HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

224

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Thời nào cũng vậy, cũng có những vấn đề trong cuộc sống, trong xã hội. Hẳn nhiên ngày xưa vẫn xảy ra bạo lực nhưng hình như ngày nay chỉ cần mở mắt ra là thấy bạo lực. Có khi ngay trong gia đình. Chính khi người ta nại vào quyền lực để áp bức người nhà thì đã làm hỏng đi mối tương quan và nhất là đánh mất đi cái tình người với nhau.

Hành xử, có người chọn cho mình cách hành xử có tình có lý, êm ái và nhẹ nhàng nhưng rồi cũng có những người hành xử thái quá. Có khi là ầm ầm bằng vũ lực nhưng có khi lại nhìn bên ngoài ấm êm nhưng có một làn sóng ngầm bên dưới đang phá nát gia đình.

Con người, nhìn thấy cũng buồn cười. Cuối cùng cũng chỉ là hư vô, chỉ là cát bụi nhưng lại hành xử với nhau không như cách hành xử của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Ngày còn bé, thi thoảng trong họ đạo có Thánh Lễ an táng mà dường như Lễ nào cũng vậy, ca đoàn cứ chọn cái bài Đấng từ bi của Viết Chung.

          Lời bài hát như thế này : Chúa là đấng từ bi nhân ái. Không chấp nhất mà chỉ có xót thương. Linh hồn tôi toàn thân tôi xin ca tụng Chúa. Ðến muôn đời nào dám quên muôn ân huệ của người. Chúa tha thứ mọi tội khiên do ta lầm lỡ. Chữa cho khỏi mọi vết thương cho ai người tật nguyền. Chúa giải cứu mọi tai ương cho ta được sống. Chúa phân xử thật chí công cho những kẻ bần cùng …

          Chắc có lẽ ca trưởng cảm, thấu được lòng thương xót của Chúa để hát thay cho người đã khuất : Chúa là đấng từ bi nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương.

          Đúng như vậy ! Hình ảnh của một Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường, từ bi nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương đã hiện lên từ những ngày đầu khi tạo thành trời đất vũ trụ và con người.

          Khi con người là ông bà nguyên tổ đánh mất tình yêu của Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng giận nhưng thương nhiều hơn giận. Và rồi, trải dài dòng chảy lịch sử cứu độ, ta lại thấy thấp thoáng một Thiên Chúa từ bi.

          Khi dân phản loạn đúc bò vàng và bị rắn cắn chết thì Thiên Chúa lại ra tay cứu dân bằng con rắn đồng qua sự chỉ dạy cho Môsê. Rắn đồng đó chính là hình ảnh của Đấng Cứu Độ trần gian bị con người treo lên cùng với hai tên trộm cướp.

          Đấng cứu độ trần gian được phác họa qua cuộc đời đau khổ của các ngôn sứ. Dẫu đau khổ nhưng Đấng cứu độ trần gian vẫn vâng phục Thiên Chúa Cha và bằng lòng chịu chết trên thập giá. Hình ảnh rõ nét vị ngôn sứ của giao ước mới đó được thể hiện qua Isaia : Người Tôi Trung của Thiên Chúa.

          Đức Giêsu như người Tôi Trung trong Cựu Ước mà tiên tri Isaia đã loan báo. Những đặc tính để nhận ra Ngài là: hiền lành và khiêm nhường, không cãi vã, không la lối. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói :”Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo” (Isaia 42,1-4).          Nếu theo ngôn sứ Isaia, người tôi trung là người không cưỡng lại, không tháo lui, chấp nhận bị đánh đòn, bị giật râu, bị phỉ nhổ thì Đức Giêsu hoàn toàn xứng đáng là tôi trung.

Ngôn sứ Isaia giới thiệu cho ta về hình ảnh một người tôi tớ trung thành của Giavê là người biết lựa lời nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức, biết lắng lắng nghe như một người môn đệ, sẵn sàng để Đức Chúa mở tai, không cưỡng lại, không tháo lui, chấp nhận bị đánh đòn, giơ má cho kẻ giật râu, không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, thì Đức Giêsu hoàn toàn xứng đáng là người tôi trung tuyệt vời ấy.

Ngày hôm nay, người tôi trung của Thiên Chúa dạy ta bài học mà Ngài đã sống : “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng”

Bài học xem ra cũ nhưng vẫn có giá trị và càng có giá trị trong thời đại hôm nay.

Trong xã hội ngày nay, người ta thường cho rằng những người không biết tranh giành lợi ích, địa vị, tiền tài vật chất thì là người ngốc, si đần. Nhưng người xưa tin rằng, những thứ mà con người đạt được trong đời này là do phúc báo của họ mà có, tranh giành chỉ làm tổn hại đến người khác và tổn đức của bản thân mà thôi.  Một khi tấm lòng rộng mở hơn thì bạn bè phú quý cũng sẽ nhiều hơn!

Tâm nhàn là phúc khí tốt nhất của đời người. Người không tranh sẽ tự nhiên ung dung, thản đãng. Người không so đo, tính toán sẽ thường tự nhiên mà vui vẻ, khoái hoạt.

Chúng ta từng so đo rồi nhận được sự trả giá, đến cuối cùng mới hiểu được rằng hết thảy những gì đến rồi cũng sẽ đi, chỉ có thể  lưu lại một khoảng không hư danh mà thôi! Cho nên, so đo, tính toán, tranh giành để làm gì?

          Người khiêm nhường sâu thẳm chịu phần thiệt hai cho mình cách riêng về mặt thanh danh tiếng tốt để nhường cho người khác.

Thiền sư Hakuin được những người chung quanh ca tụng là người sống trong sạch. Một gia đình người Nhật ở gần đó, có một cô con gái xinh đẹp. Bất ngờ, một hôm cha mẹ cô gái khám phá ra cô có thai. Sau bao nhiêu tra hỏi, cuối cùng cô khai tác giả của bào thai đó là nhà sư Hakuin.

Cha mẹ cô gái, vô cùng phẫn nộ, chạy ngay đến nhà sư này. Nghe tra hỏi nhà sư Hakuin chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng”Thế à?” rồi thôi.

Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang tới trao cho Hakuin. Lúc đó Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc này không làm cho Hakuin buồn. Hakuin săn sóc đứa bé rất tử tế. Hakuin xin sữa của các bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cần thiết cho đứa bé.

Một năm sau, cô gái không còn chịu được nữa. Nàng nói lên sự thật với cha mẹ rằng: người cha thật sự của đứa bé không phải là Hakuin, mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.

Lập tức, cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin, xin Hakuin tha lỗi, và xin đứa bé về. Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt lên hai tiếng “Thế à ?”.

Hakuin quả là đã đạt tới đỉnh cao của nhân đức. Đức khiêm nhường nơi Hakuin quả tuyệt vời. Nhà sư đã không biện minh biện hộ cho mình. Ông chịu phần thiệt là mất tất cả danh dự của mình để cho cô gái khỏi bị sỉ nhục. Nhà sư đã đành chịu người đời phỉ báng đang khi đó cô gái có tội đáng ra phải chịu sự phỉ báng đó.

Đức Giêsu là người vô tội nhưng Ngài vẫn cam chịu đội mũ gai, nhổ nước bọt vào mặt. Sự khiêm tốn của Chúa mới đúng thực, mới thẳm sâu. Nó đặt nền tảng trên đức ái. Ngài không những nói năng dạy bảo nhưng còn thực hành chính Lời Ngài rao giảng. Ngài đã hy sinh tất cả vinh quang, danh dự, điều mà Ngài xứng đáng để có, để rồi chết trần truồng trên thập giá như một tên tử tội.

Xin Chúa cho chúng ta, được theo gương Đức Giêsu không đi tìm lợi lộc vinh quang cho mình, nhưng can đảm chấp nhận những hy sinh thua thiệt để nhường phần danh thơm tiếng tốt, phần lợi lộc cho người khác.

Xin cho chúng ta vững tin rằng, vinh quang lợi lộc mà Thiên Chúa dành sẵn cho loài người chúng ta chính là vinh quang của con cái Thiên Chúa, là vinh quang ở trên trời.

Previous articleSẺ CHIA VÀ …
Next article