Tản mạn về “Chiếc Áo Dài Việt Nam”

1594

 

Hình ảnh của ” những bông hồng Việt Nam biết nói ở hải ngoại ” thướt tha trong Tà Áo Dài truyền thống.

Đã có nhiều bậc thức giả, tác giả am tường về  “Áo Dài” viết về đề tài này rồi nên với khả năng hạn hẹp người viết xin được  “Tản mạn về Chiếc Áo Dài Việt Nam”. Mong các bậc thức giả hoan hỷ cho sơ sót khó có thể tránh được.

Căn cứ theo sử liệu, có thể xác định rằng chiếc “Áo dài” đã ra đời và chính thức được công nhận là quốc phục dưới triều chúa Nguyễn Vũ Vương (1739 – 1765) .

Trước đây, áo dài thường được mặc kết hợp cùng với nón quai thao, nón lá hay là khăn đóng. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người được xem là có công sáng chế và định hình chiếc áo dài Việt Nam.

Áo dài là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế gồm hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài, màu sắc tùy ý người phụ nữ muốn. Áo dài thường được mặc vào các dịp Lễ hội, trình diễn hoặc trong những mội trường đòi hỏi sự trang trọng, lịch sự. Thời VNCH khi còn đi học ở Việt Nam nếu nhớ không lầm thì áo dài trắng là đồng phục nữ sinh tại một số trường trung học.

Áo Dài đại diện cho trang phục quốc gia trong các quan hệ quốc tế. Những người đẹp Việt Nam hầu hết đều chọn áo dài cho phần thi trang phục dân tộc tại các cuộc thi sắc đẹp nội địa hay quốc tế.

Tà Áo Dài Việt Nam Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục cá biệt, khi nhìn cách phục sức của họ chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Người Nhật Bản có chiếc áo Kimono, người Đại Hàn, người Phi, người Thái v.v. đều có “quốc phục” riêng của họ. Người Việt Nam chúng ta hănh diện về chiếc Áo Dài, được trang trọng nâng lên ngôi vị quốc phục, nên cũng được gọi một cách hoa mỹ hơn: “Chiếc Áo Dài Quê Hương”.

Ai đã từng dắt xe đạp hay đứng tựa xe gắn máy chờ “nàng” áo thướt tha ở cổng trường Đồng Khánh Huế, Nữ Trung Học Công Lập Qui Nhơn hay trường nữ Gia Long, Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn) … và nếu ai đã từng theo trêu ghẹo các nữ sinh áo trắng trường Trưng Vương (Sài Gòn), đã một lần, một thời mê mẫn đuổi theo vạt áo để đề thơ chắc hẳn không thể nào quên được những tà áo nữ sinh, sinh viên mượt mà, tung bay trong gió nhẹ. Những tà áo thật đơn sơ giản dị đến các chiếc áo lộng lẫy tô điễm cho các dịp lễ hội, đám cưới hay những tà áo thơ ngây dưới sân trường, tất cả đều có thể được mô tả bằng một danh từ

Cũng không ngạc nhiên khi một người Việt Nam trả lời rằng Áo Dài là một trong những hình tượng tiêu biểu ở đất nước mình. Thật khó mà dịch đúng từ “Áo Dài” sang bất cứ ngôn ngữ nào vì không ở đâu có một tà Áo Dài như ở Việt Nam.

Áo Dài, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, ôm sát cơ thể, có cổ cao và dài được xẻ ra ở hông.

Áo Dài vừa quyến rũ lại vừa gợi cảm, vừa kín đáo nhưng vẫn biểu lộ những đường nét thon gọn của một người phụ nữ.

Nhìn lại chiều dài lịch sử đất nước, tà Áo Dài là một sáng tạo nghệ thuật. Nó thay thế cho trang phục cổ truyền mà mầu sắc và kiểu dáng phải tuân theo những đòi hỏi lễ nghi và tầng lớp xã hội. Tà Áo Dài không thể gia công hoặc bán hàng loạt như loại quần áo may sẵn khác. Mỗi mảnh của chiếc Áo Dài được tạo ra là một công trình nghệ thuật của người thợ thủ công.

Bà James Sterson, một sứ giả Mỹ đã nói rằng: “Không một đất nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp, truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa như tà Áo Dài VN “.

Ngày nay, áo dài xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Người phụ nữ Việt biểu lộ tình cảm với quê hương qua chiếc áo dài. Nhiều du khách nước ngoài đã có những ấn tượng rất tốt về tà Áo Dài Việt Nam. Họ cảm thấy được tiếp đón nồng hậu khi có những tà áo dài bay bay trước gió.

Những chiếc áo dài Việt Nam dù với mầu sắc đậm hay dịu mát, may bằng hàng vải thô sơ hay tơ gấm lụa là, vạt áo có ngắn cũn hay dài thượt, thân áo có nhỏ hẹp hay rộng rãi, cổ áo có kín hoặc hở hang lộ liễu…  vẫn là một kết hợp của “chân thiện mỹ”. Áo dài Việt Nam không những nói lên nhân sinh quan Việt mà còn gói trọn tinh thần Việt Nam. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào Áo Dài vẫn giữ cá tính độc lập và tô bồi thêm nét đẹp người phụ nữ Việt.

Hình ảnh phụ nữ hay thiếu nữ Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống hay đơn thuần là Áo Dài đã được nhiều nhà nghệ sĩ ghi lại, nổi bật nhất là trong thơ và nhạc.

Bài thơ nổi tiếng về chiếc áo dài có thể kể là “Áo Lụa Hà Đông” của thi sĩ Nguyên Sa, đã được phổ nhạc thành một bài hát nổi tiếng với những câu phản ảnh rõ nét điều mà thi sĩ muốn diễn tả, lãng mạn trữ tình:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…

Nhưng Áo dài cũng in đậm nét trong các vần thơ nghịch ngợm của Nguyễn Tất Nhiên :

Đài các chân ngà ai bước khẽ

Nguyện theo tà lụa cả phương Đông (Tháng giêng, chim)

đưa em về dưới mưa

áo dài sầu hai vạt

khi chấm bùn lưa thưa…

(Em hiền như Ma-soeur)

Trong thơ Bùi Giáng, màu áo dài của ký ức cũng được nâng lên thành huyền thoại:

Biển dâu sực tỉnh giang hà

Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh

Nhạc sĩ tiền chiến cũng ca ngợi áo dài như bài “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh:

Với bao tà áo xanh đây mùa thu,

Hoa lá tàn, hàng cây đứng thẫn thờ.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng cảm xúc về chiếc áo dài cũng viết thành những câu hát nổi tiếng :

Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím

Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím

Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau

Tháng năm càng lướt mau

Biết bao giờ trông thấy nhau

(Ngàn thu áo tím)

Chiếc áo dài hiển nhiên là một loại “quốc phục”. Khách khứa đến thăm, “bà chủ nhà” trịnh trọng mặc chiếc áo dài như là một chiếc áo lễ để tiếp khách. Tại học đường, áo dài trắng tiêu biểu cho chiếc áo học trò ngây thơ, tung tăng như cánh bướm, gói trọn mộng đẹp của tương lai. Một chiếc khăn vành có tác dụng như một “vương miện”, thêm vào chiếc áo choàng bên ngoài màu sắc tươi sáng sẽ trở thành bộ y phục “Hoàng Hậu” cho cô dâu khi bước lên xe hoa. Trong buổi dạ tiệc, người phụ nữ Việt nói riêng trong chiếc áo dài cũng sẽ “lộng lẫy, độc đáo” không thua bất kỳ bộ trang phục của các quốc gia nào khác trên thế giới.

Ở Quảng Nam miền Trung Việt Nam, những người buôn thúng bán bưng, mặc dầu nghèo khổ cũng luôn luôn bận chiếc áo dài khi ra chợ. Nếu áo rách, sờn vai thì chắp vào chỗ rách một phần vải mới, gọi là áo “vá quàng”. Dầu là áo rách, áo vá quàng, giá trị tà áo vẫn tăng:

Đố ai kiếm được cái vảy con cá trê vàng,

Cái gan con tép bạc, mấy ngàn tôi cũng mua.

Chẳng thương cái cổ em có hột xoàn,

Thương em mặc chiếc áo vá quàng năm thân.

Áo may cái thuở anh mới thương nàng,

Đến nay áo rách lại vá quàng thay tay.

 

(Ca dao)

Áo dài cũng không thiếu trong thơ và nhạc tình.

Cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh – năm1964 đã khéo léo qua lời nhạc trong bản Bảy Ngày Đợi Mong phác hoạ

hình ảnh đôi uyên ương hẹn hò và người yêu chọn áo dài thích hợp để mặc:

Anh hẹn em cuối tuần

Chờ anh nơi cuối phố

Biết anh thích màu trời

Em đã bồi hồi chọn màu áo xanh

Đặc biệt, trong số người Việt tỵ nạn đang định cư ở hải ngoại khi ra đi cũng đã mang theo chiếc Áo Dài của quê hương họ từng ôm ấp, gắn bó ngày nào nên nhiều thi nhạc sĩ đã phổ nhạc hay sáng tác các thi phẩm liên quan đến Áo Dài. Và như tôi được biết là nhạc phẩm “Áo Dài Em Tặng” được cố nhạc sĩ tài danh Anh Bằng, cố vấn CLBTNS, phổ thơ của nữ thi sĩ Phi Loan Hoàng Thị Cỏ May.

Ngoài ra cũng có một số thi sĩ hải ngoại sáng tác nhiều thi phẩm cùng chủ đế. Xin hân hạnh được giới thiệu giới hạn và tiêu biểu vài tác phẩm sau đây cùng quý độc giả.

Nữ thi sĩ Ý Nga / Canada đã nhắc đến tà áo dài trong bài thơ “Gửi Từ Trăng Xưa”:

Áo dài chẳng mặc đầu xuân

Mà anh vẫn nhớ một thân, hai tà

Tết, mai chẳng điểm “vàng” hoa

Sao anh cứ nhắc lụa là vàng anh?

Đôi tà khép mở mong-manh?

 

Cố thi sĩ Phạm sĩ Trung qua bài thơ “Nắng Cali, Nắng Sài Gòn” cũng không quên gợi nhớ đến chiếc Áo Dài :

Nắng Cali vàng trải phố Bolsa

Vạt áo dài trong trắng nắng đắm say

Lòng chợt nhớ phố phường đuờng Lê Lợi

Quán cà phê ngồi ngắm áo dài bay

Nắng Cali đẹp như nắng Sài Gòn

Phố Bolsa cũng tà áo tung bay

Nữ thi sĩ Thi Hạnh thì sống lại cùng kỷ niệm tuổi thơ và quê hương với “Về Đòi Lại Nghìn Sau”:

Em về đòi lại tuổi thơ

Trinh nguyên nét vẽ đơn sơ ngọc ngà

Áo dài em trắng thiết tha

Chẳng pha nhuộm những gian tà thế nhân

Nữ thi sĩ MiênThụy / HòaLan ngược dòng thời gian tìm về quá khứ ngày nào, nhớ lại thời còn là nữ sinh,

 

thuở biết yêu với nhiều mộng mơ qua bài thơ ” Áo Trắng Nay Đâu ?” :

Xưa em áo trắng qua cầu

Lỡ rồi câu hứa ngày sau yêu người

Buồn em vào ngõ đơn côi

Áo xưa nay đã phai rồi ước mơ

Nay em áo trắng bụi mờ

Làm sao níu lại ngày thơ cho cùng

Ngày xưa áo trắng một vùng

Thơm mùi sách vở, thơm hương tóc thề …

Áo Dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mỹ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho quốc gia. Trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình lịch sử, tà Áo Dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến.

Kín đáo, duyên dáng và gợi cảm là một trong những yếu tố đưa Áo Dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa – chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá, vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt nói riêng.

Ngày nay, Áo Dài xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Những phụ nữ Việt biểu lộ tình cảm với quê hương qua chiếc áo dài. Áo dài Việt Nam là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam.

“Ở đâu có phụ nữ Việt – ở đấy có áo dài Việt”. Áo Dài không chỉ đơn thuần là trang phục truyền thống, mà chính là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt.

Áo dài là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, là “quốc hồn, quốc túy” của phụ nữ Việt Nam!. Chính vì vậy mà người Việt vẫn yêu quý tà áo dài Việt, nhất là những thiếu nữ Việt thuộc thế hệ trẻ lưu vong trong sứ mạng gìn vàng giữ ngọc.

Previous articleThiên Tử Hạc
Next articleĐức Phanxicô gặp riêng các giám mục Ba Lan