Mẹ tôi, một người con gái được ông bà ngoại xem như là “con gái rượu”. Vì gia đình khá giả nên mẹ tôi được bà ngoại cho ăn diện hơn so với những cô bạn cùng trang lứa.
Ba, là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh em gồm năm trai và hai gái. Tôi nghe hàng xóm kháo nhau, ông bà nội tôi vô phúc, vì trong gia đình có “ngũ quỷ”. Có lần, tôi nghe ba kể về duyên nợ của ba. Trong khi mẹ tôi xinh xắn, con nhà giàu và được nhiều chàng trai trong làng dòm ngó (và mẹ đã từng dạm ngỏ với một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, gia đình môn đăng hậu đối với gia đình ngoại. Là cặp đôi được xem như hoàn hảo trong làng). Nhưng chẳng may người đó bị tai nạn và đã ra đi… Người ta đồn là gia đình ngoại “sát chồng”. Vì bà ngoại đã hai đời chồng, còn mẹ tôi thì lại “lỡ duyên”.
Ba tôi thích mẹ ngay cái nhìn đầu tiên, dù nghe người ta nói những lời không hay về mẹ, nhưng ba tôi lại càng muốn tìm hiểu và tiếp cận người con gái đó. Cha ông có câu “nhất đẹp trai, nhì chai mặt”, ba tôi vẫn đều đặn đến nhà mẹ lúc năm giờ chiều mỗi ngày. Nhà nội ít ruộng nên ba có vẻ cũng rảnh rang. Mẹ dù nhà khá giả nhưng vẫn “tay chân thoăn thoắt không ngơi”. Ông ngoại thì chẳng nói gì, còn bà ngoại thì rất ư khó tính, “nguýt, lườm, hằn học với ba ra mặt”. Vì bà ngoại chê ba tôi nghèo “đũa mốc chòi mâm son”. Nhưng nhờ sự kiên trì, chân thành của ba mà đám cưới đã được diễn ra.
Lúc bé, tôi chứng kiến những lần ba xay rượu, về nhà là quậy phá, ném nồi niêu, bát đĩa. Khi thì chê chén nước mắm thiếu ớt, nhiều bột ngọt, mẹ vẫn âm thầm đổi chén khác cho ba. Hồi ấy, nhìn thấy mẹ chỉ ăn bụng cá, ăn xương. Tôi hỏi thì mẹ nói mẹ thích ăn. Nhưng sau này tôi mới biết là mẹ luôn nhường phần ngon cho chồng, cho con… Cũng còn vài chuyện không hay nữa, đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Mẹ, hôm nay “Ngày 20-10”, con chợt nhớ lại những kỷ niệm về mẹ. Mẹ của con tuy không phải là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, nhưng mẹ đã dạy cho con rất nhiều điều về gương sống hy sinh, âm thầm, chịu đựng, tần tảo lo lắng cho gia đình. Và tôi cũng được thừa hưởng sự đạo đức bởi gia đình ngoại là gia đình đạo đức, nên mẹ vẫn khuyến khích chị em tôi đi Nhà thờ và đọc kinh tối thường xuyên.
Suốt 30 năm ở với nhau, tôi biết mẹ cũng đã chịu khổ nhiều, có lúc mẹ cố giấu những giọt nước mắt, những vết thâm ba đánh mẹ. Tôi hỏi, mẹ giấu và nói “mẹ bị té”. Tôi cũng biết chuyện nên cũng chẳng hỏi vặn mẹ nữa làm gì. Mẹ tôi là thế, im lặng cắn răng chịu đựng cho êm ấm nhà cửa, vun vén cho hạnh phúc gia đình bao nhiêu có thể. Có lần mẹ thủ thỉ: “Dù con là áp út, nhưng mẹ vẫn thương con hơn cả, vì mẹ sinh con thật khó, tưởng chừng con đã ra đi, nhưng Chúa thương cho con vẫn còn hiện diện bên mẹ”.
Rồi cái lần chị hai trên phố về thăm nhà, thấy chị về thì út nói vọng: “Chị lại về lấy gạo, xin tiền nữa chứ gì?”. Bởi bố chẳng muốn chị đi học, mà chỉ muốn chị ở nhà phụ bố mẹ công việc đồng áng. Còn mẹ, dù nhà nghèo nhưng vẫn chạy vạy ngược xuôi, vay tạm tiền nóng, gói gém hũ cà muối, dúi mớ tiền vừa vay được mà lo cho chị ăn học, để có cái nghề sau này cho bớt khổ.
Mẹ, mẹ sợ lúc mẹ mất đi rồi ba không cho chị em tôi học nữa nên dặn tôi: “ Ráng… học… nghe… con”. Và mẹ còn muốn tôi đi tu nữa. “Nhà bốn đứa lập gia đình thôi, còn con, ráng đi tu nhé!”. Sau nhiều năm sống bên mẹ, ba tôi từ một người lạnh nhạt, lười biếng, nay đã thay đổi hẳn với sự nhiệt tình, siêng năng hơn. Tôi nhận thấy rõ hơn sau những ngày mẹ ra đi.
Hôm nay “Ngày 20-10”, ngày Phụ nữ Việt Nam. Tôi cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến những người là “ Phái yếu” luôn kiên trì, nhẫn nại, hy sinh và cũng biết nhìn lên Đức Maria là mẫu gương sống thật tuyệt cho chị em trong gia đình. Và đối với mẹ của tôi. Con vẫn cám ơn mẹ vì mẹ đã sinh ra con, cho con được ở bên mẹ, dù cho khoảng thời gian chỉ mười lăm năm, nhưng mẹ luôn là tấm gương sáng cho chị em chúng con noi theo, mẹ đã động viên con, giúp con phần nào đó có thể đáp lại lời mời gọi của Chúa, khi mẹ khuyến khích con sống Ơn gọi thánh hiến. Mẹ, con cám ơn mẹ nhiều lắm!