác biệt về thứ tự: vì ở đó việc liệt kê bắt đầu với những cái cao hơn, nhưng ở đây với những cái thấp hơn; vì ở đó nó bắt đầu bằng sự khôn ngoan và kết thúc bằng sự kính sợ Chúa, nhưng khởi đầu của sự khôn ngoan là sự kính sợ Chúa. Dei est (I, 11).

[12] Đối với tôi, dường như con số bảy của những lời cầu xin này tương ứng với con số bảy mà toàn bộ bài giảng này đã phát sinh. Vì nếu sự kính sợ Thiên Chúa là phúc lành cho những người có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ, chúng ta hãy cầu nguyện để danh Thiên Chúa được thánh hóa nơi con người bằng lòng kính sợ trong sạch kéo dài mãi mãi. (II, 37).

[13] Được thanh tẩy bảy lần: nhờ kính sợ Thiên Chúa, nhờ đạo đức, nhờ hiểu biết, nhờ sức mạnh, nhờ biết lo liệu, nhờ hiểu biết, nhờ khôn ngoan. Vì cũng có bảy mối phúc mà Chúa, trong cùng một bài giảng Người nói trên núi, đã giải thích cho Matthêu: Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai than khóc, phúc cho những ai đói khát công lý, phúc cho những ai có lòng thương xót, phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, phúc cho những ai hiền hòa, bảy, có thể thấy rằng toàn bộ bài giảng đã được nói rất dài dòng. Enn in Ps, 12, 7

[14] Trong số những lời cầu nguyện khác, lời cầu nguyện Chúa nhật là quan trọng nhất. Vì nó có năm điều tuyệt vời cần có khi cầu nguyện. Vì lời cầu nguyện phải chắc chắn, đúng đắn, trật tự, thành kính và khiêm tốn. … Cũng phải có một lời cầu nguyện có trật tự như ước muốn, vì lời cầu nguyện là người giải thích ước muốn. Theo Matt, đây là trật tự hợp lý, để chúng ta thích những thứ thuộc linh hơn những thứ xác thịt, và những thứ trên trời hơn những thứ trần thế bằng cách khao khát và cầu nguyện, theo Matt. 6:33: trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và công lý của Người; và tất cả những điều này sẽ được thêm vào cho bạn. Chúa dạy chúng ta tuân giữ điều này trong lời cầu nguyện này: cầu xin những điều trên trời trước và những điều trần thế sau. ExpDom Prooemium.

[15] Tuy nhiên, cần phải biết rằng trong ba lời cầu nguyện trước đây, những điều thiêng liêng được yêu cầu bắt đầu từ đây trong thế giới này, nhưng chỉ được hoàn thành ngoại trừ trong cuộc sống vĩnh cửu. Vì khi chúng ta cầu xin danh Thiên Chúa, chúng ta cầu xin sự thánh khiết của Ngài; quả thật khi chúng ta cầu xin cho nước Cha trị đến, chúng ta cầu xin để được dự phần vào sự sống đời đời; Nhưng khi chúng ta cầu nguyện để ý Cha được thể hiện, chúng ta cầu xin ý muốn của Ngài được nên trọn trong chúng ta. Tất cả những điều này, ngay cả khi chúng bắt đầu ở thế gian này, cũng không thể hoàn thiện được ngoại trừ trong cuộc sống vĩnh cửu. Vì vậy cần phải yêu cầu một số nhu yếu phẩm có thể có trong cuộc sống hiện tại một cách hoàn hảo. Và chính từ điều này mà Chúa Thánh Thần đã dạy chúng ta cầu xin những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện tại, những thứ được cung cấp một cách hoàn hảo ở đây… ExpDom 4.

[16] Như đã nói, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta yêu mến, ước ao và cầu xin một cách đúng đắn; và trước tiên Thánh Thần tạo ra trong chúng ta nỗi sợ hãi, qua đó chúng ta tìm kiếm danh Chúa được thánh hóa. ExpDom 2.

[17] Super Epistolam ad Romanos, c. VIII, lectio 3.

[18] ST IIa-IIae, q. 19, a. 9; cf. also a. 2.

[19] Vì vậy, điều rất hữu ích là chúng ta nên luôn hy vọng: vì dù một người có tội đến mức nào đi nữa, người ấy vẫn phải hy vọng rằng Thiên Chúa, nếu người ấy hoàn toàn bị nghiền nát và hoán cải, sẽ tha thứ cho người ấy. Và niềm hy vọng này được củng cố trong chúng ta khi chúng ta cầu xin: tha nợ cho chúng tôi. ExpDom. 5. When Thomas comments on the Miserere he calls this psalm a psalm of hope. In psalmos Davidis expositio, psalmus 50 (n. 1).

[20] Và trong điều này ơn thông minh xuất hiện. Do đó người ta nói với Thiên Chúa rằng: Ý Ngài được thể hiện; nếu không, anh ta chỉ muốn theo ý mình, anh ta sẽ là một kẻ ngốc. ExpDom. 3.

[21] Vì khi một người ham muốn một điều gì đó, anh ta không chỉ ham muốn thứ anh ta mong muốn mà còn ham muốn mọi thứ mà anh ta nhờ đó đạt được; Cũng giống như bác sĩ, để có được sức khỏe, cũng cần có chế độ ăn uống, thuốc men và những thứ tương tự. Nhưng Chúa muốn chúng ta có được sự sống đời đời. ExpDom 3.

[22] Lo liệu là cần thiết cho một người khi anh ta gặp rắc rối, giống như lo liệu của thầy thuốc khi có người bị bệnh. Vì vậy, khi một người bị suy yếu về mặt thiêng liêng vì tội lỗi, người ấy phải tìm kiếm sự lo liệu để được chữa lành. ExpDom 5.

[23] See my article Magna Misericordia: Uit Thomas’ commentaar op Psalm 51 (50), in Jaarboek 2008 Thomas Instituut te Utrecht (2009) 83-108.

[24] Nhưng linh mục hãy kín đáo và cẩn thận, theo cách của một thầy thuốc lão luyện, rưới rượu và dầu lên những vết thương đã lành, siêng năng tìm hiểu hoàn cảnh và tội lỗi của tội nhân, để qua đó ngài có thể khôn ngoan hiểu được nên đưa ra lời khuyên gì cho người đó, và áp dụng loại phương thuốc nào, sử dụng những thử nghiệm khác nhau để chữa lành người bệnh. Denz. 813

[25] Và mặc dù việc xá tội của linh mục là một sự miễn trừ ân huệ của một người xa lạ, nhưng nó không chỉ là một thừa tác vụ trần trụi, hoặc loan báo Tin Mừng hoặc tuyên bố rằng tội đã được tha: nhưng giống như một hành vi tư pháp, qua đó một bản án được tuyên bố. bởi anh ta như thể bởi một thẩm phán. D. 1685 Trent sessio 14, c. 6, cf. canon 9; cf. ch. 2, Denz. 1671.

[26] Họ hãy nhớ rằng sự thỏa mãn mà họ áp đặt không chỉ để bảo vệ cuộc sống mới và liều thuốc cho sự yếu đuối, mà còn để bù lại và trừng phạt những tội lỗi trong quá khứ. Denz. 1692.

[27] ScG IV, 21.

[28] Bây giờ, nguyên nhân thứ ba, vốn coi tội phạm đến Chúa Thánh Thần một cách đúng đắn, được rút ra khỏi đối tượng của nó: bởi vì tội chống lại Chúa Thánh Thần là từ việc ý chí đẩy lùi khỏi chính nó những gì nhờ đó có thể thực hiện được sự tha tội. Vì vậy, như thể một căn bệnh được cho là không thể chữa khỏi, khiến người ta xấu hổ về y học; Vì vậy, một tội lỗi cũng được cho là không thể tha thứ khi hành động từ chối trực tiếp thuốc tâm linh: tuy nhiên, cũng giống như căn bệnh thể xác đó có thể được chữa khỏi một cách kỳ diệu nhờ sức mạnh thần thánh; dù vậy, tội lỗi loại này cũng có thể được tha thứ một cách kỳ diệu nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Scriptum II, d. 43, q. 1, a. 4c.

[29] Điều thứ ba Thiên Chúa muốn nơi chúng ta là con người được khôi phục lại trạng thái và phẩm giá mà trong đó họ được tạo dựng thành con người đầu tiên; đến mức tinh thần và tâm hồn không cảm thấy bị đối lập bởi xác thịt và nhục dục. Bao lâu linh hồn còn phục tùng Thiên Chúa thì xác thịt còn phục tùng tinh thần đến mức nó không cảm thấy sự hư hoại của cái chết, bệnh tật hay những đau khổ khác; nhưng vì tinh thần và linh hồn, vốn là trung gian giữa Thiên Chúa và xác thịt, nổi loạn chống lại Thiên Chúa qua tội lỗi, nên thể xác nổi loạn chống lại linh hồn, và rồi nó bắt đầu cảm thấy cái chết và bệnh tật, cũng như sự nổi loạn liên tục của nhục dục chống lại cái chết. tinh thần. Rm. 7, 23: Tôi thấy trong các chi thể của mình một luật khác, trái ngược với luật của tâm trí tôi; và Gl 5,17: xác thịt ham muốn chống lại tinh thần, nhưng tinh thần chống lại xác thịt. Do đó, luôn có sự xung đột giữa xác thịt và tinh thần, và con người liên tục sa đọa vì tội lỗi. Vì vậy, ý muốn của Thiên Chúa là con người phải được khôi phục lại trạng thái ban đầu, tức là không có gì trong xác thịt có thể trái ngược với tinh thần: 1 Tx 4, 3: đây là ý muốn của Thiên Chúa, sự thánh hóa của bạn. ExpDom 3.

[30] Nhưng con người bị cám dỗ bởi chính xác thịt của mình, bởi ma quỷ và bởi thế gian. Từ xác thịt theo hai cách. Trước hết, vì xác thịt xu hướng làm điều ác: vì xác thịt luôn tìm kiếm những thú vui riêng, nghĩa là xác thịt, trong đó thường có tội lỗi. Vì kẻ sống theo thú vui xác thịt thì bỏ bê những điều thuộc tinh thần Gc1, 14: mỗi người bị cám dỗ bởi dục vọng riêng của mình. Thứ hai, xác thịt cám dỗ bằng cách rút lui khỏi điều tốt. Bởi vì tinh thần, xét về bản thân nó, sẽ luôn thích thú với những điều tốt đẹp về tinh thần; nhưng gánh nặng của xác thịt làm cản trở tinh thần. Kn 9, 15: thân xác bị trái tim tan nát đè nặng tâm hồn. Rm 7, 22: Tôi yêu mến luật Chúa theo con người nội tâm; nhưng tôi thấy một luật khác trong các chi thể của tôi, trái ngược với luật của tâm trí tôi, và trói buộc tôi vào luật của tội lỗi, là luật ở trong các chi thể tôi. Nhưng sự cám dỗ này, tức là xác thịt, rất nghiêm trọng, bởi vì kẻ thù của chúng ta, tức là xác thịt, đã liên kết với chúng ta: và, như Boethius nói, không có loài gây hại nào có hiệu quả làm hại chúng ta hơn kẻ thù quen thuộc. Và do đó chúng ta phải đề phòng nó. Mt 26, 41: hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. ExpDom 6.

[31] Vì anh ta, giống như một chỉ huy giỏi của một đội quân bao vây pháo đài, coi điểm yếu của người mà anh ta muốn tấn công, và từ phía nào người đó yếu hơn, anh ta cám dỗ anh ta. Và do đó, anh ta cố gắng giải quyết những tệ nạn mà con người dễ bị xác thịt chà đạp hơn, chẳng hạn như giận dữ, mê tín và các tệ nạn tinh thần khác. 1 Pr 5, 8: Ma quỷ, kẻ thù của bạn, giống như sư tử rống, rảo quanh tìm kiếm người nào nó có thể nuốt chửng. Nhưng ma quỷ làm hai việc khi nó cám dỗ: bởi vì nó không đề nghị ngay với người nó cám dỗ, một điều gì đó bề ngoài xấu xa, mà là một điều gì đó có vẻ ngoài tốt lành, để ít nhất ngay từ đầu bằng cách này, nó có thể loại bỏ người đó một không liên quan nhiều đến mục đích chính của anh ta, bởi vì sau đó ma quỷ dễ dàng dẫn anh ta vào tội lỗi hơn khi hoặc khi anh ta quay lưng lại với chính mình. 2 Cr 11,14: Chính Satan tự biến mình thành thiên thần ánh sáng. Sau đó, sau khi đã dẫn anh ta phạm tội, hắn trói buộc anh ta theo cách không cho phép anh ta đứng dậy khỏi tội lỗi. Giop 40, 12: Dây thần kinh của anh ấy bị rối loạn. Như vậy, ma quỷ làm hai việc: vì nó lừa dối và giam giữ những người bị lừa dối trong tội lỗi. Ibid.

[32] Nhưng thế gian cám dỗ theo hai cách. Thứ nhất, do ham muốn quá mức và quá mức về những thứ tạm bợ. Apostolus, I Tim. VI, 10: gốc rễ của mọi tội ác là ham muốn. Thứ hai, bằng cách khủng bố những kẻ bách hại và bạo chúa. Iob XXXVII, 19: chúng ta cũng bị bao phủ trong bóng tối. II Tim. III, 12 tất cả những ai muốn sống đạo đức trong Chúa Giêsu Kitô sẽ phải chịu đựng sự bắt bớ. Matth. X, 28: đừng sợ kẻ giết thân xác. ExpDom 6.

[33] E.g. 2 Cor 10,2-3: en sarki over and against kata sarka, in the flesh refers to the common human condition; according to the flesh refers to taking that condition as norm.

[34] ST IIa-IIae, q. 101, a. 1, co.

[35] I have developed this theme in The Retrieval of Grace, in P.C. beentjes (ed.), The Catholic Church and Modernity in Europe (Tilburg Theological Studies, 3), Wien, Lit-Verlag, 2009, 77-89.

[36] Hãy dạy con về điều thiện hảo, tính kỷ luật và kiến ​​thức. Và đây là kiến ​​thức giúp con người sống tốt, mà Chúa Thánh Thần đã dạy chúng ta. ExpDom 3.

[37] Vì vậy, Chúa Thánh Thần dạy điều này qua ân sủng hiểu biết, để chúng ta không làm theo ý mình mà làm theo ý Thiên Chúa. Ibid.

[38] Và do đó, ngài không nói, chúng ta hãy làm điều đó, kẻo người ta thấy rằng ân sủng của Thiên Chúa đã không làm gì cả; ngài cũng không nói rằng ý chí và nỗ lực của chúng ta không làm được gì cả; nhưng ngài nói, hãy để việc đó được thực hiện nhờ ân sủng của Chúa, bằng sự siêng năng và nỗ lực của chúng ta.Ibid.

[39] Chuyện thường xảy ra là một người có kiến ​​thức và trí tuệ tuyệt vời lại trở nên rụt rè. ExpDom 4.

[40] Và đây là sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho, để tâm hồn con người không thất vọng vì sợ hãi những điều cần thiết, nhưng tin chắc rằng tất cả những gì cần thiết cho con người đều được Thiên Chúa cung cấp cho họ. Và do đó, Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh này, dạy chúng ta cầu xin Thiên Chúa: xin ban cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Ibid.

[41] Một số được cho là có trí tuệ và lòng dũng cảm tuyệt vời; và vì quá tự tin vào năng lực của mình nên họ không hành động khôn ngoan trong việc mình làm, cũng như không thực hiện được những gì mình định hoàn thành. Cn. XX, 18: tư tưởng được củng cố nhờ biết lo liệu. ExpDom 5.

​[Trích Thường huấn Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam – Số 2, 2024, tr. 24-49]

Previous articleTôi sẽ làm gì với cuộc đời mình?
Next articleThánh Tôma Bàn Về Giảng Thuyết