BA LOẠI NGƯỜI CHO

80

BA LOẠI NGƯỜI CHO

Một đêm kia, trận bão tuyết đã làm cho đôi vợ chồng mới cưới bị kẹt ở một con đường quê hẻo lánh. Vì không thể đi thêm được nữa, họ xuống xe và đi bộ về hướng ngôi nhà có ánh đèn leo lét.

Khi đến nơi, đôi vợ chồng già, tay cầm chiếc đèn dầu ra mở cửa. Sau khi giải thích tình cảnh khó khăn, anh chồng hỏi: “Xin hai cụ giúp chúng cháu qua đêm nay được không? Chỉ cần một chỗ trên sàn nhà hoặc một vài cái ghế cũng đủ.”

Ngay lúc ấy, một vài hạt gạo từ mái tóc bồng bềnh của người vợ trẻ rơi xuống đất. Hai vợ chồng già liếc mắt trông thấy và họ nhìn nhau có vẻ thông cảm cho đôi tân hôn đang trên đường đi tuần trăng mật ngay sau đám cưới.

Bà lão lên tiếng, “Không sao. Chúng tôi cũng vừa mới có một phòng trống. Hai cháu ra xe lấy đồ đem vào đây. Để vợ chồng chúng tôi sửa soạn đôi chút.”

Sáng hôm sau, đôi tân hôn thức dậy sớm và chuẩn bị lên đường để khỏi làm phiền hai chủ nhà, họ lặng lẽ mặc quần áo và đặt tờ giấy mười đô la lên bàn rồi nhón chân đi xuống cầu thang.

Khi mở cửa phòng khách, họ thấy hai ông bà cụ ngủ trên bộ ghế sa lông. Thì ra hai ông bà đã nhường căn phòng ngủ duy nhất của họ cho đôi tân hôn.

Anh chồng trẻ ra dấu cho cô vợ rồi nhón gón đi trở lại lên lầu và để thêm năm đô la nữa lên trên bàn.

Câu chuyện này là một minh họa điển hình cho câu chuyện trong bài phúc âm hôm nay.

Cũng như bà goá trong phúc âm, đôi vợ chồng già đã không cho đi những gì dư thừa. Nhưng họ đã cho đi từ nhu cầu thiết thực của mình.

Hơn thế nữa, trong cả hai trường hợp, họ không chỉ độ lượng cho đi mà còn cho đi một cách vui vẻ, thật lòng.

Người ta thường nói có ba loại người cho đi: người cho cách miễn cưỡng, người cho vì bổn phận, và người cho vì muốn cảm tạ.

Người cho miễn cưỡng nói rằng, “Tôi không muốn cho”; người cho vì bổn phận nói rằng, “Tôi phải cho đi”; và người cho vì cảm tạ thì nói, “Tôi muốn cho đi.”

Nói cách khác người cho miễn cưỡng thì cho đi một cách do dự và với ít nhiều oán giận.

Người cho đi vì bổn phận cũng do dự cho đi nhưng với một cảm nhận đúng đắn về bổn phận.

Người cho vì cảm tạ, ngược lại, họ cho một cách thoải mái và thật lòng.

Câu chuyện của bà goá trong phúc âm hôm nay và câu chuyện của hai vợ chồng già trong nông trại là những thí dụ tuyệt vời của sự tạ ơn.

Không ai cho đi với sự ép buộc. Không ai cho đi vì bổn phận. Cả hai đã cho đi từ tấm lòng.

Hai câu chuyện này mời chúng ta tự hỏi về cách chúng ta cho. Chúng ta cho đi cách miễn cưỡng? Chúng ta cho vì bổn phận? Hoặc chúng ta cho chỉ vì đó là điều chúng ta muốn?

Và ở đây, chúng ta không chỉ nói về cho tiền. Chúng ta còn nói về việc cho đi chính mình và thời giờ của mình.

Thí dụ, chúng ta cho đi chính mình và thời giờ như thế nào cho Thiên Chúa vào ngày Chúa Nhật và trong sự cầu nguyện hàng ngày?

Chúng ta cho đi chính mình và thời giờ như thế nào cho người thân trong gia đình, để hỗ trợ và yêu mến họ?

Chúng ta cho đi chính mình và thời giờ như thế nào cho người lân cận, để nói lên sự lưu tâm và phục vụ họ?

Chúng ta có cho miễn cưỡng không, vì chúng ta phải cho, vì nếu không cho chúng ta sẽ bị chỉ trích và bị hình phạt cách nào đó?

Chúng ta có cho vì bổn phận không? Đó là, lẽ ra chúng ta không cho nhưng cảm thấy bó buộc phải làm như vậy?

Hay chúng ta cho đi một cách hân hoan vì chúng ta muốn cho? Đó là, chúng ta cho đi với sự quảng đại và hết lòng như bà goá trong phúc âm và như đôi vợ chồng già trong câu chuyện trên?

Còn một điểm nữa về việc cho đi chính mình mà chúng ta cần suy nghĩ.

Đó là chúng ta có thể cho đi chính mình trong nhiều phương cách khác nhau cho nhiều người khác nhau. Chúng ta có thể nói như thế này: “Quà tặng tốt nhất cho kẻ thù là sự tha thứ, cho người bạn là sự trung thành, cho một đứa trẻ là tấm gương sáng, cho một người cha là niềm vinh dự, cho một người mẹ là tâm hồn, và cho người lân cận là bàn tay của chúng ta”.

Nếu sự cho đi của chúng ta ít hơn là phải có–nếu ít hơn của bà goá trong phúc âm, hoặc nếu ít hơn đôi vợ chồng già trong câu chuyện–thì Chúa Giêsu đang nói với chúng ta trong một phương cách đặc biệt, trực tiếp và cá biệt, trong bài phúc âm hôm nay. Vì Người đã nhắc nhở chúng ta đâu đó trong Phúc Âm: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Luca 6:38).

Chúng ta hãy kết thúc với sự suy nghĩ về việc Thiên Chúa đã rộng lượng ban cho chúng ta:

Chúng ta xin một bông hoa; Người cho cả một bó.
Chúng ta xin một giọt nước; Người ban cho cả đại dương.
Chúng ta xin một hạt cát; Người ban cho cả bãi biển.
Chúng ta xin một nhánh lúa; Người ban cho cả cánh đồng.
Chúng ta xin chút gì để ăn; Người đã ban chính Mình và Máu Người. ML

Previous article10 điều thú vị nhưng ít người biết về Paris
Next articleLời Cầu Nguyện Khiêm Tốn