“CHÀNG MŨ ĐỎ” HÁT TRONG MƯA
Ai nào đó bằng cách nào đó xem “Đêm diễn nguyện mừng Kim Khánh giáo phận Buôn Ma Thuột” tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Buôn Ma Thuột chắc có lẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Các tiết mục của anh chị em dân tộc thiểu số đến các tiết mục của anh chị em vùng sâu vùng xa đã đưa mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhưng có lẽ ngạc nhiên nhất vẫn là tiết mục của “anh chàng mũ đỏ” thân thương của Giáo Phận.
Hết sức bình dị và dễ thương và thậm chí có thể nói là chân chất nét đẹp của người dân Phú Yên đã làm cho chương trình đêm hôm nay đã đẹp lại đẹp thêm. Đơn giản là ở góc độ, ở vị trí của một người có thể nói là ở trên cao và được nghinh đón ở vị trí hàng đầu nhưng “anh chàng mũ đỏ” tên Bản đã rời khỏi chiếc ghế vinh dự dành cho mình và chàng đã lên khán đài để cầm micro và cùng mời mọi người hát lên tâm tình vui tươi phấn khởi gói ghém cả thao thức, tấm lòng của người mục tử : “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời …”.
Vâng ! Buôn Ma Thuột trải qua 50 hình thành và phát triển phải nói rằng đã để lại những dấu ấn, những điểm son thật tuyệt vời.
Khi các vị cha chung già nua tuổi tác bệnh tật của giáo phận ra đi, mọi người thao thức sao cho giáo phận của mình cứ tiếp tục trên đà thăng tiếng. Tưởng chưng ai nào đó trong giáo phận nhưng rồi Chúa lại gửi đến anh chàng có nước da bánh mật, cao to đến lạ thường. Đứng trong hàng giám mục Việt Nam, mọi người không phải mất công lắm để tìm ra “chàng mũ đỏ” hát trong mưa ấy bởi lẽ chàng cao và đen nhất trong hàng mũ đỏ.
Có lẽ ai nào đó sẽ ngạc nhiên khi “anh chàng mũ đỏ” lại hát trong mưa nhưng nếu như đã tiếp xúc với “chàng mũ đỏ”da ngăm đó lại không lạ. Bởi lẽ, cung cách sống của “chàng” bình dị đến khó ngờ. Nhiều Thánh Lễ, hội nghị, gặp gỡ … mọi người đều nhận ra được một tấm chân tình của vị mục tử của một giáo phận truyền giáo và có nhiều anh chị em dân tộc thiểu số.
Ước ao cũng như ưu tư khi về với Buôn Ma Thuột, “chàng mũ đỏ da ngăm” Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản nhắm đến việc dưỡng giáo và truyền giáo. Thao thức của chàng thấy rõ nơi việc thiếu nhân sự nên việc chăm sóc đức tin cho anh chị em sau khi rửa tội chưa được đầy đủ. Chàng thao thức có nhiều người đồng hành để anh chị em có thể thanh luyện một số phong tục, tập quán theo tinh thần của Tin Mừng và thích hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Trong mỗi giáo xứ đều có ban Loan Báo Tin Mừng. Chính vì vậy, chàng đang cố gắng giúp anh chị em có khả năng tinh thần sống Lời Chúa và làm chứng giữa anh chị em dân tộc.
50 năm một chặng đường nhìn lại, chắc có lẽ thao thức của một cuộc đời với nhiều tâm trạng khác nhau để rồi “chàng mũ đỏ” không ngần ngại hát trong mưa : “Hành trang con mang theo đầy đau buồn của thế giới. Hành trang con mang theo trào căm hờn của dân nghèo. Về đây xin dâng Cha trong lo âu. Ðưa hai tay muốn chung xây thế giới mới Hành trang con mang theo là Tin Mừng cho thế giới. Hành trang con mang theo là khắc khoải của tâm hồn. Về đây xin dâng Cha bao hăng say, đưa hai tay muốn tung gieo ánh sáng mới …”
Có lẽ đây chính là tâm tình mà “chàng mũ đỏ da ngăm” gói ghém cũng như gửi đến như bức tâm thư cho mỗi gia đình, mỗi linh mục, mỗi tu sĩ và mỗi kitô hữu trong giáo phận nhà. Và, ước ao khi về với Buôn Ma Thuột, “chàng mũ đỏ da ngăm” Tuy Hòa Phú Yên luôn hăng say và đưa tay tung gieo ánh sáng mới cho mọi người.
Nguyện chúc giáo phận Buôn Ma Thuột sau biến cố mừng kỷ niệm Kim Khánh Giáo Phận sẽ ngày càng phát triển như lòng Chúa mong muốn.
Tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận một “chàng mũ đỏ da ngăm” để rồi cuộc đời của chàng ngày mỗi ngày thấm đẫm tinh thần truyền giáo để Giáo Phận ngày càng phát triển hơn nữa về mọi mặt sau dấu ấn Năm Mươi.
“Ngăm ngăm da trâu – nhìn lâu mới thấy đẹp” – Quả thế ! “chàng mũ đỏ” thân thương của Buôn Ma Thuột chúng ta sở hữu nước da ngăm ngăm nếu như nhìn thoáng qua sẽ chẳng thấy cái đẹp. Chỉ khi nào nhìn lâu, nhìn thấu và nhìn thật kỹ mới nhận ra được nơi con người đó, nơi vị mục tử thân thương của cả giáo phận vùng Cao một tấm lòng đơn sơ đến lạ thường.
Nguyện xin Chúa thương ban thêm sức cho “chàng mũ đỏ da ngăm” để chàng cứ mãi hát và hát mãi tình Chúa – tình người nơi mảnh đất vùng Cao.