Tính chừng mực

60

Thời này là thời của những dấu ấn riêng, sống phải có cá tính, có phong cách và thẩm mỹ nhất định phải có “gu”. Nếu bạn sống không có dấu ấn riêng thì khó lòng thu hút được sự quan tâm của người khác. Mà nôm na thì dấu ấn riêng tức là phải khác người ta.

Tất nhiên là cái gì cũng phải có chừng mực của nó, đừng có khác quá, đừng có đẹp quá, đừng có nổi bật quá. Bạn dừng ở chừng mực tức là bạn đã có dấu ấn riêng.

Thoạt nghe ra thì điều này có vẻ phi lý, mâu thuẫn nhưng ngẫm kỹ thì nó chẳng phi lý hay mâu thuẫn chút nào. Chừng mực mà có nghĩa rằng chừng mực mà có nghĩa rằng chừng mực để cho vẻ đẹp đạt đến độ cao nhất của nó. Không có chừng mực thì vẻ đẹp chẳng bao giờ xuất hiện, Có chị em phô ra vẻ đẹp của cái cổ cao ba ngấn, thế là đẹp rồi, nhưng nếu cổ áo lại cứ đào sâu xuống nữa thì lại thành đi quá chừng mực và vẻ đẹp gợi cảm biến mất thay vào đó là sự khiêu khích dẫn tới những ý nghĩ không lành mạnh cho người khác giới. Ngay cả cách ăn nói đùa vui cũng vậy, có chừng mực thì bao giờ cũng hơn. Bạn kể một câu chuyện tiếu lâm hơi tục một chút thì mọi người, cả nam lẫn nữ đều có thể cười, nếu câu chuyện tiếu lâm ấy lại tục quá thì người ta sẽ không cười nữa hoặc có cười thì chỉ nam hoặc nữ cười thôi chứ không thể cả hai giới cùng cười và như vậy là bạn bị thất bại. Vì sao ấy à? Vì rằng khi ta kể tiếu lâm mà có nhữngngười không cười thì chắc chắn những người không cười ấy sẽ chê bạn tục quá, vô duyên quá hay gì gì quá. Cái chừng mực nó thế, nó cho bạn tới đỉnh cao bạn muốn. Còn khi bạn không chừng mực được thì có nghĩa bạn đã bước vào lãnh địa của bản năng rồi.

Nhưng đừng tưởng biết chừng mực là dễ đâu, đừng tưởng ai cũng chừng mực được đâu. Để có dược sự chừng mực bạn cũng cần phải rèn luyện, nghĩa là phải thiết kế cho mình một cái phanh trong đầu, cái phanh ấy chính là vốn văn hóa. Văn hóa càng cao, càng dầy thì cái phanh của bạn càng ăn, càng chính xác, càng an toàn. Khi có cảm giác hơi quá đà là bạn phải dừng ngay lại, và dừng bất cứ lúc nào có thể dừng. Nhiều bạn cũng có phanh, cũng tỉnh táo biết mình quá đà nhưng vì có tính buông xuôi lại chắt lưỡi nghĩ đã quá rồi thì cho quá luôn cả thể, thế là sẽ dẫn tới những kết quả chẳng hay ho gì. Nếu như trong khi cười, bạn phát hiện ra mình cười to quá, hết cỡ quá thì bạn có thể phanh bớt lại mà chẳng làm mất đi tính tự nhiên của nụ cười, hơn thế bạn sẽ có một nụ cười đẹp với sự chừng mực, bí ẩn, quyến rũ. Hoặc khi bạn đã trót may một chiếc váy quá ngắn, mặc đi chơi và bạn bè nhìn bạn với vẻ gượng gạo thì bạn đừng tiếc gì cái váy ấy, hãy tạm cất nó đi vài ba ngày để suy nghĩ xem nó có quả thực là ngắn quá không, sau đó mới quyết định mặc lại hoặc cất nó vĩnh viễn.

Khi ta biết chừng mực thì ta luôn luôn trở thành đẹp và được kính trọng. Con người sống ở đời chẳng ai thoát khỏi ái, ố, hỉ, nộ, sân, si. Nhưng nếu biết dùng cái phanh chừng mực thì những điều ấy thực ra cũng sẽ trở thành đáng yêu. Bạn yêu hết mình, nhưng hết mình ở mức cho phép chứ bạn lại vượt qua cái ngưỡng cho phép thì tình yêu biến thành tai họa và mật ngọt biến thành mật đắng ngay lập tức. Khi cáu giận cũng vậy, bạn có quyền cáu giận, nhưng hãy nhớ rằng dừng có cáu theo cách nắm tay lại thành vũ khí hoặc mở cửa cho những từ ngữ “chợ búa” bay ra thì cơn giận của bạn chấp nhận được. Một người có văn hóa, có tri thức mà để cơn cáu giận dẫn dắt tới chỗ bản năng thì hiển nhiên người ấy sẽ bị chuyển sang tầng lớp khác với phẩm hàm đạo đức khác. Ngay cả thiên tài, nếu không biết chừng mực, lúc nào cũng ở trạng thái và cách ứng xử thiên tài cả thì lại thành ra “thiên tai” mất.

Xét cho cùng thì ở đời này, duy trì được thường xuyên tính chừng mực là khó nhất nhưng cũng cần thiết nhất.

Previous articleCẩm nang sử dụng thuốc viên
Next articleNhà thờ tuyết