SỰ QUÝ GIÁ ĐÍCH THỰC
Ở đời, người ta vẫn thường quan niệm rằng, của cải tiền bạc chính là những thứ có giá trị và quý nhất trên đời này. Thế nhưng, có người cho rằng, tiền tài không chưa đủ, còn phải có danh vọng, địa vị, tiếng tăm trong xã hội. Một số khác lại cho rằng, sức khỏe, học vấn, bằng cấp v.v.. là những thứ quý báu cho cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có quyết tâm tìm kiếm cái quý báu ấy. Biết có tiền sẽ được sung sướng, nhưng biếng nhác trác táng thì làm gì có tiền. Biết có địa vị danh vọng thì sung sướng, nhưng biếng nhác ham vui không học hành đến nơi đến chốn thì làm gì có danh vọng. Biết sức khỏe là quý báu nhưng ăn uống vô độ thì làm gì có sức khỏe.
Trang Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta muốn đạt được cái quý báu phải có niềm tin và quyết tâm đánh đổi. Đánh đổi những cái đã có để lấy kho báu, không dám tin chắc đó là kho báu, không dám đánh đổi, ắt sẽ không được kho báu.
Chúa Giêsu đã kể ra hai dụ ngôn về thái độ phải có để được vào Nước Trời: thái đô của một nhà buôn nọ mua bán ngọc quý. Một hôm anh ta tình cờ gặp thấy một viên ngọc đẹp được bán với giá hời. Cả hai người này đều vui mừng, âm thầm bán gia sản lấy tiền mua bằng được thửa ruộng có chôn giấu kho báu, hoặc viên ngọc quý ấy.
Có những người, để nhận được Nước Trời, họ đã phải bỏ công, bỏ sức ra đi tìm kiếm như người trong dụ ngôn viên ngọc quý. Từ những tín điều của tôn giáo này, tôn giáo khác để tìm đường giải thoát, thoát khỏi bể khổ đời, và sau bao ngày tháng tìm hiểu Chúa,có những người đã đi quá nửa đời người trong cõi luân hồi, vị ngã và vô ngã, và nay từng bước, từng bước tiến lên cung thánh, lãnh nhận những “viên ngọc Bí Tích”- Nước Trời mai sau và ngay cả hiện tại.
Tình cờ gặp Nước Trời hay nỗ lưc tìm kiếm Nước Trời “Mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28). Chính khi “yêu mến Người”, mới có thể dẫn đến việc yêu mến Nước Trời. Khi đã “yêu mến Nước Trời”, tất nhiên sẽ nhận ra “Giá Trị Nước Trời”.
Kẻ khôn ngoan đó là người kia gặp thấy một kho báu giấu trong ruộng liền vui mừng đi bán tất cả những gì anh có mà tậu thửa ruộng ấy. Kẻ đó cũng là thương gia nọ rảo tìm ngọc quý, gặp được một viên ngọc trai đắt giá, liền đi bán sạch mọi điều ông có mà mua lấy. Cuối cùng kẻ khôn ngoan đó cũng là người gia chủ biết rút tự trong kho tàng của ông ra điều mới và điều cũ.
Kho báu và viên ngọc quý trở thành động lực thôi thúc người ta sẵn sàng hy sinh những gì mình đang có để chiếm hữu được nó. Cũng vậy, các tín hữu tìm kiếm Nước Trời cũng phải sẵn sàng từ bỏ mọi giá trị trần gian và sống tốt lành noi gương Chúa Giêsu để có Nước Trời làm của mình như lời Chúa Giê-su trong bài giảng “Tám Mối Phúc thật” (x. Mt 5,3-12).
Chúa Giêsu muốn nói: để đạt được sự sống đời đời, con người phải sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì mình có thì mới xứng đáng với sự sống ấy. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ngài vẫn luôn đòi hỏi ta phải có thái độ là sẵn sàng từ bỏ mọi sự.
Nước Trời mà Chúa Giêsu rao giảng không là gì ngoài Ngài. Do đó, khi đã khám phá ra Người, nhân loại sẽ bỏ hết tất cả để chỉ đạt được Người mà thôi. Nhận ra Đức Giêsu Kitô hay nhận ra Nước Trời, con người đã trở thành tạo vật mới, con người mới đến nỗi họ rũ bỏ hết những gì là lỉnh kỉnh, những gì là thần tượng, những gì là ám ảnh, trở nên hoàn toàn trống rỗng, tay trắng sạch tinh để nhận lãnh nơi Thiên Chúa hiện tại và tương lai của đời mình…
Qua hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc. Có thể nhận thấy rằng Thiên Chúa có nhiều phương cách khác nhau để đem Nước Trời đến với mọi người.
Có những người nhận được Nước Trời như là một sự là “tình cờ”. Giống như người được mô tả trong dụ ngôn thứ nhất, anh ta đã “tình cờ gặp được kho báu”.
Nhiều người coi Nước Trời chỉ là một thứ kho báu thiêng liêng không thực tế, nên họ không muốn từ bỏ của cải đang chiếm hữu. Lời Chúa dạy hôm nay: Nước Trời mới thực sự là một kho báu có giá trị lớn lao tuyệt đối. Chỉ khi nào xác tín được như thế, chúng ta mới dám hy sinh từ bỏ của cải vật chất chỉ có giá trị tương đối ở đời này, để đổi lấy kho báu thiêng liêng có giá trị vĩnh hằng ở đời sau ( Mt 6,10-20).
Hẳn ta còn nhớ chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng muốn nên trọn lành và đã có thiện chí tuân giữ các giới răn ngay từ khi còn bé. Nhưng khi Chúa Giêsu đòi anh phải bán các của cải đang có phân phát cho người nghèo, để đổi lấy một kho báu thiêng liêng trên trời, rồi đến theo làm môn đệ của Người, thì anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh không thể từ bỏ được gia sản (Mc 10,17-22).
Thánh Phao lô dạy: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư. Trái lại, chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9,25). Vàng bạc châu báu sau khi chủ nhân chết, sẽ về tay người khác. Huy chương vàng sau khi vận động viên qua đời sẽ chỉ còn giá trị như một vật lưu niệm. Trái lại, nếu người tín hữu biết từ bỏ của cải vật chất để chia sẻ cho người nghèo đói bênh tật… thì sau khi chết, họ sẽ có được Nước trời làm phần gia nghiệp giá trị vĩnh hằng.
Chúa Giêsu đòi những ai muốn theo làm môn đệ của Người phải có tinh thần siêu thoát thể hiện qua việc sẵn sàng từ bỏ gia sản vật chất và tình thân gia đình để đổi lấy Nước Trời gia trị gấp bội về mặt thiêng liêng tinh thần, nhất là được hưởng ơn cứu độ đời đời như lời Chúa Giêsu: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30).
Thật vậy, khi bước vào trần gian, chúng ta muốn mở rộng bàn tay để chiếm chọn mọi sự. Thế nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta đành phải ra đi với hai bàn tay trắng.
Xuất thân từ bụi tro rồi chúng ta cũng sẽ trở về tro bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời. Không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng cuộc sống đó như thế nào, chỉ biết rằng tình yêu sẽ là giá trị mãi mãi tồn tại, và chỉ có tình yêu mới thắng được sự chết và tất cả những gì trói buộc chúng ta trong cuộc sống này. Xin cho ta nhận ra giá trị đích thực của Nước Trời và từ bỏ mọi sự để đạt được Viên Ngọc Quý là Nước Trời như Chúa mời gọi.