Peyo, con ngựa có tấm lòng vàng ở bên cạnh các bệnh nhân ở bệnh viện

50

Từ nhiều tháng nay ở nhà hưu dưỡng người bệnh và người già không còn tự động Les Vergers de la Chartreuse, tỉnh Dijon, nước Pháp có một chương trình hơi đặc biệt. Peyo, chú ngựa đực giống 500 kí lô thường hay đến thăm bệnh nhân ở đây. Một kinh nghiệm trị liệu thật đặc biệt.

Bây giờ Peyo có thói quen đi theo ông Hassen Bouchakour, người huấn luyện Peyo đến nhà hưu dưỡng Chartreuse. Peyo đi qua các hành lang và gặp các người bệnh ở đây, có khi còn vào tận phòng của họ nếu người đó bị bệnh phải nằm liệt giường.

“Bác sĩ Peyo”

Trước khi đi thăm bệnh, Bác sĩ Peyo, ở đây người ta gọi Peyo là bác sĩ, chuẩn bị rất kỹ, đuôi được tết lại, chân bôi dầu, thân mình được xức một loại kem sát trùng, rồi phải mặc áo vì phải tôn trọng điều kiện vệ sinh rất nghiêm nhặt. Nhưng một khi vào nhà hưu dưỡng hoặc bệnh viện thì bác sĩ Peyo đi đứng thoải mái như ở nhà mình, từ thang máy, đến hành lang và cho đến phòng bệnh nhân. Từ khi thầy Hassen của Peyo biết Peyo có một năng khiếu rất đặc biệt, “nhạy cảm” với những người yếu ớt thì ông hướng Peyo đi vào con đường… chữa trị!

Trong một phóng sự trên đài truyền hình France 3 Bourgogne, một nhân viên ở đây giải thích giòng họ ngựa mang niềm vui đến cho người lớn tuổi rất nhiều. Các bệnh nhân không sợ trước thân thể đồ sộ của Peyo, ngược lại họ còn thích và cười đùa với nó. Có khi Peyo còn có kỷ niệm riêng với người bệnh mà nhân viên không biết. Ông Pierre có vẻ rất thích khi có Peyo đến thăm, ông còn đặt cho con ngựa tên “chú ngựa tuyệt vời”. Ông vừa vuốt ve Peyo, vừa nói với người dạy ngựa: “Tôi nghĩ đến nó hoài”.

Còn với bà Solange thì Peyo kê đầu mình gần với đầu bà. Đây không phải là lần đầu tiên bà được Peyo thăm vì một tháng hai lần, hai thầy trò Peyo đều đến đây.

Cô Murielle Carillon, trị liệu gia chuyên về nghệ thuật cho biết: “Mỗi lần Peyo đến thăm là mỗi lần Peyo đem điều kỳ diệu đến. Đây là một con ngựa rất đặc biệt. Như bà Solange đây, bình thường bà rất khép kín và có khi còn hung hăng. Bà không còn đi một mình được nữa, hai tay phải giữ hai bên sườn. Nhưng khi tiếp xúc với con ngựa, bà là một người khác. Bà cười với nó, bà đưa tay ra cho nó liếm. Con ngựa vuốt ve bà theo cách của nó. Con ngựa để ý đến đôi chân bất động của bà và liếm chân bà”. 

“Peyo không phải là Lộ Đức”

Cô Sandrine Bougenot làm việc ở nhà hưu dưỡng cho biết: “Thật ngạc nhiên, hôm trước khi Peyo đến, nhiều bà đi đến tiệm cắt tóc!” Cô kể: “Trong số các bà có bà Irène, bà gần như chỉ nói tiếng mẹ đẻ Hungaria của mình, nhưng khi tiếp xúc với Peyo, bà bắt đầu nổi tiếng Pháp. Thật lạ!” Khi hai thầy trò Peyo nghe chuyện này, ông Hassen nói: “Peyo không phải là Lộ Đức. Peyo chỉ dịu dàng với bệnh nhân, Peyo khơi dậy trong chốc lát những chuyện ăn sâu trong lòng họ, nhưng Peyo không làm… phép lạ!”

Nhưng cuộc gặp gỡ của Peyo với ông Hassen lại là chuyện lạ lùng. Ông Hassen Bouchakour là kỵ sĩ, người dạy ngựa chuyên nghiệp, ông gặt rất nhiều huy chương về dạy ngựa nghệ thuật. Cách đây sáu năm, để có thêm các tiết mục mới, ông tìm một con ngựa mới. Người ta giao Peyo cho ông. Vấn đề là mới đầu hai bên không hợp nhau. Ông cho biết: “Nó là con ngựa chứng, tôi không muốn cưỡi nó. Tôi đã định bán nó. Rồi có một ngày như cái chốt được mở ra. Hai bên hiểu nhau”.

Ông Ducharme, người lo cho căn nhà hưu dưỡng nói: “Giao tiếp giữa con ngựa và ông Hassen thật kỳ diệu. Họ thường xuyên kết nối với nhau và không cần người này khi nào cũng phải ở bên cạnh người kia”.

“Luôn có một quả tim đang đập”

Trong các buổi trình diễn, ông để ý Peyo khi nào cũng đến gần những người khuyết tật, như một bản năng. Khi tiếp xúc với họ, bình thường hung dữ thì nó lại dịu dàng với họ. Trong thời gian này ông Hassen Bouchakour bị mất một người thân, và đây là yếu tố quyết định cho một thiện hướng đặc biệt chưa từng có. Trong vòng ba năm, ông làm việc cật lực với Peyo. Ông kể: “Tôi phải dạy Peyo kiềm chế thăng bằng của mình ở nhiều loại đất khác nhau, tôi phải dạy Peyo nghe theo lệnh mới được đi vệ sinh, phải quen với đủ mọi tiếng động”.  Ông Hassen giải thích: “Tôi phải dạy như vậy vì theo tôi đó là văn hóa. Ở Maghreb, trẻ em lo cho người lớn. Mục đích của tôi là làm cho mọi người hiểu, không phải vì mình bị bệnh mà bị bỏ rơi. Mình đừng quên là trong người bệnh, luôn có một quả tim đang đập”. Và khi ông thấy năng khiếu lạ lùng của con ngựa khi nó đến gần những người mong manh nhất thì lúc đó ông muốn đi xa hơn.

Bây giờ hai thầy trò tiếp tục có những buổi trình diễn và chạy đua, đi khắp nơi trên thế giới và nước Pháp. Và nhờ hiệp hội “Các đôi guốc của quả tim” hai thầy trò tìm đến các người lớn tuổi và người bệnh qua các chuyến thăm của nhiều nhà hưu dưỡng ở Pháp. Những giây phút này quá đặc biệt, gần như ngoài không gian và thời gian.

Marta An Nguyễn dịch

Previous article“LỬA HỒNG” ĐÃ SÁNG LẠI SAU PHỤC SINH
Next articleNGÔI SAO NHẠC ROCK, MARCELO ROSSI, ĐOẠT GIẢI THƯỞNG “HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN” CỦA TÒA THÁNH .