Chuyện ruồi bu

51

Chuyện ruồi bu

Ruồi đậu trên phân, rác rưởi, cống rãnh, rồi đậu vào thực thẩm. Bạn dám ăn món đó không? Một khảo sát ở Mỹ cho thấy 61% người dám ăn thực phẩm dù ruồi đã bu, nhưng chỉ có 3% dám ăn thực phẩm có gián bò vào.

Khảo sát này do Orkin, một công ty chuyên diệt côn trùng ở Mỹ thực hiện. Nhà côn trùng học của công ty, tiến sĩ R. Harrison còn cho biết, nhiều chủ nhà hàng (ở Mỹ) không biết rằng, ruồi nhà mang theo mầm bệnh nhiều hơn, và bẩn thỉu gấp đôi con gián.

Ruồi có lưỡi – ói ra liếm lại

Có rất nhiều loại ruồi. Trong bài này chỉ đề cập tới ruồi nhà (Musca domestica – house flies), loại ruồi chúng ta thường gặp, bay vo ve trong nhà hay ở quán ăn.

Ruồi không có răng, cũng chẳng có vòi hút, khỏi lo bị ruồi chích như muỗi. Chúng chỉ dùng miệng để hút thực ăn dạng lỏng. Nếu gặp thức ăn cứng, ruồi “nhổ” nước miếng, trong đó chứa những enzyme làm mềm và tan một phần thực phẩm, sau đó mới xơi được. Có khi ruồi lượn qua lượn lại bên món ăn, ói ra liếm lại (ruồi có lưỡi).

Thực phẩm của ruồi là gì? Nói ra thấy ớn lạnh: đờm dãi, phân máu, thức ăn thừa, ôi thiu, mắm thối, cá ươn, mùi tanh của cá. Mà không chỉ mùi tanh mới hấp dẫn ruồi, rơm rạ ẩm ướt, bã mía lên men, thịt thà dầu mỡ đang trong quá trình phân hủy, hôi thối là ruồi bu.

Khỏi cần cảnh báo, ai cũng biết thức ăn (của ruồi) tởm như thế chứa đầy mầm bệnh, cụ thể là các vi khuẩn salmonella, staphylococcus, E.coli and shigella,..có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn,…

Mầm bệnh dính vào thân và chân ruồi, và cả thức ăn mà ruồi ói ra, lượn lờ đậu vào thức ăn của người, và truyền mầm bệnh vào đó.

Rất nhiều người trong chúng ta, kể cả Tây cả Mỹ, ruồi bay thì kệ ruồi bay, phủi tay đuổi ruồi ăn tiếp. Vẫn thế từ bao lâu nay mà, có thấy chết chóc gì đâu.

Ruồi trong chai nước ngọt có hại?

Thế còn con ruồi trong chai nước ngọt? Chuyện nhỏ! Mấy vụ này mấy hãng nước ngọt có máu mặt trên thế giới thỉnh thoảng cũng bị dính, mà không chỉ ruồi, mà cả bọ chét, gián,.. đủ loại côn trùng cũng có thể rơi vào chai nước ngọt. Thường thì họ dàn xếp với khách hàng cho êm. Nếu có ra tòa, thì chỉ bị cáo buộc, con ruồi trong chai đã làm họ tổn thương về tâm lý, ớn lạnh, ăn gì nghĩ tới con ruồi đều nôn ọe,…

Uống nước ngọt có ruồi có nguy hiểm bệnh tật gì không? Không. Ruồi mang mầm bệnh, nhưng chẳng có vi khuẩn nào có thể chịu nổi độ ngọt và khí carbonic như vậy, sẽ bị áp suất thẩm thấu bóp chết ngắc. Côn trùng trong thực phẩm được xem là “tai nạn nghề nghiệp” ngoài ý muốn trong an toàn thực phẩm.

Ruồi đô thị và ruồi nhà quê theo nhiều báo chí nước ngoài, có khác nhau khi tải mầm bệnh. Lý do là ở đô thị vệ sinh tốt hơn, thùng rác đậy nắp. Nhưng nhận xét này chắc chỉ đúng ở Tây ở Mỹ, chứ vào các chợ ở Sài Gòn hay Hà Nội không có giá trị.

Mắm có giòi

Chuyện nữa là mắm có giòi. Giòi là thức phẩm bổ béo giàu đạm, nhưng giòi lại là con cái của ruồi. Cha mẹ của giòi đậu bám vào những chỗ dơ dáy, tanh tưởi, hôi thối, rồi sanh ra giòi (nở từ trứng), nên giòi mang tiếng xấu.

Khẳng định ăn mắm có giòi sẽ mắc bệnh thì cũng hơi khó, vì thiếu bằng chứng. Vi khuẩn gây bệnh dễ gì sống nổi với độ mặn của mắm.

Nhưng chắc chắn, mắm ngon không phải là do giòi, mà do lúc làm mắm đậy nắp không kỹ, ruồi bu thì giòi lúc nhúc. Nếu quy trình làm mắm vệ sinh cẩn thận từ khâu nguyên nguyên liệu đến ủ chượp thì mắm sẽ không giòi, người dùng yên tâm hơn

Ruồi sợ cá khô?

Một chuyện ngược đời khác, chắc chỉ có ở Việt Nam. Đó là ruồi không chịu bu vào cá khô.

Ruồi khoái mùi tanh, mùi ươn. Cá có mùi ươn mùi tanh là ruồi bu. Làm khô cá là phải làm từ cá tươi, mới không có mùi tanh. Cá càng có mùi tanh thì ruồi càng bu. Rửa cá không sạch, máu nhớt lòng thòng, ruồi cũng bu . Phơi cá, trời nắng gắt ruồi ít bu, nắng dịu ruồi bu nhiều,…

Một số người làm khô cá đã dùng chất Trichlorfon, một loại thuốc diệt côn trùng dạng organophosphate (chứ không phải là thuốc bảo quản), cho vào lúc làm khô cá để ruồi khỏi bu.

Thuốc này có thể diệt rệp, dế, bọ chét, gián, ruồi,…. Ăn uống hít thở chất này, thậm chí tiếp xúc qua da cũng gây hại. Dù trichlorfon và các loại organophosphate được xếp loại chất độc trung bình, FDA Mỹ xếp độc loại II, nhưng nó thuộc diện nghi ngờ gây ung thư, gây độc cho hệ thần kinh, cho hệ miễn nhiễm, hệ sinh dục, hệ tiêu hóa, gan ruột.

Chất trichlorfon không được phép dùng trong thực phẩm, ngay cả trong nuôi trồng thủy sản, người ta cũng không cho dùng.

Dù sao vẫn có rủi ro

Thực phẩm ruồi bu vẫn được ăn vô tư, nhưng không phải là không có rủi ro. Nhưng nếu thấy ruồi đậu trên đống phân, xác chuột,.. rồi đậu vào thực phẩm thì chắc ai cũng bỏ của chạy lấy người. Thiên hạ “đánh giá cao” sự bẩn thỉu vô hình này hơn ngán sợ mầm bệnh.

Dù sao, ngăn chặn không để ruồi bu, và nếu chặt gốc, nghĩa là không tạo điều kiện cho ruồi sinh sản, phát triển vẫn là giải pháp tốt nhất.

Nói “Không” hay nói “Được”?

Vậy rốt cuộc có nên ăn thực phẩm đã bị ruồi bu? Câu hỏi này làm đau đầu các chuyên gia về an toàn thực phẩm trên thế giới. Nói “Không” hay nói “Được”?

Nói “Không”, nhưng thực tế là nhiều người vẫn ăn như thế mà có sao đâu. Chưa có một nghiên cứu nào, hay thống kê nào chỉ rõ ăn thực phẩm ruồi bu mà bị bệnh.

Nói “Được”, thì phạm húy an toàn thực phẩm, dễ bị quy chụp là xúi dại.

Thà nói Không, chẳng ai để ý (dù không ai bị tiêu chảy), nhưng nếu nói Được, dễ bị ném đá như chơi.

Thực tế là nguồn lây nhiễm mang vi khuẩn gì, mức độ gây hại nhiều hay ít, ruồi truyền vi khuẩn vào thức ăn, nhưng phải có thời gian vi khuẩn mới phát triển về số lượng đủ để gây bệnh. Nhưng cũng còn tùy loại thực phẩm. Đĩa thịt beefsteak để ngoài cho ruồi bu vài giờ đồng hồ khác với hũ mắm ruồi bu.

Tiến thoái lưỡng nan như thế, nên các chuyên gia, nếu được hỏi chuyện ruồi bu có an toàn không lại thường nói lảng qua chuyện phòng ngừa ruồi bu: đậy đồ ăn khi chưa dùng đến, lau sạch thực phẩm nếu đổ ra ngoài, thùng rác phải có nắp đậy, và tốt hơn cửa nhà có lưới.

Giả dụ nếu nói “Được”, tôi sẽ có cảm giác nhẹ nhõm hơn, nhưng lại mắc vạ miệng. Đúng là chuyện ruồi bu!

Vũ Thế Thành

Previous articleVấn Nạn Đi Lễ Check-in
Next articleĐời người điều tối kỵ nhất là quá tròn đầy.