SẺ CHIA VÀ …

141

SẺ CHIA VÀ …

          Câu chuyện khá hấp dẫn trong cuộc đời của Elia mà có lẽ nhắc đến thì mọi người sẽ nhớ ra lòng quảng đại của bà góa : Thời Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do Thái để phạt vua tôi của nước này, vị ngôn sứ được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarepta. Ở đó, Êlia gặp một phụ nữ đầy lòng tin cậy vào lời hứa của Chúa. Bà đã dâng chút bột và dầu ít ỏi làm bánh nuôi ngôn sứ. Lương thực còn lại để nuôi sống gia đình, bà đã giúp Êlia. Bà góa có tấm lòng quảng đại nên Chúa đã chúc phúc cho bà: “Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Êlia mà phán”.

          Và một câu chuyện khác nữa trong Cựu Ước cũng để lại dấu ấn cho nhiều người : Bà Sara, vợ ông Abraham đã gần 100 tuổi mà chưa có con. Ngày kia thình lình có ba người khách đi ngang lều của ông bà, ông Abraham vui vẻ đón ba người khách vào nhà rồi giết chiên, còn bà Sara thì lấy ba đấu bột làm bánh đãi khách. Vợ chồng này chỉ tỏ lòng trắc ẩn tình người đối với khách lỡ đường, ai ngờ đâu khách đã chúc lành cho bà Sara sinh con trai, đặt tên là Isaac, Isaac sinh ra Giacop, rồi sinh ra 12 người con làm nên dân tộc Do Thái. Từ dân tộc này, Đấng Cứu Thế xuất hiện, cũng thuộc dòng giống của tổ phụ Abraham và Sara. Bây giờ ông Abraham và bà Sara ở trên trời mới nhận ra giá trị hiệu quả tuyệt vời chương trình cứu độ loài người của Thiên Chúa đã khai mở từ hành động của bà Sara lấy ba đấu bột làm bánh đãi khách.

          Qua hai câu chuyện của Cựu Ước làm cho ta suy nghĩ và ta nhận ra rằng tấm lòng của bà góa Sarepta và của vợ chồng Abraham đã được đáp lại với kết quả không ngờ.

Bà góa Sarepta quảng đại nên được trả lại sự quảng đại bằng kết quả là bà được cứu sống trước nạn đói. Đó là kết quả của của ăn nhưng với vợ chồng Abraham thì lại hơn vật chất, hơn của ăn đó chính là ơn cứu độ được khai mở khi Đấng Cứu Thế xuất hiện thuộc dòng giống của tổ phụ Abraham.

Đấng Cứu Thế đến cứu độ trần gian, tế lễ cuộc đời của mình bằng chính thân xác mình, bằng tấm lòng quảng đại và vâng phục và bằng lòng chết trên cây thập tự như thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Philipphê.

Ngày xưa, con người tế lễ lên Thiên Chúa bằng lễ phẩm là máu chiên bò, là máu con vật nhưng đến thời Chúa Giêsu, Chúa Giêsu hiến tế bằng máu của mình. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã từ trời xuống thế, như lời Thánh vịnh: “Máu chiên bò, Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu, Chúa không nhận. Thì này con đến để làm theo ý Cha”. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu vui lòng chịu chết, chết nhục nhã trên cây Thánh giá: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Những xin đừng làm theo ý Con, chỉ xin vâng ý Cha mà thôi”.

Chính nhờ máu của Chúa Giêsu, ơn cứu độ dẫy tràn trên nhân loại.

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rất nhẹ nhàng : Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Cho đi với danh nghĩa là môn đệ Thầy. Người môn đệ của Chúa cho đi và cho đi tất cả và thậm chí cho đi cả đời mình. Cách tốt nhất của cách cho đi của người môn đệ là cho bằng cả tấm lòng, cho âm thầm, cho không ai biết và cho đi một cách vô vị lợi.

Như bà góa Sarepta cho đi cả tấm lòng, như Abraham cho một cách nhanh nhẹn không so đo không tính toán để rồi được phần thưởng không ngờ.

Ngày hôm nay, Chúa mời gọi ta và ta cũng nên chăng nên nhớ ngày phán xét chung. Chắc có lẽ Chúa không hỏi ta có bao nhiêu cái bằng cấp, bao nhiêu cái nhà lầu, bao nhiêu cái xe hơi nhưng Chúa hỏi ta về tấm lòng.

Mỗi người một cách trong vườn hoa nhà Chúa, có những vị thánh hiển tu, ẩn tu, tử đạo … dẫu rằng ở mỗi môi trường, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng có một mẫu số chung đó chính là cho đi và cho đi cả cuộc đời của mình. Hiển tu, ẩn tu, tử đạo … có thể gọi là khó nhưng về lòng bác ái chắc có lẽ không khó để ta trở nên chứng nhân của Chúa giữa cuộc đời này.

Một Têrêsa Calcutta đã cho đi, cho đi không chỉ là một ly nước lã mà cho đi cả đời mình cho người nghèo và rồi Mẹ trở nên biểu tượng lòng thương xót Chúa giữa cuộc đời.

Cách đây không lâu, một tu sĩ linh mục dòng Vinh Sơn là Cha Augustino Nguyễn Viết Chung về nhà Cha. Nét đẹp đời mục tử của Cha Chung không phải ở bằng cấp bác sĩ hay bề trên Nhà, bề trên đào tạo nhưng điểm son đời của Cha Chung ghi lại đó là tấm lòng. Không cần phải nói nhiều, mọi người đều thấy Cha Chung đã cho đi, cho đi cả cuộc đời của mình với bệnh nhân sida, với anh chị em dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Và, có lẽ nói ra, ít ai để ý nhưng đó chính là một sự thật không thể chối cãi nơi cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta đang sống giữa chúng ta và cung cách sống của một vị Giáo Hoàng khá nổi trội ở tấm lòng. Nếu như một Gioan Phaolô 2 sáng chói về cảm nghiệm cũng như chứng nhân Lòng Thương Xót bằng cách tha thứ cho người ám sát mình và nếu như một Benedicto sáng chói về học thức, về trình độ thần học tín lý thì ta lại thấy nơi Phanxicô về cung cách sống nghèo. Đức Phanxicô sống cho người nghèo, trong người nghèo và với người nghèo.

Từ thứ hai, 10/04/2017, “nhà giặt của Đức Giáo hoàng Phanxicô” sẽ bắt đầu hoạt động.

Đây là dịch vụ miễn phí dành cho người nghèo, đặc biệt là cho những người không có chỗ định cư; họ có thể giặt giũ, sấy khô và ủi quần áo và chăn màn của họ.

Sáng kiến này nảy sinh từ lời mời gọi thực hành cụ thể kinh nghiệm ân sủng của Năm Thánh Lòng thương xót của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài đã viết trong tông thư Lòng thương xót và người sầu khổ vào dịp kết thúc Năm Thánh: “Muốn đến gần Chúa Kitô đòi hỏi phải đến gần với các anh chị em, bởi vì không có gì được Chúa Cha yêu thích hơn là một dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót. Bởi bản chất, lòng thương xót trở nên hữu hình và rõ ràng trong hành động cụ thể và năng động”), như vậy, “đó là lúc cung cấp chỗ cho trí tưởng tượng của lòng thương xót tạo ra nhiều hoạt động mới, hoa trái của ân sủng”.

Do đó, sở từ thiện Tòa thánh muốn có một nơi chốn và một dịch vụ để cụ thể hòa lòng bác ái và công việc của lòng thương xót để khôi phục phẩm giá cho nhiều người, là các anh chị em của chúng ta, những người được mời gọi cùng chúng ta xây dựng một “thành phố đáng tin cậy”.

Nhà giặt ủi này được đặt ở “trung tâm con người hòa bình” của cộng đồng thánh Egidio, nằm cạnh bệnh viện thánh Gallicano cũ, ở đường Via San Gallicano, số 25. Cộng đoàn thánh Egidio sẽ điều hành “Nhà giặt ủi của Đức Giáo hoàng” cùng với các dịch vụ tiếp đón và hỗ trợ cho người nghèo nhất, đã hoạt động từ hơn 10 năm nay. Trong những tháng tới, sẽ có thêm nơi tắm rửa, cắt tóc, sửa quần áo, phòng khám y tế và phân phát các nhu yếu phẩm.

Tại nhà giặt này có 6 máy giặt và 6 máy sấy với các bàn ủi. Các máy này đều do công ty đa quốc gia Whirlpool tài trợ.

Và mới đây, Đức Phanxicô tặng máy giặt cho người vô gia cư ở vùng Ostia.

Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di cư và tị nạn.

Tấm lòng của Đức Thánh Cha Phanxicô là như vậy, còn chúng ta, chúng ta sẽ hành xử như thế nào về chuyện cho đi.

Thật vui và hạnh phúc khi đi đường, ta vẫn thấy những bình nước miễn phí, tủ bánh mì miễn phí, tủ quần áo miễn phí và những cổ quan tài miễn phí cho người nghèo.

Lời mời gọi cho đi hôm nay được đánh động lòng ta. Xin Chúa thêm ơn cho ta để ta biết cho đi như Chúa mời gọi.

Nói tới đây, tôi lại nhớ tâm tình hết sức dễ thương của linh mục nhạc sĩ Tiến Lộc :

Chia cho anh, cho em niềm vui
Niềm vui lớn mãi cho cuộc đời.
Cho anh, cho em niềm vui
Niềm vui lớn, có Chúa trong tôi!
Chia cho anh cho em niềm vui
Niềm vui ấy giúp xây dựng đời.
Yêu thương với công bình muôn nơi
Còn đâu nữa, chính đây nước trời! …

(https://www.youtube.com/watch?v=as312s3kweY)

 

Previous article“CHÀNG MŨ ĐỎ” HÁT TRONG MƯA
Next articleHIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG