Nội dung và hình thức
Eric Mascall, vị thầy triết học lớn tuổi đỡ đầu cho tôi ngày xưa, thường hay nói: Trong thời đại chúng ta, tất cả hàng hóa đều được trưng trong tủ kính và rất ít thứ được bày ở quầy. Ông nhận xét chủ nghĩa kinh nghiệm như một thứ triết học và cách nó chầm chậm lấy mất nét huyền bí và chiều sâu của cuộc sống thường ngày của chúng ta. Đáng buồn là, lời nhận xét này đã nói ra từ nhiều năm trước, nay thì nó ngân vang ở một cấp độ khác.
Thế giới chúng ta bị ám ảnh bởi hình thức, với hình ảnh, diện mạo, với những thứ được bày trong tủ kính, với cách thức chúng ta nhìn nó. Ngày nay, quan trọng là dáng bề ngoài tốt hơn là tốt thật sự, trông có vẻ khỏe mạnh quan trọng hơn là thật sự khỏe mạnh, có một hình thức đẹp bên ngoài quan trọng hơn tính trọn vẹn và sâu sắc của nội dung thật sự bên trong.
Chúng ta thấy điều này khắp nơi, trong nỗi ám ảnh có cho được dáng vẻ bề ngoài hoàn hảo, sùng bái hình ảnh, ham thích nổi danh, trong kỷ nguyên thời trang, và trong các nổ lực không hề giấu giếm của chúng ta, để được xem như nối mạng với tất cả những thứ đúng đắn.
Điển hình càng ngày càng có nhiều trường Đại Học trao bằng danh dự cho hai típ người, những người nổi tiếng và những người được đánh giá cao. Tôi không chắc các trường đại học này thật sự quan tâm đến trình độ trí tuệ nghèo nàn của ngành công nghệ giải trí và thể thao (nơi sản xuất đa số người nổi tiếng), nhưng một Nelson Mandela, Desmond Tutu, Meryl Streep, Jodi Foster, Wayne Gretsky, hay một David Beckham trông có thể tốt cho hình ảnh một trường Đại Học trước mặt công chúng: “Nhìn xem, chúng tôi quan tâm đến cái đẹp, cái năng lực! ”
Cuối cùng, tôi hy vọng tôi không phải là người hoài nghi, dường như không quan trọng lắm cho những gì một trường Đại học tin tưởng vào hoặc cách đối xử với cán bộ nhân viên và sinh viên, nhưng quan trọng hơn là bên ngoài nhìn nhận, đánh giá họ như thế nào. Việc trao bằng tiến sĩ danh dự cho Mẹ Têrêxa chẳng đem lại lợi ích nào cho những người nghèo ở Ấn Độ, nhưng nó tạo được giá trị quan trọng cho trường đại học tôn vinh Mẹ.
Điều tương tự cũng đúng trong lĩnh vực chính trị. Hình thức đã thắng nội dung. Chúng ta có khuynh hướng quan tâm nhiều đến hình thức bên ngoài hơn là về đường lối chính trị, và chúng ta bầu các chính trị gia căn cứ trên các đặc điểm bên ngoài của họ hơn bất cứ điều gì khác. Để được bầu vào cơ quan chính trị ngày nay, thì, quan trọng là phải tạo dựng được một hình ảnh tốt, hơn là có khả năng và phẩm cách.
Tuy nhiên chúng ta không nên quá nghiêm khắc về việc hình thức thắng nội dung trong đời sống công chúng, bởi vì nó chỉ đơn giản phản ánh về những gì đang xảy ra trong cuộc sống cá nhân của chúng ta: càng ngày, hình thức là điều đầu tiên, là tất cả, và là thứ duy nhất. Tốt thật sự không quan trọng, trông có vẻ tốt quan trọng hơn.
Mỹ phẩm đang trở thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới; mối bận tâm đến cách chúng ta trông như thế nào, đến cơ thể hoàn hảo là mối lo lắng dằn vặt, càng ngày nó càng làm chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, có cảm giác bất mãn với chính cơ thể của mình, buồn bã liên lĩ trong cuộc sống. Trong số các chứng rối loạn về thức ăn, bệnh chán ăn lan tràn đã nói lên mối lo này. Thường thường, chúng ta kiêng ăn không phải để được khỏe mạnh, nhưng để cố gắng đạt được và giữ gìn một vóc dáng không thể nào đạt được. Mọi thứ thuộc về cách chúng ta trông như thế nào, và vì thế chúng ta tập thể dục nhiều hơn, ăn kiêng nghiêm ngặt hơn, tiêu nhiều tiền hơn cho những trang phục hợp thời trang nhất trong nỗ lực có bề ngoài ổn hơn; thậm chí khi bị đánh tan ảo mộng để đối diện với sự thật, chúng ta nhận thấy một cách sâu sắc, chúng ta đang đương đầu với một trận chiến đầy mất mát khi tuổi tác cơ thể và các tiêu chuẩn xã hội mãi mãi không thể nào đạt được cao hơn. Tệ hơn, ngày nay chúng ta có khuynh hướng phán xét giá trị chỉ dựa trên dáng vẻ thể lý bên ngoài. Thang giá trị của chúng ta nằm trong việc trông có vẻ tốt.
Như các bạn biết, không phải tất cả điều này là xấu. Quan tâm đến vóc dáng thể chất, bản thân nó là một việc tốt, cũng như quan tâm đến tập luyện thể thao và kiêng khem trong việc ăn uống. Có dáng vẻ tốt và cảm thấy tốt là điều đúng. Sự lành mạnh của cơ thể cũng như vẻ đẹp bên ngoài của chúng ta không nên bao giờ bôi xấu dựa trên danh nghĩa đạo đức, bề sâu, hay tôn giáo. Quả thật thờ ơ về thể chất của một người nào đó, là dấu hiệu biểu lộ chán nản, hay ngay cả một căn bệnh sâu xa nào đó của tâm hồn. Quan tâm về dáng vẻ là một việc làm đúng đắn, nhưng ngày nay, điều tốt đẹp đó đã đi quá xa.
Quan tâm đến vóc dáng bên ngoài, không bao giờ có thể thay thế được một quan tâm về phẩm cách, chiều sâu và tính trọn vẹn của nội tâm, cũng như, ngược lại, quan tâm về phẩm cách, chiều sâu nội tâm không bao giờ có thể là lý do để biện hộ cho cho luộm thuộm cẩu thả của dáng vẻ bên ngoài. Ngày nay, chúng ta đã đánh mất tính cân bằng hợp lý đó, và trong nhiều phương diện, nó đã khiến chúng ta bị tổn thương nhiều hơn chúng ta tưởng.
Đức tin được xây bằng máu các thánh tử đạo; và các cơ sở có vai trò kết nối mọi người trong xã hội lại với nhau (hôn nhân, gia đình, nhà thờ, chính trị), phần lớn giữ vững được nhờ dựa trên nền tảng hy sinh chính mình. Tuy nhiên, chín mươi chín phần trăm các hành động tử vì đạo và hy sinh quên mình hoàn toàn được làm trong âm thầm, giấu kín, ẩn danh, không ai biết đến, không quyến rũ, máu âm thầm chảy, tình yêu tận hiến cho những lý do vượt quá hình thức.
Nếu đó là đúng, thì dự đoán tương lai làm cho tôi không thoải mái mấy. Khi hình thức là tất cả, chúng ta sẽ không còn tập trung vào những điều có chiều sâu, khi đó, dần dần, một cách không thể nhận thấy, hình thức bắt đầu xem như phẩm cách, nổi tiếng bắt đầu thay cho cao thượng tâm hồn, và trông có vẻ tốt trở nên quan trọng hơn thật sự tốt.