NGÀY CỦA MẸ & VỚI TẤT CẢ TÂM TÌNH CỦA VỊ MỤC TỬ MẾN YÊU

89

NGÀY CỦA MẸ & VỚI TẤT CẢ TÂM TÌNH CỦA VỊ MỤC TỬ MẾN YÊU

Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao

Trên đồng xanh có muôn ngàn cây lúa

Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca

Cây trong vườn có muôn ngàn lá hoa.

Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi !

Và mẹ em chỉ có một trên đời !

Đó chính là tâm tình của nhạc sĩ Trương Quang Lục nói về Mẹ của mình. Rất xác quyết : mặt trời cũng như Mẹ, chỉ có một trên đời.

Vâng ! Mỗi người trong chúng ta, trong cái thân phận làm người ai ai cũng có một người Mẹ. Và, quan trọng nhất, tình Mẹ thật bao la, tình Mẹ thật hải hà … chẳng có chi sánh được bằng tình Mẹ.

Khởi đi từ cuộc đấu tranh tinh thần nhớ đến mẹ là bởi sau khi mẹ mất, Anna luôn cảm thấy day dứt khi bản thân mình còn nhiều điều chưa làm được cho mẹ, và cũng bởi thái độ thờ ơ của mọi người với người đã sinh ra mình. Chính vì thế, cô gái này quyết tâm đề nghị Thượng nghị viện Mỹ tổ chức Ngày của Mẹ trên toàn quốc và đến năm 1911, sau nhiều năm tranh đấu, Ngày Của Mẹ được đồng ý tổ chức ở hầu hết các tiểu bang của Mỹ. Và vào ngày 8/5/1914, tổng thống Mỹ đã ký quyết định ấn định ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm hàng năm chính thức là Ngày của Mẹ.

Và cho đến nay, không chỉ ở Mỹ mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều kỷ niệm Ngày Của Mẹ vào tháng 5 hàng năm. Ở Việt Nam, những người con cũng tỏ lòng thành kính của mình với người đã mang nặng đẻ đau mình bằng cách dùng món quà hay lời chúc tốt đẹp dành tặng Mẹ. Hoặc đơn giản, chỉ cần con cái từ nơi xa về sum họp là đủ cho những người mẹ cảm thấy hạnh phúc rồi.

Trong thân phận làm người, ai ai cũng thương nhớ Mẹ mình dù Mẹ còn sống hay đã khuất. Con cái, dù ở địa vị nào trong xã hội cũng tìm đủ mọi cách để tôn vinh tình của Mẹ hơn.

Trong tâm tình đó, có lẽ đây là lần đầu tiên cũng là vị giám mục đầu tiên trong lá thư mục tử của mình, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc đã bày tỏ tâm tư và mời gọi mọi thành phần trong Giáo Phận đặc biệt nhớ và cầu nguyện cho Mẹ trong ngày 13 tháng 5 năm nay.

Trong thư chung, Đức Cha Giuse ngỏ lời : “Cộng đoàn Giáo xứ, nhất là Cha Chánh xứ và Ban Hành giáo cần mời gọi và khích lệ, nhất là giới trẻ và thiếu nhi tỏ lòng hiếu thảo, đặc biệt trong “Ngày Của Mẹ”. Lòng yêu mến, hiếu thảo với Mẹ vừa di dưỡng vẻ đẹp tâm hồn các em, vừa làm cho tình nghĩa gia đình được thêm thắm thiết.

Nhờ cảm nghiệm tâm tình hiếu thảo của con cái, các bà Mẹ sẽ được ủi an và khích lệ để chu toàn sứ mệnh làm Mẹ, một sứ mệnh thường gắn liền với nhiều hy sinh và khổ đau. Gia đình sẽ trở nên “tổ ấm” yêu thương khi có bà Mẹ quảng đại biết đón nhận hy sinh và đau khổ với tình thương yêu tha thứ. Nhớ rằng, “tương lai của con luôn là công trình của mẹ” (Napoléon)”.

Đức Cha mời gọi : “Có nhiều bà Mẹ trong các Giáo xứ đang phải gánh chịu những khổ đau dường như vượt quá sức chịu đựng của con người, nhất là khi những đau khổ phải chịu đựng trong cô đơn và hiểu lầm. Vì vậy, cộng đoàn Giáo xứ là Gia đình của Chúa, Gia đình của các gia đình, cần quan tâm đặc biệt đến những bà Mẹ đau khổ này, kể cả các bà Mẹ Lương dân và Di dân trong địa bàn Giáo xứ của mình”.

Hết sức tâm tình, thực tế và ý nghĩa, Đức Cha ngỏ lời với các cộng sự viên của Ngài : “Xin quý Cha, đặc biệt quý Cha Chánh xứ, với sự trợ lực của Ban Hành giáo và Giới Hiền mẫu, nỗ lực trong những sáng kiến mục vụ thích hợp với hoàn cảnh của Giáo xứ, để “Ngày Của Mẹ” mang lại nhiều an ủi và khích lệ cho các bà Mẹ, nhất là những bà Mẹ đau khổ. Nhờ vậy, mọi gia đình trong Giáo phận được sưởi ấm và trở thành dấu chỉ của lòng Chúa thương xót”.

            Như chúng ta vẫn thường nghe “văn là người” và “lòng tràn thì mới nói ra” để ta hiểu thêm về tâm tư, thao thức, bận tâm của vị mục tử mến thương mang tên 3 Đ. Không loại trừ bất cứ một ai, con tim của Đức Cha như mở ra để ôm chầm lấy những mảnh đời bất hạnh, anh chị em di dân, anh chị em thiểu số, những người nghèo bị bỏ rơi và giờ đây, Đức Cha lại nhớ đến các bà Mẹ và nhất là những bà Mẹ đau khổ nữa.

            Chính Đức Cha đã đi bước trước khi hiện diện, thăm hỏi và dâng Thánh Lễ cho 261 bà neo đơn đang nương tựa ở Mái Ấm Suối Tiên đó là những phần quà hiện vật gói ghém cả tâm tình là những hộp sữa Ensure. Thương các bà già có tuổi nhớ trước quên sau để rồi khi các nữ tu phục vụ ở đây hỏi các bà rằng các bà có nhớ ai đây không thì các bà nói : “Đức Cha Ensure”.

            Tạ ơn Chúa đã cho Giáo Phận có một “Đức Cha Ensure”. Cũng khởi đi từ tình thương và đặc biệt là lòng thương xót mà Đức Cha cảm nhận và rồi Đức Cha đã chuyển tải lòng thương xót đó cho mọi mảnh đời mà Đức Cha gặp gỡ. Đặc biệt nhất, Đức Cha vẫn thao thức và xin mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Xuân Lộc hãy sống và biến Xuân Lộc thành thánh địa của Lòng Thương Xót Chúa.

            Với tất cả những ước mong của “Đức Cha Ensure” mỗi người chúng ta dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, địa vị nào cũng hay làm chút gì đó gọi là đền đáp công ơn sinh thành của Mẹ – Cha, đặc biệt là người Mẹ cả đời tần tảo sinh dưỡng chúng ta. Xin Chúa thương chúc lành cho tất cả các bà Mẹ của mỗi người chúng ta dù còn sống cũng như đã qua đời.

            Mẹ : mãi mãi vẫn là Mẹ ! Tình Mẹ to lớn tựa biển khơi, làm sao con đáp được tình Mẹ, Mẹ ơi !

 

Previous articleĐƯỢC RỖI PHẦN LINH HỒN NHỜ THÓI QUEN ĐỌC BA KINH KÍNH MỪNG DÂNG MẸ
Next articleNhà Thờ và Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có bị cưỡng chế và bị diệt vong hay không?