Trong Giáo Hội Đông Phương thế kỷ XIV, người ta tìm thấy nhiều bức ảnh có cùng một kích thước, vẽ Mẹ Thiên Chúa, Đức Ki-tô, các thiên thần cùng với những dụng cụ khổ hình thập giá. Theo truyền thống vẽ ảnh thánh Byzantin, Đức Ma-ri-a không bao giờ xuất hiện mà không có Chúa Giê-su, Con của Mẹ, bởi Chúa Giê-su là trung tâm của lòng tin.
Nghệ thuật vẽ ảnh thánh
Ta biết rằng lối vẽ ảnh thánh nói chung và ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nói riêng là thuộc về thời từ Thượng Cổ đến Trung Cổ và thuộc Giáo Hội Đông Phương, tức là vùng Hy Lạp – Byzantin và sau này lan sang cả nước Nga. Đó là nghệ thuật vẽ loại ảnh thánh mà người ta gọi là ICON. Mục đích của lối vẽ ảnh thánh này không phải để trang trí, cũng không đơn thuần chỉ chú tâm vào vẻ đẹp, tuy rằng nó rất đẹp, cũng không phải là vẽ y như thật, nhưng là để chuyển tải một thông điệp tinh thần cao cả, một điều gì đó vượt quá những thực tại trần thế được diễn tả, một mầu nhiệm hiệp thông. Đó là cả một nghệ thuật, mỗi chi tiết đều có ý nghĩa riêng của nó.
Vẽ ảnh thánh là để ảnh thánh trở nên như trung gian làm cho mầu nhiệm Thiên Chúa hiện ra trước mắt người ta, làm sao để đi sâu vào đời sống đức tin, tìm ra cái căn bản chung cho người vẽ cũng như người chiêm ngắm. Cho nên hoạ sĩ vẽ ảnh icon không phải cứ hứng lên là vẽ, thường đa số các hoạ sĩ đó là những tu sĩ, và khi vẽ những bức ảnh đó thì họ ăn chay cầu nguyện, nhập thần đi vào hiệp thông với Chúa, suy niệm về mầu nhiệm họ sẽ diễn tả, rồi trong sự ăn chay cầu nguyện, họ mới vẽ lên bức ảnh. Vì thế bức ảnh là kết quả của quá trình ăn chay cầu nguyện và suy niệm. Những bức vẽ theo truyền thống Byzantin giống như một khung cửa, mà có ai chỉ đứng trước cửa mà ngắm nhìn, cho dù khung cửa ấy có đẹp? Chúng ta muốn mở khung cửa ấy ra mà đi vào bên trong. Khung cửa có thể hấp dẫn hay không hấp dẫn, nhưng nó chỉ là cửa dẫn chúng ta vào một thế giới mới.
Có thể nói, tất cả những điều nói trên đọng lại trong mẫu ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vì đây không chỉ là một cảm hứng thế gian thông thường nhưng là một sự hiệp thông thật sự với Chúa và với anh em đồng loại. Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp quả là một khung cửa dẫn chúng ta vào cõi vô hình.
Ta thấy gì khi ngắm nhìn bức ảnh?
- Ngôi sao tám cánh: Mẹ là ngôi sao dẫn lối cho ta đến cùng Chúa Giê-su
- Chếc dép gần rơi ra: Chúa Giê-su sợ hãi vội chạy đến với Mẹ để được bảo vệ và yêu thươngNhư chúng ta, Chúa Giê-su khiếp sợ thập giá
- Nguyên bản bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được vẽ trên gỗ hồ đào dài 53 cm, rộng 41 cm. Trên mặt tấm gỗ hoạ lại hai khuôn mặt chính và hai khuôn mặt khác có kích thước nhỏ hơn. Có thể bức ảnh này hơi lạ đối với người Tây Phương hiện đại, bởi vì chân dung Mẹ Ma-ri-a ở đây không phải là một cô gái e thẹn, mắt nhìn xuống. Cái nhìn trực tiếp và nét mặt mạnh mẽ của Mẹ khiến ta phải chú tâm. Chúng ta bị ấn tượng bởi sự không thực của những khuôn mặt. Chúa Giê-su mang dáng vẻ là một trẻ em, nhưng khuôn mặt của Ngài lại như già trước tuổi. Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su không được đặt trong một quang cảnh nhưng được đặt trên một nền màu vàng đối lập.
- Bên cạnh người nữ, ta thấy những chữ viết tắt bằng tiếng Hy Lạp “MR” và “THU” (Mater Theou) có nghĩa là: Đấng ấy là Mẹ Thiên Chúa. Ngôi sao tám cánh trên trán Mẹ có lẽ được các nghệ sĩ sau này thêm vào để nói lên ý tưởng Phương Đông: Mẹ là ngôi sao dẫn lối cho chúng ta đến cùng Chúa Giê-su. Bên trái ngôi sao đó, ta cũng thấy cây thánh giá được gắn thêm, có lẽ để cho đẹp. Phía bên người con có khắc chữ “IC” và “XC” (Jesous Christos): Giê-su Ki-tô – Đấng Cứu Chuộc.
- Trên đầu sứ thần, bên trái ta đọc thấy “O AR M” (O Archangelos Michael), nghĩa là Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, (tiếng Do Thái có nghĩa là ai bằng Thiên Chúa), là đấng ở trên trời chỉ huy trận chiến giữa các thiên thần chống lại kẻ thù của cuộc Nhập Thể/Giáo Hội (Kh 12,7). Ngài cầm chiếc bình đựng đầy nước đắng, thứ nước mà người lính sẽ đưa lên cho Chúa Giê-su uống khi Ngài bị treo trên thập giá. Thiên thần ấy cũng cầm cây sậy với miếng bọt biển quấn ở đầu (Mt 27,48), và một lưỡi đòng, thứ dụng cụ sẽ được dùng để đâm vào cạnh sườn Chúa, để lời Kinh Thánh hoàn toàn ứng nghiệm (Ga 19,28-36).
- Trên đầu vị sứ thần bên phải ta đọc thấy “O AR G” (O Archangelos Gabriel), nghĩa là Tổng Lãnh Thiên Thần Gáp-ri-en, đấng đầu tiên loan báo thời cứu độ qua lời truyền tin cho Đức Trinh Nữ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.” (Lc 1,28), nhưng cũng là đấng mang thập giá và 4 đinh sắt, những dụng cụ cho Chúa thấy phần nào định mệnh của Người: phải qua đau khổ và cái chết.
Tại sao Con Thiên Chúa sợ hãi
Nhìn lên ảnh Mẹ, ta thấy Mẹ bồng Chúa Giê-su trên tay, nhưng Chúa thì đang quay ngoắt đi như có vẻ sợ hãi. Ta có thể hình dung Chúa Giê-su từ xa chạy đến bám chặt vào Mẹ. Người không nhìn Đức Mẹ, không nhìn chúng ta và cũng không nhìn các thiên thần, nhưng nhìn vào điều gì đó mà ta không thấy – điều gì đó khiến Người sợ vội chạy đến với Mẹ làm cho một chiếc dép gần rơi ra; điều gì đó khiến Người bám chặt vào Mẹ để được bảo vệ và được yêu thương. Người sợ bởi vì thấy hai thiên thần xuất hiện hai bên, thay vì mang hạc cầm và kèn để hát ca cầu nguyện thì lại mang trên tay những dụng cụ khổ hình mà Chúa phải chịu, tức là thập giá, đinh sắt, lưỡi giáo, nước đắng với bọt biển. Một lần mặc lấy bản tính hay chết (Pl 2,6-11), Con Thiên Chúa cũng sợ chết, và khi nhìn thấy các dụng cụ hành hình rất đáng sợ như thế, sự sợ hãi kinh hoàng bao trùm lấy Người (Lc 22,41-44). Người chạy đến với Mẹ, và được Mẹ ôm vào lòng trong giây phút kinh hoàng ấy. Điều này muốn nói rằng Mẹ sẽ luôn ở bên Chúa trong cuộc sống và cái chết của Người. Khi Mẹ không thể gánh hết đau khổ của Con Mẹ thì Mẹ có thể yêu thương và an ủi Người. Mẹ ôm con vào lòng gần trái tim (Lc 2,35.51). Mẹ ở đó, trong lòng tin, gần Đức Ki-tô, Đấng hiến mạng sống mình vì tình yêu đối với chúng ta là những tội nhân (Rm 5,8-11). Mẹ thực thi thiên chức làm mẹ của mình đối với tất cả những ai đón nhận Lời Thiên Chúa (Ga 19,27).
Ánh mắt của Mẹ
Vậy, tuy rằng hoạ sĩ vẽ Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi, nhưng toàn cảnh lại ngụ ý rằng Người Con Mẹ sinh ra kia sẽ là Đấng bước lên thập giá. Đấy là người mẹ của mầu nhiệm thập giá. Người Mẹ bồng con cũng là người mẹ đứng bên thập giá. Người mẹ mang Chúa đến, và Chúa đến là để đưa Mẹ vào trong cùng một cuộc khổ nạn. Vì thế, ta thấy nét mặt của Đức Mẹ đượm một vẻ u buồn. Nhưng nét mặt thì hơi buồn mà cặp mắt lại rất âu yếm, cặp mắt ấy không nhìn vào Chúa Giê-su, không nhìn lên trời, không nhìn vào các thiên thần. Khi đến gần ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ta sẽ thấy dù ta đứng chỗ nào, Đức Mẹ cũng như đang nhìn ta. Mẹ nhìn ta như thể muốn nói với ta một điều gì đó quan trọng lắm. Ánh mắt Mẹ có vẻ nghiêm nghị, hơi buồn, nhưng đòi ta phải chú tâm. Ánh mắt Mẹ đưa ta vào cuộc, làm cho ta nên một thành phần trong bức hoạ. Hoá ra, Mẹ bồng Chúa trên tay nhưng Mẹ lại đang đưa mắt nhìn hết cả thế gian, không trừ một người nào. Điều này ngụ ý rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho mọi người, mọi thế hệ, mọi thời, mọi nơi. Cái nhìn của Mẹ cũng mời gọi ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, hãy chạy đến với Mẹ để tìm nơi ẩn náu, hãy chạy ngay đến với Mẹ như Chúa Giê-su đã làm xưa, chạy thật nhanh đến với Mẹ đến độ chẳng cần nghĩ chúng ta đang mang gì, chạy thế nào, chỉ cần chạy thẳng đến.
Thập giá và vinh quang
Ta thấy, ở đây có mầu nhiệm thập giá: Chúa sẽ phải chết vì ta; ở đây có nét đượm buồn trên gương mặt Đức Mẹ, nhưng tất cả những điều đó không có ý nói rằng mọi sự là bi quan, đen tối. Điều này được diễn tả trong chi tiết nền màu vàng và màu áo của Mẹ, màu áo của Chúa. (Tiếc là nhiều bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hiện nay thay vì nền vàng lại là một màu đen, màu nâu…và đôi khi nhiều bức ảnh lại được tô điểm hơi quá mức làm mất đi nét thực của nó). Trong hội hoạ nghệ thuật vẽ icon của Giáo Hội Đông Phương thời xưa, màu vàng là màu nói về ánh sáng, về vinh quang của Thiên Chúa. Tất cả nền của bức ảnh này là màu vàng. Hơn nữa, ta thấy Mẹ mặc chiếc áo dài màu xanh đậm với yếm đỏ và áo ngang lưng màu xanh lá cây. Màu xanh đậm, màu xanh lá cây, màu đỏ đó là màu vương giả, chỉ những hoàng hậu mới được phép mặc những màu như thế. Chúa Giê-su cũng mang những màu vương giả, chỉ những Hoàng Đế mới được mặc áo thắt ngang lưng màu xanh lá cây, áo choàng vai màu đỏ và gấm thêu kim tuyến màu vàng. Như thế, cái chết của Chúa Giê-su, khổ hình thập giá Chúa phải chịu lại được đặt trên nền tảng vinh quang của Thiên Chúa. Và vinh quang của Thiên Chúa mới là cái bao trùm sự chết và đau khổ của Chúa Giê-su, là ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho người ta.
Mẹ dẫn đường chỉ lối
Khi ngắm bức ảnh, chúng ta thấy Chúa Con được vẽ toàn thân, còn Đức Mẹ chỉ có bán thân, nhưng ta có cảm giác là Mẹ đang đứng. Và điều đặc biệt là điểm trung tâm của bức ảnh không phải là Đức Mẹ hay Chúa Giê-su, mà là hai bàn tay giao nhau, bàn tay của Chúa đang nắm lấy bàn tay của Mẹ. Vậy trong mầu nhiệm Đức Giê-su đến và chịu chết có sự gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa, có sự hoà giải giữa con người và Thiên Chúa. Và nếu nhìn kỹ hơn, chỗ hai bàn tay giao nhau, chúng ta thấy ngón tay của Đức Mẹ rất dài, ngón tay dài ấy là ký hiệu của hội hoạ truyền thống nghệ thuật vẽ ảnh thánh icon ngày xưa. Đức Mẹ với ngón tay dài được gọi là Đức Mẹ Chỉ Đường. Ngón tay này là ngón tay chỉ đường. Vậy tất cả bức ảnh này có ý nghĩa là Đức Mẹ chỉ cho ta thấy mầu nhiệm Chúa đến để cứu độ trần gian. Cũng nơi bàn tay giao nhau ấy, ta thấy bàn tay của Đức Mẹ không nắm chặt bàn tay của Con Mẹ đang sợ hãi cần sự che chở, nhưng bàn tay ấy luôn mở ra. Mẹ mời gọi chúng ta hãy cùng với Chúa Giê-su đặt bàn tay của mình vào trong tay Mẹ. Mẹ biết những gì nguy hiểm và khủng khiếp sẽ xảy đếvới chúng ta trong cuộc đời và chúng ta cần ai để chạy đến khi đau khổ và sợ hãi. Mẹ sẽ mang đến cho chúng ta niềm an ủi và tình yêu như xưa Mẹ đã làm cho Con Mẹ.
Chắc hẳn còn nhiều chi tiết ẩn chứa trong bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mời gọi chúng ta tìm hiểu và khám phá. Và mỗi người sẽ khám phá ra được một điều gì đó cho riêng mình khi lặng ngắm ảnh Mẹ với cả tấm lòng, với chính bản thân đang ở trong nỗi khốn khó, gian truân, cần được Chúa cứu độ. Bởi vì, bức linh ảnh Mẹ luôn toả ra một sự an bình huyền diệu. Một sự an bình linh thiêng và sâu thẳm, được cất giấu trong sự đau khổ như kho tàng quý báu của Nước Thiên Chúa (Mt 13,44).